VN-Index đang trong giai đoạn điều chỉnh trước những áp lực trong ngắn hạn. Sự điều chỉnh này là cần thiết khi kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế chưa đủ mạnh để vượt qua nỗi lo sợ tỷ giá tăng trở lại và khối ngoại bán ròng. Tuy nhiên, nhìn rộng ra thì đây sẽ là một bước lùi lại lấy đà của TTCK khi nền kinh tế đang dần phục hồi và tăng trưởng trở lại trong cuối 2024 & 2025. Nền kinh tế sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng khi các rủi ro trong ngắn hạn dần được loại bỏ. Vậy NĐT nên làm gì khi TTCK đang trong vùng rủi ro như hiện tại ?
Tập trung quản trị rủi ro là điều ưu tiên hàng đầu:
Thị trường chứng khoán sẽ biến động rất mạnh khi có các biến số ảnh hưởng và rất khó để biết trước, đó là tính chất của thị trường tâm lý. Tuy vậy, vẫn có những cách để hạn thiệt hại khi rủi ro đột nhiên xuất hiện:
-
Đầu tiên là khi thị trường gặp rủi ro, việc quan trọng nhất cần làm là ưu tiên bảo vệ an toàn tài khoản. Mặc kệ cho số đông có đi tìm hiểu lý do hay hoảng loạn vô ích, việc nên làm là giữ cho bản thân một cái đầu lạnh để đưa ra quyết định sáng suốt nhất. Mặc dù tình trạng margin của các công ty chứng khoán hiện đang ở mức cao, tuy nhiên chưa có dấu hiệu căng cứng vì khi một vài dự báo cho thấy room cho vay vẫn còn dư thừa. Nếu bạn đang ở trong tình thế sử dụng full-margin sẽ rất nguy hiểm và có nguy cơ thiệt hại rất lớn khi thị trường đảo chiều Vì vậy, bảo vệ tài khoản cũng chính là bảo toàn cơ hội của bạn lúc thị trường đã giảm đến một mức cân bằng.
-
Tiếp theo là đánh giá mức độ rủi ro trong tình hình hiện tại, dựa vào các thông tin và số liệu thu thập được từ tin tức vĩ mô, tâm lý thị trường. Bạn sẽ đánh giá mức độ nghiêm trọng của vấn đề mà thị trường đang gặp phải, từ đó xây dựng kế hoạch cho các bước kế tiếp.
Thị trường biến động rất mạnh theo các biến số vĩ mô (Nguồn: Mirae Asset)
Xây dựng danh mục cổ phiếu mục tiêu và kế hoạch cho giai đoạn mới:
Ở đây mình sẽ đưa ra những lưu ý về xây dựng danh mục theo phương pháp đầu tư của mình để các bạn tham khảo bởi vì đa phần phương pháp đầu tư của hầu hết chúng ta đều không giống nhau, tuy nhiên sẽ vẫn có một vài yếu tố quan trọng được đảm bảo để hỗ trợ việc đưa ra quyết định đầu tư trở nên chuẩn xác hơn:
-
Đầu tiên là xây dựng các kịch bản bằng việc lấy vĩ mô làm trung tâm để điều chỉnh kế hoạch đầu tư của bạn một cách phù hợp. Cần xác định được nhịp điều chỉnh này của VN-Index là điều chỉnh tạm thời để đi lên hay đảo chiều. Thị trường chứng khoán phản ánh tương lai gần của nền kinh tế, vì vậy các thay đổi về vĩ mô mang tính bước ngoặc sẽ giúp thị trường chiết khấu kỳ vọng trong vòng 2-3 quý tới khi động lực cốt lõi của thị trường chứng khoán chính là sự tăng trưởng EPS của toàn bộ doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
-
Thứ hai là xem xét triển vọng vĩ mô thị trường, sau đó tìm kiếm các nhóm ngành có kỳ vọng tích cực từ bức tranh vĩ mô đó và sau cùng là lựa chọn các cổ phiếu có chất lượng trong ngành. Thông thường, cổ phiếu sẽ phục hồi và tăng mạnh nếu kỳ vọng của nhóm ngành đó vượt trội hơn so với thị trường chung.
-
Thứ ba là nên chọn lọc cho mình một danh mục cổ phiếu mục tiêu, cách chọn lọc sẽ phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro khác nhau và chiến lược của từng nhà đầu tư. Ưu tiên lựa chọn các cổ phiếu các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành có kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ, những nhóm cổ phiếu nhạy với thị trường & cổ phiếu có kỳ vọng tăng trưởng liên tục trong chu kỳ tới.
-
Việc cần làm tiếp theo là xây dựng kế hoạch phân bổ phù hợp với khẩu vị rủi ro của bạn. Bạn sẽ nắm bao nhiêu mã cổ phiếu với tỷ trọng bao nhiêu. Phân bổ tỷ trọng hợp lý và khoa học sẽ mang lại lợi ích rất lớn khi thị trường phục hồi trở lại.
-
Cuối cùng là việc đưa ra quyết định đầu tư làm sao để đúng thời điểm, nghĩa là bạn cần cân đo đong đếm lợi nhuận thấp rủi ro cao hay ngược lại. Việc này đòi hỏi bạn cần rèn luyện rất nhiều lần để giúp tăng khả năng cảm nhận và phán đoán xác suất các kịch bản dễ xảy ra nhất đã được xây dựng sẵn từ trước.
=> Kết luận: Sau mỗi nhịp tăng dài, thị trường sẽ điều chỉnh một mức độ vừa phải để có thể đi lên tiếp trong chu kỳ kinh tế tăng trưởng và nới lỏng tiền tệ. Với kịch bản thị trường hiện tại, thị trường đang trong vùng điều chỉnh để chiết khấu sự lo ngại về tỷ giá USD tăng, khối ngoại bán ròng liên tục trong thời gian qua. Đây là sự điều chỉnh thông thường hay gặp và là cơ hội để bạn xây dựng chiến lược và danh mục khi thị trường phân hóa. Điểm mua lại sẽ là thời điểm bạn đánh giá lại rủi ro USD được kiểm soát và tốc độ bán ròng giảm bớt thông qua việc nắm bắt các thông tin liên quan đến sự điều tiết chính sách tiền tệ và thống kê bán ròng của nước ngoài .Các nhóm cổ phiếu được chọn ưu tiên là những nhóm có lợi từ việc kinh tế phục hồi và tăng trưởng trở lại trong cuối 2024 và 2025.
Gợi ý một vài nhóm ngành nổi bật & các catalyst quan trọng:
(1) Ngành thép:
- Nhu cầu tiêu thụ thép nội địa phục hồi nhờ sự phục hồi của mảng BĐS và đẩy mạnh đầu tư công.
Nhu cầu tiêu thụ thép phục hồi mạnh mẽ trong 2024 (Nguồn: VSA, dự báo)
- Xuất khẩu thép tăng trưởng 15,1% so với cùng kỳ nhờ lạm phát các thị trường xuất khẩu suy giảm khiên nhu cầu cải thiện, giá thép thế giới được duy trì ở mức ổn định và phục hồi nhẹ so với cuối 2023.
Xuất khẩu thép phục hồi mạnh mẽ so với cùng kỳ (Nguồn: Tổng cục hải quan)
-
Các doanh nghiệp thép giảm chi phí sản xuất nhờ giá quặng sắt và than cốc trung bình năm 2024 giảm lần lượt 10% và 12% so với trung bình năm 2023. DN thương mại thép gia tăng hàng tồn kho giá rẻ cao kỷ lục => tiềm năng bùng nổ biên lợi nhuận nếu nhu cầu tiêu thụ thép tiếp tục phục hồi tích cực.
-
Kỳ vọng luật chống bán phá giá thép HRC Trung Quốc giúp giảm cạnh tranh với với lượng hàng hóa giá rẻ.
-
Các doanh nghiệp ngành chuẩn bị cho chu kỳ mới bằng các dự án trọng điểm sản xuất và phân phối để phục vụ nền kinh tế phục hồi.
Rủi ro: Lạm phát không hạ nhiệt như kì vọng đối với các thị trường xuất khẩu lớn & thị trường BĐS hồi phục yếu hơn kì vọng.
Cổ phiếu đáng chú ý : HPG, HSG
(2) Ngành bán lẻ:
- Lĩnh vực tiêu dùng phục hồi nhờ đà phục hồi của nền kinh tế, doanh thu bán lẻ dịch vụ lưu trú & ăn uống tăng 15,1% YoY nhờ lượng khách quốc tế du lịch tiếp tục tăng.
-
Thu nhập cải thiện kích thích nhu cầu chi tiêu tăng trưởng mạnh. Tăng lương cơ sở từ 1/7/2024 cũng đóng góp vào sự phục hồi của ngành tiêu dùng trong nửa cuối năm 2024.
-
Lạm phát được duy trì cân đối giúp tạo niềm tin cho người tiêu dùng, môi trường lãi suất được giữ ở mức thấp và kinh tế tiếp tục tăng trưởng.
-
Các chính sách kích cầu nhằm thúc đẩy du lịch và sự phục hồi của ngành du lịch
-
Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp và mức lương tối thiểu tăng.
-
Tiếp tục đề xuất giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024 giúp ngành bán lẻ tiếp tục được hưởng lợi.
Rủi ro: lạm phát gia tăng có thể ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng.
Cổ phiếu lưu ý: MWG, DGW, MSN
(3) Ngành xuất khẩu thủy sản:
- Theo cơ cấu xuất khẩu 5T 2024, xuất khẩu thủy sản hồi phục hầu hết các thị trường trong đó Mỹ tăng 13%; Trung Quốc 4%; EU (3%)
-
Sản lượng tôm tại Ecuador và Ấn Độ giảm sút giúp giảm áp lực cạnh tranh về giá đối với Việt Nam. Nguyên nhân là do cung dư thừa khiến giá giảm, dẫn đến thu hẹp diện tích nuôi tôm. Ecuador còn gặp bất ổn an ninh, xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, trong khi Mỹ là thị trường lớn nhất của Ấn Độ. Theo DOC, tôm xuất khẩu từ Ecuador bị phải chịu tỷ lệ bán phá giá 10,58% và đặt cọc tiền mặt trả trước 10,18%.
-
Theo kết quả rà soát chống bán phá giá lần 19 (POR 19), thuế chống bán phá giá của ngành cá da trơn Việt Nam giảm từ 2,39 USD/kg xuống còn 0,14 USD/kg, với VHC và ANV vẫn duy trì mức 0. Đợt thanh tra của FSIS (Bộ Nông nghiệp Mỹ) đối với cá tra vào tháng 8 cũng đạt kết quả tích cực, khẳng định uy tín chất lượng và tạo động lực cho xuất khẩu cá da trơn sang Mỹ.
-
Đầu năm 2024 Châu Âu tuyên bố áp thuế 13.7% cho toàn bộ các sản phẩm cá minh thái từ Nga và từ nước thứ 3 có nguồn từ Nga. Đồng thời, Mỹ cũng có động thái xem xét cầm toàn bộ cá thịt trăng và thủy sản có nguồn gốc từ Nga vào thị trường của mình. Điều này mở ra cơ hội xuất khẩu ca tra của Việt Nam vào hai thị trường kể trên.
Rủi ro: Áp lực từ giá cước vận tải tăng liên tục, chi phí đầu vào đang có đấu hiệu tăng lên do giá tôm nguyên liệu và cá tra nguyên liệu bắt đầu hồi phục khi hoạt động xuất khẩu sôi động trở lại.
Cổ phiếu lưu ý: VHC
(4) Ngành ngân hàng:
-
Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ dần tích cực hơn kể từ 2H2024
-
Xu hướng hồi phục của nền kinh tế, với sự dẫn dắt chính đến từ hoạt động xuất nhập khẩu đã có dấu hiệu tăng trưởng tích cực trong 2 quý đầu năm
-
Kỳ vọng thị trường bất động sản dần ấm trở lại thúc đẩy nhu cầu cho vay mua nhà hỗ trợ cho vay bán lẻ.
-
Tốc độ xử lý nợ xấu được cải thiện.
-
Định giá của một vài cổ phiếu ngân hàng đang ở vùng hấp dẫn và có thể cân nhắc.
Rủi ro: Nợ xấu tiếp tục căng thẳng, kéo dài áp lực trích lập DPRR & mảng BĐS phục hồi chậm.
Cổ phiếu tiềm năng: CTG, ACB
Tổng kết lại, cách hiệu quả nhất khi ứng phó với rủi ro thị trường chứng khoán đó là chạy trước rồi tính sau. Ưu tiên bảo lệ tài khoản không bị thiệt hại nặng nề, từ đó có cơ hội quay trở lại khi thị trường đã bớt rủi ro hơn. Việc quan trọng nhất là nên xây dựng một phương pháp đầu tư hoàn chỉnh và phù hợp với bản thân, điều này sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong trường hợp thị trường biến động mạnh.
Chúc bạn đầu tư thành công!