Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng gây nhiều lãng phí về thời gian cũng như tiền bạc đã bị TP HCM thống nhất thu hồi, chuyển từ đầu tư theo hình thức BT sang đầu tư công
Ngày 2-5, phóng viên Báo Người Lao Động có mặt tại khu đất "vàng" của quận 3, TP HCM - nơi dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng tọa lạc.
Đội vốn, đội thời gian
Theo quan sát, hơn 7 năm kể từ khi công tác tháo dỡ công trình cũ được tiến hành, khu vực 4 mặt tiền các đường Pasteur - Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Tần vẫn là khu đất trống được quây rào tôn, bên trong cây cỏ um tùm.
Trên hàng rào là những hình phối cảnh và thông tin cơ bản của dự án. Cổng ra vào dự án trên đường Võ Văn Tần luôn được đóng kín, chỉ có một bảo vệ làm nhiệm vụ. Nơi đây từng được tận dụng làm chỗ tập kết xe rác, song sau nhiều lần bị phản ánh đã có sự điều chỉnh để đỡ nhếch nhác hơn.
Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng nhìn từ trên cao
Chủ đầu tư dự án này là liên doanh Tổng Công ty CP Đền bù giải tỏa và Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt. Dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) từ năm 2008, được triển khai tháng 3-2010.
Ban đầu, dự án có mức đầu tư là 988 tỉ đồng. Theo hợp đồng, thành phố thanh toán khu đất 257 Trần Hưng Đạo ở trung tâm quận 1 cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến năm 2013, công trình đội giá lên hơn 1.352 tỉ đồng; tới năm 2016, vốn đầu tư khả thi của dự án vượt con số 1.950 tỉ đồng. Từ đó, ngoài 257 Trần Hưng Đạo, thêm nhiều khu đất giá trị nữa nằm trong danh sách được đề xuất thanh toán.
Chấm dứt sự mòn mỏi
Tại thông báo truyền đạt kết luận của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi trong cuộc họp Tổ công tác giải quyết vướng mắc liên quan đến dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng mới đây, Văn phòng UBND TP HCM cho hay Chủ tịch UBND TP HCM thống nhất đề xuất dừng đầu tư dự án theo hình thức BT, chuyển sang phương thức đầu tư công.
TP HCM phấn đấu hoàn thành thủ tục đầu tư, khởi công dự án trước ngày 30-4-2025 để đây sẽ là một trong những công trình tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh báo cáo, tham mưu, dự thảo tờ trình của UBND TP HCM báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND TP HCM về việc trên. Sở Văn hóa và Thể thao được giao là cơ quan thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo phương thức đầu tư công.
Các sở: Văn hóa và Thể thao, Tài chính, Xây dựng cùng các đơn vị liên quan có nhiệm vụ xem xét cơ sở pháp lý, rà soát các công việc nhà đầu tư đã thực hiện, xác định chi phí hợp lý, đúng quy định để làm cơ sở đàm phán, thương thảo, xử lý dứt điểm theo nguyên tắc hợp lý, hài hòa, đúng quy định. Sau đó, cuối tháng 5 này, lãnh đạo UBND TP HCM làm việc với nhà đầu tư. Thành phố dự kiến hoàn thành hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án trước tháng 7-2024 để trình HĐND TP HCM.
Khu đất “vàng” 4 mặt tiền đường nhiều năm giậm chân tại chỗ trong lãng phí. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Quyết định được ủng hộ
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Nam Nhân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, xác nhận quan điểm của sở là tiếp tục dự án xây dựng Nhà thi đấu Phan Đình Phùng để có thể đáp ứng nhu cầu thụ hưởng hoạt động thi đấu thể dục thể thao tại khu vực trung tâm, phù hợp với tâm nguyện của nhiều thế hệ người dân thành phố về việc bảo tồn và duy trì hoạt động của một địa chỉ có giá trị lịch sử cũng như tránh lãng phí khu đất "vàng".
Theo ông Nguyễn Nam Nhân, kinh phí lớn, hình thức đầu tư nhiều vướng mắc chỉ là 2 trong số các vấn đề làm tắc nghẽn dự án suốt 7 năm qua, gây lãng phí nghiêm trọng.
Tiếp thu chỉ đạo mới nhất của Chủ tịch UBND thành phố, sở được giao thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án, tổ chức lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư theo đúng trình tự, thủ tục quy định và hoàn thành trước tháng 7-2024. "Mốc thời gian trước tháng 7-2024 tuy khá gấp gáp nhưng Sở Văn hóa và Thể thao vẫn quyết tâm hoàn thành" - ông Nhân khẳng định.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP HCM, nhận xét chủ trương chuyển từ dự án BT sang dự án đầu tư công của thành phố là rất tốt. Đối với những dự án mang tính trọng điểm, cấp bách thì nên dùng vốn đầu tư công. Thành phố bố trí được kinh phí, làm ngay thì bao giờ cũng nhanh hơn rất nhiều.
Nếu dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng kịp các thủ tục như chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP HCM để khởi công vào dịp lễ 30-4 năm sau - kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là điều rất tuyệt vời và người dân sẽ rất ủng hộ.
Cũng theo ông Nguyên, trong bối cảnh thành phố cũng còn hạn chế về ngân sách đầu tư thì việc kêu gọi các dự án lĩnh vực văn hóa - thể thao bằng hình thức PPP (đối tác công - tư) là điều cần thiết. Thành phố có lợi thế là cơ chế vượt trội từ Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội cho phép kêu gọi dự án PPP ở một số lĩnh vực. Nếu vận dụng hết khả năng kêu gọi đầu tư từ những cơ chế, quy định thì có thể có nhiều dự án lĩnh vực văn hóa - thể thao, phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Hài hòa lợi ích
Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, điểm quan trọng, cốt lõi của các dự án PPP chính là sự gặp nhau giữa lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích thành phố và người dân. Thành phố kêu gọi đầu tư, tăng cường nguồn vốn làm dự án nhưng đối với những dự án cấp bách, cốt lõi thì nên đầu tư công hoặc nếu không hoàn toàn thì cũng tham gia đầu tư chính, đóng góp 70%-80% vốn, linh hoạt triển khai dự án theo phương thức PPP.
TS Nguyễn Hữu Nguyên nói thêm vừa qua, TP Thủ Đức tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư 11 dự án PPP với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng, chủ yếu lĩnh vực giáo dục, thể dục thể thao... là tín hiệu đáng mừng.
https://nld.com.vn/cham-dut-tinh-trang-dat-vang-nam-i-196240502220743289.htm