Chính sách “gây khó” – VASEP đề nghị tháo gỡ

Trước những khó khăn, vướng mắc từ các quy định liên quan, mới đây Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có văn bản đề nghị các cơ quan liên quan tháo gỡ…

Theo đó, ngày 13/5/2024, VASEP đã gửi công văn số 54/CV-VASEP gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phùng Đức Tiến; Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thủy sản, Cục Kiểm Ngư, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản kiến nghị một số bất cập tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP, Nghị định 38/2024/NĐ-CP và một số quy định hiện hành liên quan.

VASEP đã gửi công văn số 54/CV-VASEP gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phùng Đức Tiến

Cụ thể, tại văn bản đã nêu, VASEP cho rằng, Nghị định số 37/2024/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản) ký ngày 04/04/2024 và sẽ có hiệu lực ngày 19/5/2024 – là một khung pháp lý quan trọng, được Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, tìm hiểu để thực hiện, tuân thủ tốt ngay khi Nghị định có hiệu lực.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp phản ánh bất cập liên quan khi không còn quy định pháp lý về danh mục các sản phẩm được miễn trừ việc xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác. Trước ngày 01/01/2019, danh mục các sản phẩm được miễn trừ việc xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác đã được quy định tại khoản 2 Điều 2 và Phụ lục 1 của Thông tư 50/2015/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 30/12/2015…

Trong khi đó, liên minh Châu Âu (EU) vẫn còn nguyên danh mục các sản phẩm được loại trừ, không phải thực hiện xác nhận, chứng nhận. Cụ thể, tại Phụ lục I của Quy định (EC) 1005/2008 về IUU và Phụ lục XIII của Quy định (EC) 1010/2009 về các quy tắc chi tiết để thực hiện Quy định (EC) 1005/2008.

Văn bản của VASEP gửi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về những khó khăn vướng mắc củacác chính sách

Do đó, Hiệp hội đề xuất, kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét ban hành danh mục các sản phẩm thủy sản được miễn trừ việc xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác theo yêu cầu thị trường và bản chất của nguồn gốc sản phẩm; nhằm vừa đảm bảo kiểm soát tốt các quy định về IUU theo đúng Luật Thủy sản của Việt Nam và thông lệ quốc tế, vừa giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện IUU đúng, đủ và hiệu quả, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu sang EU và các thị trường có yêu cầu kiểm soát về IUU…

Cùng với vấn đề đã nêu, quy định “Không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu” tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP; và quy định xử phạt vi phạm hành chính cho quy định “trộn lẫn” tại khoản 4 Điều 42 Nghị định 38/2024/NĐ-CP… cũng khiến các doanh nghiệp quan ngại.

Do đó, Hiệp hội đề xuất, kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đánh giá lại và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, tháo gỡ phù hợp quy định “không trộn lẫn...” kể trên tại ý c, điểm 6, khoản 36 (bổ sung Điều 70b) của Nghị định 37/2024/NĐ-CP để cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ và tuân thủ đầy đủ quy định liên quan này nhằm thực hiện chống khai thác IUU tốt mà không ảnh hưởng tiêu cực đến các trách nhiệm và quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp...

Cũng theo VASEP, tương tự với nội dung quy định tại khoản 4 Điều 42 Nghị định 38/2024/NĐ-CP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi phù hợp để đảm bảo việc xử phạt vi phạm phải tương ứng và đúng với các hành vi đã quy định tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP – giúp cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan thẩm quyền có liên quan cùng hiểu rõ giống nhau và thực thi xử lý vi phạm đúng, tránh việc hiểu khác, hiểu sai lệch với quy định hành vi có liên quan tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP, đảm bảo tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của các Nghị định.

Ngoài ra, quy định thông báo trước 72 giờ (đối với tàu nước ngoài khai thác, vận chuyển, chuyển tải thủy sản) và 48 giờ (đối với tàu container nhập khẩu) tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP tại khoản 34, sửa đổi bổ sung Điều 70, Hiệp hội đề xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi quy định này để vừa thực hiện tốt quản lý Nhà nước, vừa phù hợp với thực tiễn quá trình giao - nhận vận tải biển quốc tế:

Cụ thể, doanh nghiệp thông báo với cơ quan thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước thời điểm thông quan thay vì thông báo trước khi cập cảng. Vì dù tàu vận chuyển thuỷ sản hay là tàu vận chuyển container (có chứa hàng thủy sản) có cập cảng Việt Nam thì hàng hoá trên tàu cũng chưa được phép nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam nếu như doanh nghiệp chưa được cơ quan hải quan thông quan hàng hoá vận chuyển trên tàu đó.

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất form mẫu khai báo, vì trong điều 70a của Nghị định 37/2024/NĐ-CP đề nghị khai báo thông tin về lô hàng theo mẫu số 17B Phụ lục IV ban hành theo Nghị định, nhưng trong phụ lục lại không có mẫu này, thay vào đó lại có form mẫu số 25.

“Vì vậy, khi ngày hiệu lực (19/5/2024) của 2 Nghị định đến gần, VASEP kính đề nghị lãnh đạo Bộ xem xét, chỉ đạo rà soát, tháo gỡ bất cập, vướng mắc kể trên để đảm bảo Nghị định 37/2024/NĐ-CP và Nghị định 38/2024/NĐ-CP có tính khả thi cao, hiệu lực, hiệu quả - vừa kiểm soát tốt các quy định IUU góp phần quan trọng trong tháo gỡ thẻ vàng, vừa duy trì được khả năng sản xuất, khai thác hợp pháp của ngư dân và năng lực cạnh tranh, xuất khẩu của doanh nghiệp, của chuỗi ngành hàng”, VASEP bày tỏ.

Gia Nguyễn-Link gốc

https://diendandoanhnghiep.vn/chinh-sach-gay-kho-vasep-de-nghi-thao-go-263494.html