Cập nhật BCTC quý 3/2022 các doanh nghiệp

Giờ chỉ chết ông nào vay nợ nhiều thấm đòn lãi suất siết tín dụng, kể cả dân buôn đất cũng đã có nhiều vụ tò te rồi nhưng chưa lên báo

DRC: Lợi nhuận sau thuế quý III của Cao su Đà Nẵng tăng 129% (Chưa được kiểm toán)

Lợi nhuận sau thuế quý III/2022 chưa được kiểm toán của CTCP Cao su Đà Nẵng (mã chứng khoán DRC) đã tăng gần 43,4 tỷ đồng, tương đương tăng 129% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên trong Nhà máy sản xuất của DRC. Ảnh: Trần Lê Lâm-TTXVN

Theo báo cáo tài chính quý III/2022 chưa kiểm toán vừa được CTCP Cao su Đà Nẵng công bố, lợi nhuận sau thuế của công ty tăng chủ yếu do doanh thu tiêu thụ tăng.
Báo cáo mới công bố cũng cho thấy, doanh thu bán hàng trong quý III của công ty đạt 1.424 tỷ đồng, tăng 15% so với kế hoạch và tăng 49% so với cùng kỳ năm 2021.

Lợi nhuận trước thuế quý III đạt 96 tỷ đồng, tăng 12% so với kế hoạch và tăng 127% so với cùng kỳ.
Với kết quả sản xuất kinh doanh quý III như vậy, 9 tháng qua, doanh thu bán hàng của Cao su Đà Nẵng đạt 3.975 tỷ đồng, bằng 86% kế hoạch và tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận trước thuế quý III đạt 282 tỷ đồng, bằng 88% kế hoạch và tăng 11% so với cùng kỳ.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DRC đang giao dịch quanh mốc 26.500 đồng/cổ phiếu. Tính chung 9 tháng qua, thị giá DRC giảm 10,08%, trong đó giá đóng cửa cao nhất là 36.020 đồng/cổ phiếu (ngày 18/4) và giá đóng cửa thấp nhất là 25.166 đồng/cổ phiếu (ngày 13/5)

Nguồn: fireant

Doanh nghiệp theo chu kỳ mà đầu giờ muốn đầu tư thì cũng khó, Thép muốn đầu tư lựa HPG có tiềm năng về tương lai ấy

=)))) lúc người ta chửi với nát nhất, đôi khi là lúc hấp dẫn nhất đấy ông ạ (tuy nhiên ko phải thép nào cũng hấp dẫn)

Chu kỳ thép nếu để ý thì cũng đơn giản thôi. Thép nó xuống cũng ác khi lên cũng kinh. Quan trọng nắm dc tính chu kỳ của nó

Ngân hàng tiếp tục lãi lớn, Tăng trưởng hai con số trong Q3 (Chưa kiểm toán)

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2022 vừa bắt đầu và những thông tin tích cực về lợi nhuận của các ngân hàng (NH) thương mại cũng dần hé lộ.

Tăng trưởng hai con số

Cụ thể, NH TMCP Quốc tế (VIB) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 với tổng doanh thu đạt trên 13.300 tỉ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập ngoài lãi đạt hơn 2.400 tỉ đồng, đóng góp 17% vào tổng thu nhập hoạt động. Do kiểm soát tốt chi phí hoạt động nên VIB thu về lợi nhuận trước thuế hơn 7.800 tỉ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 30%, thuộc nhóm hàng đầu thị trường. “VIB là một trong những NH có rủi ro tín dụng tập trung thuộc nhóm thấp nhất thị trường với mức độ phân tán rủi ro tập trung tối đa, tỉ trọng dư nợ bán lẻ chiếm 90% tổng danh mục cho vay, với trên 90% khoản vay có tài sản bảo đảm. NH cũng có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (DN) nằm trong nhóm thấp nhất ngành, khoảng 2.100 tỉ đồng, tương đương 0,9% tổng dư nợ tín dụng, trong đó phần lớn trái phiếu thuộc lĩnh vực sản xuất thương mại và tiêu dùng” - đại diện VIB thông tin.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc NH Sài Gòn Thương tín (Sacombank), thông tin trong bối cảnh NH Nhà nước thực thi các giải pháp thắt chặt tiền tệ, Sacombank đã kịp thời có những giải pháp để bảo đảm hoạt động kinh doanh an toàn - hiệu quả - ổn định. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2022 của Sacombank đạt 4.440 tỉ đồng, hoàn thành 84,1% kế hoạch năm; quy mô huy động và cho vay đều tăng trưởng tích cực. Tổng nợ xấu và tài sản tồn đọng được thu hồi, xử lý của Sacombank đạt hơn 14.700 tỉ đồng, giúp NH giảm đáng kể áp lực tài chính. Vì vậy, Sacombank thu lãi thuần lũy kế trong 9 tháng 2022 tăng 17,3%. Thu dịch vụ của Sacombank cũng tăng 82,3% đến từ mảng phân phối bảo hiểm, mảng kinh doanh ngoại hối cũng tăng 44,6% so cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, các khoản thu nhập phi tín dụng đóng góp gần 40% tổng thu nhập của Sacombank.

Kết quả sơ bộ 9 tháng đầu năm của một loạt NH thương mại khác cũng cho thấy những con số tích cực như TPBank lãi trước thuế 5.926 tỉ đồng, tăng gần 35% so với cùng kỳ năm ngoái; SHB đạt 9.035 tỉ đồng, tăng 79%; SeABank đạt 4.016 tỉ đồng, tăng 58,7%… Trong đó, tỉ lệ nợ xấu của SeABank ở mức rất thấp, chỉ 1,59%; các chỉ số kinh doanh khác đều đạt được mức tăng trưởng cao.

Đánh giá về tăng trưởng lợi nhuận của NH trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA), chỉ ra một trong những khác biệt lớn của các tổ chức tín dụng so DN khác là vốn điều lệ và quy mô tài sản. Các NH cũng như DN được thành lập với mục tiêu kinh doanh vì lợi nhuận nhưng khác với DN thông thường, số vốn điều lệ và quy mô tài sản của các NH là rất lớn. Chẳng hạn, tài sản của một NH thương mại nhà nước đạt khoảng 1,8 triệu tỉ đồng và lợi nhuận khoảng 10.000 tỉ đồng trên tổng số tài sản đó thì không phải là lớn.

Nếu tính theo tỉ lệ sinh lời trên tổng tài sản hoặc tỉ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu của các tổ chức tín dụng so với một số DN ở ngành khác thực tế cũng không phải cao. “Theo tôi, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận các tổ chức tín dụng như hiện nay là bình thường, không đột biến. Tuy nhiên, việc NH có lợi nhuận khả quan sẽ giúp vận hành hệ thống thông suốt, bảo đảm an ninh tiền tệ, trích lập dự phòng rủi ro để khi có nợ xấu xử lý… là điều cần khuyến khích” - ông Nguyễn Quốc Hùng phân tích.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) báo lãi quý III giảm gần 59% (Chưa kiểm toán)

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với sự sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh quý III/2022 của Chứng khoán Vietcombank (VCBS). Nguồn: Thu Hà tổng hợp.

Cụ thể, doanh thu hoạt động trong quý III của VCBS đạt 275,3 tỷ đồng, giảm 15,8% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính FVTPL là 63 tỷ đồng, giảm 36,5%.

Thu từ hoạt động môi giới chứng khoán đạt 76 tỷ đồng, giảm 44,7%. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng 19% lên 84,2 tỷ đồng. Thu từ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán là 16,4 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái.

Ngược chiều doanh thu, chi phí hoạt động của VCBS đạt 79,8 tỷ đồng trong quý III, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả là, lợi nhuận trước thuế của VCBS giảm 58,8% so với cùng kỳ, đạt 73,6 tỷ đồng. Lãi sau thuế của công ty trong quý thứ ba đạt 61,1 tỷ đồng, giảm 57,9%. Theo chia sẻ từ VCBS, thị trường cổ phiếu và trái phiếu biến động phức tạp, không thuận lợi dẫn đến doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ và hoạt động tự doanh giảm so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh các quý của Chứng khoán Vietcombank (VCBS). Nguồn: Thu Hà tổng hợp.

So với quý liền trước, doanh thu hoạt động và lãi trước thuế của VCBS có sự cải thiện. Trong quý II/2022, công ty ghi nhận doanh thu hoạt động và lãi trước thuế đạt 206,7 tỷ đồng và 24,5 tỷ đồng. Trong hai năm gần đây, VCBS ghi nhận doanh thu cao nhất trong quý IV/2021 với doanh thu và lãi trước thuế lần lượt 369,8 tỷ đồng và lợi nhuận cao nhất ở quý I/2021 với gần 200 tỷ đồng.

Cho vay margin củaChứng khoán Vietcombank (VCBS). Nguồn: Thu Hà tổng hợp.

Tổng tài sản của VCBS thời điểm cuối quý III là 8.116 tỷ đồng, giảm khoảng 1.150 tỷ đồng với thời điểm đầu năm. Giá trị cho vay margin của VCBS tại ngày 30/9 là 3.525 tỷ đồng. Quy mô cho vay tăng nhẹ 93 tỷ đồng so với cuối quý II, song thấp hơn 658 tỷ đồng so với mức đỉnh cuối quý I.

FPT: Lãi sau thuế gần 4.900 tỷ đồng trong 9 tháng đầu 2022, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ năm trước (Chưa kiểm toán)

FPT lãi sau thuế gần 4.900 tỷ đồng trong 9 tháng đầu 2022, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ năm trước

Trong đó, LNST thuộc về Cổ đông Công ty mẹ tăng 30% so với cùng kỳ lên 3.943 tỷ đồng.

Tập đoàn FPT (mã chứng khoán: FPT) vừa công bố KQKD 9 tháng đầu năm 2022, ghi nhận tiếp tục đạt mức tăng trưởng trên 20%, vượt kế hoạch đã đề ra từ đầu năm.

Theo đó, tổng doanh thu 30.975 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.665 tỷ đồng, đồng loạt tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Khấu trừ chi phí, FPT lãi sau thuế 9 tháng 4.856 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với thực hiện trong cùng kỳ năm 2021. Trong đó, LNST thuộc về Cổ đông Công ty mẹ tăng 30% lên 3.943 tỷ đồng. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 9 tháng tăng 30% lên 3.605 đồng.

FPT lãi sau thuế gần 4.900 tỷ đồng trong 9 tháng đầu 2022, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ năm trước - Ảnh 1.

Đơn vị: Tỷ đồng

Chi tiết cơ cấu doanh thu, bao gồm:

Thứ nhất, khối Công nghệ ghi nhận 17.742 tỷ đồng doanh thu, LNTT tăng 26% lên 2.635 tỷ đồng, chiếm 47% cơ cấu lợi nhuận cả tập đoàn.

Mảng dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài, FPT ghi nhận nhiều đơn hàng lớn từ thị trường nước ngoài trong 9 tháng đầu năm, trong đó có 18 dự án với quy mô trên 5 triệu USD, doanh thu ký mới đạt 16.799 tỷ đồng (tăng trưởng 42,6% so với cùng kỳ), hướng tới cột mốc tỷ USD vào cuối năm nay. Doanh thu tiếp tục đà tăng trưởng tại mọi thị trường, đặc biệt tại Mỹ (+42.4%) và APAC (+56.4%), thị trường Nhật cũng chứng kiến sự phục hồi tốt với mức tăng trưởng đạt 12%. Doanh thu chuyển đổi số trong 9 tháng 2022 đạt 5,294 tỷ đồng, tăng trưởng 34% so với cùng kỳ, tập trung vào các công nghệ mới như Cloud, AI/Data Analytics, Blockchain,…

Mảng dịch vụ CNTT tại thị trường trong nước giữ mức tăng trưởng dương, đạt doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt 4.263 tỷ đồng và 425 tỷ đồng. Trong đó, các sản phẩm phần mềm Made-by-FPT ghi nhận 658 tỷ doanh thu trong 9 tháng năm 2022, tăng trưởng 48.3% so với cùng kỳ.

Thứ hai, doanh thu Dịch vụ Viễn tăng trưởng 2 con số 16%, đạt 10.243 tỷ đồng. Biên lợi nhuận được mở rộng từ 18.1% lên 18.8% nhờ tăng trưởng lợi nhuận từ mảng PayTV.

Thứ ba, mảng giáo dục tiếp tục mức tăng trưởng doanh thu cao 47%, đạt 3.104 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2022

FPT lãi sau thuế gần 4.900 tỷ đồng trong 9 tháng đầu 2022, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ năm trước - Ảnh 2.

Đơn vị: Tỷ đồng

Về hoạt động khác, ngày 13/10, FPT tại Nhật vừa ký kết thỏa thuận đầu tư không chi phối, trở thành cổ đông chiến lược của LTS, Inc. - công ty trong Top 20 công ty tư vấn, quản trị kinh doanh và chuyển đổi số tại Nhật, với hơn 20 năm kinh nghiệm. Khoản đầu tư chiến lược có thể giúp FPT và LTS, Inc. khai phá tốt nhất các cơ hội trong lĩnh vực tư vấn và dịch vụ công nghệ, với mục tiêu đạt được các hợp đồng trị giá hàng chục triệu đô tại thị trường Nhật Bản cũng như quốc tế.

9 tháng đầu năm, Vinasun (VNS) báo lãi 129,8 tỷ đồng, vượt 481% kế hoạch năm

(ĐTCK) CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã chứng khoán VNS - sàn HOSE) mới công bố BCTC hợp nhất quý III và lũy kế 9 tháng đầu năm 2022.

9 tháng đầu năm, Vinasun (VNS) báo lãi 129,8 tỷ đồng, vượt 481% kế hoạch năm

Cụ thể, trong quý III, VNS ghi nhận doanh thu thuần đạt 353,2 tỷ đồng, gấp 15,4 lần cùng kỳ năm trước. Giá vốn cũng tăng 164%, lên 262,8 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 90,3 tỷ đồng (năm trước lỗ gộp hơn 99 tỷ đồng do kinh doanh dưới giá vốn).

Kỳ này, doanh thu tài chính của VNS tăng 114%, lên hơn 6,2 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính giảm 60%, về còn 1,6 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 312,5% và 140% lên lần lượt 16,5 tỷ đồng và 23,5 tỷ đồng

Kết quả, Vinasun lãi sau thuế 60,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 91,2 tỷ đồng. Nhờ đó, Công ty có lãi liên tiếp 3 quý kể từ chuỗi 7 quý kinh doanh thua lỗ liên tiếp (từ quý I/2021).

Vinasun cho biết, quý III/2021 là khoảng thời gian cao điểm bùng phát của dịch Covid-19, cùng với việc phải tuân thủ các quy định phòng chống dịch của Nhà nước, hầu hết các Công ty đều phải ngừng kinh doanh. Trong khi quý III/2022, hoạt động của Công ty vẫn đang nối tiếp đà tăng trưởng từ quý II/2022, các hoạt động kinh doanh của Công ty tiếp tục phục hồi và phát triển.

Bên cạnh đó, trong quý III, Vinasun đã đầu tư vào hoạt động 317 xe mới trong tổng số 550 xe sẽ được đầu tư trong năm nay. Điều này giúp kết quả kinh doanh của Công ty trong quý III/2022 đã có hiệu quả vượt trội so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp taxi ghi nhận doanh thu thuần đạt 209,7 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 96,3 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế đạt 129,8 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 188 tỷ đồng).

Năm 2022, ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu đạt gần 639 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 27 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, Vinasun đã thực hiện vượt 481% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính đến cuối quý III, tổng tài sản doanh nghiệp cũng tăng 7,6% so với hồi đầu năm, đạt 1.691 tỷ đồng. Trong đó, tiền và tương đương tiền giảm nhẹ về 165 tỷ đồng; các khoản phải thu cũng giảm 22%, còn 183,6 tỷ đồng; song đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 56%, lên 314,9 tỷ đồng.

Nợ phải trả giảm hơn 2%, về còn 356,5 tỷ đồng, chủ yếu do khoản vay ngắn hạn giảm hơn 57%, còn 56,1 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, tạm chốt phiên giao dịch sáng ngày 19/10, cổ phiếu VNS tăng 1,99%, lên 20.500 đồng/CP.

TCI: Lợi nhuận quý III của Chứng khoán Thành Công (TCI) giảm gần 57%, thấp nhất kể từ quý I/2021 (Chưa kiểm toán)

## CTCP Chứng khoán Thành Công (Mã: TCI) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với sự sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả kinh doanh quý III/2022 của Chứng khoán Thành Công (TCI). Nguồn: Thu Hà tổng hợp.

Cụ thể, doanh thu hoạt động trong quý III của Chứng khoán Thành Công đạt 43,9 tỷ đồng, giảm 36,8% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính FVTPL là 8,8 tỷ đồng, giảm 63,8%.

Thu từ hoạt động môi giới chứng khoán đạt 5,3 tỷ đồng, giảm 58,7%. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng 8,4% lên 17 tỷ đồng. Thu từ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán là 8,5 tỷ đồng, giảm 29,8%.

Ngược chiều doanh thu, chi phí hoạt động của Chứng khoán Thành Công là 18,6 tỷ đồng trong quý III, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả là, lợi nhuận trước thuế của Chứng khoán Thành Công giảm 66,7% so với cùng kỳ, đạt 16,8 tỷ đồng. Lãi sau thuế của công ty trong quý thứ ba đạt 14 tỷ đồng, giảm 65,3%.

Kết quả kinh doanh các quý của Chứng khoán Thành Công (TCI). Nguồn: Thu Hà tổng hợp.

Trong ba quý đầu năm nay, doanh thu hoạt động và lợi nhuận trước thuế của Chứng khoán Thành Công giảm 3 quý liên tiếp. Mức lợi nhuận của công ty trong quý III năm nay là thấp nhất kể từ quý I/2021. Trong quý đầu năm 2021, Chứng khoán Thành Công báo lãi trước thuế 82,8 tỷ đồng. Đây cũng cũng quý công ty ghi nhận doanh thu trên 100 tỷ đồng.

Cho vay margin của Chứng khoán Thành Công (TCI). Nguồn: Thu Hà tổng hợp.

Tổng tài sản của Chứng khoán Thành Công thời điểm cuối quý III là 1.529 tỷ đồng, giảm khoảng 43 tỷ đồng với thời điểm đầu năm. Giá trị cho vay margin của Chứng khoán Thành Công tại ngày 30/9 là 621 tỷ đồng, tăng so với mức 504 tỷ đồng thời điểm cuối quý II. So với đầu năm nay, quy mô cho vay ký quỹ giảm khoảng 270 tỷ đồng.

Danh mục FVTPL của Chứng khoán Thành Công cuối quý III là 92,6 tỷ đồng, công ty “all in” vào cổ phiếu PAC. Bên cạnh đó, công ty đang nắm giữ 57 tỷ đồng trái phiếu của Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR).

Danh mục AFS của Chứng khoán Thành Công thời điểm cuối quý III. Nguồn: BCTC quý III/2022.

Tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) của Chứng khoán Thành Công cuối quý III là hơn 259 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cuối quý II. Danh mục này gồm ba mã cổ phiếu là STB, VPB, BBT và các cổ phiếu khác.

C4G: Cienco4 báo lãi tăng 136% quý III (Chưa kiểm toán)

Kết thúc quý III, Cienco4 đạt 68% kế hoạch doanh thu, 57% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

CTCP Tập đoàn Cienco4 (Mã: C4G) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 với doanh thu thuần đạt 668 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 26 tỷ đồng tăng lần lượt 45%, 136% so với cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Cienco4 ghi nhận doanh thu là 2.047 tỷ đồng tăng 37%, lợi nhuận sau thuế là 110 tỷ đồng gấp 1,96 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu là 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 300 tỷ đồng. Như vậy, Cienco4 mới hoàn thành 68% kế hoạch doanh thu, 57% chỉ tiêu lợi nhuận.

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ Cienco4.

Về cơ cấu doanh thu trong 9 tháng, mảng xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất là 59% (1.198 tỷ đồng). Tiếp theo là mảng chuyển nhượng bất động sản đạt 335 tỷ đồng, chiếm 16% và gấp 8,8 lần so với cùng kỳ năm trước.

Cuối quý III, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 8.406 tỷ đồng, tăng 596 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản tiền, khoản tương đương với tiền và tiền gửi có kỳ hạn là 308 tỷ đồng.

Hàng tồn kho của Cienco4 tại ngày 30/9 là 790 tỷ đồng, giảm 40% so với đầu năm và chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang đến từ các dự án như công trình Bến Thành – Suối Tiên, công trình cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất, dự án khu đô thị Long Sơn.

Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ vay của Cienco4 là 3.586 tỷ đồng, chủ yếu là vay dài hạn (2.433 tỷ đồng). 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp tốn 130 tỷ trả lãi vay.

Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp gần 2.455 tỷ đồng bao gồm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 174 tỷ đồng.

IJC: Becamex IJC báo lãi gần 120 tỷ đồng trong quý 3 (Chưa kiểm toán)

CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (Becamex IJC, HOSE: IJC) vừa công bố BCTC hợp nhất quý III/2022 với nhiều thông tin tích cực.

Theo đó, doanh thu thuần quý 3 đạt hơn 517,9 tỷ đồng, tăng khoảng 42,5% so với cùng kỳ, cộng chi phí hoạt động tài chính giảm 40,1%, dẫn đến lợi nhuận sau thuế của IJC tăng 44,5% lên gần 119,5 tỷ đồng.

Bóc tách cơ cấu doanh thu, nổi lên mảng kinh doanh bất động sản trong kỳ đạt 277 tỷ đồng, chiếm 53,5% tổng doanh thu IJC. Các lĩnh vực còn lại như doanh thu cung cấp dịch vụ khác chiếm 18,6% với 96,2 tỷ đồng, bán vé cầu đường chiếm 14,6% với 75,6 tỷ đồng, hoạt động xây dựng đạt 55,3 tỷ đồng tương đương 10,7%…

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần IJC đạt 1.755,9 tỷ đồng; lãi sau thuế là 482,8 tỷ đồng; lần lượt giảm 25,1% và 12,8 % so với cùng kỳ, tương ứng hoàn thành 62% kế hoạch doanh thu và 70,5% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4 vừa qua.

Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản hợp nhất của IJC đạt 6.423 tỷ đồng. Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả giảm mạnh 24% so với đầu năm về còn 2.631 tỷ đồng.

Theo nghị quyết ngày 17/10 của Becamex IJC, công ty này dự kiến tổng doanh thu cả năm sẽ ở mức 2.397 tỷ đồng, đạt 85% với kế hoạch và 91% so với thực hiện năm 2021, lợi nhuận sau thuế của công ty dự kiến ở mức 704 tỷ đồng, tương đương với 103% chỉ tiêu đề ra, tăng 13% so với năm 2021.

Becamex IJC được thành lập năm 2007 theo phương án cổ phần hóa Dự án Quốc lộ 13 từ Tổng công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp (Becamex IDC – HoSE: BCM) và chính thức niêm yết và giao dịch trên sàn HoSE vào năm 2010. IJC hiện có vốn điều lệ 2.170 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản và BOT.

Về cơ cấu sở hữu, theo danh sách cổ đông chốt ngày 16/3, IJC có tổng cộng 19.978 cổ đông nắm giữ hơn 217 triệu cổ phần, trong đó cổ đông lớn duy nhất là Becamex IDC với tỷ lệ 49,76%.

Trên thị trường chứng khoán, tính tới 11h phiên 19/10, cổ phiếu IJC giảm 1,7% về còn 14.550 đồng/CP, hiện IJC đang giao dịch ở vùng đáy kể từ cuối năm 2020.

Đánh giá về triển vọng của IJC, trong báo cáo ngày 13/10, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) định giá cổ phiếu này đang thấp hơn nhiều so với giá trị hợp lý của công ty. Theo ước tính thận trọng của BVSC sử dụng phương pháp NAV và so sánh (PE, PB), giá hợp lý mỗi cổ phần IJC là 25.163 đồng/CP, cao hơn 71,2% giá thị trường ở thời điểm hiện tại.

Theo nhận định của công ty chứng khoán này, xét trên quan điểm quỹ đất và định giá, IJC phù hợp với mục tiêu trung và dài hạn. Sự phục hồi diễn ra sớm hoặc cần thời gian sẽ phụ thuộc nhiều vào kiểm soát soát lạm phát, và cụ thể là quan điểm điều hành chính sách tiền tệ.

Trong kịch bản chính sách tiền tệ sẽ linh hoạt hơn vào nửa sau 2023, hoạt động kinh doanh của IJC sẽ phục hồi do quỹ đất sẵn sàng kinh doanh và thị trường bất động sản tại Bình Dương thanh khoản hơn với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài như Capitaland, Gamuda, VSIP…

Những ngân hàng đầu tiên “vén màn” lợi nhuận 9 tháng đầu năm: VIB, TPB, LPB, STB, SSB (Chưa kiểm toán)

Hiện đã có 5 ngân hàng hé lộ con số lợi nhuận 9 tháng đầu năm với mức tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Trong số 5 ngân hàng ước lãi 9 tháng đầu năm 2022, ngôi vị quán quân về lợi nhuận thuộc về VIB với 7,800 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021 và đã hoàn thành hơn 74% kế hoạch cả năm. Riêng lợi nhuận trước thuế quý 3, Ngân hàng này đạt 2,780 tỷ đồng.

Theo báo cáo, VIB đạt tổng doanh thu trên 13,300 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Thu nhập ngoài lãi đạt hơn 2,400 tỷ đồng, đóng góp 17% vào tổng thu nhập hoạt động. Chi phí hoạt động khoảng 4,600 tỷ đồng, với mức tăng 12%, thấp hơn nhiều so với mức tăng doanh thu. Nhờ đó, hệ số chi phí/doanh thu (CIR) của Ngân hàng giảm xuống còn 35%. Chi phí dự phòng ước tính đạt hơn 900 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/09/2022, tổng tài sản của VIB đạt 341,000 tỷ đồng, tăng 10% so với hồi đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt 228,000 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm.

Vị trí á quân thuộc về TPBank (TPB), ước lãi trước thuế đạt 5,926 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ và thực hiện được hơn 72% kế hoạch cả năm.

Trong đó TPB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 11,951 tỷ đồng, tăng 2,045 tỷ đồng, tương đương hơn 20% so với cùng kỳ. Đóng góp chính trong tổng thu nhập của ngân hàng là nguồn thu nhập từ lãi thuần với hơn 8,600 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, thu nhập từ dịch vụ của ngân hàng cũng tăng trưởng hơn 78% so với cùng kỳ, mang lại nguồn thu 1,876 tỷ đồng. Thu nhập hoạt động dịch vụ khởi sắc mạnh nhờ thu từ phí dịch vụ và hoạt động thanh toán tăng nhanh so với năm 2021.

Tổng tài sản của Ngân hàng tính đến cuối tháng 9/2022 đạt hơn 317,000 tỷ đồng; tổng huy động đạt trên 280,000 tỷ đồng.

Kế đến là LienVietPostBank (LPB) ước lợi nhuận 3 quý đầu năm đạt hơn 4,800 tỷ đồng, tăng 71% so cùng kỳ. Đây cũng là Ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất tính đến thời điểm hiện tại.

LPB cho biết lợi nhuận trước thuế đã cán đích và nhỉnh hơn kế hoạch cả năm 2022 chỉ sau 9 tháng nhờ thu nhập lãi thuần tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ tín dụng bán lẻ cùng các khoản thu lãi khoản vay cơ cấu COVID-19 của các khách hàng đã khôi phục hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của Ngân hàng cũng tăng 43%, đạt hơn 779 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 546 tỷ đồng) khi kết thúc quý 3/2022, nhờ phát triển các dịch vụ trọng tâm như bảo hiểm, thanh toán quốc tế, ngân hàng số…

SeABank (SSB) xếp thứ hai về mức tăng trưởng lợi nhuận - tăng 59% so với cùng kỳ, ước lãi trước thuế đạt 4,016 tỷ đồng, đạt gần 83% kế hoạch 2022.

Theo SSB, tổng thu thuần TOI của nhà băng này đạt gần 7,282 tỷ đồng, tăng 41.5% so với cùng kỳ năm 2021 nhờ sự tăng trưởng từ kinh doanh mảng bán lẻ, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như tăng trưởng các hoạt động doanh thu phí. Mặt khác, thu thuần ngoài lãi (NOII) đạt 2,205 tỷ đồng, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm tỷ lệ 30.28% trên tổng thu thuần của Ngân hàng.

Ngoài ra, trao đổi với Thông tin Chính phủ, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank đã chia sẻ về quá trình tái cơ cấu cũng như hé lộ kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của của ngân hàng này. Theo đó, Chủ tịch Sacombank (STB) cho biết lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đã đạt 4,440 tỷ đồng, thực hiện được hơn 84% kế hoạch năm, trong đó tỷ trọng thu ngoài lãi là 39.4%.

Theo ông Minh, tính đến hết quý 3/2022, Sacombank tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định với tổng tài sản đạt gần 564,200 tỷ đồng, tăng 8.3% so với đầu năm. Tổng huy động đạt 502,535 tỷ đồng, tăng 8.2% so với đầu năm. Dư tín dụng đạt hơn 421,000 tỷ đồng, tăng 8.4% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu 0.86%.

Lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 sẽ khó duy trì tăng trưởng cao?

Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý 4/2022 được NHNN công bố mới đây, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý 3/2022 chưa được như kỳ vọng.

“Sự cạnh tranh từ các tổ chức tín dụng (TCTD) khác” tiếp tục được các TCTD đánh giá là nhân tố quan trọng nhất có thể ảnh hưởng, làm suy giảm tình hình kinh doanh của TCTD trong năm 2022. Trong khi đó, “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” cùng với “Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” được kỳ vọng là những nhân tố khách quan cũng như quan trọng nhất giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của TCTD.

Đáng chú ý, có hơn 70% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện hơn trong quý tới và cả năm 2022 với mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với kỳ vọng tại kỳ điều tra trước. Về lợi nhuận trước thuế trong năm 2022, 88.3% TCTD dự kiến tăng trưởng so với năm 2021. Bên cạnh đó, vẫn có 6.8% TCTD dự kiến lợi nhuận giảm trong năm 2022 và 4.9% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Còn theo đánh giá của các chuyên gia CTCK Agribank (Agriseco Research), lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 và 2023 sẽ khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn 2020-2021. Động lực tăng trưởng của nhóm bị suy giảm khi dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều và NIM chịu áp lực do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng, trong khi lãi suất cho vay khó tăng theo tương ứng.

Tương tự, nhóm phân tích CTCK VNDirect cũng cho rằng, với mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô hiện nay, sẽ ít có khả năng các ngân hàng thương mại được nhận thêm hạn mức tín dụng từ giờ cho đến hết năm. Bên cạnh đó, lãi suất huy động và lãi suất liên ngân hàng tăng nhanh sẽ gây áp lực lên chi phí vốn kể từ thời điểm này cho đến ít nhất là nửa đầu năm 2023.

DGC: Hoá chất Đức Giang lãi sau thuế 9 tháng 4.900 tỷ đồng, gửi ngân hàng gần 7.400 tỷ đồng (Chưa kiểm toán)

Quý III, cả doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của DGC đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, song đã hạ nhiệt so với mức đỉnh ở quý II vừa qua (quý II là quý doanh thu và lợi nhuận cao nhất kể từ khi niêm yết, lần lượt là 4.002 tỷ đồng và 1.894 tỷ đồng).

Cụ thể, doanh thu thuần tăng 79%, đạt 3.696 tỷ đồng; lợi nhuận gộp tăng 2,5 lần, đạt 1.646 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 30,3% lên 44,5%.

Trong quý, doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh 3,5 lần, đạt 143 tỷ đồng (chủ yếu là lãi từ tiền gửi có kỳ hạn và lãi chênh lệch tỷ giá đã thực hiện) khi sở hữu lượng tiền gửi ngân hàng 7.383 tỷ đồng cuối quý III. Các loại chi phí đều gia tăng, cụ thể: chi phí tài chính tăng 38%, đạt 14,6 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 18%, đạt 145 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 12%, đạt 33,6 tỷ đồng.

Kết quả, DGC ghi nhận lợi nhuận sau thuế 1.513 tỷ đồng, tăng 3,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.414 tỷ đồng, tăng gần 3 lần. So với mức đỉnh kỷ lục của quý II trước đó, kết quả doanh thu quý III của DGC thấp hơn 8% và lợi nhuận sau thuế thấp hơn 20%.

Biên lợi nhuận gộp đã giảm 8,6 điểm % so với con số 53% quý II, nguyên nhân là do giá bán tăng cao và tăng nhanh hơn nguyên liệu đầu vào đã giúp DGC có mức biên lợi nhuận gộp quý II cao nhất lịch sử.

Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần của DGC đạt 11.333 tỷ đồng, tăng đột biến gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.917 tỷ đồng, tăng mạnh 4,4 lần. Với kết quả này, DGC đã hoàn thành 94% kế hoạch doanh thu và vượt 40% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2022.


DGC thu về hơn 4.900 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng, vượt 40% kế hoạch lợi nhuận năm. Ảnh minh họa

Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của DGC tăng 54% so với đầu năm. Tài trợ chính cho sự tăng trưởng của tài sản là khoản đầu tư tài chính tài chính ngắn hạn (đều là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 12 tháng), đạt 7.383 tỷ đồng, tăng 3.751 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản tiền gửi này đã đem lại cho Công ty 195 tỷ đồng tiền lãi trong kỳ.

Về nguồn vốn, tính đến cuối tháng 9/2022, nợ phải trả của DGC đã giảm 18,7% so với đầu năm, còn 1.777 tỷ đồng. Nợ vay hoàn toàn là nợ vay ngắn hạn ngân hàng, không biến động nhiều, đạt 877 tỷ đồng. Chủ nợ lớn nhất của DGC hiện tại là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) (405 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) (388 tỷ đồng).

Vốn chủ sở hữu là 10.975 tỷ đồng tại ngày 30/9/2022, tăng 73% so với đầu năm, trong đó vốn góp là 3.798 tỷ đồng do trong năm DGC đã phát hành 200 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của DGC tính đến hết tháng 9 là hơn 5.193 tỷ đồng.

Về dòng tiền, trong kỳ, dòng tiền kinh doanh của DGC dương 3.976 tỷ đồng. Công ty đã mạnh tay chi 6.735 tỷ đồng cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác khiến dòng tiền đầu tư âm tới 3.740 tỷ đồng. Dù đã tăng cường đi vay (dòng tiền vay/trả là 2.531 tỷ đồng/2.524 tỷ đồng, tăng) song lưu chuyển tiền thuần trong kỳ vẫn âm 59 tỷ đồng. Kết quả, lượng tiền và tương đương tiền cuối kỳ giảm 91%, còn 65 tỷ đồng.

Trước đó, SSI Reserch đã đưa ra dự báo lợi nhuận sau thuế của DGC trong 6 tháng cuối năm 2022 ở mức 3.000 tỷ đồng (tăng 61% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2023, đơn vị nghiên cứu dự đoán giá phốt pho vàng có thể thấp hơn năm 2022 do nhu cầu từ các nhà sản xuất chip giảm, do vậy lợi nhuận sau thuế ước tính giảm 13% so với cùng kỳ.

Trong ngắn hạn, SSI Research cho rằng lợi nhuận quý III tăng mạnh so với những cùng kỳ năm trước có thể hỗ trợ tăng giá cổ phiếu DGC.

Trên thị trường, tạm chốt phiên giao dịch sáng ngày 19/10, cổ phiếu DGC tăng 1,1% lên 82,400 đồng/cổ phiếu.

BAB: Bac A Bank báo lãi quý III tăng nhẹ, hoàn thành 71,5% kế hoạch năm (Chưa kiểm toán)

Trong quý III/2022, Bac A Bank ghi nhận sự sụt giảm về khoản chứng khoán đầu tư, tuy nhiên nhờ có khoản tăng đột biến từ các hoạt động kinh doanh khác đã giúp ngân hàng này hoàn thành hơn 70% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.

Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank – Mã: BAB) ngày 18/10 công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 với lợi nhuận trước thuế tăng nhẹ so với cùng kỳ lên 284 tỷ đồng, tương đương tăng 6,5% so với quý III/2021.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, ngân hàng này đã đạt hơn 715 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và hoàn thành 71,5% kế hoạch năm 2022.

Khoản thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính của ngân hàng này trong quý III đạt 636 tỷ đồng, tăng 19,2%, kéo theo 9 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 1.670 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng tới 139% so với cùng kỳ quý III/2021, đạt 23 tỷ đồng giúp cho ngân hàng này 9 tháng đầu năm thu về hơn 60 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ.

Mặc dù trong quý III/2022, hoạt động kinh doanh ngoại hối của BAB mang lại cho nhà băng này khoảng 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên tính chung 9 tháng đầu năm, Bac A Bank vẫn ghi nhận lỗ 3,9 tỷ đồng.

Hoạt động chứng khoán đầu tư cũng ghi nhận lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm trước, từ 94 tỷ đồng xuống còn 24 tỷ đồng, tính chung 9 tháng ngân hàng giảm hơn 71% trong khoản đầu tư này.

Tuy nhiên, Bac A Bank vẫn ghi nhận một khoản lãi vượt trội khi tăng từ 1,7 tỷ lên hơn 82 tỷ đồng trong hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng kéo theo 9 tháng tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ, từ 12,8 tỷ đồng lên hơn 100 tỷ đồng.

Trong quý III/2022, tổng tài sản tại Bac A Bank ghi nhận đạt 124.092 tỷ đồng, trong đó khoản cho vay khách hàng đạt 91,43 tỷ đồng, tăng 9,45% so với cùng kỳ và tiền gửi của khách hàng tăng 2,4%, đạt 95.698 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng tài sản của ngân hàng này tăng 3,6%, đạt hơn 124.000 tỷ đồng.

Về nợ xấu, tính đến ngày 30/9/2022, số dư nợ xấu của Bac A Bank đã giảm 13,3%, đạt 542 tỷ đồng. Từ đó kéo theo tỷ lệ nợ xấu giảm từ 0,74% xuống còn 0,59%.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, ngân hàng Bac A Bank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2021. Cùng với đó, tổng tài sản của ngân hàng đạt 130.000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với đầu năm, huy động vốn khách hàng tăng 9% và tổng cấp tín dụng tăng 10%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%.

Trong năm nay, Bac A Bank cũng dự kiến tăng vốn từ 7.531 tỷ đồng lên 9.354 tỷ, tương ứng tăng thêm 1.822 tỷ đồng. Trong đó ngân hàng đã phát hành thành công 60 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông và chào bán 122 triệu cổ phiếu tỷ lệ 15% với giá dự kiến 15.000 đồng/cp.

Nguồn vốn thu được từ cả 2 đợt phát hành được Bac A Bank dùng hơn 800 tỷ đồng để đầu tư tài sản nhằm tăng năng lực hoạt động và hơn 1.022 tỷ đồng để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh.

Hóng SKG !

1 Likes

cổ đông chiến lược SKG à bác?

1 Likes

Chuẩn b. Ngon mà ít người biết là gu tui :joy:

SKG có gì đáng chú ý bác?

ngon như nào bác?