Chiêu trò đạp giá của lái: Lợi dụng thông tin tiêu cực để tạo bẫy tâm lý đám đông.
Trong thị trường chứng khoán, không ít lần chúng ta chứng kiến cổ phiếu lao dốc mạnh mà nguyên nhân lại bắt nguồn từ những tin tức tiêu cực bất ngờ. Tuy nhiên, liệu tất cả những thông tin đó đều chính xác và phản ánh đúng bản chất doanh nghiệp? Hay chúng chỉ là công cụ trong tay các “lái” – những tổ chức hoặc nhà đầu tư lớn – để tạo bẫy tâm lý đám đông, đẩy giá cổ phiếu xuống đáy?
Một trong những chiêu trò phổ biến mà “lái” sử dụng chính là lợi dụng các tin tức tiêu cực, từ việc công bố báo cáo tài chính kém khả quan, đến những tin đồn về khó khăn của ngành, hoặc thậm chí là các sự kiện kinh tế, chính trị. Những thông tin này khi được phát tán ra thị trường thường gây tâm lý hoảng loạn, đặc biệt là với các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Họ thường dễ bị chi phối bởi cảm xúc, ngay lập tức hành động theo hướng bán tháo cổ phiếu để “bảo toàn vốn” mà không có đủ thời gian và kiến thức để xác thực thông tin.
“Lái” tận dụng chính sự hoảng loạn này để “đạp giá” cổ phiếu một cách có chủ đích. Đầu tiên, họ tung ra các lệnh bán lớn, kết hợp với những tin tức tiêu cực lan tràn, khiến cho giá cổ phiếu giảm mạnh. Khối lượng giao dịch lớn và sự suy giảm đột ngột trong giá cổ phiếu khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ tin rằng doanh nghiệp đang đối mặt với khủng hoảng thực sự. Tâm lý đám đông bị cuốn vào vòng xoáy bán tháo, khiến giá cổ phiếu tiếp tục rơi tự do.
Khi giá cổ phiếu chạm đáy và không còn nhiều người bán ra nữa, “lái” bắt đầu gom hàng ở mức giá thấp, thậm chí ở mức giá mà trước đó ít ai nghĩ tới. Sau khi đã tích lũy đủ số lượng cổ phiếu, họ sẽ tìm cách “đẩy giá” trở lại, có thể là bằng những thông tin tích cực hoặc đơn giản chỉ là những động thái đẩy lệnh mua với khối lượng lớn để kích thích tâm lý FOMO của nhà đầu tư. Cuối cùng, “lái” bán ra cổ phiếu ở mức giá cao, thu lợi nhuận lớn, trong khi nhà đầu tư nhỏ lẻ thường chỉ còn lại nỗi hối tiếc vì đã bán cổ phiếu ở đáy.
Ví dụ điển hình trong thời gian gần đây ở thị trường chứng khoán Việt Nam: Ngân hàng Eximbank - EIB
Cụ thể là vào ngày 14/10 đã có rumor cho rằng Eximbank gặp rủi ro nghiêm trọng dẫn đến nguy cơ mất an toàn hoạt động và sụp đổ hệ thống. Trước tin tức trên cổ phiếu EIB đã bị bán tháo “nằm sàn” từ ngay đầu phiên với khối lượng khớp lệnh cao nhất lịch sử hơn 42 triệu cổ phiếu.
Nhưng sau ngày hôm đó giá đã tăng mạnh 15% chỉ trong 5 phiên với 1 phiên trần cứng.
Đây rõ ràng là sự hối tiếc, sự tức giận vì mắc phải chiêu trò của “lái”, chính vì vậy việc hiểu rõ chiêu trò “đạp giá” của lái sẽ giúp bạn có cái nhìn sắc bén hơn khi tham gia thị trường. Đừng để mình trở thành nạn nhân của những chiến lược thao túng, mà hãy bình tĩnh phân tích và đưa ra quyết định đầu tư dựa trên giá trị thực của doanh nghiệp.
Và tôi là Thành Lộc, hãy follow tôi để hiểu rõ hơn về thị trường chứng khoán, đồng thời hãy để lại ý kiến của bạn dưới phần comment nhé!
_ Thành Lộc FPTS _