Chính phủ báo cáo về tác động của sự cố tại SCB đến thị trường tiền tệ

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội nêu rõ tình trạng việc rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là yếu tố làm gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.

Phòng giao dịch SCB tại Long Biên. (Ảnh: Minh Quang ).

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH 15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Báo cáo cho biết sự cố tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã gây áp lực lớn đến thị trường tiền tệ, ngoại hối trong quý IV/2022.

Chính phủ cho biết từ cuối tháng 9/2022, diễn biến thị trường tiền tệ, ngân hàng chuyển biến rất nhanh. Về bối cảnh quốc tế, lạm phát toàn cầu neo cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất điều hành.

Trong nước, mặc dù lạm phát năm 2022 bình quân tăng 3,15%, tuy thấp hơn so với mục tiêu nhưng vẫn cao hơn so với mức 1,84% năm 2021. Đặc biệt là trong nửa cuối năm 2022 lạm phát có xu hướng tăng nhanh từng tháng và đến cuối năm lạm phát cơ bản (LPCB) so với cùng kỳ đã ở gần sát mức 5%, LPCB bình quân là 2,59% và cao hơn rất nhiều so với mức LPCB bình quân năm 2021 là 0,81%.

Áp lực mất giá của VND rất lớn trong năm 2022 khi các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng mạnh lãi suất và USD tăng giá rất mạnh. Vào thời điểm tháng 9, tháng 10/2022, VND đã chịu áp lực mất giá lên đến 9-10%

Cùng với đó, sự kiện rút tiền hàng loạt tại SCB đã tạo thành các yếu tố làm gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.

Để đối phó với những thách thức trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng lãi suất điều hành với mức tăng 0,8 - 2%/năm trong tháng 9 và 10/2022.

Báo cáo khẳng định: “Việc tăng lãi suất của NHNN là phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước cũng như bối cảnh quốc tế khi nền kinh tế của Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế”.

Sang năm 2023, NHNN đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất khác nhau nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Bên cạnh đó, NHNN cũng thực hiện các biện pháp để giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay.

Theo báo cáo, đến cuối năm 2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực theo quy định giảm 0,5%/năm so với cuối năm 2021. Lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,9% và 6,7%/năm.

Minh Quang

https://vietnambiz.vn/chinh-phu-bao-cao-ve-tac-dong-cua-su-co-tai-scb-den-thi-truong-tien-te-202451015324319.htm