Hiện đã có 64 người trong “Danh sách đỏ 100” bị sa lưới cho thấy công tác truy bắt tội phạm nghiêm trọng bỏ trốn ra nước ngoài rất gian nan nhưng đã đạt thành quả quan trọng; nhiều biện pháp đã được áp dụng để có kết quả đó.
Dương Tú Châu, quan tham đứng đầu Danh sách 100 người bị truy nã đỏ từ Mỹ về đầu thú, nhận án tù (Ảnh: Xinhua)
Các nghi phạm bị truy nã trong “Danh sách đỏ 100” phần lớn là “nhân vật số 1” hoặc “giữ vị trí then chốt” trong các cơ quan đảng, chính quyền và doanh nghiệp. Trong đó 48 người là “lãnh đạo số 1”, hơn 60% phạm tội tham ô và nhận hối lộ rồi ôm tiền bỏ trốn.
Giáo sư luật Hoàng Kinh Bình ở Đại học Nhân dân Trung Quốc phân tích: trong tình thế không thể che đậy được hành vi phạm tội, những kẻ này thường chọn cách trốn ra nước ngoài hòng lẩn tránh sự truy cứu, trừng phạt của pháp luật.
Rất nhiều người trước khi trốn đã lập kế hoạch tỉ mỉ, tìm ra những kẽ hở của cơ chế giám sát để trốn theo các con đường: đầu tư di dân, đi du lịch rồi ở lại, tị nạn chính trị, sau đó thay đổi lý lịch, luồn lách qua các nước.
Những kẻ trốn càng lâu thì càng khó truy bắt. Trong “Danh sách đỏ 100”, kẻ trốn sớm nhất là năm 1996, đã 28 năm vẫn chưa bị bắt đưa về quy án. Mỹ và Canada được nhiều kẻ tìm đến nhất. Trong “Danh sách đỏ 100”, có 40 người trốn đến Mỹ, 26 người tới Canada, tiếp đó là New Zealand, Australia, Pháp, Thái Lan, Singapore…
Vì sao nhiều quan tham bỏ trốn thích tới Mỹ và Canada? Ông Hoàng Phong, Viện trưởng nghiên cứu luật hình sự quốc tế Bắc Kinh cho rằng: đó là do giữa Trung Quốc với hai nước này chưa có hiệp ước dẫn độ; việc truy bắt chỉ có thể thực hiện thông qua các biện pháp như khuyên bảo, di lý, truy tố ở nước ngoài.
Đã có 62 trong số 100 nghi phạm bị truy nã đỏ đã bị bắt, khuyên về, dẫn độ về Trung Quốc chịu sự trừng phạt của pháp luật (Ảnh: Xinhua).
“Đệ nhất nữ quan tham” về nhận tội sau 13 năm lẩn trốn
Tháng 4/2003, Dương Tú Châu mang theo con gái, con rể và cháu ngoại trốn sang Singapore khi đang là Phó giám đốc Sở Xây dựng Chiết Giang. Tháng 2/2004, Viện Kiểm sát Chiết Giang đã phát lệnh truy nã đỏ đối với bà ta. Đến năm 2015, Dương Tú Châu bị xếp đầu tiên trong “Danh sách đỏ 100”.
Châu đã lần lượt trốn qua các nước Singapore, Pháp, Italy, Hà Lan, Canada. Tháng 5/2014, bà ta tới Mỹ, 1 năm sau thì bị cảnh sát Mỹ bắt giữ vì vi phạm quy định về visa. Tháng 6/2015, Châu chính thức đệ đơn xin tị nạn chính trị ở Mỹ nhưng bị bác bỏ. Ngày 16/11/2016, Châu từ Mỹ về Trung Quốc đầu thú sau 13 năm lẩn trốn.
Dương Tú Châu bị bắt tại sân bay khi từ Mỹ trở về thú tội (Ảnh: Xinhua).
Học chưa hết cấp 2 phải bỏ học làm nhân viên một cửa hàng lương thực để cùng bố mẹ nuôi 6 đứa em, con đường thăng tiến của Dương Tú Châu khá thuận lợi, sau này được đúc kết là nhờ thủ đoạn “3 tìm”: Trên tìm “ô dù” che chở; dưới tìm cốt cán để dựa vào; ngoài xã hội tìm đồng đảng, nâng đỡ, bao che bọc lót cho nhau.
Năm 1989, mặc dù bị tố cáo dùng văn bằng giả để được bổ nhiệm làm Trưởng phòng quy hoạch đô thị, Châu vẫn thoát tội. Dưới thời bà ta, Phòng quy hoạch Ôn Châu trở thành “đại bản doanh” tham nhũng, mọi vị trí chức danh đều được quy ra giá tiền cụ thể. 8 trong số 11 cán bộ được Châu bổ nhiệm lần lượt bị bắt vì các sai phạm khác nhau.
Năm 1998, Dương Tú Châu trở thành Phó Thị trưởng phụ trách đất đai, quy hoạch của Ôn Châu. Trong 10 năm làm quy hoạch, nữ quan tham này đã “băm nát” thành phố. Dưới sự chỉ đạo của bà ta, đất nền được các công ty bất động sản mua với giá rẻ sau đó bán ra với giá cao chót vót. Tiền cũng từ đó không ngừng chảy vào các tài khoản của Châu ở nước ngoài.
Khi còn đương chức, Dương Tú Châu đã thông qua Công ty Thương mại quốc tế I/E ở New York để mua một tòa nhà 5 tầng ở số 102 phố 29 Tây Manhattan. Năm 2004, I/E nhượng quyền sở hữu tòa nhà cho chị dâu của Châu với giá 550.000 USD và một thời gian ngắn sau nó đã được bán với giá 2,4 triệu USD. Dùng giao dịch giả để sở hữu bất động sản ở Mỹ là phương thức mà bà ta sử dụng.
Sau khi Châu bỏ trốn, nhà chức trách địa phương đã cáo buộc bà ta tham ô 253,2 triệu NDT, mới thu hồi được 42,4 triệu NDT và phong tỏa được 70 triệu NDT. Cơ quan pháp luật đã lập hồ sơ điều tra vụ án Dương Tú Châu, có tới hơn 100 người liên đới, trong đó có 2 quan chức cấp sở, 11 cấp phòng, 7 cấp ban. Bà ta còn trực tiếp liên quan đến 12 vụ án kinh tế khác.
Dương Tiến Quân bị bắt đưa về từ Mỹ sau 15 năm lẩn trốn (Ảnh: Thepaper).
Hai em trai của Châu là Dương Quang Vinh và Dương Tiến Quân cũng phạm tội tham nhũng. Vinh là Phó tổng giám đốc Công ty phát triển nhà đất Cục Đường sắt Ôn Châu, đã bị bắt, xét xử, nhận án tù. Còn Quân, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Minh Hòa, đã biển thủ hàng chục triệu NDT rồi bỏ trốn sang Mỹ từ tháng 12/2001. Tương tự như chị gái, Quân cũng bị đưa vào “Danh sách đỏ 100”, bị bắt tại Mỹ rồi đưa về nước, chờ ngày ra tòa.
Tháng 10/2017, Dương Tú Châu đã bị kết án 8 năm tù vì các tội tham ô, nhận hối lộ. Có tin mức án này khá nhẹ do đã có thỏa thuận trước để Châu chịu về quy án.
Gian nan vụ bắt quan tham ngông cuồng nhất
Lý Hoa Ba là nhân vật "số 2" trong “Danh sách đỏ 100”. Tay cán bộ ít được biết đến này vốn làm việc cho Phòng Tài chính huyện Bà Dương, tỉnh Giang Tây. Với con dấu giả, Lý Hoa Ba đã biển thủ tổng cộng 94 triệu NDT (329 tỉ VND) công quỹ trong nhiều năm, tương đương 1/4 doanh thu tài chính cả năm của cả huyện nghèo này.
Tháng 1/2011, Ba trốn sang Singapore và được nhập cư nhờ bỏ số tiền lớn đầu tư. Khi đó, hắn không bao giờ nghĩ rằng nơi trốn tránh đã cẩn thận lựa chọn này sẽ không thể trở thành “nơi bắt đầu giấc mơ” và nỗ lực trốn tránh của hắn sẽ vô ích.
Không giống như hầu hết các quan chức bỏ trốn khác, Ba rất ngạo mạn. Trước khi trốn, hắn đã để lại ba bức thư cho những người liên quan. Theo báo chí, Ba viết trong thư hắn bỏ trốn cùng gia đình vì "đã kiếm được rất nhiều tiền từ tài khoản của phòng tài chính", còn kể chi tiết các phương thức phạm tội, chẳng hạn như thông đồng với những người khác và làm con dấu giả.
Không chỉ có vậy, sau khi rời khỏi Trung Quốc, Lý Hoa Ba còn gọi điện về cho lãnh đạo Phòng Tài chính huyện thông báo đã “lấy được” rất nhiều tiền và hiện đang ở nước ngoài. Sự tham lam và ngông cuồng của Lý Hoa Ba đã gây rúng động Trung Quốc.
Quan tham Lý Hoa Ba bị bắt đưa từ Singapore về (Ảnh: Thepaper)
Tháng 2/2011, Viện Kiểm sát huyện Bà Dương đã mở vụ án điều tra truy bắt Lý Hoa Ba cùng vợ vì nghi ngờ tham nhũng. Bộ Công an Trung Quốc đưa ra thông báo truy nã đỏ thông qua Interpol.
Dựa trên manh mối do Trung Quốc cung cấp, cảnh sát Singapore đã bắt Lý Hoa Ba tại một sòng bạc vào ngày 2/3/2011, chỉ hơn một tháng sau khi hắn bỏ trốn. Khối tài sản trị giá 5.454.200 SGD (khoảng 103 tỉ đồng) mà hắn mất nhiều công sức chuyển sang cũng bị đóng băng.
Tuy nhiên, Trung Quốc và Singapore chưa ký hiệp ước dẫn độ cũng như chưa ký thỏa thuận hỗ trợ tư pháp hình sự - đây là một trong những lý do quan trọng khiến Lý Hoa Ba chọn nơi này để trốn. Lúc này, cuộc “truy bắt, truy thu” mới bắt đầu.
Tổ điều phối chống tham nhũng trung ương đã trực tiếp giám sát vụ việc. Dưới sự lập kế hoạch và điều phối của Văn phòng trung ương truy đào các cơ quan liên quan như Viện Kiểm sát, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp đã thành lập nhóm công tác chung, tới Singapore 8 lần để tiến hành tham vấn với các cơ quan tương ứng của nước này.
Văn phòng trung ương truy đào hơn 40 lần tổ chức họp để trao đổi thông tin và thông báo tiến độ. Vụ án Lý Hoa Ba được Văn phòng truy đào tỉnh Giang Tây coi là nhiệm vụ trọng tâm. Tỉnh đã thành lập nhóm điều phối vụ án và một đội đặc nhiệm, trong thời gian ngắn đã tìm ra chứng cứ Lý Hoa Ba biển thủ 94 triệu NDT công quỹ.
Chứng cứ liên quan Lý Hoa Ba chuyển tiền lấy cắp xuyên biên giới và làm giả giấy tờ để nhập cư đã được giao cho phía Singapore. Cơ quan tư pháp Singapore đã truy tố Lý Hoa Ba về tội “nhận tài sản trộm cắp không trung thực”, phiên tòa sơ thẩm của Singapore kết án Ba 15 tháng tù, Ba kháng cáo. Tuy nhiên Tòa án Tối cao Singapore đã đưa ra phán quyết giữ nguyên mức án ban đầu. Theo luật pháp Singapore, Ba chỉ được ra tù và trục xuất về Trung Quốc sau khi chấp hành được 2/3 bản án.
Tháng 1/2015, Singapore đã thu hồi quyền cư trú của Lý Hoa Ba. Hắn bị đưa về Trung Quốc và chịu sự xử lý của pháp luật.
(Theo CCTV, Peopledaily)
Thu Thủy