CEO Vietcap: Giá vay vốn ngoại và bí quyết không lo biến động tỷ giá

Ông Tô Hải, Tổng Giám đốc CTCK Vietcap (VCI) cho biết nguồn vốn vay của Vietcap đều huy động quốc tế, với giá vốn rẻ hơn các ngân hàng trong nước.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (ĐHĐCĐ) của CTCP Chứng khoán Vietcap diễn ra chiều 2/4 tại TP. Hồ Chí Minh, ông Tô Hải - Tổng Giám đốc chia sẻ với cổ đông.

Bà Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch HĐQT và ông Tô Hải, Tổng Giám đốc Vietcap - Chủ tọa đoàn của ĐHĐCĐ VCI

"Xoay trục" với nhà đầu tư cá nhân

Năm 2023, ông Hải cho biết, lần đầu tiên Vietcap tụt hạng thị phần về thứ 8. Quý I/2024 đã tăng lên. "Chúng tôi từng sai lầm về chiến lược. Trước COVID nhà đầu tư cá nhân thua lỗ và quay sang đầu tư gián tiếp thông qua tổ chức. Sau COVID, nhà đầu tư cá nhân đã chiến tỷ trọng lớn trên thị trường. Chúng tôi đã không nhận diện được xu hướng này. Chúng tôi cho rằng xu hướng nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp diễn. Với sự phát triển của AI và hệ thống phân tích thì khoảng cách tiếp cận thông tin giữa nhà đầu tư cá nhân và tổ chức sẽ thu hẹp lại", CEO nói.

Theo đó Vietcap đã đầu tư nhiều hệ thống công nghệ, marketing, hỗ trợ nhà đầu tư cá nhân. Điều này cũng khiến chi phí tăng và lợi nhuận giảm. Nhưng ông Hải tin với định hướng chiến lược "xoay trục" phù hợp, công ty sẽ cải thiện thị phần vững chắc trong top 5.

Nói về dư nợ, tại cuối quý I/2024, dư nợ của Vietcap ghi nhận 8.000 tỷ đồng. Ông Hải cho rằng so với các công ty lớn trên thị trường còn nhỏ nhưng do Vietcap gần như 100% huy động vốn ngoại, giá vốn rất rẻ so với lãi suất vay của NHTM trong nước, do đó các kết quả sẽ được cải thiện.

Với vốn vay nước ngoài, biến động tỷ giá thông thường sẽ tác động đến hạch toán thậm chí gây lỗ tỷ giá. Tuy nhiên, ông Hải cho biết các khoản vay, hợp vốn từ nước ngoài đều được Vietcap sử dụng xác lập giá chốt đến thời gian đáo hạn với công cụ phái sinh, do đó tỷ giá tăng hay giảm đều không ảnh hưởng.

Ngay cả như vậy, ông Hải cho biết Vietcap không hướng tới zero fee (miễn phí giao dịch). Chúng ta cần xác định lợi thế cạnh tranh ở đâu, chỉ một cách duy nhất là tăng chất lượng dịch vụ. Nếu giảm zero fee để lấy lại từ margin thì lợi thế cạnh tranh đem lại không nhiều vì vốn ngoại cho vay lãi suất rẻ hơn chúng ta nhiều. "Hiện trên thị trường có rất nhiều CTCK nước ngoài, vốn của họ có giá rẻ. Vì vậy, theo đuổi zero fee thì Công ty sẽ không có lợi thế cạnh tranh và cũng không thu được lợi nhuận cho cổ đông", ông cho biết.

Kế hoạch lãi 700 tỷ, với VN-Index ở 1.300 điểm

Năm 2024, Chứng khoán Vietcap có kế hoạch kinh doanh được xây dựng trên cơ sở VN-Index sẽ dao động quanh mốc 1.300 điểm vào cuối 2024. Theo đó, doanh thu kế hoạch đạt 2.511 tỷ đồng (tăng 1,6% so với năm 2023), lợi nhuận trước thuế dạt 700 tỷ đồng (tăng 22,8% so với năm 2023).

(Nguồn: BCTN 2023)

(Nguồn: BCTN 2023)

Kế hoạch này là "dễ dàng" đạt được, theo Chủ tọa đoàn đại hội, bởi quý I/2024, công ty đã đạt lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng.

Ông Đinh Quang Hoàn - Phó Tổng Giám đốc Vietcap cho biết thêm, dự kiến về mảng các thương vụ IB, tổng giá trị các thương vụ vào khoảng 40.000 - 50.000 tỷ đồng. Có 2 thương vụ lớn trên 10.000 nghìn tỷ, hy vọng có thể thành công 1 thương vụ. Giá trị từ IB sẽ quay lại mức bình thường là 300 tỷ đồng. Vietcap trên thị trường là "ông lớn" mảng thương vụ IB do đó kế hoạch này được các cổ đông, nhà đầu tư vô cùng mong đợi.

ĐHĐCĐ 2024 của Vietcap cũng thống nhất thông qua chủ trương thực hiện tăng vốn điều lệ của Công ty trong năm 2024 qua các đợt phát hành 4.400 cổ phiếu theo chương trình cổ phiếu lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá phát hành 12.000 đồng/cp, phát hành 132.570 cổ phiếu (tương ứng tỷ lệ phát hành 30% để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn sở hữu và chào bán 143.630.000 cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá chào bán không thấp hơn 16.849 đồng/ cổ phiếu. Việc tăng vốn chủ sở hữu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động kinh doanh của Công ty trong tương lai.

Khẳng định trước chất vấn của cổ đông về việc các thành viên từ nhiệm ngay trước thềm ĐH, bà Nguyễn Thanh Phương - Chủ tịch HĐQT Vietcap cho biết trong 17 năm qua, HĐQT "không có lục đục, và nếu có lục đục gì chúng tôi đều xử lý được"; theo đó, ĐHĐCĐ cũng đã thực hiện thông qua việc miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT và bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT (trong đó có 1 thành viên độc lập) nhiệm kỳ 2021-2026. Như vậy sau ĐH, cơ cấu HĐQT của Công ty gồm 6 thành viên, trong đó có 3 thành viên HĐQT độc lập.

Ông Đinh Quang Hoàn (thứ hai từ trái sáng), ông Lê Ngọc Khánh (thứ ba từ trái sang) được bầu bổ sung vào HĐQT của VCI nhiệm kỳ 2021-2026

Năm 2023, Chứng khoán Vietcap ghi nhận cột mốc mới với việc thực hiện đổi tên và bộ nhận diện thương hiệu từ CTCK Bản Việt sang Vietcap. Kết thúc 2023, Công ty ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 2.472,5 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 570,1 tỷ đồng, hoàn thành tương ứng 76,2% và 57,0% kế hoạch đề ra. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Công ty đạt 8,8% cho năm 2023.

Trên thị trường chứng khoán, VCI là một trong những mã cổ phiếu CTCK được ưa chuộng. Ông Tô Hải, TGĐ khẳng định tại ĐH là "không theo dõi diễn biến cổ phiếu VCI, không nắm các nhà đầu tư ngoại sở hữu tỷ lệ bao nhiêu để tránh các biến động ngắn hạn trên bảng điện có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định với công ty", tuy vậy, đây vẫn là mã chứng khoán được khuyến nghị với cả nhà đầu tư ngắn hạn có quan tâm đến yếu tố dòng tiền; lẫn các nhà đầu tư trung và dài hạn.

Với triển vọng của một CTCK top đầu, đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo thử nghiệm kết nối KRX của HoSE và kỳ vọng vận hành KRX nay mai, cũng như kỳ vọng nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi sớm hiện thực, FIDT khuyến nghị VCI là một trong 3 mã cổ phiếu chứng khoán nhà đầu tư có thể xem xét ngay trong chu kỳ tháng 4 này (cùng với SSI và HCM).

LÊ MỸ

https://diendandoanhnghiep.vn/ceo-vietcap-noi-ve-gia-vay-von-ngoai-va-bi-quyet-khong-lo-bien-dong-ty-gia-261252.html