CEO WiGroup lưu ý thời điểm khi chính sách bắt đầu thẩm thấu thực thì chính sách sẽ thay đổi, nhiều khả năng sự thay đổi này sẽ xảy ra trong giai đoạn từ quý IV/2023 đến cuối năm.
Tại hội thảo tổ chức mới đây của CTCP Chứng khoán DNSE, ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup đưa ra hai kịch bản vĩ mô 6 tháng tới.
Ở kịch bản bình thường (nhiều khả năng xảy ra), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục kiểm soát tốt tỷ giá trước khi Mỹ thay đổi chính sách tiền tệ. Chính sách tiền tệ chắc chắn nới lỏng, không những cả năm nay và kéo dài sang quý I/2024. Nếu kịch bản này xảy ra, thị trường chứng khoán tiếp tục được hưởng lợi.
Trong kịch bản tiêu cực hơn, tỷ giá biến động mạnh khi các nước phát triển chưa kịp hạ lãi suất, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Ngoài ra, ông Báu lưu ý “thời điểm nhà điều hành thay đổi chính sách”.
“Thời điểm khi chính sách bắt đầu thẩm thấu thực thì chính sách sẽ thay đổi, nhiều khả năng sự thay đổi này sẽ xảy ra trong giai đoạn quý IV/2023. Khi đó thị trường sẽ xảy ra sự rung lắc mạnh”.
“Nền kinh tế vẫn yếu, có thể chỉ tăng tăng trưởng một con số. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành hỗ trợ nền kinh tế, thậm chí kéo dài cả năm 2024”, CEO WiGroup nói thêm.
Ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup. (Ảnh: WiGroup).
Kinh tế Việt Nam nửa đầu năm chứng kiến sự đảo ngược chính sách tiền tệ trong bối cảnh tăng trưởng yếu, xuất khẩu suy giảm.
So sánh với các nước khác trong khu vực, trong báo cáo mới công bố, nhóm phân tích của ngân hàng HSBC gọi Việt Nam là một trường hợp đặc biệt khi cắt giảm lãi suất ngay từ nửa đầu 2023 khi các nền kinh tế ASEAN vẫn tiếp tục quan sát động thái từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Theo HSBC, lạm phát giảm, thặng dư tài khoản vãng lai là hai lợi thế để NHNN có được một chút tự do về chính sách tiền tệ so với Fed. Ngoài ra, tăng trưởng của Việt Nam đã giảm tốc tới mức NHNN buộc phải đảo ngược chính sách thắt chặt ngay trong nửa đầu năm 2023.
Một lý do khác khiến NHNN có động thái sớm là tình trạng suy giảm tín dụng. Trong khi hầu hết các nền kinh tế ASEAN vẫn ghi nhận tăng trưởng tín dụng tốt, Việt Nam lại là ngoại lệ. Tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam đã chậm lại đáng kể từ tháng 11/2022 và vẫn chưa chạm đáy. Để giải quyết tình trạng này, NHNN đã phải nhanh chóng cắt giảm lãi suất.
Dự báo thời gian tới, HSBC cho rằng trong quý III, NHNN sẽ tiến hành một đợt cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (bps) nữa, trước khi duy trì mức lãi suất chính sách trong suốt năm 2024.
Việt Nam đang đi đầu về cắt giảm lãi suất trong các nền kinh tế ASEAN.