Trong môi trường lạm phát cao dai dẳng và lãi suất khó đoán như vậy, có lẽ nhiều nhà đầu tư sẽ cảm thấy bối rối khi không biết nên nắm giữ những cổ phiếu nào. Các chuyên gia có lời khuyên gì về vấn đề này?
“Lạm phát vẫn còn quá cao”
Loạt báo cáo kinh tế mà các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhận được trước cuộc họp chính sách mới nhất không thực sự khả quan, bởi số liệu lạm phát đã tăng nóng hơn dự kiến trong ba tháng liên tiếp.
Nhìn chung, các số liệu trên đều cho thấy lạm phát vẫn cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương Mỹ.
Đơn cử như chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 3.
Nếu loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, PCEPI lõi tăng 2,8% so với một năm trước. Cả hai đều cao hơn dự báo của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones 0,1 điểm %.
Một thước đo khác là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,5% so với cùng kỳ và khi không tính giá năng lượng và thực phẩm, CPI lõi tăng 3,8%. Tương tự PCEPI, cả hai đều cao hơn ước tính 0,1 điểm %.
Một báo cáo khác cho thấy vào quý I, lạm phát toàn phần và lạm phát lõi lần lượt ở mức 3,4% và 3,7%. Số liệu này được công bố cùng lúc với tốc độ tăng trưởng GDP quý I chững lại còn 1,6% (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm).
Kỳ vọng lạm phát của công chúng lại đang trên đà tăng. Khảo sát tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan cho thấy người Mỹ dự đoán lạm phát trong 1 và 5 năm tới lần lượt ở mức 3,2% và 3%, cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
Lạm phát cao dai dẳng đã gợi lên một số kịch bản đáng ngại. Fed có thể phải giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn mong muốn của thị trường tài chính, đe doạ khả năng hạ cánh mềm của nền kinh tế.
Mối đe doạ thậm chí còn đáng sợ hơn là nếu áp lực lạm phát không dịu lại, các quan chức ngân hàng trung ương có thể không chỉ phải “án binh bất động” mà còn phải tính đến việc tăng chi phí đi vay lần nữa.
Kết thúc cuộc họp chính sách vào giữa tuần trước, Fed vẫn giữ nguyên lãi suất và báo hiệu sẽ giảm chi phí đi vay trong năm nay. Tuy nhiên, các báo cáo lạm phát đáng thất vọng gần đây có thể buộc Fed phải chờ đợi thêm một lúc.
Lãi suất chuẩn đang nằm trong phạm vi 5,25 - 5,5%, cao nhất trong hơn hai thập kỷ. Ngân hàng trung ương Mỹ đã giữ lãi suất ở mức này kể từ tháng 7 năm ngoái.
Và, mặc dù Chủ tịch Jerome Powell khiến thị trường an tâm khi nhận định Fed khó có thể tăng lãi suất trở lại, ông thừa nhận rằng giá cả vẫn đang tăng quá nhanh.
“Lạm phát vẫn còn quá cao. Chúng tôi chưa chắc sẽ ghi nhận thêm tiến triển trên mặt trận chống lạm phát và con đường phía trước cũng không chắc chắn”, ông Powell chia sẻ tại cuộc họp báo sau quyết định chính sách.
Trái ngược với ông Powell, một số quan chức Fed suy đoán rằng mức lãi suất hiện tại có thể không đủ cao để hạ nhiệt nền kinh tế và lạm phát. Nếu vậy, Fed có thể phải tăng lãi suất vào một thời điểm nào đó.
Tại sự kiện của Viện Milken ở Los Angeles hôm 7/5, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis là ông Neel Kashkari cũng không loại trừ khả năng tăng lãi suất nếu lạm phát khựng lại ở mức 3%.
“Đây không phải là kịch bản cơ sở của tôi, nhưng tôi cũng không loại trừ. Tôi nghĩ khả năng Fed nâng lãi suất không quá lớn nhưng không phải là không thể”, ông Kashkari nhấn mạnh.
Ở một sự kiện vào đầu tháng 4, Thống đốc Fed Michelle Bowman - một diều hâu có tiếng - từng lưu ý: “Tôi tiếp tục nhìn thấy rủi ro là tại một cuộc họp nào đó trong tương lai, chúng ta có thể cần phải tăng lãi suất nếu xu hướng hạ nhiệt của lạm phát chững lại hoặc thậm chí đảo ngược”.
Đón nhận những tín hiệu trái chiều từ Fed, các nhà giao dịch đã giảm mạnh kỳ vọng của mình. Hồi đầu năm, họ cho rằng ngân hàng trung ương sẽ hạ lãi suất 6 hoặc 7 lần trong cả năm. Còn bây giờ, thị trường chỉ hy vọng Fed sẽ “nới tay” khoảng một hoặc hai lần.
Trong môi trường lạm phát cao dai dẳng và lãi suất khó đoán như vậy, có lẽ nhiều nhà đầu tư sẽ cảm thấy bối rối khi không biết nên nắm giữ những cổ phiếu nào. Các chuyên gia có lời khuyên gì về vấn đề này?
Cổ phiếu nào giúp chống đỡ áp lực lạm phát?
Về lý thuyết, cổ phiếu sẽ là một tấm đệm chống lạm phát cho nhà đầu tư vì giá cả tăng sẽ giúp doanh thu danh nghĩa đi lên và kéo theo là giá cổ phiếu. Mặt khác, lạm phát lại khiến biên lợi nhuận giảm do chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng.
Cho nên, trên thực tế, tác động của lạm phát đến lợi nhuận doanh nghiệp sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào lĩnh vực và khả năng chuyển phần chi phí gia tăng sang người tiêu dùng cuối cùng.
Theo phân tích từ hãng quản lý tài sản Schroders và các chuyên gia thị trường khác, năng lượng là một trong những lĩnh vực giao dịch tốt nhất khi lạm phát tấn công nền kinh tế.
Dựa theo dữ liệu do Schroders tổng hợp từ năm 1973 đến nay, trung bình mỗi năm, cổ phiếu của các công ty dầu khí Mỹ tạo ra tỷ suất sinh lời thực tế (đã điều chỉnh cho lạm phát) là 9%.
Kết quả này cũng dễ hiểu. Doanh thu của các công ty năng lượng gắn liền với giá năng lượng - một thành phần quan trọng trong rổ hàng hoá dùng để tính lạm phát. Vì vậy, cổ phiếu năng lượng dễ hoạt động tốt khi lạm phát đi lên.
Hơn nữa, căng thẳng địa chính trị và bất ổn về logistics cũng có thể ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng, kéo giá lên cao. Các cấm vận với dầu thô của Nga và chiến sự ở Trung Đông là những rủi ro có thể gây gián đoạn nguồn cung bây giờ.
Ngoài ra, cổ phiếu năng lượng cũng có xu hướng sinh lời trong giai đoạn lãi suất tăng cao. Một cổ phiếu năng lượng lớn ở Mỹ là Chevron, cái tên thuộc nhóm 5 cổ phiếu lớn nhất trong danh mục đầu tư chứng khoán của tập đoàn Berkshire Hathaway do nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett điều hành.
Tài chính là một lĩnh vực khác giao dịch tương đối tốt trong môi trường lạm phát, vì dòng tiền của các công ty tài chính thường tập trung vào ngắn hạn. Cổ phiếu tài chính bao gồm các ngân hàng, công ty bảo hiểm và công ty đầu tư.
Bên cạnh đó, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, tài chính là một trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, những cái tên lớn như Lehman Brothers phải nộp đơn xin phá sản.
Tuy nhiên, sau khi chính phủ Mỹ áp dụng các quy định và biện pháp bảo vệ mới, lĩnh vực tài chính ngày nay đã vững vàng hơn nhiều. Theo một số thống kê, lượng vốn so với tài sản có rủi ro cao của các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ hiện cao hơn 96% so với trước cuộc khủng hoảng.
Dù vậy, cần lưu ý rằng lạm phát đôi khi sẽ có hại cho lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các ngân hàng vì nó làm xói món giá trị hiện tại của các khoản vay sẽ được hoàn trả trong tương lai.
Bên cạnh năng lượng và tài chính, các nhà đầu tư cũng có thể tập trung vào những thứ mà người tiêu dùng cần. Khi lạm phát tăng, họ có xu hướng giảm chi tiêu. Phần giảm thường gắn với những mặt hàng chi tiêu tuỳ ý.
Nói cách khác, bất luận có lạm phát hay không, người tiêu dùng đều không thể ngừng tiêu thụ điện, bột mì hay dịch vụ y tế. Cho nên, các doanh nghiệp thuộc nhóm tiện ích, hàng tiêu dùng thiết yếu và chăm sóc sức khoẻ vẫn sẽ “sống tốt”.
Tiệc ích là các nhà cung ứng các dịch vụ cần thiết như điện, nước và khí đốt. Là những công ty độc quyền do chính phủ quản lý, các công ty này thường dễ thu hồi chi phí và được phép đẩy một phần chi phí tăng thêm sang khách hàng.
Kết quả là, các công ty tiện ích thường có lợi nhuận ổn định và thường xuyên chi trả cổ tức. Ngoài ra, trong thời kỳ lạm phát tăng cao, cổ phiếu tiện ích thường giao dịch tốt hơn trái phiếu, theo hãng Reaves Asset Management .
Các công ty kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu chủ yếu cung cấp thực phẩm, sản phẩm vệ sinh cá nhân, đồ gia dụng, mỹ phẩm,... Đây là những mặt hàng người tiêu dùng vẫn mua ngay cả khi giá cao hơn.
Thông thường, các công ty này không có mức tăng trưởng thu nhập tốt nhất vì họ là những doanh nghiệp đã tương đối lớn mạnh. Tuy nhiên, cổ phiếu lại ít biến động về giá và công ty trả cổ tức liên tục.
Walmart là một ví dụ điển hình. Gã khổng lồ bán lẻ không chỉ bán những thứ hầu hết mọi người cần mà còn bán với giá rẻ hơn phần lớn đối thủ. Khi người tiêu dùng cảm thấy cần phải cắt giảm chi tiêu, doanh số bán hàng của Walmart có xu hướng tăng.
Costco - nhà bán lẻ mà cố huyền thoại đầu tư Charlie Munger khen ngợi là “hoàn hảo miễn chê” - cũng là một cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu được ưa thích. Costco là nhà bán lẻ lớn thứ ba thế giới sau Walmart và Amazon.
Cùng thuộc nhóm thiết yếu là các công ty dịch vụ y tế. Chăm sóc sức khoẻ là một lĩnh vực đặc thù, ít chịu ảnh hưởng khi giá nguyên liệu thô đi lên và thường ghi nhận biên lợi nhuận cao.
Mặt khác, khi môi trường lạm phát xuất hiện, một số nhà phân tích cho rằng tiền mặt là vua. Vậy nên, nhà đầu tư cũng có thể quan tâm đến các doanh nghiệp có bảng cân đối kế toán lành mạnh - nhiều tiền mặt và ít nợ nần.
Berkshire Hathaway của huyền thoại Warren Buffett là ví dụ hàng đầu của nhóm này. Tập đoàn đang nắm giữ khối tiền mặt cao kỷ lục là 189 tỷ USD vào cuối quý I năm nay.
Núi tiền mặt cho phép Berkshire không cần phải vay tiền với lãi suất cao. Quan trọng hơn, tiền mặt giúp tập đoàn có sẵn vốn để mua lại đối thủ hoặc mua cổ phiếu với giá thấp hơn, như khi thị trường chứng khoán bị bán tháo.
Các công ty con của Berkshire hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh tế, một số còn là ngành thiết yếu như bảo hiểm, thực phẩm. Các công ty này có quyền định giá đáng kể trên thị trường.