Sức mạnh sản xuất của Trung Quốc là không thể chối cãi.
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã chuyển đổi để thống trị nhiều ngành công nghiệp hơn bao giờ hết, từ đồ chơi, quần áo vào những năm 1980 cho đến chất bán dẫn và năng lượng tái tạo ở thời điểm hiện tại. Nước này hiện sản xuất 1/3 hàng hóa sản xuất của thế giới, tức nhiều hơn cả Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh cộng lại.
Lượng hàng xuất khẩu tăng trong bối cảnh công suất sản xuất dư thừa khiến lãnh đạo hàng đầu tại Mỹ và Châu Âu kêu gọi Trung Quốc tăng nhập khẩu, đồng thời giảm lượng hàng hóa bán ra cho thế giới. Vào thứ Ba, Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ tăng mạnh thuế quan của Mỹ đối với xe điện, tấm pin mặt trời và đồ công nghệ cao nhập khẩu từ Trung Quốc .
Gần một thập kỷ trước, Trung Quốc đã khởi động kế hoạch đầy tham vọng mang tên Made in China 2025 với mục đích thay hàng hóa nhập khẩu trong 10 ngành sản xuất tiên tiến bằng các sản phẩm do chính nước mình sản xuất. Hệ thống ngân hàng do nhà nước kiểm soát khi đó đều hướng các ưu đãi khoản vay vào những lĩnh vực then chốt này.
10 năm trôi qua, nền kinh tế Trung Quốc hiện đang bị “tổn thương” vì khủng hoảng nhà đất. Giới chức chủ trương tăng cường cho vay đối với nhiều lĩnh vực sản xuất để bù đắp tình trạng chi tiêu chậm lại, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu. Đối với các nhà hoạch định chính sách, chiến lược này rất quen thuộc.
Cụ thể, cơ quan quản lý sẽ hạn chế sự lựa chọn đầu tư của các hộ gia đình Trung Quốc để học gửi tiết kiệm vào ngân hàng với lãi suất thấp. Ngân hàng sau đó cho các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp khác vay tiền với lãi suất ưu đãi. Theo ngân hàng trung ương Trung Quốc, hoạt động cho vay dành cho các ngành công nghiệp đã tăng lên 670 tỷ USD vào năm ngoái từ mức 83 tỷ USD vào năm 2019.
Bắc Kinh hướng dẫn chính quyền địa phương chung tay bằng cách cung cấp đất giá rẻ để xây dựng nhà máy, đường cao tốc mới và một số cơ sở hạ tầng khác. Viện Kinh tế Thế giới Kiel ở Kiel, Đức, cho biết hơn 99% công ty Trung Quốc có giao dịch chứng khoán công khai đã nhận được trợ cấp trực tiếp của chính phủ vào năm 2022.
Tất cả giúp Trung Quốc phát triển nhiều ngành công nghiệp. Ô tô là một trong những ví dụ điển hình cho việc nước này có thể tiến nhanh đến mức nào để giành được vị thế thống trị về sản xuất.
Chỉ 4 năm trước, Trung Quốc còn yếu kém trong xuất khẩu ô tô và chỉ vận chuyển được khoảng 1 triệu sản phẩm giá rẻ mỗi năm, chủ yếu đến các thị trường như Trung Đông. Tuy nhiên, cũng kể từ đó, nước này đã vượt qua Nhật Bản và Đức để trở thành quốc gia xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới. Mỗi năm, hàng triệu ô tô, xe thể thao đa dụng, xe bán tải và xe tải đã được xuất khẩu. ¾ trong đó, đặc biệt sang Nga và các nước đang phát triển, là ô tô chạy động cơ xăng, loại hàng mà người tiêu dùng Trung Quốc không quá ưa chuộng vì họ thích xe điện.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đã trợ cấp rất nhiều cho hoạt động nghiên cứu và sản xuất ô tô điện chạy pin suốt 15 năm. Các công ty đang tăng cường sản xuất ô tô điện và xây dựng đội tàu xuất khẩu sang các thị trường xa xôi, đặc biệt là châu Âu. 71 mẫu xe sẽ được giới thiệu trong năm nay, trong số nhiều dòng được trang bị tính năng tiên tiến.
Trung Quốc khởi đầu kém xa phương Tây về pin ô tô điện và quan chức đại lục biết điều đó. Năm 2011, Bắc Kinh yêu cầu các công ty phương Tây chuyển giao công nghệ chủ chốt sang Trung Quốc nếu họ muốn khách hàng tại đây nhận được các khoản trợ cấp tương tự ô tô sản xuất tại đại lục. Nếu không có trợ cấp, các nhà sản xuất ô tô như General Motors và Ford sẽ mất cạnh tranh về giá.
Năm 2016, Bắc Kinh tiếp tục đi xa hơn khi tuyên bố ngay cả ô tô điện sản xuất tại Trung Quốc cũng sẽ chỉ đủ điều kiện nhận trợ cấp nếu chúng sử dụng pin từ các nhà máy thuộc sở hữu của các doanh nghiệp đại lục. Các nhà sản xuất ô tô như Hyundai của Hàn Quốc sau đó buộc từ bỏ các nhà sản xuất pin đồng hương để chuyển hợp đồng sang công ty pin Trung Quốc như CATL.
Các công ty Trung Quốc hiện sản xuất phần lớn pin ô tô điện trên thế giới. Đột phá về công nghệ trong vài năm qua đồng nghĩa với việc ô tô có thể đạt phạm vi hoạt động tốt hơn rất nhiều.
Theo một báo cáo mới từ một nhóm nghiên cứu ở Washington, xuất khẩu pin lithium-ion của Trung Quốc đã tăng vọt lên 65 tỷ USD vào năm ngoái từ mức 13 tỷ USD vào năm 2019. Gần 2/3 số hàng xuất khẩu này đã đến châu Âu và Bắc Mỹ. Phần lớn số còn lại được chuyển đến Đông Á, nơi pin thường được lắp ráp thành sản phẩm để bán sang châu Âu hoặc Bắc Mỹ.
Không chỉ xe điện, Trung Quốc còn chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời để giảm sự phụ thuộc vào dầu nhập khẩu. Nước này từ lâu đã coi các tấm pin mặt trời là ưu tiên hàng đầu nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch dọc theo các tuyến đường biển do Mỹ hoặc Ấn Độ kiểm soát. Công suất sản xuất tấm pin mặt trời của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần từ năm 2008 đến năm 2012, từ đó kéo theo giá trên toàn cầu giảm khoảng 75%. Nhiều nhà máy ở Mỹ và châu Âu phải đóng cửa.
Hiện tăng trưởng điện mặt trời tại Trung Quốc không hề có dấu hiệu chậm lại, nhất là trong bối cảnh chính phủ nước này đặt mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2060. Động lực chủ yếu đến từ việc Trung Quốc có hầu hết mọi thứ cần thiết để sản xuất polysilicon - nguyên liệu chính trong quá trình sản xuất tấm pin mặt trời một cách nhanh nhất và rẻ nhất, từ hầm mỏ, nhà máy đến nhân công.
“Việc mở rộng hàng tỷ công suất polysilicon của Trung Quốc sẽ tháo gỡ được một nút thắt quan trọng. Chúng tôi kỳ vọng nguồn cung này sẽ được đẩy mạnh vào những năm tiếp theo với mức giá hợp lý hơn”, Tony Fei, chuyên gia phân tích của BOCI Research, nói.
Sức mạnh sản xuất của Trung Quốc là không thể chối cãi. Hàng nhập khẩu giá rẻ từ đại lục thậm chí còn khiến một số doanh nghiệp EU rơi vào khủng hoảng. Thông báo đóng cửa sản xuất đang chồng chất. Ngành thiết bị điện mặt trời châu Âu cảnh báo một nửa công suất sản xuất có thể biến mất trừ khi chính phủ vào cuộc.
Theo: The New York Times, Reuters