Chủ tịch TP HCM yêu cầu giám sát chặt chẽ, báo cáo tiến độ hàng ngày hai gói thầu dự án cải tạo kênh Tham Lương do Công ty Thuận An thực hiện.
"Thuận An có tiếp tục hay không, các đơn vị phải giám sát chặt chẽ, có báo cáo hàng ngày, tránh ảnh hưởng tiến độ công trình", nội dung được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói tại cuộc họp kinh tế, xã hội tháng 4, chiều 3/5.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi tại hội nghị, chiều 3/5. Ảnh: An Phương
Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An cùng liên doanh đang đảm nhận gói thầu xây lắp số 5 và 6, thuộc dự án xây dựng hạ tầng, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, với giá trị 130 tỷ đồng trong tổng số hơn 1.000 tỷ đồng. Khối lượng thi công ở gói số 5 của Thuận An đạt gần 3%, gói số 6 hơn 4%. Hồi giữa tháng 4, nhà thầu này dừng thi công, nhân sự ban chỉ huy, nhân công... cũng rút khỏi công trường.
Sau cuộc làm việc với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM (chủ đầu tư), hôm 23/4, Thuận An đã huy động dần máy móc, thiết bị và nhân sự đến công trường. Doanh nghiệp cam kết tập trung các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu.
Một đoạn kênh Tham Lương, năm 2030. Ảnh: Thanh Tùng
Theo ông Mãi, ngay khi sự cố xảy ra, thành phố đã chỉ đạo rà soát lại công tác đấu thầu, kiểm tra khả năng thực hiện tiếp dự án và các vấn đề liên quan đến tài chính, tạm ứng để xử lý.
"Nếu Thuận An không thực hiện nữa, những thành viên trong liên doanh có tiếp tục được không để thành phố có phương án khác đảm bảo tiến độ công trình", ông Mãi nói.
Không chỉ Thuận An, người đứng đầu chính quyền thành phố cũng yêu cầu các chủ đầu tư, sở ngành liên quan rà soát lại năng lực, tài chính của các nhà thầu đang tham gia vào các công trình trên địa bàn. Theo ông Mãi, thành phố sẽ hỗ trợ nếu các khó khăn liên quan yếu tố khách quan, song do năng lực yếu kém phải có biện pháp xử lý nghiêm.
Một đoạn kênh Tham Lương, năm 2030. Ảnh: Thanh Tùng
Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là kênh dài nhất TP HCM với gần 32 km, qua 7 quận, huyện ở thành phố, gồm: 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Bình Chánh. Dự án cải tạo dòng kênh khởi công cách đây hơn một năm, tổng vốn 8.200 tỷ đồng từ ngân sách.
Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An trụ sở trên đường Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội, thành lập từ năm 2004, do ông Nguyễn Duy Hưng làm chủ tịch. Vừa qua, ông Hưng đã bị bắt về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ, theo khoản 3 Điều 222 và khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự. Hiện, ông Trần Đức Khoa, Phó tổng giám đốc công ty, được ủy quyền điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ của người đại diện pháp luật công ty.