Chủ tịch Quốc hội: Không nên ép mọi giao dịch bất động sản qua sàn

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nếu thanh toán không dùng tiền mặt, kiểm soát được dòng tiền thì không cần ép mua - bán bất động sản qua sàn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 24/8. Ảnh: VGP-Hoàng Phong

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa họp phiên 25, thảo luận dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vào chiều ngày 24/8.

Theo đó, Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã bỏ nội dung các giao dịch bất động sản phải qua sàn. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về khuyến khích giao dịch mua bán, chuyển nhượng, thuê, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất qua sàn bất động sản.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh các yêu cầu của Trung ương như xây dựng hệ thống thông tin bất động sản gắn với thông tin đất đai; hoàn thiện cơ sở pháp lý, tăng thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản.

“Nếu thanh toán qua ngân hàng cả thì qua sàn hay không qua sàn vẫn minh bạch. Quan trọng là kiểm soát được dòng tiền, không phải ép người ta lên sàn hay không”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Thêm nữa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng các tập đoàn bất động sản đều có công ty, hệ thống phân phối sản phẩm, nên không phải cứ giao dịch bất động sản qua sàn là tốt.

Chính phủ mong muốn mọi giao dịch bất động sản phải qua sàn

Giải trình, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Xây dựng nói, Chính phủ mong muốn và đề xuất quy định mọi giao dịch bất động sản cần phải qua sàn. Theo ông Sinh, luật hiện hành mới khuyến khích các giao dịch bất động sản qua sàn, và điều kiện hoạt động các sàn chưa rõ ràng nên dẫn tới nhiều hệ lụy ảnh hưởng tới người mua. Chủ đầu tư dự án cũng không công khai minh bạch giao dịch, ảnh hưởng tới thị trường.

“Chính phủ đề xuất các hoạt động kinh doanh bất động sản qua sàn để đảm bảo công khai, kiểm soát, chống thất thu thuế. Giao dịch qua sàn sẽ bảo vệ người mua, nhất là bất động sản là tài sản lớn”, ông Sinh phát biểu.

Để giảm thiểu ảnh hưởng tới người mua, dự thảo luật sẽ bổ sung các điều kiện nguyên tắc để sàn giao dịch kinh doanh hiệu quả, nhằm đảm bảo quản lý Nhà nước, sàn giao dịch bất động sản lành mạnh.

Bán bất động sản “trên giấy” phải qua Sàn giao dịch Quốc gia

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà bổ sung, Chính phủ sẽ xây dựng sàn giao dịch quốc gia (theo hình thức doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp), để kiểm soát toàn bộ dữ liệu, giao dịch. Sàn này do Bộ Xây dựng chủ trì, đưa ra các điều kiện bán tài sản công khai, dịch vụ cung cấp miễn phí. Các giao dịch trên đó sẽ đảm bảo pháp lý, thông tin, bảo vệ lợi ích người dân.

Theo ông, thị trường bất động sản vừa qua có nhiều tồn tại như giao dịch ngầm, đầu cơ, làm giá, cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa hợp lý. Những bất cập trên chủ yếu xảy ra với sản phẩm bất động sản hình thành trong tương lai.

Vì thế, Phó thủ tướng kiến nghị chủ đầu tư dự án nhà ở hình thành trong tương lai phải giao dịch qua sàn này, và đây là điều kiện tiên quyết để nắm được năng lực tài chính, kinh doanh của chủ đầu tư. “Nếu được Chủ tịch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, Chính phủ sẽ tiếp thu theo hướng này”, Phó thủ tướng nói.

Luật không được “đẻ” ra giấy phép con

Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ với giao dịch bất động sản qua sàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất theo đề xuất của Ủy ban Kinh tế, tức chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc.

Bên cạnh vấn đề giao dịch bất động sản qua sàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng chỉ ra một số quy định tại dự thảo luật có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.

Cụ thể, khoản 4 Điều 24, chủ đầu tư phải gửi văn bản thông báo cho cơ quan có thẩm quyền trước khi bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai. Cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra và trả lời bằng văn bản cho chủ đầu tư. Trường hợp không đủ điều kiện phải nêu rõ lý do.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phân tích, việc thông báo cho nhà chức trách trước khi mở bán là đúng, nhưng cần quy định thời hạn trong bao lâu phải trả lời chủ đầu tư. Quy định nêu không rõ sẽ dẫn tới việc ngâm hồ sơ, dẫn tới giấy phép con, theo Chủ tịch Quốc hội. “Dự thảo không được hình thành giấy phép mới, có điều khoản nào ngăn ngừa chuyện này chưa”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Dự kiến, Quốc hội xem xét, thảo luận và thông qua dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại kỳ họp cuối năm nay.