Ngân hàng ngấm đòn tăng lãi suất huy động: Chi phí tăng cao, đầu ra bế tắc
Dù tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng tương đối chậm nhưng chi phí lãi 6 tháng đầu năm nay của 28 ngân hàng đã tăng hơn 84% so với cùng kỳ, đạt trên 319 nghìn tỷ đồng.
Hệ lụy của thời kỳ chạy đua tăng lãi suất huy động trong khi cho vay khó khăn được phản ánh rõ nét trong báo cáo tài chính quý II của các ngân hàng. Chi phí trả lãi tiền gửi tăng cao đã tác động tiêu cực lên lợi nhuận của nhiều ngân hàng trong nửa đầu năm.
Chi phí trả lãi tăng 2-3 lần
Kết quả kinh doanh của các ngân hàng nửa đầu năm có sự phân hóa rõ rệt trong bối cảnh mặt bằng chung đi xuống. Có một điểm chung là chi phí lãi đã ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả hoạt động kinh doanh trong nửa đầu năm. Các ngân hàng đã trải qua nửa năm kinh doanh với khoản chi phí lãi phải trả cho người gửi tiền tăng vọt.
Chi phí trả lãi trong quý II đều tăng hai chữ số so với cùng kỳ năm trước. Một số nhà băng chịu chi phí lãi cao hơn gấp đôi, thậm chí gấp gần ba lần cùng kỳ. Theo báo cáo tài chính quý II/2023 được công bố của 28 ngân hàng, tổng tiền gửi của khách hàng đạt trên 9 triệu tỷ đồng, tăng hơn 8% sau nửa năm.
Dù tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng tương đối chậm nhưng chi phí lãi 6 tháng đầu năm nay của 28 ngân hàng đã tăng hơn 84% so với cùng kỳ, đạt trên 319 nghìn tỷ đồng. Ở nhóm ngân hàng quốc dân, với vị thế là những nhà băng có lượng tiền gửi lớn nhất hệ thống, BIDV, Vietcombank và VietinBank cũng là những ngân hàng có chi phí lãi cao nhất nửa đầu năm nay.
Ba ngân hàng này ghi nhận chi phí trả lãi trong quý II tăng 60-80% so với cùng kỳ, trong khi mức tăng của thu nhập từ lãi cho vay chỉ bằng một nửa.
Đứng đầu là BIDV với chi phí lãi và các khoản tương tự là hơn 25.500 tỷ đồng trong quý II, cao hơn 75% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, chi phí trả lãi của BIDV lên đến 49.677 tỷ đồng, gấp 1,7 lần cùng kỳ.
Tiếp theo là VietinBank. Chi phí trả lãi của ngân hàng này trong quý II tăng hơn 60%. Còn tính chung trong 6 tháng đầu năm nay, chi phí trả lãi của VietinBank là 41.453 tỷ đồng, gấp 1,7 lần cùng kỳ năm trước.
“Anh cả” Vietcombank đứng thứ 3 với chi phí trả lãi trong quý II gấp gần hai lần cùng kỳ, còn trong nửa đầu năm là 28.288 tỷ đồng, gấp 1,9 lần cùng kỳ. Xét trong toàn hệ thống, cao nhất là Techcombank. Chi phí lãi trong quý II của riêng ngân hàng mẹ Techcombank là hơn 7.500 tỷ đồng, gấp gần ba lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, chi phí trả lãi của Techcombank là 14.908 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ.
Một phần lý do khiến chi phí lãi của Techcombank đứng đầu hệ thống là do tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng này giảm mạnh. Những năm trước, tỷ lệ CASA của nhà băng này chiếm gần một nửa tổng huy động đã giảm xuống 32% vào cuối quý I và tăng lên gần 35% vào cuối quý II.
VPBank và MB là những ngân hàng tiếp theo trong top đầu nhóm tư nhân có tốc độ tăng chi phí lãi trong quý II vượt 100%.
Thu nhập lãi thuần của VPBank trong quý II thấp hơn cùng kỳ do nguyên nhân chính là chi phí lãi tăng mạnh. Lũy kế 6 tháng, VPBank chi ra 18.507 tỷ đồng cho chi phí lãi, gấp hơn hai lần so với năm trước.
Tương tự, chi phí lãi của MB trong quý II lên tới hơn 120%. Tính chung nửa đầu năm, chi phí lãi của MBBank là 15.115 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ.
Tới hết quý II/2023, tỷ lệ chi phí lãi/tổng tiền gửi trong 6 tháng đầu năm của khách hàng tại 28 ngân hàng đạt 3,5%, tăng 1,3 điểm % so với cùng kỳ.
Tỷ lệ này càng cao thì càng thể hiện độ “chịu chi” của các ngân hàng trong việc trả lãi suất tiền gửi cho người gửi tiền. Hầu hết ngân hàng có tỷ lệ này cao hơn so với mặt bằng chung đều là những ngân hàng thương mại vừa và nhỏ. Đây là những ngân hàng niêm yết lãi suất huy động cao nhất trong giai đoạn đỉnh điểm cuối năm 2022.
Chi phí trả lãi tăng vọt do đâu?
Tình trạng chi phí trả lãi tăng vọt xuất hiện sau một giai đoạn các ngân hàng đua nhau huy động tiền gửi với lãi suất cao nhưng sau đó lại gặp khó khăn trong việc cho vay do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu.
Giai đoạn nửa cuối năm ngoái đến đầu năm nay, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trở nên căng thẳng khi “room” tín dụng cạn kiệt. Để thu hút nguồn tiền, các nhà băng thi nhau tăng lãi suất nhằm thu hút tiền gửi từ dân cư.
Thời điểm đó, lãi suất tăng từng ngày. Có thời điểm, lãi suất huy động được đẩy lên 11-12%, thậm chí có ngân hàng lên 13-14%. Để tận dụng ưu đãi, hưởng lãi cao hơn, đa số người gửi tiền trong giai đoạn này chọn kỳ hạn dài.
Thêm nữa, mặt bằng lãi suất tăng lên không chỉ kéo chi phí trả lãi cho các khoản tiền gửi mới cao hơn mà các khoản tiền gửi cũ khi đáo hạn cũng được áp theo khung lãi suất mới càng kéo chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng tăng vọt.
Nhưng nghịch lý là các ngân hàng huy động vốn lãi cao nhưng không cho vay được. Tín dụng của toàn hệ thống trong nửa đầu năm nay chỉ tăng 4,7%, bằng một nửa tốc độ của cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, đơn hàng giảm, dẫn tới tình trạng giảm nhu cầu vay vốn.
Mặt khác, cơ cấu tiền gửi thay đổi cũng ảnh hưởng đến chi phí trả lãi của các ngân hàng. Cụ thể, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) với giá rẻ đã giảm đáng kể, thay vào đó tiền gửi tiết kiệm có lãi suất cao hơn nhiều đã gia tăng mạnh mẽ.
Chi phí trả lãi tăng vọt trong khi cho vay khó khăn đã tác động tiêu cực lên lợi nhuận của nhiều ngân hàng trong nửa đầu năm nay. Chi trả lãi tăng mạnh nhưng thu nhập lãi không tăng theo kịp do dư nợ tín dụng trì trệ đã khiến thu nhập lãi thuần của nhiều ngân hàng bị ảnh hưởng đáng kể. Cùng với đó, các yếu tố như nguồn thu nhập ngoài lãi cũng suy giảm do một số hoạt động cũng bị kiểm soát chặt chẽ hơn.
Những tháng gần đây, sau khi Ngân hàng Nhà nước nhiều lần điều chỉnh lãi suất điều hành, luất huy động đã giảm nhanh chóng. Hầu hết ngân hàng đang niêm yết lãi suất tiết kiệm chỉ từ 6-6,9%/năm.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số ngân hàng, áp lực chi phí vốn đầu vào cao vẫn còn ảnh hưởng trong thời gian tới, bởi ít nhất phải tới cuối năm nay, các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 năm từ cuối năm 2022 mới tất toán.