ĐẾN LÚC PHẢI THAY ĐỔI
(Tác giả: Nguyễn quang Dy)
Theo Alexander Vuving (APCSS), những biến đổi sâu sắc dưới thời TBT Tô Lâm không chỉ là cải tổ chính sách, mà còn để định hình lại đất nước và cân bằng quyền lực. Chương trình nghị sự của Tô Lâm tập trung chủ yếu vào hiện đại hóa, nhưng cũng gắn chặt với đấu tranh quyền lực trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIV (2026). Bằng cách gắn tương lai chính trị của cá nhân mình với sự thay đổi toàn diện của đất nước, Tô Lâm đang thực hiện một ván cược lớn: Nếu tầm nhìn này thành công, ông sẽ củng cố di sản của mình là nhà lãnh đạo mang lại nhiều thay đổi nhất cho Việt Nam trong nhiều thập kỷ. (Vietnam’s new leader is raising expectations to a new level, Alexander Vuving, Nikkei Asia, February 28, 2025).
Trong ba mươi năm qua, Việt Nam đã theo thuyết bốn nguy cơ (được xác định năm 1994) gồm “diễn biến hòa bình”, tụt hậu về phát triển kinh tế, chệch hướng khỏi CNXH, và tham nhũng. Nay Tô Lâm đang viết lại kịch bản. Ông xem tình trạng trì trệ kinh tế là mối nguy lớn nhất. Đại chiến lược của ông khác hẳn với những người tiền nhiệm. Tầm nhìn của ông không phải là sự sống còn mà là sự trỗi dậy, Đó là sự chấm dứt kỷ nguyên đổi mới. Ông gọi kỷ nguyên mới là kỷ nguyên vươn mình, nhấn mạnh vào sự phục hưng đất nước hơn là quản lý khủng hoảng. Thay đổi này không chỉ là về chính sách, mà còn là về quyền lực.
Từ lâu, Việt Nam cho rằng ổn định về ý thức hệ, cải cách dần dần có tính kế tục (gradualism) là điều quan trọng nhất. Nay Tô Lâm đang phá bỏ sách lược này. Việc tái cấu trúc bộ máy hành chính của đảng và nhà nước là động thái lớn nhất trong lịch sử Việt Nam sau đổi mới. Tuy Tô Lâm cam kết hiện đại hóa vượt qua bất kỳ lãnh đạo nào trước đây, nhưng điều đó cũng vì quyền lực: Bằng cách định hình lại quỹ đạo của đất nước, ông đang củng cố quyền lực của chính mình. Câu hỏi là liệu đây có phải là một sự chuyển đổi dài hạn thực sự, hay chỉ là một vở kịch chính trị trước thềm Đại hội Đảng XIV.
Nhiều năm qua, Trung Quốc đã thống trị chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy Việt Nam xuống nhóm nước sản xuất có giá trị gia tăng thấp. Việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng này trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung đã tạo cơ hội cho Việt Nam leo cao trong chuỗi giá trị, nhưng vẫn đầy bất định. Dù sao, quyết định cải cách của Tô Lâm đã nâng kỳ vọng lên một mức cao chưa từng có. Nếu không đạt được các mục tiêu kinh tế, các nhà lãnh đạo sẽ buộc phải tìm cách biện minh cho thất bại của mình, hoặc đối mặt với rủi ro chính trị. Điều đó có nghĩa là bất kể các cải cách của Tô Lâm có thành công hay không, cũng phải thúc đẩy hành động.
TBT Tô Lâm không phải là một nhà cải cách theo mô hình tự do dân chủ như “Đổi Mới 2.0”, tiếp theo “Đổi Mới 1.0” (năm 1986). Nói cách khác, ông theo chủ nghĩa hiện đại hóa như mô hình chủ nghĩa phát triển chuyên chế kiểu Đông Á của Park Chung-hee ở Hàn Quốc. Tuy chủ trương cải cách của Tô Lâm là thật sự và nó có thể làm thay đổi nhà nước và nền kinh tế Việt Nam một cách sâu sắc, nhưng đồng thời đó cũng là một phương tiện để củng cố quyền lực. Cho dù cuối cùng Tô Lâm có thành công hay thất bại thì rõ ràng ông đang định hình lại Việt Nam. Cục diện chính trị đất nước sẽ không bao giờ như trước nữa.
Muốn đánh giá một chính khách thực thụ, đừng xem việc người ấy làm, mà phải xem “hệ quả của việc người ấy làm”. Dường như Tô Lâm không chỉ “quản trị sự thay đổi”, mà còn đang “thay đổi cách quản trị”. Nói cách khác, muốn dẫn dắt sự nghiệp “đổi mới lần thứ hai” thành công, lãnh đạo phải kiên quyết cải tổ hệ thống bằng “cách mạng”, chứ không chỉ bằng thay đổi cách quản trị. Vì vậy, lãnh đạo cần phải có cả năng lực “đổi mới tư duy” về hệ tư tưởng, chứ không chỉ cần năng lực “kỹ trị”.
Người ta hay nói “thời thế tạo anh hùng”. Nhưng anh hùng phải biến thời cơ thành hiện thực. Điều đó không dễ. Trong lịch sử, Việt Nam đã có nhiều cơ hội, nhưng cũng để mất nhiều cơ hội hiếm có. Thế giới đang thay đổi chóng mặt, với những biến số khó lường. Chưa bao giờ Việt Nam đứng trước thời cơ lớn và thách thức lớn như hiện nay. Điều đó đòi hỏi lãnh đạo cũng như toàn dân phải đồng lòng và quyết tâm “biến nguy thành cơ”, vươn mình kiến tạo một nước Việt Nam cường thịnh, phát triển đột phá trong kỷ nguyên mới.
Một số chuyên gia cho rằng “mô hình Tô Lâm” kết hợp giữa di sản của cố TBT Nguyễn Phú Trọng theo truyền thống Việt Nam về đối nội (chống tham nhũng) và về đối ngoại (ngoại giao cây tre) với tính năng động và quyết đoán của một nhà cải cách theo mô hình Đông Á. Điều đó tạo ra biến số quyết định cuộc chơi trong bối cảnh chuyển giao lãnh đạo ở Việt Nam. Biến số đó phá vỡ nguyên trạng dựa vào chủ nghĩa “đặc thù” và “tiệm tiến”.
Thay lời kết
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình (14-15/4/2025) là cơ hội để Trung Quốc lấy lòng Việt Nam, chứng tỏ là đối tác đáng tin cậy trong khu vực. Trong chuyến thăm, hai bên đã ký 45 văn kiện. Theo Nguyễn Khắc Giang (ISEAS), chuyến thăm “vừa là cơ hội vừa có rủi ro”. Trong khi Tập viết “không ai thắng trong chiến tranh thương mại”, Trump nhận xét “họ tìm cách chơi Mỹ” (how to screw the US). Còn Hà Nội không muốn mọi người nghĩ rằng họ quá gần Trung Quốc. (Guardian, 14-15 April 2025).
Dư luận quan tâm đến chuyến thăm vì hàm ý đối với bàn cờ Mỹ-Trung và quan hệ Việt-Trung. Cách đây gần 2 năm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm Việt Nam (12/2023) sau khi Tổng thống Joe Biden đã đến thăm để nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên CSP (9/2023). Tuy còn quá sớm để cho rằng cái bóng của Hội nghị Thành đô đã mờ nhạt, nhưng có thể nói rằng quan hệ Việt-Trung đã chuyển sang một giai đoạn mới cân bằng hơn. Đó là một bước ngoặt quan trọng, mở ra cơ hội để Việt Nam vươn mình trỗi dậy trong kỷ nguyên mới.