Cập nhật Ngành Dệt may - Dự kiến dần phục hồi, cần tích hợp theo chiều dọc

, , , ,

Mở tài khoản chứng khoán miễn phí, đăng ký ngay: Đăng ký mở tài khoản chứng khoán trực tuyến tại Chứng khoán Vietcap (Vietcap)
Ngành Dệt may của Việt Nam đã đối mặt với thách thức lớn. Xuất khẩu quý 4/2022 và 5 tháng đầu 2023 (5T 2023) lần lượt giảm 14% YoY và 19% YoY. Các thương hiệu và nhà bán lẻ toàn cầu đã giảm mạnh hàng tồn kho trong giai đoạn này do nhu cầu của người tiêu dùng cuối giảm. Trong quá trình này, họ đặt các đơn hàng nhỏ hơn với thời gian thực hiện ngắn hơn và đơn giá thấp hơn. Do đó, họ ưu tiên các cơ sở tìm nguồn cung ứng gần hơn (Thổ Nhĩ Kỳ) hoặc có chi phí sản xuất thấp hơn (Bangladesh). Ngoài ra, Trung Quốc đã mở cửa lại nền kinh tế vào quý 1/2023. Bên cạnh đó, tỷ giá của đồng VND tăng so với các đối thủ cạnh tranh (Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia) đã ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, lượng tồn kho của khách hàng dự kiến về mức ổn định trong vài tháng tới. Các nhà bán lẻ như Target, Kohl’s, Walmart đã ghi nhận lượng hàng tồn kho (bao gồm hàng không thiết yếu như quần áo) giảm so với cùng kỳ năm trước trong quý 1/2023. Các chủ sở hữu thương hiệu thời trang thường ngày như Inditex và H&M có lượng hàng tồn kho đi ngang so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các thương hiệu thời trang thể thao như Nike và Adidas vẫn đang kỳ vọng hàng tồn kho sẽ trở lại mức ổn định vào giữa năm 2023, và lượng hàng tồn kho của các thương hiệu này cao hơn so với cùng kỳ năm trước trong quý 1/2023. Một số nhà sản xuất hàng may mặc đang nhận được đơn đặt hàng với thời gian giao hàng dài (chỉ các đơn đặt hàng với thời gian giao hàng ngắn từ đầu năm đến nay), cho thấy hoạt động tái nhập hàng dần diễn ra trong nửa cuối năm 2023.

Việc tái nhập hàng và lãi suất VND thấp hơn có thể giúp cho ngành trong nửa cuối năm. Khi các đơn hàng lớn hơn quay trở lại, chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ được ưu tiên hơn so với 6 tháng qua. Ngoài ra, lãi suất điều hành của Việt Nam đã giảm 100 điểm cơ bản kể từ tháng 3.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng nhu cầu của người tiêu dùng cuối vẫn yếu. Trong 2 đợt suy thoái gần nhất ở Mỹ (ngoại trừ COVID-19) doanh số bán lẻ quần áo hàng tháng của quốc gia này đi ngang/giảm trong 2 năm. Trong khi đó, kể từ giữa 2022, doanh số này chưa giảm đáng kể. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự kiến nhu cầu dệt may toàn cầu sẽ giảm 5%-10% vào năm 2023.

Sợi và trang phục casual sẽ dẫn dắt sự phục hồi. Chúng tôi quan sát xuất khẩu sợi và xơ của Việt Nam và sản lượng bán của CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSE:STK). 2 chỉ số này chạm đáy và phục hồi trong tháng 4 - tháng 5/2023 sau khi giảm mạnh vào đầu năm nay. Trong khi đó, xuất khẩu hàng may mặc vẫn còn yếu trong tháng 4 - tháng 5. Các nhà sản xuất hàng may mặc niêm yết kỳ vọng lượng đơn hàng sẽ phục hồi dần trong nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Vốn là nguyên liệu đầu nguồn, sợi có doanh số thường biến động mạnh hơn và diễn ra trước các sản phẩm hạ nguồn. Đối với nhu cầu của người tiêu dùng, trang phục casual đang vượt trội so với trang phục thể thao —xu hướng này trái ngược với diễn biến trong đại dịch.

STK: Sản lượng bán tăng mạnh, định giá phù hợp. Chúng tôi tin rằng STK sẽ phục hồi sớm từ việc tái nhập hàng trong ngắn hạn và tiêu thụ polyester tái chế trong trung hạn. Ban lãnh đạo cho thấy sản lượng bán quý 2/2023 đang phục hồi khoảng 30% so với quý trước. Tuy nhiên, lộ trình phục hồi của STK đang chậm hơn kỳ vọng của chúng tôi và tỷ lệ tăng so với giá mục tiêu của chúng tôi đã giảm còn 17% kể từ lần gần nhất chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA đối với STK với giá mục tiêu là 33.300 đồng/cổ phiếu.

Dệt may và giày dép thuộc những ngành sử dụng lao động lớn nhất của Việt Nam. Theo các hiệp hội ngành, dệt may sử dụng khoảng 3 triệu lao động và giày dép sử dụng khoảng 1,5 triệu lao động – chiếm tổng cộng 9% lực lượng lao động của Việt Nam. Trong 5T 2022, 235.000 lao động trong 2 ngành này bị thôi việc hoặc cắt giảm thời gian làm việc, chiếm 46% tổng số lao động bị ảnh hưởng trong các ngành.

Triển vọng trung hạn: Việt Nam mở rộng thượng nguồn khi các nước có lao động chi phí thấp hơn tăng tốc trong ngành may mặc. Các mô hình cung ứng dệt may đã chuyển từ “Trung Quốc cộng nhiều nước khác” sang “Trung Quốc cộng Việt Nam cộng nhiều nước khác”. Trong 5 năm qua, Việt Nam đã tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng may mặc nhanh hơn Bangladesh. Tuy nhiên, Việt Nam đang dần trở nên bớt hấp dẫn về mặt chi phí nhân công. Trong khi đó về phía thượng nguồn, Việt Nam đã trở thành quốc gia top 10 về xuất khẩu vải, là quốc gia duy nhất bên cạnh Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng thị phần đáng kể trong 5 năm qua. Nhiều doanh nghiệp FDI của Đài Loan và Trung Quốc có kế hoạch duy trì/thiết lập sự hiện diện vải/sợi tại Việt Nam đồng thời đa dạng hóa sản xuất hàng may mặc sang các quốc gia khác.