Trong cái nắng nóng như thiêu đốt, vùng mía nguyên liệu trồng mới lẫn mía tái sinh của Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) đang quay quắt trong ‘chảo lửa’…
Mía thu hoạch muộn bị giảm năng suất
Gia Lai đang trải qua đợt nắng nóng kỷ lục, nhiệt độ có thể vượt qua mức cao nhất được ghi nhận vào năm 2020. Theo dự báo, từ giữa tháng 4 đến hết tháng 5/2024, nhiệt độ ở một số vùng trên địa bàn Gia Lai sẽ cao đến trên 41 độ C, trời lại vắng mưa. Trong thời gian này sẽ xuất hiện thêm từ 3 - 5 đợt nắng nóng gay gắt cục bộ, kéo dài khiến nhiều diện tích cây trồng bị ảnh hưởng.
Theo ông Nguyễn Chúc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Gia Lai, nắng nóng kéo dài đã khiến mực nước trong các hồ thủy lợi sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí nhiều hồ chứa hiện đã cạn kiệt. Nhiều diện tích cây trồng đang đối mặt với tình trạng khô hạn nghiêm trọng. Riêng hồ thủy lợi ở thôn Tây Hồ, xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông, Gia Lai) đã cạn trơ đáy từ 1 tháng qua.
Những địa phương đang bị hạn hán uy hiếp ngày càng nghiêm trọng là các huyện Kbang, Đăk Đoa, Phú Thiện, Chư Prông, Đức Cơ… Trong đó, vùng nguyên liệu mía của Nhà máy đường An Khê (Gia Lai - đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi) nằm trên địa bàn các huyện Kbang, Đăk Pơ, Kông Chro và thị xã An Khê cũng không ngoại lệ.
Do nắng nóng quá gay gắt, những diện tích mía thu hoạch muộn trong vùng nguyên liệu Đông Gia Lai bị khô, dẫn tới mất năng suất khoảng 10%. Ảnh: V.Đ.T.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê, đến thời điểm này nhà máy đã kết thúc niên vụ ép 2023 - 2024. Trong giai đoạn gần cuối niên vụ ép, nắng nóng gay gắt đã làm ảnh hưởng đến những diện tích mía nguyên liệu thu hoạch muộn, nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay có khoảng 10.000ha mía trồng mới ở vùng nam huyện Kông Chro bị ảnh hưởng nặng, nhiều diện tích đang khô héo, chết từng chòm.
Ông Trần Đình Sơn (48 tuổi) ở thôn Tú Thủy, xã Tú An (thị xã An Khê, Gia Lai), người đang trồng 200ha mía trong vùng nguyên liệu của Nhà máy đường An Khê cho biết: “Diện tích mía tôi trồng nằm trong vùng không có hệ thống thủy lợi, cũng không gần sông, suối nên không thể chủ động nước tưới, cây mía chủ yếu trông vào nước trời. Mùa khô năm nay đến sớm và nắng nóng khắc nghiệt quá, những diện tích mía thu hoạch vào cuối vụ bị khô dẫn tới mất năng suất”.
Theo anh Trần Văn Dư, người đang trồng gần 100ha mía ở xã An Thành (huyện Đăk Pơ, Gia Lai), đến ngày 30/4, anh Dư thu hoạch xe mía cuối cùng trong niên vụ ép này. Giai đoạn cuối vụ ép nắng nóng gay gắt quá khiến những diện tích thu hoạch muộn bị khô, mía không mất chữ đường nhưng mất đến 10% năng suất.
“Năm nay, những diện tích thu hoạch vào đầu vụ năng suất đạt 75 tấn/ha. Cũng trên vùng nguyên liệu ấy, những diện tích thu hoạch muộn do bị ảnh hưởng nắng nóng khiến cây mía bị khô, thu hoạch chỉ còn chưa đến 70 tấn/ha”, anh Trần Văn Dư cho hay.
Năm nay, diện tích mía trồng mới của Nhà máy đường An Khê gần 7.000ha. Ảnh: V.Đ.T.
Mía trồng mới, mía tái sinh đang
Ông Nguyễn Văn Quy (65 tuổi), người đang sản xuất hơn 130ha mía ở xã Kông Pla (huyện Kbang, Gia Lai) - địa phương đang là “điểm nóng” về cây trồng thiếu nước tưới trong mùa khô năm nay cho biết, nắng nóng gay gắt không chỉ ảnh hướng đến những diện tích mía trồng mới mà còn ảnh hưởng đến mía tái sinh.
Theo ông Quy: “Trong hơn 130ha mía của tôi, diện tích nào còn tái sinh được tôi để lại để mía tái sinh, những diện tích đã trồng 4 - 5 năm đến năm nay không còn khả năng tái sinh hiệu quả thì tôi phá để trồng mới. Năm nay tôi trồng mới được 40ha, những diện tích trồng từ đầu vụ hiện đã cao 50 - 60cm. Vùng mía của tôi còn đủ độ ẩm nên những diện tích trồng mới cũng có ảnh hưởng nhưng chưa đến nỗi khô, chết. Hơn nữa, nhờ Nhà máy đường An Khê hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha mía trồng mới để mua nhiên liệu, tận dụng nước ao hồ bơm tưới, hoặc bơm nước từ các con suối nhỏ trữ lại để dành tưới cho cây mía mới trồng nên cây mía thoát cảnh “chết khát”.
Còn theo anh Trần Văn Dư, người đang trồng gần 100ha mía ở xã An Thành (huyện Đăk Pơ, Gia Lai), năm nay anh trồng mới khoảng 80ha, đến nay đã cuối tháng 4 rồi nhưng anh vẫn còn tiếp tục trồng mía tơ. Trong bối cảnh nắng nóng gay gắt như hiện nay, những vùng đất có nước tưới anh Dư mới dám trồng mới, vùng nào không có nguồn nước bơm tưới anh không dám trồng.
“Nắng nóng kiểu này mía tơ phải được tưới nước chứ không thì không phát triển, thậm chí chết khô. Do đó, chỗ nào chủ động được nước tưới tôi mới dám trồng. Những diện tích trồng mới vào thời điểm tháng giêng đến nay mới bắt đầu nảy mầm, gặp nắng nóng mầm phát triển không nổi. Cả những diện tích mía tái sinh mầm mới hiện đã có lóng, gặp nắng nóng gay gắt quá nên đang bị héo rũ”, anh Trần Văn Dư chia sẻ.
Theo ông Lê Văn Bộ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tú An (thị xã An Khê, Gia Lai), năm nay hạn hán gay gắt quá, diện tích mía của HTX có nguy cơ thiếu nước tưới chiếm đến 40 - 50%, những diện tích có nguy cơ thiếu nước tưới các chủ ruộng đã tự đầu tư 10 triệu đồng/ha để kéo đường ống tưới nhỏ giọt nên cũng đỡ lo...
“Năm nay, diện tích mía trồng mới của Nhà máy đường An Khê gần 7.000ha. Trước tình hình nắng hạn gay gắt như hiện nay, Nhà máy đã khuyến cáo các địa phương tận dụng nguồn nước ao, hồ, suối trên địa bàn để bơm tưới. Đối với những diện tích mía trồng mới, Nhà máy hỗ trợ 1,5 triệu/ha để nông dân mua nhiên liệu bơm tưới cho cây mía”, ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê cho biết.
https://nongnghiep.vn/cay-mia-quay-quat-trong-nang-nong-nhu-thieu-dot-d384527.html