Chưa khi nào các ngân hàng "o bế" khách vay mua nhà như hiện tại nhưng không dễ đẩy vốn tín dụng, vì sao?
Ngân hàng (NH) thương mại liên tục tung ra các chương trình cho vay mua bất động sản với mức lãi suất thấp chưa từng có nhưng người có nhu cầu vay vẫn ngại lãi suất sau ưu đãi sẽ tăng mạnh. Trong khi đó, thị trường bất động sản đến nay chưa thực sự phục hồi, nguồn cung khan hiếm và đặc biệt là giá vẫn cao chót vót, không phải ai cũng tiếp cận được.
Đua ưu đãi cho vay mua nhà
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động , những người làm trong lĩnh vực NH cũng như bất động sản đều cho biết chưa khi nào các NH lại tung ra nhiều chương trình cho vay mua nhà đất với lãi suất siêu thấp như hiện nay. Đơn cử là các NH lớn như Vietcombank, BIDV đang có các gói vay mua nhà lãi suất chỉ 5%-5,5%/năm trong 12 tháng đầu tiên và 6%-7%/năm trong 2-3 năm sau đó.
Những NH TMCP tư nhân như ACB, Eximbank, VIB…, mức lãi suất ưu đãi có cao hơn đôi chút nhưng tựu trung đều không quá 8%/năm những năm đầu. Để thu hút khách hàng, mỗi NH còn đưa ra thêm nhiều chính sách ưu đãi khác như ân hạn (miễn trả nợ gốc) tới 5 năm, trả nợ trước hạn không tính lãi phạt…
Dù lãi suất cho vay nói chung và vay mua nhà thời gian qua được cho là đã chạm đáy nhưng tăng trưởng tín dụng thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Thống kê mới nhất của NH Nhà nước trong 4 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng của hệ thống mới đạt khoảng 1,5%, cải thiện hơn so với 2 tháng đầu năm nhưng vẫn chưa bằng cùng kỳ năm ngoái. Nhiều người có nhu cầu vay mua nhà đều nói lãi suất vay đang "rất hấp dẫn" nhưng chưa sẵn sàng vay mua nhà để ở, cho thuê hoặc đầu tư vì nhiều lý do.
Anh Trần Minh Tâm (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết điều anh quan tâm nhất lúc này là sau thời gian ưu đãi, các NH sẽ tính lãi suất ra sao? "NH nói sau khi hết thời hạn ưu đãi sẽ lấy lãi suất cơ sở cộng biên độ 2,5% - 3,5% hoặc áp dụng lãi suất thả nổi là chưa rõ ràng. Tôi không biết thế nào là lãi suất cơ sở hay thả nổi để tính toán khả năng trả nợ. Chưa kể, nếu trả nợ trước hạn còn phải chịu phí phạt từ 1% - 4% khiến tôi rất dè dặt" - anh Tâm nói.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, mức lãi suất thả nổi đang được nhiều NH áp dụng 9% - 10%/năm, cao hơn rất nhiều mức lãi suất ưu đãi trong thời gian đầu. Với mức lãi suất này, những người có nhu cầu vay mua nhà, đất buộc phải cân nhắc rất kỹ.
Lãi suất vay mua nhà thấp nhưng nhiều người vẫn e ngại chưa “xuống tiền” mua để ở, đầu tư hoặc cho thuê... Ảnh: LAM GIANG
Thị trường vẫn khó, nhà đầu tư lo "ôm nợ"
Chị Hoài Thu (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết chị đang có tài chính khoảng 4-5 tỉ đồng muốn mua căn hộ hoặc nhà phố để đầu tư nhưng chưa dám "xuống tiền". "Nhiều cán bộ tín dụng tư vấn tôi vay thêm khoảng 1,5-2 tỉ đồng để mua những bất động sản cao cấp do người bán "cắt lỗ", chờ thị trường hồi phục để bán kiếm lời.
Nhưng tôi nhận thấy trong điều kiện thị trường địa ốc TP HCM vẫn chưa sôi động, mua đầu tư "lướt sóng" hiện giờ rất khó. Chẳng may hết thời gian ưu đãi lãi suất mà chưa bán được nhà, lúc đó phải gánh số nợ và lãi suất rất lớn" - chị Thu phân tích.
Thực tế, theo ghi nhận, đến thời điểm này vẫn còn rất nhiều nhà đầu tư đang phải "ôm" bất động sản và gồng mình trả lãi NH hàng chục % trong suốt 2 năm nay qua kể từ khi thị trường đóng băng.
Thậm chí, có người vay tiền mua 2-3 miếng đất nền hoặc căn hộ chung cư; góp tiền cùng bạn bè mua bất động sản ở tỉnh tới cả chục tỉ đồng… lúc thị trường nóng sốt, đến giờ giá giảm rất sâu, không cắt lỗ được, đành phải ôm nợ và trả lãi cả tỉ đồng mỗi năm.
Liên quan đến lãi suất thả nổi, một lãnh đạo cấp cao của NH Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết lâu nay nhiều NH căn cứ vào lãi suất bình quân tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của 4 NH lớn (Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV) để công bố lãi suất cơ sở.
Người vay tiền mua nhà có thể theo dõi xu hướng lãi suất tiết kiệm tại các NH lớn để biết được lãi suất cơ sở, rồi tính mức lãi suất cho vay. Từ đó, tính toán số tiền trả nợ hằng tháng sau khi hết thời gian cố định lãi suất.
Để không "vỡ trận" khi vay mua bất động sản, một trưởng phòng giao dịch của Vietcombank khuyến nghị ngoài lãi suất và các chi phí liên quan khoản vay, người vay cần tính kỹ các yếu tố khác như thu nhập ổn định hay không, chi phí sinh hoạt của gia đình (học phí của con, nhu cầu học tập nâng cao kiến thức, rèn luyện sức khỏe, số tiền dự phòng cho các khoản chi bất khả kháng...) sẽ chiếm bao nhiêu % thu nhập. "Từ đó, người vay có thể chọn lãi suất cho vay, thời gian cố định lãi suất phù hợp với khả năng tài chính của mình" - một trưởng phòng giao dịch của Vietcombank nói.
Trả trước hạn bị làm khó
Gần đây, Báo Người Lao Động nhận được một số phản ánh của người vay mua nhà về việc bất ngờ nhận được thông báo điều chỉnh tăng lãi suất khoản vay mà không rõ cơ sở tính lãi.
Có những khách hàng vay mua nhà trước đây, đến nay vẫn phải trả lãi tới 12%-13%/năm, dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh từ nửa năm nay. Ngoài ra, còn có người phản ánh khi tất toán hồ sơ vay mua nhà trước hạn thì bị cán bộ tín dụng làm khó; vay NH khác để trả nợ trước hạn cũng bị làm khó, không cho tất toán...
Theo Thái Phương - Thỵ Thơ
Người lao động
https://cafef.vn/cho-vay-mua-nha-van-kho-188240502091252258.chn