Cho vay bất động sản ‘cứu’ tăng trưởng tín dụng?

Cho vay bất động sản vẫn là phân khúc giúp nhiều nhà băng tăng trưởng tín dụng trong quý I. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng đang dần dịch chuyển sang các mảng cho vay khác để giảm thiểu rủi ro như khoa học, công nghệ...
Hiện nay, tín dụng tiêu dùng bất động sản chiếm hơn 62% tổng dư nợ tín dụng bất động sản toàn hệ thống. Tại nhóm các ngân hàng lớn, con số này lên tới 70-80%. Do đó, cầu vay mua nhà sụt giảm sẽ kéo tín dụng bất động sản nói riêng cũng như tín dụng nói chung của ngân hàng sụt giảm. Ngược lại, khi thị trường bất động sản khởi sắc, dư nợ cho vay sẽ tăng.
Tín dụng ngân hàng quý I chảy vào đâu?
Tới cuối tháng 3, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 2,06%. "Bài toán" tín dụng trở thành vấn đề khó với ngành ngân hàng khi đối mặt đồng thời nhiều thách thức, từ khả năng hấp thụ vốn yếu của doanh nghiệp, sức cầu kém của nền kinh tế, cho tới áp lực nợ xấu tăng cao khiến việc cho vay thận trọng hơn.
Tuy nhiên, trong bức tranh chung ảm đạm vẫn có những ngân hàng có tăng trưởng tín dụng đột biến, chủ yếu ở nhóm nhà băng tư nhân.
Danh sách tăng trưởng tín dụng cao trong quý I toàn bộ là nhóm ngân hàng tư nhân. LPBank là ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong 3 tháng đầu năm nay, đạt 11,7%, với quy mô dư nợ đạt hơn 307.000 tỷ đồng, tăng hơn 30.000 tỷ so với đầu năm. Mức tăng tín dụng trải đều ra nhiều lĩnh vực. Trong đó, xét về quy mô, tín dụng tập trung cho vay hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác, với dư nợ tăng khoảng 15.000 tỷ đồng. Lĩnh vực này cũng chiếm 1/4 tổng dư nợ cho vay của LPBank trong quý I.
Kinh doanh bất động sản vẫn là phân khúc giúp nhiều nhà băng tăng trưởng tín dụng trong quý I.
Với Techcombank - nhà băng trong nhóm tư nhân top đầu, đến hết quý I, cho vay khách hàng đạt 552.577 tỷ đồng, tăng tới 7,8%. Ngân hàng dành phần lớn "quota" cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Cụ thể, trong quý I, hơn 17.000 tỷ đồng được Techcombank cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản. Tỷ trọng của mảng này trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 35,21% vào đầu năm lên 35,98% vào cuối quý I.
Đứng thứ hai về quy mô tăng dư nợ tại Techcombank là hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ, tăng thêm gần 10.000 tỷ đồng trong quý I. Năm 2023, lĩnh vực này chỉ cho vay được hơn 500 tỷ đồng.
Ngoài Techcombank, một số nhà băng khác cũng ghi nhận dư nợ cho hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ tăng, như SHB là hơn 3.200 tỷ đồng (tăng gần 3.000 tỷ đồng trong quý I), MB ghi nhận hơn 600 tỷ đồng (tăng hơn 30 tỷ đồng).
Tại MSB, tăng trưởng tín dụng quý I đạt 5,6%, trong đó dư nợ kinh doanh bất động sản cũng đóng vai trò chính vào mức tăng trưởng. Tiếp đến là cho vay mảng dịch vụ công nghệ - khoa học công nghệ.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết, các ngân hàng đã thận trọng hơn khi rót vốn vào lĩnh vực bất động sản, thay vào đó hướng đến cho vay ở nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp, sản xuất, năng lượng tái tạo…
Chẳng hạn, tổng dư nợ của Sacombank khoảng 500.000 tỷ đồng, nhưng dư nợ cho vay bất động sản khoảng 100.000 tỷ đồng, chiếm 20%. Trong đó, phần lớn là cho vay bất động sản cá nhân, còn lại cho vay bất động sản dự án chỉ có 9.000 tỷ đồng.
Chia sẻ về việc dư nợ cho vay tín dụng bất động sản, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB cho biết, tỷ lệ cho vay lĩnh vực bất động sản của SHB là 16%. “SHB cho vay đa dạng ở nhiều mảng, các khoản vay bất động sản, dịch vụ lưu trú cũng là một trong những mảng ngân hàng cấp tín dụng. Khi xem xét cho vay, SHB luôn dựa trên cơ sở phương án khả thi, quản lý được nguồn thu, có tài sản bảo đảm, kiểm soát sau vay đảm bảo an toàn cho ngân hàng”, ông Hiển nói.
Cho vay bất động sản vẫn có nhiều tiềm năng
Theo số liệu cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến cuối tháng 2/2024 giảm 0,41% so với cuối năm 2023, chiếm 24,35%; tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa đến cuối tháng 2/2024 giảm 2,58% so với cuối năm 2023, chiếm 17,94%...
Trong khi đó, có 2 lĩnh vực tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm là tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng 0,23% so với cuối năm 2023, tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán tăng 2,56% so với cuối năm 2023.
Theo Thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tín dụng bất động sản chiếm gần 22% tổng dư nợ toàn nền kinh tế và là mảng hoạt động quan trọng bậc nhất của các ngân hàng. Vì vậy, sự phục hồi của thị trường bất động sản, đặc biệt là cầu vay mua nhà tác động rất lớn tới tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng.
Lãnh đạo các ngân hàng khẳng định, ngay cả khi nền kinh tế gặp khó khăn, các ngân hàng vẫn không ngại cho vay bất động sản nếu có đầy đủ pháp lý.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024 được tổ chức mới đây, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank, cho rằng dù thị trường bất động sản thời gian qua gặp nhiều khó khăn, song cho vay bất động sản có nhiều tiềm năng.
Khi tài trợ vốn, VPBank chia theo các phân khúc và chú trọng rót vốn vào những lĩnh vực như nhà chung cư, nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu thực. Còn với những lĩnh vực đầu cơ cao, VPBank không tài trợ vốn.
Bổ sung thêm thông tin, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, đánh giá bất động sản là lĩnh vực cho vay quan trọng, mang lại lợi ích cho xã hội và cả ngân hàng, nhưng cần quản lý chặt.
"Những yếu tố rủi ro thời gian qua là bài học cho các ngân hàng, trong đó việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho các dự án là rất quan trọng. Bên cạnh đó, phải lựa chọn phân khúc có nhu cầu thật để tập trung vốn, tránh cho vay vào dự án có tính đầu cơ", ông Vinh cho hay.
Đối với VPBank, ông Vinh thông tin cho vay bất động sản được chia ra hai nhóm là cho vay doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, xây dựng chiếm 19% tổng dư nợ; nhóm cho vay người mua nhà là 16%. Tổng cộng, cho vay đối với bất động sản của VPBank chiếm 34 - 35% tổng dư nợ.
Riêng với cho vay mua nhà, VPBank là một trong số ít ngân hàng cho vay lớn nhất, VPBank không cho vay dự án bất động sản cao cấp có tính đầu cơ cao.
"Cho vay mua nhà phục vụ nhu cầu ở thật vẫn là mảng quan trọng của VPBank trong năm nay. Khi cần phải xử lý thì nợ bất động sản có thể thu hồi cao nhất so với các lĩnh vực khác. Tỷ lệ thu hồi nợ gốc thường là 100%, còn nợ lãi là 50 - 70%. Tỷ lệ mất thật của cho vay bất động sản là rất thấp", Tổng giám đốc VPBank cho biết.
Các ngân hàng thương mại kỳ vọng tín dụng bất động sản bắt đầu phục hồi từ quý II/2024. Được biết, để kích cầu tín dụng bất động sản, nhóm ngân hàng Big 4 đang đẩy mạnh triển khai gói 120.000 tỷ đồng. Mới đây có thêm một ngân hàng thương mại cổ phần quyết định tham gia vào gói tín dụng này với dư nợ 5.000 tỷ đồng.
Huyền Anh
Link gốc

https://vnbusiness.vn/ngan-hang/cho-vay-bat-dong-san-cuu-tang-truong-tin-dung-1099610.html