Hà Nội: Có khả năng xảy ra “sốt đất” tại các khu vực được quy hoạch lên thành phố?
15:27 | 24/10/2021BẤT ĐỘNG SẢN
(TBTCO) - Theo các chuyên gia bất động sản, có thể sẽ xảy ra “sốt đất” sau thông tin quy hoạch các huyện của Hà Nội lên thành phố. Việt Nam cũng cũng giống như các nước phát triển khác trên thế giới, khi chuẩn bị có tuyến đường, khu đô thị mới thì bất động sản trong khu vực lân cận sẽ tăng giá.
Hà Nội: Đề xuất quy hoạch thành phố, giá đất Mê Linh “nổi sóng”Hà Nội: Dự kiến đưa 3 huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh lên thành phố
Phóng viên TBTCO đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đính - Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam xung quanh vấn đề này.
*** PV:** Thưa ông, mới đây UBND TP. Hà Nội công bố quy hoạch một số huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh lên thành phố. Điều này tác động như thế nào tới giá bất động sản của khu vực này?
Khi có công bố mang tính phát triển như việc được quy hoạch từ huyện lên thành phố sẽ có tác động mang chiều hướng tích cực và ảnh hưởng tới xu hướng tăng giá bất động sản ở những vùng đó.
Ông Nguyễn Văn Đính
- Ông Nguyễn Văn Đính: Khi có công bố mang tính phát triển như việc được quy hoạch từ huyện lên thành phố sẽ có tác động mang chiều hướng tích cực và ảnh hưởng tới xu hướng tăng giá bất động sản ở những vùng đó.
Tuy nhiên, những thông tin nêu trên, không phải là những thông tin mới, từ chủ trương tới hiện thực phải qua một thời gian triển khai thực tế, phải được đầu tư một cách mạnh mẽ.
Để thực hiện được theo quy hoạch thì tại các khu vực được quy hoạch phải có hoạt động đầu tư và đạt các tiêu chí như tỷ lệ % đã đô thị hóa, bê tông hóa, hạ tầng xã hội cũng phải đảm bảo theo tiêu chuẩn của thành phố.
Việc quy hoạch này đã có trong đồ án quy hoạch mà Chính phủ đã duyệt từ những năm 2010 chứ không phải mới đây.
Tuy nhiên, mỗi lần thông tin về quy hoạch được đưa ra thì giá đất lại được đẩy lên rồi lại chùng xuống. Giá trị của bất động sản phải dựa trên nền tảng giá trị đầu tư, nếu không hoạt động đầu tư thật thì sẽ không bao giờ lên giá.
Thông tin lên thành phố sẽ tạo tâm lý đón sóng đề đầu tư, tuy nhiên khi không thành hiện thực thì đất sẽ mất giá. Mê Linh đã nhiều lần có thông tin và giá đất cũng đã nhiều lần lên rồi lại xuống.
Cũng giống như một số khu vực như Hoài Đức, An Khánh, Bảo Sơn cũng đã từng có sóng đẩy giá bất động sản lên cao rồi lại chìm xuống, do không có hoạt động đầu tư thật.
*** PV:** Với kinh nghiệm của mình, ông có cho rằng khả năng xảy ra cơn sốt đất tại các khu vực nói trên?
- Ông Nguyễn Văn Đính: Thông tin quy hoạch sẽ tạo ra cơn sốt thậm chí rất mạnh, tuy nhiên sẽ rất ngắn và chìm rất nhanh, vì sau đó không có những hoạt động đầu tư thật.
Đa phần những người tham gia vào giai đoạn này là những nhà đầu tư ít kinh nghiệm, bởi những nhà đầu tư chuyên nghiệp đánh giá vấn đề rất chính xác và nhìn vào hoạt động đầu tư thực tế chứ không bị ảnh hưởng bởi thông tin nêu trên.
Sóc Sơn theo quy hoạch Thủ tướng duyệt sẽ là thành phố vệ tinh, thành phố phát triển công nghiệp quy hoạch khá rạng ngời, tuy nhiên đã được duyệt hơn 10 năm trước mà chưa thực hiện được gì ngoài sân bay Nội Bài.
*** PV:** Từ những nghiên cứu thực tiễn về thị trường bất động sản cho thấy giá bất động sản của khu vực nói trên thời gian qua đã diễn biến như thế nào, thưa ông?
- Ông Nguyễn Văn Đính: Giá đất có sự đột biến ở một số điểm cục bộ chứ không phải toàn vùng, giá đất so với năm trước chỉ lên khoảng 10%, thời gian trước chỉ tăng khoảng 5 - 7%.
Về chung cư giá vẫn đi ngang trong vài năm trở lại đây. Chung cư hầu hết là chung cư trung cấp và cao cấp không có chung cư bình dân, nếu có bình dân thì cũng sẽ tăng lên bằng trung cấp.
Về đất đai một số điểm bị ảnh hưởng những thông tin quy hoạch có tăng cao hơn. Tại Mê Linh một số dự án được đầu tư mạnh về hạ tầng sẽ có xu hướng tăng giá thu hút nhà đầu tư quan tâm. Hoài Đức, Thạch Thất cũng có một khu vực như An Lạc, An Khánh có hoạt động đầu tư mạnh hơn thì cũng có những giá trị gia tăng.
Tại Đông Anh giá đất cũng bị “giật cục” đẩy lên khá nhiều, tuy nhiên những nơi nào lên mạnh ngoài tỷ trọng 10% thì tính hấp thụ kém, nhà đầu tư không quan tâm nhiều. Tại Đông Anh, Gia Lâm nếu giá đất hơn 150 triệu đồng/m2 thì lượng hấp thụ gần như không đáng kể, vì giá tương đương với giá tại khu đô thị với hạ tầng chất lượng sống khá tốt như Mỹ Đình, Nam Trung Yên.
*** PV:** Để tránh rơi vào bẫy giá “sốt ảo” tại các khu vực nói trên, theo ông, nhà đầu tư cần tìm hiểu những thông tin nào trước khi đưa ra quyết định đầu tư?
- Ông Nguyễn Văn Đính: Nhà đầu tư cần phải nhìn thực tế khu vực có ý định đầu tư, như phải là một đại công trường đang hối hả xây dựng, các con đường hình thành được kết nối song song với dự án, hình thành các khu kết nối dịch vụ đường, trường, trạm, chợ đang thực sự hoạt động… Đặc biệt phải cân nhắc về giá, nếu mua đất tại khu vực Đông Anh mà giá trị tương đương với khu vực Mỹ Đình thì là điều không hợp lý.