Thời gian qua, báo chí và người dân quanh khu vực dự án khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh đã có phản ánh về dự án này dùng ống nước dài hàng chục km từ rừng về để sử dụng.
Chân dung dự án Sonasea Vân Đồn Habor City bị nghi ngờ sử dụng nước trái phép khi xây dựng
Sau khi nhận được phản ánh, UBND huyện Vân Đồn đã đã giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND xã Hạ Long để lập đoàn kiểm tra, làm rõ vụ việc khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City tự ý lấy nước trên rừng về sử dụng. Hiện khu vực lấy nước này đã được tạm dừng hoạt động, giữ nguyên hiện trạng để cơ quan chức năng kiểm tra.
SONASEA VÂN ĐỒN HABOR CITY VỀ TAY CEO GROUP NHƯ THẾ NÀO?
Về dự án Sonasea Vân Đồn Habor City, ban đầu do Công ty TNHH Công nghệ Việt Mỹ làm chủ đầu tư với tên gọi khu du lịch sinh thái Bái Tử Long.
Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái Bái Tử Long tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn do Công ty TNHH Công nghệ Việt Mỹ thuê đất để đầu tư xây dựng tại Quyết định số 1169/QĐ-UBND ngày 11/4/2007 của UBND tỉnh và Quyết định số 29/TNMT ngày 25/10/2006 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.
Phối cảnh dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City
Thời điểm đó, dự án có quy mô 100ha. Tuy nhiên, sau 8 năm triển khai đầu tư xây dựng, năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đồng ý cho Công ty Công nghệ Việt Mỹ chuyển nhượng đất dự án và tài sản gắn liền với đất cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Bảo Nguyên. Trong đó chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê khu 1 gồm 23,8 ha và khu 2 28,1ha cho Công ty Bảo Nguyên với yêu cầu công ty triển khai giải phóng mặt bằng đối với diện tích còn lại tại khu 2 và khu 4, lập điều chỉnh quy hoạch phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị Cái Rồng và lập điều chỉnh lại dự án đầu tư trên cơ sở quy hoạch điều chỉnh.
Sau khi Công ty Bảo Nguyên “ẵm trọn” dự án này đã chia dự án thành 4 khu, lập và điều chỉnh quy hoạch. Tính đến thời điểm năm 2017, khu 1 đã xây dựng cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình, khu 2 và khu 4 đang giải phóng mặt bằng, khu 3 đang xây dựng các hạng mục chính.
Đến giữa năm 2017, Công ty Bảo Nguyên đã có văn bản tự nguyện chấm dứt hoạt động đầu tư, chấm dứt quyền sử dụng đất gắn với tài sản đã đầu tư, đồng thời chuyển nhượng lại dự án lại cho Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (CEO Group, mã chứng khoán: CEO).
TỪ 100HA LÊN 358HA
Sau khi về tay CEO Group, dự án được đổi tên thành Sonasea Vân Đồn Harbor City. CEO Group tiếp tục đề xuất tỉnh Quảng Ninh tăng quy mô đất làm dự án lên tới 358ha với định hướng phát triển khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản và đô thị nhà ở.
Theo đó, Sonasea Vân Đồn Harbor City có tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng đồng và CEO giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Vân Đồn là công ty thành viên của CEO Group có vốn điều lệ 300 tỷ đồng thực hiện dự án này.
Đến ngày 11/4/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City.
Quy mô sử dụng đất dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City là 358ha
Đến tháng 8/2018 UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt phân khu 1 của dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City với diện tích 67ha với diện tích đất mặt nước là 9,67 ha. Trong đó, cơ cấu gồm 25.560m2 đất ở để xây nhà phố, đất thuê để xây khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng 195.442m2, còn lại 13.672m2 đất cây xanh công viên.
Đáng chú ý, trong quá trình triển khai dự án, tháng 11/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh có quyết định về việc thu hồi, hủy bỏ Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City – phân khu 2 do công ty con của CEO Group làm chủ đầu tư.
Ngay sau đó, CEO đã có phản hồi liên quan đến quyết định trên của UBND tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể, việc thu hồi, hủy bỏ Quyết định chấp thuận của UBND tỉnh Quảng Ninh là thủ tục của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm thực hiện lại thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City – Phân khu 2 đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và ranh giới phát triển dự án.
Theo CEO Group, việc thực hiện lại thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City - phân khu 2 theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các công việc và bất kỳ quyền, lợi ích hợp pháp nào của các khách hàng/đối tác đang có giao dịch liên quan đến các sản phẩm tại dự án Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City – Phân khu 1 phù hợp với các quy định của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Vân Đồn và quy định của pháp luật.
Mới đây, ngày 20/4/2024, Tập đoàn C.E.O đã khai trương khu nghỉ dưỡng Wyndham Garden Sonasea Vân Dồn đây là dự án nằm trong phân kỳ 1 của dự án Sonasea Vân Đồn Habor City.
ẴM DỰ ÁN LỚN NHẤT QUẢNG NINH, CEO GROUP KINH DOANH RA SAO?
Về tình hình hoạt động của Tập đoàn C.E.O, theo báo cáo tài chính quý 1/2024, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 289 tỷ đồng giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí bán hàng và chi phí tài chính của CEO trong kỳ giảm mạnh, trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng
Lợi nhuận sau thuế trong quý 1của doanh nghiệp đạt 35 tỷ đồng, tăng hơn 10 tỷ đồng so với quý 1/2023. Trong năm 2024, Tập đoàn đặt mục tiêu kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất năm đạt 2.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 150 tỷ đồng, như vậy tính đến quý 1, CEO mới chỉ đạt 14% doanh thu và 23% lợi nhuận.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của CEO Group đang ghi nhận ở mức 9.059 tỷ đồng, giảm gần 20 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm nay. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 5.340 tỷ đồng và tài sản dài hạn là 3.718 tỷ đồng. Hàng tồn kho của doanh nghiệp ở mức 1.442 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của CEO là 2.781 tỷ đồng, giảm 12,5% so với con số 3.178 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu đến từ nợ ngắn hạn là 2.034 tỷ đồng, còn nợ dài hạn là 747 tỷ đồng. Đối với vốn chủ sở hữu, tính đến cuối quý 1 CEO đạt 6.277 tỷ đồng.
Về lưu chuyển dòng tiền, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và dòng tiền hoạt động tài chính đang ở mức âm, lần lượt là âm 258 tỷ đồng và âm 247 tỷ đồng. Riêng dòng tiền từ hoạt động đầu tư là 595 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý 1 vốn chủ sở hữu của CEO đạt 6.277 tỷ đồng
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, lãnh đạo tập đoàn cho biết, về doanh thu, lĩnh vực bất động sản xây dựng chiếm 65% doanh thu, còn lại đến từ các dịch vụ khác và cơ cấu lợi nhuận chủ yếu đến từ kinh doanh bất động sản.
Về kế hoạch hoạt động các lĩnh vực trụ cột năm 2024, đối với bất động sản, doanh nghiệp sẽ rà soát các dự án đã và đang triển nhằm đảm bảm đáp ứng các điều kiện mới theo quy định của các Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi).
Còn lĩnh vực xây dựng, CEO đẩy mạnh tiến độ thi công các hạng mục công trình tại các dự án trọng điểm, đáp ứng công tác bàn giao và kinh doanh của tập đoàn.
Quay trở lại với dự án trên, theo nhận định của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), hiện dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City đang nhận đặt cọc tại phân khu Premier Wyndham Garden Sonasea (6,4 ha) gồm 120 căn villas và đang triển khai hạ tầng phân khu Emirates Bay, Paradise Island & Grand Oceania với tổng quy mô 19,2 ha.
Với vị thế là khu nghỉ dưỡng chuẩn 5 sao quốc tế đầu tiên và lớn nhất tại Vân Đồn, Sonasea Vân Đồn Harbor City sẽ là dự án hưởng lợi trực tiếp từ việc tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch của khu vực này và các dự án cơ sở hạ tầng mới như cao tốc Hạ Long - Vân Đồn giúp kết nối khu vực này với các trung tâm kinh tế, du lịch lân cận.
Kể từ tháng 4 vừa qua, Tập đoàn CEO đưa vào vận hành khách sạn Wyndham Garden Sonasea và khu vực bãi cát nhân tạo đã giúp cải thiện đáng kể cảnh quan và hệ thống tiện ích du lịch trong dự án.
Do vậy VCBS đánh giá, với các tiềm năng du lịch có thể khai thác, dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City sẽ tiếp tục đóng góp gần 10.000 tỷ đồng doanh thu cho Tập đoàn C.E.O trong các năm tới.