Thị trường hiện đang hướng tới dữ liệu kinh tế của Mỹ và các chỉ số về nguồn cung dầu thô trong tương lai từ nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới.
*Giá vàng châu Á hướng đến tuần giảm thứ hai liên tiếp
Giá vàng đang hướng đến tuần giảm thứ hai liên tiếp dù cho kim loại quý này không biến động nhiều trong phiên 3/5 trong bối cảnh các nhà đầu tư vẫn thận trọng trước lúc công bố số liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ. Số liệu này có thể cung cấp manh mối về thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất.
Tính đến 14 giờ 02 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay “neo” ở mức 2.299,49 USD/ounce, song đã giảm hơn 1% trong tuần này. Giá kim loại quý này đã giảm hơn 130 USD sau khi chạm mức cao kỷ lục 2.431,29 USD/ounce trong tháng 4/2024. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ ổn định ở mức 2.309,20 USD/ounce.
Chiến lược gia ngoại hối Christopher Wong của OCBC cho biết sự sụt giảm mạnh trong hai tuần qua là do lo ngại về rủi ro địa chính trị giảm bớt và việc điều chỉnh lãi suất theo hướng tích cực hơn" trên thị trường.
Ngày 1/5, Fed cho biết vẫn đang hướng tới việc giảm chi phí vay mượn, nhưng lại cảnh báo về các số liệu lạm phát đáng thất vọng gần đây có thể khiến việc cắt giảm lãi suất bị trì hoãn. Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường đang dự báo 73% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 11/2024.
Vàng được coi là hàng rào chống lạm phát, nhưng lãi suất cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của tài sản không sinh lời này.
Ông Woong cho biết báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ yếu có thể hỗ trợ giá vàng, tuy nhiên một báo cáo tốt hơn có thể gây sức ép lên giá vàng. Báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp sẽ được công bố vào lúc 19 giờ 30 phút tối 3/5.
Theo nhà phân tích kỹ thuật của Reuters Wang Tao, vàng giao ngay có xu hướng phá mức kháng cự 2.311 USD/ounce và sau đó tăng lên khoảng 2.325-2.351 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,1% lên 26,73 USD/ounce, nhưng dự kiến giảm gần 2% trong tuần này. Giá bạch kim tăng 0,5% lên 954,67 USD/ounce và hướng đến tuần tăng giá, trong khi đó giá palladium giảm 0,4% xuống 932,21 USD/ounce.
Chiều 3/5, giá vàng miếng SJC tăng 600.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua, đạt quanh mức 85,8 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Đây là mức đỉnh mới của thương hiệu vàng miếng SJC so với mức 85,52 triệu đồng/lượng chiều bán ra đạt được ngày 15/4.
*Giá dầu châu Á hướng đến tuần giảm mạnh nhất trong ba tháng
Giá dầu châu Á tăng trong phiên ngày 3/5 nhờ triển vọng Tổ chức các Nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, tiếp tục cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, loại dầu chủ chốt này hướng đến tuần giảm giá mạnh nhất trong ba tháng do lo ngại về nhu cầu và căng thẳng tại Trung Đông giảm bớt làm giảm rủi ro nguồn cung.
Khoảng 14 giờ 55 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 7/2024 tăng 31 xu Mỹ (0,4%) lên 83,98 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 6/2024 tăng 26 xu Mỹ, tương đương 0,3%, lên 79,21 USD/thùng.
Tuy nhiên, cả hai loại dầu chủ chốt này đều đang trên đà giảm tính theo tuần trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng lãi suất cao kéo dài hơn sẽ hạn chế tăng trưởng ở Mỹ, nước tiêu thụ dầu toàn cầu hàng đầu, và các nơi khác trên thế giới.
Các nhà phân tích tại ANZ Research ngày 3/5 cho biết do mùa đi lại tại Mỹ sắp bắt đầu, lạm phát cao có thể khiến người tiêu dùng lựa chọn những chuyến đi ngắn hơn trong kỳ nghỉ lễ.
Thị trường hiện đang hướng tới dữ liệu kinh tế của Mỹ và các chỉ số về nguồn cung dầu thô trong tương lai từ nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giữ nguyên lãi suất trong tuần này và cảnh báo về các số liệu lạm phát cao đáng thất vọng gần đây có thể khiến việc cắt giảm lãi suất phải mất một thời gian.
Các khoản phí bảo hiểm rủi ro địa chính trị do xung đột Hamas-Israel, vốn đã đẩy giá dầu lên cao do rủi ro nguồn cung toàn cầu, cũng đang giảm bớt khi hai bên cân nhắc ngừng bắn tạm thời và tổ chức các cuộc đàm phán với các nhà trung gian quốc tế.
Giá dầu Brent dự kiến giảm 6,2%, còn giá dầu WTI giảm 5,6% trong tuần này. Sự sụt giảm này diễn ra chỉ vài tuần trước cuộc họp tiếp theo của OPEC+.
Ba nguồn tin từ các nhà sản xuất của OPEC+ cho biết tổ chức này có thể gia hạn việc cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày sau tháng 6/2024 nếu nhu cầu dầu không phục hồi. Tuy nhiên, tổ chức này vẫn chưa bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức trước cuộc họp vào ngày 1/6.
Cuối 3/5, Cục Thống kê Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo về số liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp, đây là thước đo sức khỏe của thị trường lao động nước này và được Fed xem xét khi thiết lập lãi suất. Lãi suất cao hơn thường ảnh hưởng đến nền kinh tế và điều đó có thể làm giảm nhu cầu dầu.
Cũng trong ngày 3/5, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes dự kiến sẽ công bố số giàn khoan dầu khí hàng tuần, một chỉ báo về sản lượng dầu thô trong tương lai.
*Chứng khoán Hong Kong dẫn đầu đà tăng tại châu Á
Chứng khoán Hong Kong dẫn đầu đà tăng tại châu Á trong phiên ngày 3/5 nhờ “sức tăng mạnh” của nhóm cổ phiếu công nghệ. Trong khi đó đồng yen nới rộng đà tăng so với đồng USD nhờ hy vọng về việc Mỹ cắt giảm lãi suất.
Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 1,5% lên 18.475,92 điểm, chỉ số Shanghai Composite đóng cửa nghỉ lễ. Chứng khoán Nhật Bản cũng đóng cửa nghỉ lễ.
Chứng khoán Sydney, Singapore, Wellington, Đài Bắc, Bangkok và Jakarta đều giao dịch trong vùng xanh, trong khi chứng khoán Seoul, Manila và Mumbai giảm.
Mức tăng này diễn ra trong bối cảnh nhà giao dịch hướng sự chú ý trở lại báo cáo việc làm của Mỹ, dự định công bố vào cuối ngày hôm nay. Báo cáo này sẽ cung cấp manh mối về quyết định lãi suất của Fed.
Lĩnh vực công nghệ là động lực chính thúc đẩy thị trường châu Á trong phiên này, trong đó đáng chú ý là Apple, sau khi hãng này công bố báo cáo lợi nhuận vượt dự kiến, cùng với thông báo mua lại cổ phiếu.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 4,67 điểm (0,38%) lên 1.221,03 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 0,73 điểm (0,32%) lên 228,22 điểm.
https://bnews.vn/chieu-3-5-cac-thi-truong-cho-doi-so-lieu-kinh-te-quan-trong-tu-my/331917.html