Chờ đợi gì ở mùa BCTC quý 2/2022? Cơ hội đầu tư trong quý 3 sắp tới

, , , , , , , , ,

TỔNG QUAN VỀ THỊ TRƯỜNG

Với việc tháng 6 đã kết thúc và bước sang tháng 7 cũng là lúc các doanh nghiệp chuẩn bị phát hành BCTC quý 2. Nhìn lại vào quá khứ, tháng 7 thường là thời điểm thị trường có sự điều chỉnh ngắn hạn trước các thông tin về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp. Vậy liệu VN-Index trong năm 2022 có lặp lại quá khứ khi đã có sự điều chỉnh sâu trong 3 tháng vừa qua? Và chúng ta nên quan tâm đến nhóm ngành nào trong thời gian sắp tới?

Có thể nói, thời điểm vừa qua tình hình vĩ mô trong nước lẫn thế giới đều không ủng hộ thị trường chứng khoán khi liên tiếp là những thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến thị trường. Mà trong đó là nỗi lo ngại về lạm phát đình trệ và suy thoái kinh tế khi cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá lương thực và năng lượng tăng cao, chính sách Zero-Covid của TQ làm đứt gãy nguồn cung ứng khiến cho lượng cung thiếu hụt mạnh trong khi nhu cầu mua sắm, di chuyển của người dân tăng cao sau khi bị kiềm nén trong suốt 2 năm đại dịch. Từ đó kéo theo lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Mỹ và các quốc gia Châu Âu.

Nhịp điều chỉnh trong tháng 6 vừa rồi nguyên nhân lớn đến từ việc lạm phát của Mỹ vẫn chưa thể được kiểm soát dù FED trước đó đã tăng lãi suất rất mạnh là 50 điểm cơ bản vào tháng 5. Điều đó đã khiến cho FED trong cuộc họp vào ngày 16/6 vừa rồi đã quyết định tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, mức tăng mạnh nhất trong vòng 30 năm qua, và cũng đánh tín hiệu rằng sẽ tiếp tục tăng thêm 50 đến 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 7 sắp tới và chỉ ngừng khi lạm phát ở Mỹ trở về 2%. Việc không thể kiểm soát được lạm phát đình trệ khiến cho bức tranh suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng hiện hữu thêm và khiến cho thị trường tài chính bị ảnh hưởng nặng nề.

Đối với nền kinh tế VN, thông tin GDP quý 2 năm 2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất 10 năm qua cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong đà hồi phục ổn định. CPI tháng 6 tăng 3.37%, tiến sát mục tiêu lạm phát 4-5% trong năm nay của chính phủ, rõ ràng là đang có những áp lực về lạm phát khi giá xăng dầu, lương thực đang tăng cao. Tuy nhiên, vẫn có thể tin rằng mọi thứ vẫn đang trong vòng kiểm soát tốt khi các chính sách tài khóa, tiền tệ của chính phủ đã và đang can thiệp vào sự cân đối giữa tăng trưởng và lạm phát. NHNN cũng chưa có ý định là sẽ tăng lãi suất cơ bản trong giai đoạn này, tuy nhiên nếu tình hình lạm phát đình trệ toàn cầu vẫn chưa thể hạ nhiệt được trong tương lai, Việt Nam sẽ có những áp lực nhất định về việc tăng lãi suất vào cuối năm nay. INFOGRAPHIC TÌNH HÌNH KINH TẾ – XÃ HỘI QUÝ II VÀ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2022

VN-Index giai đoạn này vẫn đang trong quá trình tạo đáy dài hạn khi giao động trong biên độ rất lớn là 1150-1300. Quá trình tạo đáy có thể kéo dài rất lâu khi nhìn lại năm 2018, thị trường đi ngang trong suốt 2 năm sau khi bước vào thị trường giá giảm. Chỉ khi nhờ có đại dịch COVID-19 vào năm 2020 thì VN-Index mới lại vào trend tăng một lần nữa. Tuy nhiên, thị trường khả năng cao sẽ dần tạo đáy thành công vào quý 3 sắp tới khi mà Q3/2021 kinh tế VN tăng trưởng âm, trong khi Q3/2022 với đà hồi phục hiện tại sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, nên đây sẽ là một nền tảng tốt cho TTCK VN khi nhiều doanh nghiệp có tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Ngoài ra, đến thời điểm này, tâm lý nhà đầu tư cũng đã dần bắt đầu ổn định hơn và dần quen với những thông tin về lạm phát và lãi suất.

Vậy diễn biến của các nhóm ngành sẽ như thế nào trong mùa BCTC Q2/2022 này và xa hơn chút là Q3/2022 sắp tới?

ĐI QUA CÁC NHÓM NGÀNH

Nhóm ngành Ngân hàng


Diễn biến nhóm ngành ngân hàng khá tồi tệ trong thời gian vừa qua khi không có nhiều thông tin hỗ trợ. Việc nhiều ngân hàng sử dụng hết room tín dụng chỉ trong vài tháng đầu năm cũng khiến cho động lực tăng trưởng về doanh thu Q2 không nhiều. Nên kỳ vọng về việc được cấp room tín dụng trong thời gian tới sẽ là động lực để nhóm ngành ngân hàng tạo đáy và tăng trưởng trong thời gian tới. Các ngân hàng có mức xếp hạng cao hơn về an toàn tài chính, tỉ lệ nợ xấu thấp sẽ được cấp room lớn hơn, ngoài ra room cũng có thể được ưu tiên tăng thêm cho các ngân hàng tham gia xử lý các ngân hàng yếu kém.

Hiện tại về kĩ thuật, nhóm ngành ngân hàng dù đang phân hóa những đã xuất hiện nhiều mã đã xác lập được vùng cân bằng và test 2 đáy thành công, nên đây sẽ là nhóm ngành giúp nâng đỡ thị trường và an toàn để giải ngân trong giai đoạn tới. Một số mã ngân hàng có thể lưu ý: STB, CTG, ACB, BID, TCB, VPB, MBB.

Nhóm ngành Chứng khoán

Với việc thị trường bị giảm sâu, thanh khoản giảm sút từ tháng 4, thời điểm bắt đầu quý 2. Có thể chắc chắn rằng kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán khó mà khởi sắc được. Với 3 nguồn thu chính của 1 công ty chứng khoán là phí môi giới, tự doanh, và cho vay margin, không khó để suy đoán rằng các nguồn thu trên đều sẽ có sự tăng trưởng kém so với cùng kỳ. Nhóm ngành chứng khoán cũng là một trong những ngành bị giảm mạnh nhất trong thời gian vừa qua, nên khi BCTC Q2 tương đối tiêu cực sắp tới được phản ánh hết vào giá, lúc đó nhóm ngành chứng khoán sẽ tạo đáy và là thời điểm tốt để chúng ta giải ngân vào với kỳ vọng ở sự phục hồi của ngành chứng khoán trong Q3/2022. Một số mã chứng khoán có thể lưu ý: VND, SSI, VCI, BSI, HCM.

Nhóm ngành Thép

Tương tự với nhóm chứng khoán, việc giá thép giảm, thị trường TQ đóng cửa khiến cho kỳ vọng về kết quả kinh doanh của ngành thép trong thời gian tới không cao. Phát biểu của ông Trần Đình Long, chủ tịch tập đoàn Hòa Phát về tình hình kinh doanh thê thảm sắp tới cũng khiến cho bức tranh của ngành thép càng thêm u ám. Cho nên việc tạo đáy của ngành thép phụ thuộc nhiều vào kết quả kinh doanh Q2 tới, nhiều mã vẫn đang ở đáy 1 và cần thêm một nhịp điều chỉnh nữa để có thể test lại cung và tạo đáy 2.

Nhóm ngành BĐS – Nhà ở
Việc chính phủ siết tín dụng, rút dòng tiền khỏi bất động sản đã khiến cho nhóm ngành này là nhóm bị điều chỉnh sâu nhất trong thời gian qua. Ngoại trừ các mã có vốn hóa lớn như VIC, VHM, NVL, thì hầu hết các mã trong ngành đều có mức chiết khấu hơn 50% từ đỉnh. Tuy nhiên, khi nhu cầu mua đất vẫn đang cao đối với người Việt và các ngân hàng sắp được nới room tín dụng, đây sẽ là kỳ vọng để nhóm ngành bất động sản tạo biên cân bằng trong quý 3 này và chuẩn bị bước vào chu kỳ sóng mới cuối năm 2022, đầu năm 2023.

Nhóm ngành BĐS – KCN
Trong giai đoạn 2020-2021, dòng vốn FDI vào Việt Nam ghi nhận sự chững lại đáng kể do tác động của dịch COVID-19. Tuy vậy, dòng vốn FDI đã ghi nhận sự hồi phục tích cực ngay từ cuối năm 2021 với quy mô vốn FDI thực hiện trọng Q1.2022 đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kì và là mức cao nhất của Quý 1 trong 5 năm qua. Do đó, từ năm 2022 Việt Nam có thể ghi nhận xu hướng tăng trưởng tích cực trở lại của nguồn vốn FDI. Hiện tại, chỉ ưu tiên 3 mã KBC, IDC, VGC cho nhóm này nhờ kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 2 tích cực hơn phần còn lại và cũng là 3 mã giữ giá tương đối tốt trong giai đoạn vừa qua.

Nhóm ngành Thủy sản – Dệt may


Xuất khẩu thuỷ sản quý II vượt 3,2 tỷ USD

Đà tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua của hai nhóm ngành này được xem như là đã phản ánh vào kết quả kinh doanh quý 2, sắp tới nhóm này vẫn sẽ giữ giá và giằng co để hấp thụ BCTC Q2 và sau đó sẽ là giai đoạn chuyển giao, chiết khấu rũ bỏ để chuẩn bị cho KQKD Q3. Khả năng xuất khẩu cá tra vẫn sẽ duy trì đà tăng trưởng trong quý 3 nhờ nhu cầu thủy sản giá rẻ cao trong bối cảnh lạm phát cao; thiếu cá thịt trắng, nhất là cá tuyết tại các thị trường EU, Mỹ, Anh do lệnh trừng phạt với Nga giúp cá tra có cơ hội giành thị phần tại những thị trường này; và nguồn cung cá tra trong nước thấp cho đến ít nhất Q3/2022. Ngược lại, lạm phát cao lại có thể khiến cho nhu cầu hàng tiêu dùng may mặc suy giảm, nhưng quý 3 là giai đoạn mùa đông bắt đầu và là quãng thời gian nghỉ lễ của thị trường Mỹ và Châu Âu nên vẫn có thể kỳ vọng đà tăng trưởng của nhóm ngành dệt may. Do hai nhóm ngành này vẫn có thể giữ được đà tích cực đến hết Q3/2022, có thể ưu tiên chốt ngắn trong các đợt kéo lên khi NĐT mua theo KQKD Q2 và canh mua trở lại trong đợt chuyển giao giữa Q2 và Q3. Một số mã thủy sản, dệt may có thể lưu ý: ANV, VHC, TNG, MSH.

Nhóm ngành Hàng hóa (Dầu khí, hóa chất, than, phân bón)


Giá hàng hóa 2 tuần vừa qua chứng kiến sự quay đầu giảm của nhiều loại hàng hóa như dầu khí, hóa chất, Ure, than cốc, nông sản. Nhìn chung nhóm này mang tính chất đầu cơ theo giá hàng hóa nên các vị thế giải ngân trong ngắn hạn vẫn nên hạn chế. Tuy nhiên, vẫn có thể canh mua ngắn đối với các mã được kỳ vọng có KQKD Q2 tăng trưởng mạnh như BSR, DPM, DCM và chốt lời ngay khi KQKD trên được công bố.

KẾT LUẬN

Thị trường dù có điều chỉnh mạnh, vẫn có những nhóm ngành không bị ảnh hưởng nhiều mà vẫn tăng trưởng mạnh mẽ (thủy sản, dầu khí, năng lượng) cho thấy dòng tiền vẫn còn ở lại thị trường nhưng sẽ có sự lựa chọn gắt gao hơn, tìm kiếm đến những nhóm ngành có câu chuyện riêng. Thời gian qua, các nhóm ngành kênh trên là những nhóm ngành được khuyến nghị và thu hút dòng tiền nhiều nhất. Nên khi những nhóm ngành đó đã bắt đầu có sự điều chỉnh, chúng ta nên tìm đến những nhóm ngành đã giảm sâu trước đó như ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản. Vì đây sẽ là những nhóm ngành tạo đáy đầu tiên và có mức chiết khấu hợp lý để thu hút dòng tiền vào. Từ đó có thể giúp cho VN-Index tạo đáy trung hạn vào quý 3 này.

Chứng khoán Duy Hùng mong muốn anh chị có thể chia sẻ đóng góp vào bình luận để có thêm nhiều góc nhìn về thị trường chứng khoán trong thời gian sắp tới, cũng như những nhóm ngành có khả năng tăng trưởng trong nửa cuối năm 2022 đầy khó khăn này.

1 Likes