Câu chuyện về nâng lãi suất điều hành và tác động!?

Hôm nay làm một bài tổng hợp về lãi suất điều hành để chia sẻ với anh em trên diễn đàn, những kiến thức tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau. Nếu có gì góp ý và thảo luận mọi người cứ mạnh dạn nhé :smiley:

1/ Lãi suất điều hành là gì? Có bao nhiêu loại lãi suất điều hành?

NHNN (SBV) được sinh ra với nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là điều hành chính sách tiền tệ trong nước. Thông qua các biện pháp chính sách của mình, SBV gián tiếp làm thay đổi cung tiền, lãi suất và tỷ giá trên thị trường, từ đó tác động đến tăng trưởng kinh tế và ổn định lạm phát. Có rất nhiều công cụ để SBV thực hiện được vai trò của mình và một trong số đó là điều chỉnh các loại lãi suất điều hành. Tùy thuộc vào mỗi giai đoạn khác nhau, SBV có thể lựa chọn điều chỉnh các loại lãi suất điều hành của mình để đạt được mục tiêu tiền tệ. Có tổng cộng 5 loại lãi suất điều hành sau đang được SBV sử dụng:

  1. LÃI SUẤT OMO:

Hay còn gọi là lãi suất cho vay trên thị trường mở. Nghiệp vụ thị trường mở có vai trò điều tiết thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong ngắn hạn. Trong trường hợp thanh khoản hệ thống “khát vốn”, SBV chào mua repo (mua sau đó bán lại) giấy tờ có giá từ các ngân hàng thương mại và cung ứng thanh khoản ra hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, đây chỉ là hành động mang tính giải khát tạm thời vì nghiệp vụ repo buộc các NHTM phải mua lại số giấy tờ có giá một thời ngắn sau đó. Mức lãi suất OMO thường cao hơn so với lãi suất liên ngân hàng và được xem là lãi suất “trần mềm” của lãi suất liên ngân hàng.

2.LÃI SUẤT TÍN PHIẾU

Ở chiều ngược lại khi nhận thấy thanh khoản từ hệ thống NHTM đang có dấu hiệu dư thừa thì SBV có thể hút ngược trở lại tiền từ hệ thống bằng cách chào bán outright (mua đứt bán đoạn) tín phiếu kho bạc kỳ hạn ngắn. Vì đây là mức lãi suất mà NHNN “đi vay” các NHTM trên thị trường mở nên do đó có thể xem đây là mức lãi suất “sàn mềm” của lãi suất liên ngân hàng.

3.LÃI SUẤT CHIẾT KHẤU

Trong trường hợp NHTM không thể tiếp cận được kênh thị trường mở thì vẫn còn cứu cánh khác đó là vay chiết khấu tại NHNN. Lãi suất chiết khấu là lãi suất mà NHTM phải trả khi đem giấy tờ có giá đến thế chấp tại “cửa sổ chiết khấu” của SBV. Đây là công cụ thể hiện vai trò là người cho vay cuối cùng khi không còn ai cung cấp dự trữ cho NHTM. Cho vay chiết khấu là một công cụ hiệu quả để cung cấp dự trữ cho hệ thống ngân hàng vì dự trữ được chuyển đến ngay các ngân hàng cần chúng nhất. Cho vay chiết khấu cũng là một phương tiện để SBV khuyến khích các NHTM nên nắm giữ một loại giấy tờ có giá nào đó bởi không phải tất cả các giấy tờ có giá đều được SBV chấp nhận cầm cố cho các NHTM vay. Cũng giống như lãi suất OMO, lãi suất chiết khấu được xem là một loại lãi suất trần mềm của lãi suất liên ngân hàng.

  1. LÃI SUẤT TÁI CẤP VỐN

Trong trường hợp NHTM đã cạn kiệt giấy tờ có giá, lúc này cả kênh OMO và kênh cửa sổ chiết khấu đều trở nên vô dụng. NHTM sẽ sử dụng phương án cuối cùng là vay tái cấp vốn từ NHNN. Hình thức vay này cũng gần giống với vay chiết khấu, tuy nhiên thay vì NHTM đem giấy tờ có giá đến “cầm cố” thì NHTM có thể dùng các hồ sơ tín dụng (thường là của các tổ chức hạng A) đến thế chấp tại của sổ tái cấp vốn của NHNN. Đây là lãi suất phạt của SBV dành cho các NHTM cạn kiệt cả dự trữ lẫn giấy tờ có giá, do đó đây là mức lãi suất cao nhất trong số các loại lãi suất điều hành của SBV. Ý nghĩa của việc điều hành lãi suất tái cấp vốn cũng tương tự với lãi suất chiết khấu, vừa có tác động đến cung tiền và đến lãi suất của các NHTM.

  1. LÃI SUẤT DỰ TRỮ/VƯỢT DỰ TRỮ BẮT BUỘC

Theo quy định bắt buộc, để đảo bảo tính an toàn cho hệ thống ngân hàng thì cứ mỗi đồng khách hàng gửi vào hệ thống NHTM, các NHTM phải trích ra một tỷ lệ nhỏ tương ứng gửi lại tại NHNN trước khi dùng số tiền này để cho vay các khách hàng khác. Phần dự trữ bắt buộc các NHTM để tại NHNN và phần dự trữ vượt mức bắt buộc gọi chung là dự trữ, và lãi suất mà NHNN trả cho phần dự trữ này gọi là lãi suất dự trữ (thực tế lãi suất dự trữ bắt buộc và lãi suất dự trữ vượt mức khác nhau). Đây là một công cụ để SBV điều tiết cung tiền thị trường. Bằng cách nâng lãi suất dự trữ, NHNN khuyến khích các NHTM gửi tiền dự trữ nhiều hơn, từ giảm đi lượng tiền cung ứng ra ngoài thị trường. Ngược lại, nếu muốn tăng cung tiền kích thích tín dụng, NHNN có thể giảm lãi suất tiền gửi dự trữ để các NHTM cho vay nhiều hơn, hạn chế để tiền tại NHNN.
(Theo wichart)

2/ Mục đích khi nâng lãi suất điều hành? Yếu tố nào sẽ bị ảnh hưởng?
Theo thông cáo phát đi ngày hôm nay, Ngân hàng Nhà nước cho quyết định nâng các loại lãi suất điều hành thêm 1%/năm nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tiền tệ.
Lãi suất điều hành tăng nhằm thu hút nguồn tiền gửi, để đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Đặt trong mối liên hệ lãi suất - tỉ giá - lạm phát, với yêu cầu về ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, để giảm bớt áp lực lên tỉ giá, cũng như kìm giữ lạm phát, thì việc điều chỉnh tăng lãi suất điều hành là cần thiết trong giai đoạn hiện tại


(Theo TTO - Ngày 24.10.2022)

Việc tăng lãi suất điều hành sẽ có những tác động:

  • Tác động đến quá trình khai thác và sử dụng vốn của các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp tục thu hút nguồn tiền gửi, để đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế (thông qua lãi suất)
  • Tác động lên tỷ giá: giảm bớt áp lực của tỷ giá (do nhiều đồng tiền mạnh của một số nền kinh tế lớn mất giá so với đồng USD cũng tác động và gây áp lực lớn)

3/ Tác động của lãi suất điều hành đến Thị trường chứng khoán:

  • Môi trường lãi suất cao sẽ khiến cho thị trường có sự thanh lọc
  • Bối cảnh thị trường Việt Nam khi phần đông các thành viên thị trường tham gia giao dịch ngắn hạn trên thị trường và dùng đòn bẩy tài chính lớn nên các yếu tố tâm lý, hành vi ngắn hạn sẽ tác động (tăng lãi suất hút tiền về)
  • Trong dài hạn khi những yếu tố hành vi, tâm lý ngắn hạn qua đi thị trường sẽ vận động theo những yếu tố cơ bản và mang lại giá trị cho những nhà đầu tư đủ kiên nhẫn.
  • Còn về phía doanh nghiệp, lãi suất tăng lên sẽ khiến chi phí vốn của doanh nghiệp tăng lên và làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp và khiến các doanh nghiệp cũng sẽ phải cân nhắc nhiều hơn khi muốn mở rộng sản xuất kinh doanh. Vì thế, lãi suất cao sẽ thanh lọc thị trường và chỉ những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả cao mới trụ vững và phát triển.
  • Tóm lại TTCK sẽ bị ảnh hưởng ngắn hạn về mặt tâm lý, còn trung và dài hạn phải chờ các động thái tiếp theo từ FED và NHNN :slight_smile:

4/ Tác động về mặt tỷ giá

  • Về tỷ giá: sẽ hạ nhiệt và ổn định hơn (tuy còn phải chịu nhiều yếu tố vĩ mô bên ngoài khác); việc điều chỉnh tỷ giá có thể là động thái kích thích hoạt động xuất khẩu, bởi khi đồng tiền Việt Nam giảm giá ở mức hợp lý thì hàng hóa của Việt Nam sẽ có tính cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế
    Cũng theo ông Francois Painchaud, các biện pháp can thiệp ngoại hối có thể giúp đối phó với tình hình phức tạp của thị trường hiện nay và Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc sử dụng các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô thận trọng.
    Nguồn tham khảo: Thời báo tài chính, Hà nội mới
1 Likes

Đây là một số tác động được đưa ra bởi TPS, đưa lên để ae có thêm góc nhìn sâu hơn nhé:

Lãi suất điều hành tăng sẽ ảnh hưởng đến:
1/ Đối với doanh nghiệp:

  • Chủ thể bị tác động mạnh nhất do họ phải đối mặt với khó khăn ở cả hai khu vực sản xuất và thị trường. Về sản xuất, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, hoặc tăng chi phí vốn. Điều này sẽ dẫn đến tác động chi phí đẩy, làm giá bán của sản phẩm tăng lên.
  • Các doanh nghiệp thường vay tiền từ NHTM để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh. Khi lãi suất đi vay tăng, doanh nghiệp có thể trì hoãn các kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh thu cũng như lợi nhuận.
  • Về thị trường, khi các doanh nghiệp phải tăng giá bán hàng hóa có thể làm giảm nhu cầu tiêu dùng từ đó sẽ ảnh hưởng đến quy mô sản xuất và làm giảm nhu cầu tuyển dụng lao động.

2/ Thị trường chứng khoán:

  • Mặt bằng lãi suất tăng lên sẽ khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp có khả năng suy giảm và làm giảm định giá cổ phiếu do chi phí sử dụng vốn tăng lên. Vì vậy, lợi nhuận kỳ vọng đối với thị trường chứng khoán sẽ khó vượt trội trong năm 2022.
  • Theo dữ liệu lịch sử, khi lãi suất tăng giá cổ phiếu thường có diễn biến tăng ở nhóm cổ phiếu tài chính, bảo hiểm và các ngành có tính phòng thủ nhưng giảm ở phần lớn các nhóm ngành còn lại.
    (Chỗ này làm rõ xíu là do ngành bảo hiểm đa số tiền mặt gửi ngân hàng nên sẽ được hưởng lợi đôi chút, chứ biên lợi nhuận ngành này mỏng :slight_smile: )

3/ Đối với hộ gia đình:

  • Lãi suất huy động tăng lên làm giá trị VND gia tăng, từ đó sẽ khuyến khích hộ gia đình tăng cường gửi tiết kiệm và giảm bớt các khoản chi tiêu không cần thiết.

4/ Ngành ngân hàng:

  • Trần lãi suất huy động tăng có thể khiến chi phí đầu vào của các NHTM gia tăng từ đó khiến lãi suất cho vay sẽ tăng theo.
  • Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu “tăng lãi suất huy động, ổn định lãi suất cho vay” mà Thủ Tướng đặt ra, nhiều NHTM có khả năng sẽ phải giảm biên lãi ròng (NIM).
  • Điều này sẽ làm giảm lợi nhuận kỳ vọng của ngành ngân hàng

Tóm lại, môi trường lãi suất tăng sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam ở nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, việc ổn định lạm phát và các biến số vĩ mô được xem là mục tiêu quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững của các doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và phát triển thị trường tài chính trong dài hạn.

Nguồn: TPS

Một video hay về giải thích nâng trần lãi suất:

Lâu lâu cập nhật một xíu về lãi suất liên ngân hàng cho anh em:

Sóng gió dần qua, lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt

Đến phiên hôm qua, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm chỉ còn ở mức 4,34%/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức 7% cùng kỳ hạn tại hồi đầu tháng 10/2022…

Ảnh minh hoạ

Sau những hành động điều hoà thanh khoản hệ thống của Ngân hàng Nhà nước, có vẻ sóng gió trên thị trường tiền tệ đã qua và lãi suất liên ngân hàng dần hạ nhiệt.

Cụ thể, ghi nhận trong tuần trước (7/11-11/11), trạng thái thanh khoản ngắn hạn của hệ thống ngân hàng tiếp tục được điều tiết linh hoạt thông qua hoạt động thị trường mở.

Với việc có tới 48 nghìn tỷ đồng đáo hạn trong tuần trước, nghiệp vụ OMO vẫn được sử dụng xuyên suốt tuần với tổng khối lượng là 23 nghìn tỷ đồng, ở kỳ hạn 14 ngày và lãi suất trúng thầu là 6%.

Theo đó, kết tuần, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm về 81 nghìn tỷ đồng (từ mức 101 nghìn tỷ trong tuần trước đó). Trái lại, Ngân hàng Nhà nước không phát hành thêm tín phiếu và đưa khối lượng lưu hành trên kênh tín phiếu về mức 0.

Như vậy, tổng cộng trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng nhẹ 5,6 nghìn tỷ đồng thông qua hoạt động OMO. Việc hút ròng này tiếp tục được diễn ra trong phiên giao dịch hôm qua (15/11). Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước hút ròng thêm 6,4 tỷ đồng từ thị trường qua kênh cầm cố.

Trước đó, khi lãi suất liên ngân hàng có dấu hiệu tăng nóng, Ngân hàng Nhà nước đã có 2 tuần liên tiếp ở trạng thái bơm ròng lớn tại cuối tháng 10 và tuần đầu tháng 11, với quy mô lên tới 120 nghìn tỷ đồng. Và việc đảo ngược sang trạng thái bơm ròng chỉ xuất hiện khi lãi suất liên ngân hàng bắt đầu hạ nhiệt.

Đến phiên hôm qua, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm chỉ còn ở mức 4,34%. Thấp hơn rất nhiều so với mức 7% cùng kỳ hạn tại hồi đầu tháng 10/2022.

Thêm một điểm tín hiệu tích cực khác cho thanh khoản hệ thống. Đó là quy mô giao dịch trên liên ngân hàng đã sôi động trở lại. Hiểu đơn giản, với tính mấp mô của quy mô của hệ thống, khi vốn dư thừa ngắn hạn tăng lên và tâm lý phòng ngừa rủi ro giảm, các ngân hàng lớn sẽ dùng nguồn vốn dư thừa ngắn hạn đó cho các ngân hàng quy mô nhỏ vay trên liên ngân hàng.

Đáng chú ý, dù lãi suất VND liên ngân hàng đã hạ nhiệt, nhưng nhiều chuyên gia vẫn cho rằng Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ điều tiết thanh khoản linh hoạt để mặt bằng lãi suất này ở kỳ hạn qua đêm duy trì ở mức 6-7%/năm. Bởi lẽ, nếu để lãi suất VND liên ngân hàng quá thấp sẽ thu hẹp mức chênh lệch với lãi suất USD, qua đó áp lực tăng lên tỷ giá USD/VND.

Theo nhóm nghiên cứu tại SSI: “Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã giảm nhiệt tương đối mạnh trong tuần trước khiến cho chênh lệch giữa lãi suất VND và USD bị thu hẹp đáng kể. Trong tuần này, chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hút ròng nhằm đẩy mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng lên mức an toàn hơn so với USD, giảm bớt áp lực lên tỷ giá”.