Châu Âu ra sức săn lùng một báu vật Việt Nam: xuất khẩu tăng 4.000%, nước ta thu về hơn nửa tỷ USD từ đầu năm

Việt Nam nằm trong top 3 thế giới về sản lượng ở ngành hàng này.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan , tháng 3/2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt gần 116,1 nghìn tấn, trị giá 180,36 triệu USD, tăng 32,3% về lượng và tăng 38,8% về trị giá so với tháng 2/2024; So với tháng 3/2023 tăng 0,2% về lượng và tăng 10% về trị giá.

Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su đạt 414,31 nghìn tấn, trị giá 607,35 triệu USD, tăng 8,5% về lượng và tăng 14,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Tháng 3/2024, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.554 USD/tấn, tăng 4,9% so với tháng 2/2024 và tăng 9,9% so với tháng 3/2023. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.466 USD/tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Tháng 3/2024, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 52,83% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, giảm 29,3% về lượng và giảm 24,3% về trị giá.

Đáng chú ý, xuất khẩu cao su sang một số thị trường như Ấn Độ, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Srilanca, Hoa Kỳ… tăng trưởng mạnh cả về lượng và trị giá so với tháng 3/2023.

Trong đó, Bỉ đang là quốc gia có mức tăng trưởng hàng đầu hiện nay. Cụ thể, trong tháng 3, Việt Nam xuất khẩu sang quốc gia châu Âu này 1.970 tấn cao su, tương đương 2,7 triệu USD, tăng 3.027% về lượng và tăng 4.005% về giá trị.

Tính chung 3 tháng đầu năm, Bỉ đã nhập khẩu 2.521 tấn cao su từ Việt Nam, tổng trị giá hơn 3,3 triệu USD, tăng tăng 751,7% về lượng và tăng 946% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 0,5-0,6% tỷ trọng nhập khẩu.


Giá xuất khẩu bình quân quý 1 đạt 1.325 USD/tấn, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Nguyên nhân chính đẩy giá cao su bứt phá trong thời gian gần đây xuất phát từ tâm lý lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường. Tình hình mưa lớn kéo dài kết hợp cùng cảnh báo bão và lũ lụt xảy ra tại Thái Lan, quốc gia cung ứng cao su lớn nhất thế giới khiến thị trường đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung.

Hơn thế, giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4 cùng là thời điểm thu hoạch thấp điểm tại các quốc gia Đông Nam Á. Kết hợp cùng việc chịu ảnh hưởng xấu từ thời tiết, càng khiến lo ngại về nguồn cung trở nên nghiêm trọng hơn, từ đó hỗ trợ giá tăng.

Mới đây, Ấn Độ đã quyết định giảm thuế nhập khẩu đối với một số loại xe điện được sản xuất bởi các nhà sản xuất ô tô cam kết đầu tư ít nhất 500 triệu USD và bắt đầu sản xuất trong nước trong vòng 3 năm. Điều này hứa hẹn sẽ là bước tiếp mới với ngành công nghiệp ô tô của quốc gia này và đi kèm với đó là nhu cầu về cao su cũng tích cực hơn cho hoạt động sản xuất lốp xe.

Lo ngại nhu cầu cao su sẽ chững lại tại Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu mặt hàng này lớn nhất thế giới có thể là áp lực chính đối với giá trong thời gian tới.

Cụ thể, tình hình kinh tế tại Trung Quốc không mấy khả quan, đặc biệt, doanh số bán ô tô - ngành sử dụng cao su hàng đầu đang có dấu hiệu tăng trưởng chững lại.

Trên thị trường nội địa, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ chịu tác động mạnh mẽ hơn do lo ngại nhu cầu suy yếu tại Trung Quốc khi gần 80% cao su nước ta xuất đi quốc gia này.

Khánh Vy

Link gốc

https://markettimes.vn/chau-au-ra-suc-san-lung-mot-bau-vat-viet-nam-xuat-khau-tang-4-000-nuoc-ta-thu-ve-hon-nua-ty-usd-tu-dau-nam-55857.html