Chứng sỹ săn tin!

FPT Capital đã bán xong cổ phiếu TPB

CTCP Quản lý quỹ đầu tư FPT (FPT Capital) chính thức không còn là cổ đông của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HOSE: TPB) sau khi bán khớp lệnh toàn bộ 783,322 đơn vị trong thời gian 30/01-23/02, tương đương 0.049% vốn tại đây.

Diễn biến giá cổ phiếu TPB trong hơn 2 năm qua

Đóng cửa phiên giao dịch 23/02/2023, giá cổ phiếu TPB dừng tại mức 24,000 đồng/cp. Chiếu theo mức giá này, ước tính FPT Capital thu về gần 19 tỷ đồng sau khi thoái hết vốn.

Hồi đầu tháng 10 năm ngoái, FPT Capital trở thành cổ đông TPBank sau khi mua khớp lệnh 1 triệu cp TPB, chiếm 0.063% vốn tại đây. Sau 1 tháng nắm giữ, FPT Capital muốn bán hết 1 triệu cp TPB với lý do thực hiện theo yêu cầu khách hàng ủy thác đầu tư.

Tuy nhiên FPT Capital chỉ bán được 216,678 cp TPB theo phương thức thỏa thuận do chưa đạt kỳ vọng về giá. Còn lại 783,322 cp TPB tiếp tục được FPT Capital đăng ký bán trong thời gian từ 12/12/2022 đến 10/01/2023 nhưng không hoàn tất do chưa đạt kỳ vọng về giá.

Về mối liên hệ, ông Shuzo Shikata - Phó Chủ tịch HĐQT TPBank đồng thời giữ chức vụ Thành viên HĐQT FPT Capital. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Thành viên BKS TPBank - đang giữ chức Tổng Giám đốc FPT Capital.

Ngày 21/03/2023 tới đây, TPBank sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức 25% bằng tiền mặt, tương ứng 2,500 đồng/cp. Thời gian chi trả dự kiến là ngày 03/04. Đây là lần đầu tiên TPBank trả cổ tức bằng tiền mặt kể từ năm 2012.

https://fili.vn/2023/03/fpt-capital-da-ban-xong-co-phieu-tpb-739-1043980.htm

Cổ phiếu FLC Stone (AMD) vào diện đình chỉ giao dịch

Cổ phiếu FLC Stone (AMD) vào diện đình chỉ giao dịch

Đáng chú ý, ngay trước khi bị đình chỉ giao dịch, cổ phiếu AMD vừa có biến động mạnh khi tăng kịch trần 5 phiên liên tiếp rồi quay đầu giảm sàn 2/3 phiên gần nhất.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) vừa thông báo về việc đưa cổ phiếu AMD của Công ty Cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone vào diện đình chỉ giao dịch do Công ty chậm nộp BCTC soát xét bán niên năm 2022 quá 6 tháng so với thời hạn quy định.

Cụ thể, HoSE cho biết ngày 17/10/2022, HoSE đã ra quyết định chuyển cổ phiếu AMD từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch do Công ty chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022 quá 45 ngày so với thời hạn quy định. Tuy nhiên, hết ngày 28/0/2023, quá 6 tháng so với thời hạn quy định, FLC Stone vẫn chưa thực hiện công bố thông tin đến HoSE về báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022 của Công ty.

Căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 41 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/03/2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam , cổ phiếu AMD đã rơi vào trường hợp chứng khoán bị đình chỉ giao dịch.

HoSE cho biết thêm, việc xem xét đưa ra khỏi diện đình chỉ giao dịch được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết: “SGDCK sẽ xem xét đưa chứng khoán ra khỏi diện đình chỉ giao dịch hoặc đưa vào diện cảnh báo hoặc kiểm soát hoặc hạn chế giao dịch sau khi xem xét giải trình, kết quả khắc phục của tổ chức niêm yết. Đối với trường hợp quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều này, tổ chức niêm yết được xác định là đã khắc phục khi thực hiện công bố thông tin (nếu chưa công bố) và không vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán tối thiểu trong 06 tháng liên tục kể từ ngày ra quyết định bị đình chỉ giao dịch hoặc kể từ ngày SGDCK xác định tổ chức niêm yết có vi phạm công bố thông tin gần nhất ".

Đáng chú ý, ngay trước khi bị đình chỉ giao dịch, cổ phiếu AMD vừa có biến động mạnh khi tăng kịch trần 5 phiên liên tiếp rồi quay đầu giảm mạnh trong 3 phiên gần nhất (2 phiên giảm sàn). Thị giá AMD ghi nhận mức tăng gần 38% từ mức 1.190 đồng lên 1.640 đồng, rồi lại sụt mạnh về ngưỡng 1.370 đồng/cp (phiên 1/3).

Cổ phiếu FLC Stone (AMD) vào diện đình chỉ giao dịch - Ảnh 1.

Theo văn bản giải trình 5 phiên tăng trần, FLC Stone khẳng định chưa nhận biết được sự kiện, thông tin liên quan nào đã làm cho giá cổ phiếu AMD tăng trần 5 phiên liên tục từ 20/2 đến 24/2. “Mã cổ phiếu AMD đã được niêm yết và giao dịch công khai trên HOSE nên việc biến động giá cổ phiếu là do cung cầu thị trường và tâm lý của nhà đầu tư tại từng thời điểm”, văn bản cho hay.

Như vậy, với việc AMD bị đình chỉ giao dịch, hiện nhóm cổ phiếu liên quan đến hệ sinh thái FLC chỉ còn mã chứng khoán KLF của CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS giao dịch phiên chiều do thuộc diện hạn chế giao dịch. Các mã còn lại là ROS bị hủy niêm yết, FLC, HAI, ART và GAB bị đình chỉ giao dịch. Điểm chung của các mã này là vi phạm nghiêm trọng về nghĩa vụ công bố thông tin.

Cổ phiếu ‘vua cá tra’ một thời bị đình chỉ giao dịch

Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong ngày 28/2, nhiều mã chứng khoán sẽ bị điều chỉnh tình trạng giao dịch từ trạng thái bị hạn chế giao dịch sang trạng thái bị đình chỉ giao dịch. Trong danh sách công bố, có mã cổ phiếu HVG của CTCP Hùng Vương.

Thời hoàng kim, Hùng Vương được mệnh danh là “Vua cá tra”, với slogan: “Think of Fish, eat panga!” (Nghĩ đến cá, hãy ăn cá tra). Ảnh: Hùng Vương

Từ thời huy hoàng, doanh thu chục nghìn tỷ đến chuỗi thua lỗ triền miên và nợ nần

Thủy sản Hùng Vương tiền thân là Công ty TNHH Hùng Vương, thành lập năm 2003, hoạt động tại Khu công nghiệp Mỹ Tho, Tiền Giang. Năm 2007 công ty chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần với vốn điều lệ 420 tỷ đồng.

Năm 2009, Hùng Vương đưa cổ phiếu lên niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh với mã chứng khoán HVG, vốn điều lệ khi đó xấp xỉ 600 tỷ đồng.

Kể từ khi niêm yết (25/11/2009), HVG đã trải qua 12 lần tăng vốn. Từ số vốn điều lệ ban đầu chỉ vỏn vẹn 120 tỷ đồng, sau 10 năm con số này đã gấp 19 lần, lên mức 2.270 tỷ đồng.

Sau khi chuyển sang công ty cổ phần, HVG ghi nhận những bước phát triển mạnh mẽ trong kinh doanh. Khoảng thời gian từ 2008 - 2014 có thể nói là giai đoạn tăng tốc của HVG khi doanh thu tăng 7 lần, từ 2.985 tỷ đồng lên 14.902 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong năm 2011, HVG bứt phá khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế cao nhất, đạt 485 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm trước.

Kể từ năm 2015, ngành cá tra nói riêng và thuỷ sản nói chung gặp phải nhiều biến động do thời tiết, dịch bệnh. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp thủy sản còn bị ảnh hưởng nặng nề khi nguồn đầu ra bấp bênh trong khi tín dụng ngân hàng bị hạn chế, giá cá tra thời điểm đó cũng bắt đầu giảm mạnh xuống mức xấp xỉ giá thành sản xuất. Đây cũng là năm ghi nhận sự suy thoái của HVG khi công ty rơi vào cảnh khốn khó. Dù doanh thu vẫn tăng 10% lên hơn 16.400 tỷ đồng nhưng lợi nhuận đã giảm 3 lần, xuống 142 tỷ đồng.

2015 cũng là năm mở màn cho sự suy thoái của HVG khi Công ty liên tục sụt giảm lợi nhuận những năm sau đó. Sang 2016, lãi sau thuế đã giảm 14 lần, xuống vỏn vẹn gần 10 tỷ. 2017 là năm đầu tiên HVG ghi nhận lỗ với con số lên tới 705 tỷ đồng.

Nguyên nhân lỗ sâu đến từ việc HVG sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao trong lúc tình hình thị trường cá tra không mấy thuận lợi. Việc vay nợ để mở rộng hoạt động kinh doanh, tài trợ cho các hoạt động đầu tư, M&A đã khiến cho HVG càng rơi vào “hố sâu”. Đỉnh điểm vào năm 2016, nợ phải trả của HVG ghi nhận 13.336 tỷ đồng, gấp 4 lần vốn chủ sở hữu tại thời điểm đó.

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh lại tiếp tục thua lỗ. Năm 2019, HVG tiếp tục báo lỗ hơn 1.075 - con số lỗ cao nhất tính từ khi niêm yết của HVG. Tính đến 30/9/2019, HVG lỗ luỹ kế công ty mẹ 1.489 tỷ đồng, tổng nợ ngắn hạn đã vượt quá tổng tài sản ngắn hạn là 1.170 tỷ đồng. Đây cũng là năm cuối cùng HVG công bố báo cáo tài chính.

Vào thời điểm hưng thịnh nhất, HVG sở hữu 11 nhà máy chế biến cá, trang thiết bị hiện đại, công suất 400.000 tấn/năm. Tuy nhiên, kể từ khi rơi vào “bể nợ”, HVG đã phải bán ra loạt công ty con cũng như nhiều tài sản khác để gồng gánh doanh nghiệp. Quyết định được ban lãnh đạo Công ty lý giải nhằm thu hồi dòng vốn, chuyển hướng kinh doanh, trong đó tập trung nguồn lực phát triển ngành kinh doanh cốt lõi.

Cụ thể, hồi tháng 11/2017, HVG đã bán hết hơn 54% vốn tại CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã: FMC) cho nhóm cổ đông SSI, thu hồi về 487 tỷ đồng; thoái trên 50% vốn tại CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF), thu hồi 501 tỷ đồng. Ngoài ra, HVG còn thanh lý loạt các dự án bất động sản và giải thể CTCP Địa ốc An Lạc.

Cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch để bảo vệ nhà đầu tư

Theo đơn vị kiểm toán, các yếu tố như lỗ kéo dài, gánh nặng nợ… cùng một số vấn đề khác (được nêu trong thuyết minh) cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Hùng Vương.

Đầu tháng 5/2020, cổ phiếu HVG đã bị đưa vào diện tạm ngừng giao dịch, cũng bởi vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin trên thị trường sau khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt trước đó (19/1/2018).

Đến giữa tháng 5/2020, HOSE có thêm công văn nhắc nhở lần thứ 3 về việc HVG chưa nộp Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý I/2020. Trong công văn giải trình sau đó, HVG cho biết, việc chậm nộp các báo cáo tài chính do số lượng nhân sự kế toán và thống kê của Công ty đang thiếu hụt do một số đã nghỉ hoặc chuyển công tác qua các công ty mới trong thời gian cách ly xã hội từ tháng 4/2020, cùng một số nguyên nhân khác nên làm gián đoạn việc cung cấp số liệu cho công tác hợp nhất báo cáo tài chính.

Thua lỗ, không công bố thông tin, tháng 8/2020 cổ phiếu HVG chính thức bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE. Cũng trong tháng 8, HVG chuyển đăng ký giao dịch sang UpCOM. Tuy vậy việc công bố thông tin vẫn chậm trễ dẫn đến cổ phiếu của công ty trên UpCOM tiếp tục bị đình chỉ giao dịch lần này.

Quá trình phát triển và suy tàn của cổ phiếu HVG

  • Năm 2009, cổ phiếu HVG lên sàn với giá 11.990 đồng/cp.
  • Từ 2009 - T5/2012: HVG trải qua nhiều biến động khi khi chạm đáy với mốc 3.980 đồng/cp, sau đó lại tăng về giá lên sàn.
  • 2014 là năm đánh dấu tên tuổi của HVG trên sàn chứng khoán khi giá cổ phiếu tăng liên tục và tạo đỉnh vào phiên 6/10/2014 tại mức giá 22.012 đồng/cp.
  • Cùng với thời điểm công ty bắt đầu khó khăn, giá cổ phiếu HVG cũng bắt đầu “trượt dài”, có lúc đã “bốc hơi” 90%, về mức 2.280 đồng/cp vào ngày 5/7/2018.
  • Kể tháng 1/2018,HVG thuộc diện bị kiểm soát do lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2016 và 2017 là số âm (-49,3 tỷ và -712,96 tỷ đồng).
  • Kể từ ngày 15/5/2020, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đưa cổ phiếu vào diện tạm ngừng giao dịch do Công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
  • Ngày 28/2/2023, cổ phiếu HVG bị đình chỉ giao dịch.

Tổng quan tình hình phát triển của cổ phiếu HVG từ năm 2012 đến nay. Ảnh: BSC

Chứng khoán Rồng Việt muốn chào bán 410 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ

HĐQT CTCP Chứng khoán Rồng Việt (HOSE: VDS) vừa thông qua phương án phát hành 410 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ (lần 1 năm 2023) và phương án mua lại trái phiếu.

Theo đó, VDS dự kiến phát hành 4,100 trái phiếu riêng lẻ (mã trái phiếu: VDSH2324001), mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn 1 năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm theo chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Lãi suất cố định 10.15%/năm.

Tiền lãi trái phiếu được thanh toán định kỳ 1 tháng/lần, còn tiền gốc sẽ được thanh toán một lần vào ngày đáo hạn (trừ khi trái phiếu được mua lại trước hạn).

Thời gian phát hành dự kiến từ ngày 03/03/2023. Giá chào bán tính theo mệnh giá.

VDS dự kiến dùng 410 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán để cơ cấu lại nợ, bao gồm thanh toán tiền gốc trái phiếu đến hạn và/hoặc thanh toán nợ vay ngân hàng. Nếu chưa đến hạn thanh toán tiền gốc trái phiếu và/hoặc thanh toán nợ vay ngân hàng, tổng số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ dùng gửi tiết kiệm.

Về phương án mua lại trái phiếu, VDS cho biết tùy thuộc vào tình hình kinh doanh và khả năng vốn có thể mua lại một phần trái phiếu đã phát hành trước khi đáo hạn theo yêu cầu của trái chủ. Cụ thể, VDS có thể mua lại trước hạn nhiều nhất là 50% lượng trái phiếu đã phát hành sau 6 tháng kể từ ngày phát hành (dự kiến 03/03/2023) với mức lãi suất mua lại không quá 9%/năm.

Nguồn bài viết: Chứng khoán Rồng Việt muốn chào bán 410 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ | Fili

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất TPHCM chưa đánh thuế nhà, đất thứ hai

(KTSG Online) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo gửi Chính phủ về việc triển khai xây dựng nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TPHCM, trong đó bộ này đề nghị chưa đánh thuế nhà, đất thứ hai tại TPHCM. Lý do là chính sách chưa đảm bảo tính công bằng trong nhiều trường hợp, còn nhiều quan điểm khác giữa các bộ, ngành và cơ quan trung ương.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng chưa nên đánh thuế đối với nhà, đất thứ hai trở lên bởi khi áp dụng chính sách sẽ tác động đến thị trường, làm giảm cung và cầu bất động sản tại TPHCM. Ảnh minh họa: Lê Vũ.

TTXVN đưa tin, trong dự thảo nghị quyết lần thứ hai thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TPHCM trình Chính phủ, TPHCM đề xuất thí điểm cơ chế đánh thuế nhà, đất ở thứ hai trở lên.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc đánh thuế cao với người sở hữu nhà, đất thứ hai tại TPHCM tạo nguồn thu ngân sách cho thành phố và kết quả thí điểm là cơ sở để xem xét mở rộng phạm vi áp dụng sau này tại các địa phương khác. Tuy nhiên, khi tham vấn ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy còn nhiều quan điểm khác nhau giữa các bộ, ngành và cơ quan trung ương về một số cơ chế, chính sách lần đầu được TPHCM đề xuất thí điểm, chưa có trong luật và nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, đề xuất này có thể không đảm bảo tính công bằng trong nhiều trường hợp, như người có một nhà, đất ở diện tích hoặc giá trị lớn sẽ không bị đánh thuế, trong khi người sở hữu 2 nhà, đất ở diện tích, giá trị nhỏ lại chịu thuế cao. Việc chưa số hóa giấy tờ giao dịch bất động sản cũng là kẽ hở để nhiều tổ chức, cá nhân lách thuế bằng cách cho người khác đứng tên…

Cũng theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ chế này khi áp dụng sẽ tác động đến thị trường, làm giảm cung và cầu bất động sản tại TPHCM. Hiện, không nhiều quốc gia trên thế giới chọn phương án đánh thuế cao với người sở hữu nhà, đất thứ hai trở lên. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Thường trực Chính phủ chưa đưa chính sách này vào dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.

Cổng thông tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự thảo nghị quyết lần thứ 3 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng TPHCM đang xây dựng trình Chính phủ cho ý kiến đã không còn đề xuất thí điểm cơ chế đánh thuế nhà, đất ở thứ hai trở lên. Thay vào đó, TPHCM đề xuất tăng thuế suất thuế sử dụng đất nông nghiệp với đất ở không quá 5 lần thu hiện hành; tăng thuế suất thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng nhànhà đất thứ hai trở lên, nhưng không quá 2 lần hiện hành. Mức tăng cụ thể sẽ do HĐND thành phố quyết định.

Nguồn bài viết: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất TPHCM chưa đánh thuế nhà, đất thứ hai - Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

Tự doanh CTCK trở lại bán ròng hơn 115 tỷ đồng, tập trung vào chứng chỉ quỹ

Trên sàn HOSE, khối tự doanh bán ròng 118 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên 2/3 chứng kiến sự rung lắc suốt phiên sáng. Dòng tiền tỏ ra “heo hút” đẩy nhiều nhóm cổ phiếu rơi vào trạng thái phân hóa mạnh mẽ. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 điều chỉnh mạnh hơn thị trường chung trở thành một trong những lực cản khiến VN-Index không thể lấy lại sắc xanh.

Kết phiên giao dịch, VN-Index giảm 2,94 điểm (-0,28%) xuống 1.037,61 điểm. Thanh khoản trên HoSE một lần nữa trở về mốc thấp nhất trong vòng 28 tháng (kể từ 6/11/2020) với giá trị khớp lệnh đạt vỏn vẹn 5.143 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng 122 tỷ đồng toàn thị trường. Riêng sàn HoSE, khối ngoại bán ròng với giá trị 121 tỷ đồng, bán mạnh VHM và VCB trong khi gom STB, NKG.

Cùng chiều khối ngoại, tự doanh CTCK phiên 2/3 “quay đầu” bán ròng hơn 115 tỷ đồng.

tu-doanh-23.png

Trên sàn HOSE, khối tự doanh bán ròng 118 tỷ đồng. Cụ thể, tự doanh bán ròng 57 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh, đồng thời bán ròng 61 tỷ đồng trên kênh thỏa thuận.

Trong đó, CTCK bán ròng mạnh nhất tại nhiều chứng chỉ quỹ, đáng chú ý FUEVFVND và E1VFVN30 lần lượt bị “xả” 56 và 46 tỷ đồng trong phiên. Ngoài ra, tự doanh còn bán ròng nhiều tại STB, HPG khoảng 6-8 tỷ đồng mỗi mã.

Ở chiều ngược lại, nhóm tự doanh CTCK tập trung mua ròng tại các cổ phiếu như ACB (6 tỷ); FPT (5 tỷ); VRE (4 tỷ); VPB (4 tỷ),…

Trên HNX, tự doanh phiên hôm nay bán ròng nhẹ hơn 30 triệu đồng tại 3 mã DVM, IDJ, TNG.

Trên UPCoM, tự doanh CTCK mua ròng khoảng 2,6 tỷ đồng, tâm điểm “gom” MCH.

Đông Hải Bến Tre (DHC): Vừa mua xong 500.000 cổ phiếu, lãnh đạo tiếp tục đăng ký mua thêm 1 triệu cổ phiếu

## Lãnh đạo báo cáo kết quả giao dịch tại CTCP Đông Hải Bến Tre (mã DHC - sàn HOSE).

Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Nghĩa, thành viên HĐQT vừa mua 500.000 cổ phiếu để nâng sở hữu từ 10,01% lên 10,63% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 14/2 đến 28/2/2023.

Tiếp đó, từ ngày 7/3 đến ngày 5/4, ông Nguyễn Thanh Nghĩa đăng ký mua thêm 1 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên 11,87% vốn điều lệ.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý IV/2022, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 946 tỷ đồng, giảm 15,45% so với cùng kỳ. Sau khi trừ đi các khoản chi phí và thuế, Công ty công bố lợi nhuận sau thuế còn hơn 82 tỷ đồng, giảm 11,2% so với quý IV/2021.

Công ty giải trình nguyên nhân giảm do trong kỳ, sản lượng sản xuất và bán ra ổn định, tuy nhiên giá bán giảm khiến doanh thu thuần giảm hơn 15%. Bên cạnh đó, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tăng 115% do Dự án Nhà máy giấy Giao Long – giai đoạn 2 đã hết thời gian miễn thuế và đang được giảm 50% thuế suất trong giai đoạn 4 năm từ 2022 – 2025.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/3, cổ phiếu DHC tăng 2.000 đồng lên 39.700 đồng/cổ phiếu.

DHC cũng cho biết, Công ty TNHH MTV Bao Bì Bến Tre đã đi vào hoạt động từ tháng 4/2022, sản lượng sản xuất và bán ra còn thấp, chưa hiệu quả.

Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu thuần DHC đạt 3.942 tỷ đồng, giảm 5,3% so với thực hiện năm 2021; theo đó, lợi nhuận sau thuế đạt 378 tỷ đồng, giảm 21,4%.

Năm 2022, Đông Hải Bến Tre đặt kế hoạch doanh thu 3.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 450 tỷ đồng. Như vậy với kết quả trên, DHC vượt nhẹ kế hoạch doanh thu và hoàn thành được 84% mục tiêu về lợi nhuận sau thuế.

Giới đầu tư túc tắc gom hàng khi lợi suất trái phiếu Mỹ hạ nhiệt

(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ tăng vào thứ Năm (2/3) khi lợi suất trái phiếu kho bạc hạ nhiệt, sau bình luận của Fed Atlanta, Raphael Bostic về lộ trình tăng lãi suất ưa thích của ông.

Giới đầu tư túc tắc gom hàng khi lợi suất trái phiếu Mỹ hạ nhiệt

Trong một cuộc tranh luận về việc tăng lãi suất của Fed, ông Bostic cho biết ông ủng hộ “chậm và ổn định” là hành động thích hợp của Fed, vì tác động của lãi suất cao hơn có thể chỉ bắt đầu được cảm nhận vào mùa xuân.

Trước đó, lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm trước đó đã chạm mức cao mới trong 4 tháng là 4,091%, sau khi dữ liệu cho thấy số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới giảm vào tuần trước, cho thấy thị trường lao động tiếp tục mạnh lên, trong khi một báo cáo riêng cho thấy chi phí lao động tăng nhanh hơn so với dự báo ban đầu trong quý IV.

Phiên này, lợi tức kỳ hạn 10 năm chỉ tăng tăng 6,7 điểm cơ bản lên 4,064%. Trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm, thường thay đổi theo kỳ vọng lãi suất, đã giảm 0,4 điểm cơ bản xuống 4,885%, sau khi chạm mức cao mới trong 15 năm trước đó là 4,944%.

Dữ liệu bảng lương tháng 2 và giá tiêu dùng trong những ngày tới sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư thêm manh mối về lộ trình của lãi suất trước cuộc họp ngày 21-22 tháng 3 của Fed, nơi dự kiến ​​​​sẽ tăng lãi suất thêm 0,25%.

Kết thúc phiên 2/3, chỉ số Dow Jones tăng 341,73 điểm (+1,05%), lên 33.003,57 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 29,96 điểm (+0,76%), lên 3.981,35 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 83,50 điểm (+0,73%), lên 11.462,98 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng nhờ cổ phiếu hàng tiêu dùng thiết yếu và năng lượng, nhưng dữ liệu cho thấy lạm phát khu vực đồng euro vẫn ở mức cao làm gia tăng lo ngại về việc Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,5% lên 459,98 điểm.

Các cổ phiếu năng lượng tăng 1,4% được hỗ trợ bởi giá dầu thô ổn định nhờ các dấu hiệu phục hồi kinh tế mạnh mẽ tại nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu Trung Quốc.

Còn nhóm cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu, như Diageo và Unilever đều nhích hơn 1%, trong khi chỉ số thực phẩm và đồ uống châu Âu tăng 1,8%.

Trong khi đó, lạm phát giá tiêu dùng ở 20 quốc gia sử dụng chung đồng tiền chung euro đã tăng 8,5% trong tháng 2, so với mức tăng 8,6% một tháng trước đó do giá năng lượng thấp hơn, nhưng con số này vẫn cao hơn mức 8,2% được dự đoán trong một cuộc thăm dò ý kiến ​​của các nhà kinh tế của Reuters.

Mặc dù lạm phát cũng thấp hơn mức cao nhất hai con số đạt được vào tháng 10, nhưng vẫn có những lo ngại rằng giá năng lượng tăng vọt trước đó đã ngấm vào nền kinh tế, thông qua cái gọi là hiệu ứng vòng hai, khiến cho việc tăng giá thậm chí còn khó loại bỏ hơn.

Giles Coghlan, trưởng bộ phận phân tích thị trường tại HYCM cho biết: “Lạm phát cao có thể khiến ECB tăng lãi suất lên cao hơn, đồng nghĩa với điều kiện kinh doanh kém thuận lợi hơn cho các công ty châu Âu”.

Đầu tuần, dữ liệu từ Tây Ban Nha, Pháp và Đức chỉ ra rằng lạm phát vẫn ở mức cao và làm dấy lên lo ngại rằng ECB sẽ duy trì quan điểm diều hâu trong thời gian dài hơn.

Kết thúc phiên 2/3: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 29,11 điểm (+0,37%), lên 7.944,04 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 22,62 điểm (+0,15%), lên 15.327,64 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 49,97 điểm (+0,69%), lên 7.284,22 điểm.

Giá dầu thô tiếp tục tăng do lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung gia tăng, sau khi dữ liệu cho thấy chỉ số sản xuất ở Trung Quốc đã tăng vọt trong tháng 2.

Kết thúc phiên 2/3, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 0,47 USD/thùng (+0,60%), lên 78,16 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,44 USD (+0,52%), lên 84,75 USD/thùng.

Nguồn bài viết: Giới đầu tư túc tắc gom hàng khi lợi suất trái phiếu Mỹ hạ nhiệt | Tin nhanh chứng khoán

Bốn năm liên tiếp, Thực phẩm Cholimex trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 50%

CTCP Thực phẩm Cholimex (UPCoM: CMF) thông báo 24/03 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2023 và tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền.

CMF sẽ thông báo thời gian cũng như địa điểm tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 tới cổ đông sau. Dự kiến, HĐQT sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 cũng như phương án phân phối lợi nhuận năm 2022.

Cùng lúc đó, CMF sẽ chốt quyền tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền, tỷ lệ 50% (tương ứng cổ đông sở hữu 1 cp được nhận 5,000 đồng). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 23/03.

Ngày 30/11/2016, Thực phẩm Cholimex chính thức giao dịch trên UPCoM với mã CMF. Từ khi lên sàn, Công ty luôn có mức chia cổ tức bằng tiền mặt khá cao. Đáng chú ý, trong 4 năm liên tiếp từ 2019-2022, tỷ lệ chia cổ tức luôn được duy trì ở mức 50%. Trước đó, năm 2016 và 2017 cùng tỷ lệ 20%, năm 2018 là 30%.

Tình hình trả cổ tức của CMF qua các năm

Nguồn: VietstockFinance

Với 8.1 triệu cp đang lưu hành, ước tính CMF cần chi gần 41 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Ngày thanh toán dự kiến vào 10/05/2023.

Cơ cấu cổ đông CMF tương đối cô đặc, hiện có 3 cổ đông lớn gồm CTCP Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn nắm 40.72% vốn (gần 3.3 triệu cp), Công ty TNHH MTV Thực phẩm Masan (32.83%) và Nichirei Foods Inc (19%). Theo đó, 3 tổ chức này có thể nhận về lần lượt 16.5 tỷ đồng, 13.3 tỷ đồng và 7.7 tỷ đồng cổ tức từ CMF.

Về tình hình kinh doanh, CMF chưa công bố BCTC năm 2022. Gần đây nhất, Công ty mới công bố BCTC quý 3/2022.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, Thực phẩm Cholimex ghi nhận doanh thu thuần hơn 2,358 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 164 tỷ đồng, tăng 26%.

Tính tới thời điểm 30/09/2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Công ty còn gần 524 tỷ đồng; hơn 120 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển và 38.5 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.

Phiên chiều 03/03, giá cổ phiếu CMF đứng tại mức 181,100 đồng/cp được duy trì gần 1 tháng qua và không có thanh khoản.

https://fili.vn/2023/03/bon-nam-lien-tiep-thuc-pham-cholimex-tra-co-tuc-tien-mat-ty-le-50-738-1044537.htm

@PinkPanther tương ớt Cholimex bạn của mọi nhà hen bác :smiley:

MAS: Đầu tư công là ‘tia sáng’ cho thị trường chứng khoán năm 2023

Trong báo cáo vĩ mô và chiến lược ngày 2/3 vừa qua, chứng khoán Mirae Asset (MAS) phân tích, kết quả kinh doanh quý IV/2022 sụt giảm đã đẩy định giá thị trường lên mức cao. Trong bối cảnh thị trường vẫn chìm trong ảm đạm, MAS cho rằng động lực tăng trưởng sẽ đến từ đầu tư công và sự phục hồi của sản xuất trong nước.

Kết quả kinh doanh quý IV/2022 sụt giảm đẩy định giá thị trường lên cao

Tổng hợp tăng trưởng lợi nhuận sau thuế (so với cùng kỳ) theo ngành của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE. Ảnh: MAS

Theo phân tích từ MAS, kết quả kinh doanh ảm đạm của các doanh nghiệp trong quý IV/2022 gây thất vọng đã dẫn đến thị trường điều chỉnh theo chiều hướng đi xuống. VN-Index đóng cửa tháng 2/2023 ở mức 1.024,68 điểm, -7,78% so với tháng trước, với thanh khoản thấp ở mức trung bình 8.585 tỷ đồng mỗi ngày.

Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài đã ngưng chuỗi mua ròng kéo dài 3 tháng trước đó, trong khi các quỹ ETF tiếp tục được giải ngân trong tháng 2 với mức độ thấp hơn

Cũng trong tháng 2, cổ phiếu ngành bất động sảnngân hàng đã gây áp lực lớn lên thị trường. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu bất động sản có diễn biến đáng thất vọng do cuộc họp giữa Chính phủ, các ngân hàng và các nhà phát triển lớn (về các biện pháp và chính sách hỗ trợ bổ sung) đã không đưa ra một lộ trình rõ ràng để các công ty bất động sản khơi thông dòng tiền kinh doanh và cũng như giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư trên thị trường tài chính.

Trong diễn biến mới nhất, sau các cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản từ đầu tháng 2 đến nay, có 2 giải pháp về các gói tín dụng được hé lộ. Đầu tiên là đề xuất của Bộ Xây dựng với gói khoảng 110.000 tỷ đồng (tương tự gói 30.000 tỷ trước đây), cấp tới các ngân hàng thương mại để cho vay dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo hình thức tái cấp vốn. Đề xuất này đã được đưa vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ.

Thứ hai là gói tín dụng riêng khoảng 120.000 tỷ đồng cũng cho nhà ở xã hội được 4 ngân hàng thương mại Nhà nước thống nhất trước thềm hội nghị với Thủ tướng hôm 17/2. Gói này lãi suất cho vay thấp hơn 1,5-2% lãi suất bình quân thị trường với người xây dựng và mua nhà.

Tuy nhiên, chiều 2/3, trong thông cáo phát đi, Bộ Xây dựng không đề cập đến việc nghiên cứu tiếp gói tín dụng 110.000 tỷ đồng đã đề nghị trước đó. Thay vào đó, bộ này cho biết sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng bởi những lo ngại kinh tế xấu đi, cũng như sự bất ổn trên thị trường bất động sản và tài chính. Bộ phận phân tích MAS cho rằng chỉ số VNIndex hiện đang được dẫn dắt bởi các yếu tố nội tại của nền kinh tế hơn là các yếu tố bên ngoài. Vì vậy, mức biến động giảm của VN-Index trong tháng 2 cũng lớn hơn so với các thị trường khác.

Nhìn chung, thị trường chứng khoán toàn cầu đều ghi nhận sự điều chỉnh do ảnh hưởng từ rủi ro tăng lãi suất, cũng như căng thẳng gia tăng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Động lực tăng trưởng đến từ đầu tư công

Trong bối cảnh thị trường chứng kiến nhiều sự biến động gần đây, MAS cho rằng vẫn còn “tia sáng”, đến từ đầu tư công, sự phục hồi của sản xuất trong nước, và rủi ro liên quan tới vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp không quá cao.

MAS cho rằng mức chiết khấu của thị trường là đủ để có một nhịp phục hồi trong ngắn hạn, khi thị trường về lại mức hỗ trợ mạnh quanh 1.000 điểm (+/- 20 điểm). Ngoài ra, đợt điều chỉnh gần đây đã đẩy một số cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt xuống mức định giá thấp hơn so với quá khứ.

Từ đó, các chuyên gia cho rằng cổ phiếu tiềm năng nằm tại nhóm hưởng lợi từ đầu tư công, cũng như các cổ phiếu bất động sản lành mạnh và bị định giá thấp (so với RNAV).

BCG: Nợ phải trả xấp xỉ 1,3 tỉ USD, trả lãi vay 3,7 tỉ đồng/ngày

Tính đến cuối năm 2022, tổng nợ phải trả tại Bamboo Capital (BCG) còn 30.205 tỉ đồng (gần 1,3 tỉ USD) - tăng gần 1.000 tỉ đồng so với cùng kì. Doanh nghiệp này đang phải chi khoảng 1.382 tỉ đồng để trả chi phí lãi vay, tương ứng với khoảng 3,7 tỉ đồng/ngày.

Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ do Bamboo Capital đầu tư. Ảnh: Bamboo Capital.

Công ty CP Tập đoàn Bamboo Capital (HOSE: BCG) là doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực như đầu tư điện gió, bất động sản, xuất nhập khẩu và nhiều dịch vụ đầu tư khác.

Báo cáo tài chính quý IV/2022 vừa được doanh nghiệp này công bố ghi nhận doanh thu trong kỳ đạt 1.221 tỉ đồng, tăng 79% so với cùng kì, thế nhưng doanh nghiệp lại bất ngờ báo lỗ sau thuế gần 339 tỉ đồng, trong khi cùng kì lãi 271 tỉ đồng.

Giải trình cho biến động về kết quả kinh doanh trong kỳ, ông Phạm Minh Tuấn – Phó Giám đốc Bamboo Capital – thông tin, lợi nhuận âm chủ yếu do tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều biến động, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thấp đã tác động tiêu cực đến các mảng hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất cũng làm cho chi phí tăng mạnh so với cùng kì năm 2021.

Luỹ kế cho cả năm 2022, Bamboo Capital thu về 4.531 tỉ đồng doanh thu, tăng 75% so với năm trước đó, lãi ròng 547 tỉ đồng, giảm 45%. Với kết quả này, BCG mới chỉ hoàn thành được 63% kế hoạch doanh thu và 25% chỉ tiêu lợi nhuận đã đặt ra trước đó.

Thực tế, soi kĩ vào kết quả kinh doanh của Bamboo Capital trong năm 2022 cho thấy, đa phần các chi phí đều tăng mạnh.

Cụ thể, chi phí tài chính tăng từ 1.484 tỉ đồng (năm 2021) lên 2.412 tỉ đồng (năm 2022). Trong đó, chiếm chủ yếu là chi phí lãi vay với 1.382 tỉ đồng, đồng nghĩa với việc mỗi ngày Bamboo Capital đang phải dành khoảng 3,7 tỉ đồng để trả lãi cho các khoản vay của mình.

Được biết, nợ vay tài chính tại Bamboo Capital trong năm 2022 đã tăng 9% so với cùng kì, lên 14.935 tỉ đồng. Ngoài ra, chi phí bán hàng tăng 118% lên 214 tỉ đồng, chi phí quản lí doanh nghiệp tăng 30% lên 480 tỉ đồng.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản Bamboo Capital đạt 44.006 tỉ đồng, tăng 17% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý khi tiền và các khoản đương tiền giảm mạnh từ 1.044 tỉ đồng về còn 629 tỉ đồng. Bamboo Capital cũng đã giảm mạnh các khoản đầu tư chứng khoán về còn 44 tỉ đồng, so với con số hơn 1.000 tỉ hồi đầu năm.

Điểm đáng chú ý khác trong bức tranh tài chính của Bamboo Capital là các khoản phải thu tăng mạnh hơn 4.000 tỉ đồng so với hồi đầu năm, lên 24.503 tỉ đồng.

Tổng nợ phải trả tại Bamboo Capital gần 1,3 tỉ USD. Ảnh trích chụp báo cáo tài chính.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ Bamboo Capital phải trả còn 30.204 tỉ đồng (xấp xỉ 1,3 tỉ USD), tăng gần 1.000 tỉ đồng sau 12 tháng. Trong đó, nợ vay tài chính tăng từ 13.682 tỉ đồng lên 14.934 tỉ đồng, tương ứng tăng 9%.

Trong thuyết minh báo cáo tài chính, Bamboo Capital cho biết, nợ trái phiếu có 7.533 tỉ đồng. Các lô trái phiếu này có kỳ hạn 3 – 5 năm, lãi suất trung bình từ 7% - 13%.

Bên cạnh câu chuyện lợi nhuận suy giảm, Bamboo Capital cũng chứng kiến dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư âm nặng.

Theo đó, kết thúc năm 2022, các khoản phải thu tăng mạnh cùng với tiền lãi vay đã trả hơn 1.155 tỉ đồng là nguyên nhân chính dẫn đến lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tại Bamboo Capital âm đến 2.748 tỉ đồng.

Đồng thời, đẩy mạnh chi cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác cũng như tăng chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác góp phần khiến lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư Bamboo Capital âm gần 5.000 tỉ đồng.

https://laodong.vn/kinh-doanh/bamboo-capital-no-phai-tra-xap-xi-13-ti-usd-tra-lai-vay-37-ti-dongngay-1150820.ldo

Mirae Asset: Tình trạng thiếu thanh khoản trầm trọng của thị trường BĐS là một chỉ báo sớm cho nợ xấu

## Mirae Asset cho rằng tình trạng thiếu thanh khoản trầm trọng của các chủ đầu tư bất động sản, là một chỉ báo sớm cho nợ xấu có khả năng phát sinh trong thời gian tới.

Trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán Mirae Asset cho rằng xu hướng nợ xấu tăng nhiều khả năng vẫn tiếp diễn trong năm 2023.

Về mặt tích cực, dư nợ cho vay tái cơ cấu giảm đáng kể trong năm 2022. Tuy nhiên, nợ xấu mở rộng (bao gồm cả nợ nhóm 2) tăng cho thấy nợ xấu sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn.

Ngoài ra, những giả định về việc lãi suất duy trì ở mức cao trong năm 2023 cũng là một tác nhân làm gia tăng nợ xấu. Khó khăn về tài chính của các chủ đầu tư bất động sản có thể dẫn đến việc chấm dứt các chính sách ưu đãi lãi suất/cam kết lợi nhuận từ chủ đầu tư dành cho người mua nhà. Do đó, nhóm đầu cơ hoặc người mua với mục đích đầu tư có thể từ bỏ các cam kết tài chính của họ, nếu tính pháp lý của dự án không rõ ràng.

Tình trạng ảm đạm của thị trường cũng là rủi ro dẫn đến gián đoạn dòng tiền các nhà đầu tư bất động sản, dẫn đến nợ xấu. Việc chậm thanh toán gốc/lãi trái phiếu của một số chủ đầu tư do tình trạng thiếu thanh khoản trầm trọng của các chủ đầu tư bất động sản, là một chỉ báo sớm cho nợ xấu có khả năng phát sinh trong thời gian tới.

Nguồn: Mirae Asset.

Trong năm 2022, tỷ lệ nợ xấu và nợ xấu mở rộng (bao gồm cả nợ nhóm 2) ghi nhận xu hướng tăng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trung bình của các ngân hàng niêm yết tăng mạnh lên mức 2,5%, tăng 0,8 điểm % so với cùng kỳ.

Tỷ lệ nợ xấu trung bình tăng mạnh do tác động bởi tỷ lệ nợ xấy tăng đột biến của NCB, Vietbank, VPBank và PGBank. Nợ xấu tăng cao trong năm 2022 một phần bị ảnh hưởng bởi dư nợ tái cơ cấu liên quan đến COVID-19. Tổng nợ quá hạn (bao gồm nợ nhóm 2) trung bình tăng 1,1 điểm % lên mức 3,3% vào cuối năm.

Bộ đệm dự phòng sụt giảm

Báo cáo của Mirae Asset cũng cho biết tỷ lệ dự phòng trên nợ xấu (LLR) của hầu hết ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm trong năm 2022. Cụ thể, LLR trung bình của các ngân hàng niêm yết giảm xuống còn 120,9% vào cuối 2022, giảm 24 điểm % so với cùng kỳ.

Mức giảm LLR phần lớn tác động bởi các ngân hàng có chỉ số LLR đặc biệt cao như Vietcombank, MB, ACB, Techcombank,… Nói cách khác, có thể các ngân hàng đang sử dụng bộ đệm dự phòng duy trì tăng trưởng lợi nhuận.

Nhóm chuyên gia cho rằng trong bối cảnh nợ xấu được dự báo tăng trong năm 2023, LLR giảm và việc hoàn nhập dự phòng đã trích lập dư cho nợ tái cơ cấu không đáng kể, chi phí dự phòng sẽ khó duy trì ở mức thấp như năm 2022.

Việc gia tăng đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp liên quan đến ngành bất động sản trong các năm trở lại đây và tình trạng thiếu thanh khoản có thể dẫn đến nợ xấu lập đỉnh mới trong vòng một thập kỷ. Như vậy, nhu cầu trích lập cho nợ xấu không những khó có thể duy trì mà có khả năng tăng mạnh trong ngắn và trung hạn.

Do các yếu tố vĩ mô kém khả quan và tương đối bất ổn, công ty chứng khoán ưu tiên các ngân hàng có LLR cao, là cơ sở cho ngân hàng điều tiết giữa duy trì lợi nhuận và chất lượng tài sản.

Những ngân hàng nổi bật bao gồm nhóm quốc doanh (Vietcombank, Vietinbank, BIDV) và ACB. Các ngân hàng này đều có tỷ lệ nợ xấu thấp, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp không đáng kể, và danh mục cho vay đa dạng, qua đó giảm thiểu rủi ro hệ thống.

Ngoài ra, các ngân hàng này sở hữu thế mạnh thương hiệu, đặc biệt là của nhóm quốc doanh, sẽ mang lại lợi thế lớn trong việc huy động và ổn định tiền gửi và tránh các rủi ro mất thanh khoản do rút tiền gửi tăng đột ngột.

https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/mirae-asset-tinh-trang-thieu-thanh-khoan-tram-trong-cua-thi-truong-bds-la-mot-chi-bao-som-cho-no-xau-42202335142719816.htm

Sửa Nghị định 65: Cho phép thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác, kéo dài kỳ hạn thanh toán thêm 2 năm…

(ĐTCK) Ngày 5/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08) sửa đổi, bổ sung và ngưng thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Sửa Nghị định 65: Cho phép thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác, kéo dài kỳ hạn thanh toán thêm 2 năm...

Việc này cần tuân thủ các nguyên tắc, trong đó có việc phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận. Doanh nghiệp phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.

Cho phép kéo dài kỳ hạn thêm 2 năm
Nghị định 08 sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Trong đó cho phép việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu, đảm bảo các nguyên tắc sau:

Thứ nhất, tuân thủ quy định tại khoản 3, điều 1 Nghị định này

Thứ hai, trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu thì thời gian tối đa không quá 02 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.

Thứ ba, đối với người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.

Trường hợp có người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư (kể cả trường hợp việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận.

Ngừng việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp tới hết năm 2023

Nghị định 08 nêu rõ sẽ ngưng hiệu lực thi hành đối với các quy định sau đây tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đến hết ngày 31/12/2023:

Thứ nhất, quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân tại điểm d khoản 1 Điều 8 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.

Thứ hai, quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành tại khoản 7, khoản 8 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.

Thứ ba, quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại điểm e khoản 2 Điều 12 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.

Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (5/3/2023).

Các đợt chào bán trái phiếu đã gửi nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán cho Sở giao dịch chứng khoán trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành mà chưa hoàn thành việc phân phối trái phiếu thì tiếp tục thực hiện theo quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành tại khoản 7, khoản 8 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.

Nguồn bài viết: Sửa Nghị định 65: Cho phép thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác, kéo dài kỳ hạn thanh toán thêm 2 năm... | Tin nhanh chứng khoán

Cổ phiếu bất động sản từng tăng giá gấp 6 lần trong sóng ‘cổ đất’ có nguy cơ hủy niêm yết

Ngày 27/2, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) có thông báo về việc cổ phiếu PVL của Công ty Cổ phần Đầu tư Nhà Đất Việt (VPro) có khả năng bị huỷ bỏ niêm yết.

Nhà Đất Việt phản hồi trước thông tin bị hủy niêm yết

Ngày 2/3, Đầu tư Nhà Đất Việt có văn bản phúc đáp sau khi nhận được văn bản về việc cổ phiếu PVL có khả năng bị huỷ bỏ niêm yết do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2022 của công ty.

Về việc tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2022 của công ty, Nhà Đất Việt cho biết phần lớn các ý kiến mà tổ chức kiểm toán đưa ra là những vấn đề đã xảy ra và tồn đọng từ rất lâu (từ năm 2009) đồng thời đối tác có sự thay đổi về tổ chức, nhân sự thậm chí còn liên quan đến một số cá nhận hiện đang bị giam giữ nên không thể tập hợp đầy đủ tài liệu để cung cấp theo yêu cầu của đơn vị kiểm toán như hợp đồng thi công công trình B1 Trường Sa được ký từ tháng 5/2009 và hoàn thành vào năm 2011.

Ngoài ra, công ty cũng đã tìm mọi giải pháp và làm việc với các đối tác có liên quan những vẫn chưa thể thu thập đủ tài liệu theo yêu cầu của công ty kiểm toán. Từ tháng 4/2010 cổ phiếu công ty đã lên sàn HNX và hàng năm công ty đều thực hiện việc kiểm toán báo cáo tài chính theo quy định.

Tháng 7/2022, công ty đã ký hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn (TNHH) Kiểm toán và Thẩm định giá Việt Nam (AVA).

Do AVA không được tiếp tục thực hiện việc kiểm toán cho các doanh nghiệp có lợi ích công chúng theo quyết định của Bộ Tài chính nên đến tháng 12/2022, Đầu tư Nhà Đất Việt đã phải thay đổi đơn vị kiểm toán mới để kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022. Việc Công ty TNHH Kiểm toán CPA Vietnam không kế tục các số liệu, tài liệu kiểm toán của AVA là không hợp lý.

Về việc cổ phiếu PVL có khả năng bị huỷ bỏ niêm yết, Nhà Đất Việt cho biết việc huỷ bỏ niêm yết này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của các cổ đông và doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 27/2, HNX có thông báo về việc cổ phiếu PVL của Nhà Đất Việt có khả năng bị huỷ bỏ niêm yết. Cụ thể, theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 120 Nghị định do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2022 của công ty. HNX sẽ xem xét tiến hành huỷ bỏ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu PVL theo quy định.

Thị giá PVL từng nhiều lần tăng mạnh

Sau thông báo có khả năng bị huỷ bỏ niêm yết, cổ phiếu PVL đã giảm sàn ba phiên liên tiếp (1/3 – 3/3), mức giá giảm tương ứng từ 2.900 đồng/cp xuống 2.300 đồng/cp, mất gần 21% giá trị sau ba phiên giao dịch. Bên cạnh đó, thanh khoản trong những phiên giao dịch trên cũng tăng lên dao động trong khoảng 1,1 - 1,7 triệu đơn vị mỗi phiên.

Diễn biến giá cổ phiếu PVL. Nguồn: TradingView.

Trong lịch sử, giá cổ phiếu PVL đã nhiều lần bất ngờ nổi sóng. Đỉnh điểm trong quý III/2022, giá cổ phiếu PVL tăng gấp 6 lần từ quanh 4.000 đồng/cp lên mức đỉnh gần 24.000 đồng/cp. Thời điểm đó, mã PVL tăng giá theo sóng cổ phiếu bất động sản.

Gần đây nhất là giai đoạn cuối năm 2022, từ đáy giữa tháng 11/2022, thị giá PVL đã tăng 125% giá trị (gấp 2,25 lần) từ 1.600 đồng/cp lên 3.600 đồng/cp sau khoảng ba tuần giao dịch (15/11/2022 - 5/12/2022).

Cùng với xu hướng tăng giá, thanh khoản cũng tăng khi nhiều phiên ghi nhận khối lượng giao dịch 1 - 2 triệu đơn vị. Sau đó, thị giá PVL đã điều chỉnh 25% và giao dịch quanh 2.800 đồng/cp trước khi giảm sàn ba phiên liên tiếp vừa qua.

Hay giai đoạn quý I/2021, PVL đã tăng 327% giá trị (tăng hơn 4,25 lần) trong vòng 4 tháng giao dịch, cụ thể từ 1.100 đồng/cp lên 4.700 đồng/cp (15/12/2020 - 12/4/2021). Thanh khoản thời điểm đó cũng tăng theo, đặc biệt ở tháng cuối giai đoạn, các phiên giao dịch ghi nhận khối lượng giao dịch hàng triệu đến hàng chục triệu đơn vị.

Đây cũng là thời điểm nhiều lãnh đạo và bên liên quan công ty muốn thoái lượng vốn đáng kể khỏi PVL, trong đó có ông Bùi Quang Minh, Thành viên HĐQT bán ra một triệu cổ phiếu PVL, hạ sở hữu từ 2,1% xuống còn 0,1% vốn. Một thành viên HĐQT khác là ông Nguyễn Lê Đình Khánh đã thoái toàn bộ 400.310 cổ phiếu (0,8% vốn).

Tương tự, ông Trần Quốc Huy,Chủ tịch HĐQT công ty cũng đã bán ra 1,25 triệu cổ phiếu PVL, hạ sở hữu từ 2,55% vốn xuống còn 0,05% vốn. Tổ chức liên quan đến chủ tịch là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Việt Nam (nắm 10 triệu cổ phiếu tương đương gần 20% vốn PVL) tiếp tục đăng ký bán 4 triệu cổ phiếu sau khi đã bán ra gần 1,4 triệu đơn vị.

Nguồn bài viết: Cổ phiếu bất động sản từng tăng giá gấp 6 lần trong sóng 'cổ đất' có nguy cơ hủy niêm yết

Nợ gấp 2,4 lần vốn chủ, Damsan (ADS) muốn chuyển lô trái phiếu 100 tỷ thành cổ phiếu

## Ngày 3/3/2023, HĐQT CTCP Damsan (Mã ADS - HOSE) thông qua Nghị quyết về việc chuyển đổi lô trái phiếu 100 tỷ đồng thành cổ phiếu.

Cụ thể, công ty thông qua thời gian thực hiện quyền chuyển đổi thành cổ phiếu đợt 1 đối với lô trái phiếu mã ADSH2224001. Ngày thực hiện là 21/3/2023, thời gian đăng ký từ 13 - 20/3 trong đó người sở hữu trái phiếu có quyền chuyển đổi tối đa 70% lượng trái phiếu đang nắm giữ thành cổ phiếu. Giá chuyển đổi 10.000 đồng/cổ phiếu.

Được biết lô trái phiếu trên có thời hạn 2 năm, đáo hạn vào ngày 21/3/2024; là trái phiếu chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo; kỳ hạn trả lãi là 1 năm, lãi suất 4%/năm.

Mới đây, doanh nghiệp đã thông báo Nghị quyết HĐQT về kế hoạch kinh doanh năm 2023 trong đó đặt kế hoạch sản xuất 1.440 tấn sợi xe, 720 tấn khăn bông cao cấp, 1.200 tấn khăn tay bông thủ công; 14.400 tấm bông thương mại và 12.000 tấn sợi cọc gia công.

Ngoài ra, doanh nghiệp dệt may này cũng đặt kế hoạch xây dựng 150 căn nhà ở thương mại trong năm 2023.

Theo đó, doanh thu và lợi nhuận trước thuế dự kiến cho cả năm 2023 lần lượt ở mức 2.984 tỷ đồng và 110 tỷ - lần lượt tăng 76% và 33% so với mức ghi nhận trong năm 2022 (với 1.692 tỷ đồng doanh thu và 82,6 tỷ đồng lãi trước thuế.

Damsan (ADS) đặt kế hoạch doanh thu gần 3.000 tỷ đồng năm 2023 - tăng 76%

Xét theo quý, quý 4/2022 vừa qua, công ty ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận thấp nhất năm trong đó lãi ròng giảm sâu về còn 4,3 tỷ - chỉ bằng 1/7 lần quý 1. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ khoản lỗ 7,6 tỷ trong quý 2/2020.

Tính đến cuối năm 2022, công ty đang có tiền - các khoản tương đương, tiền gửi và các khoản đầu tư trái phiếu ngắn hạn ở mức 392 tỷ đồng; tổng nợ tăng lên mức 1.558 tỷ - gấp 2,4 lần vốn chủ sở hữu - trong đó gần 1.400 tỷ đồng là nợ ngắn hạn.

Trên thị trường, cổ phiếu ADS hiện giao dịch tại mức tham chiếu 12.150 đồng; khớp lệnh lúc 11h13 phiên 6/3/2023 đạt 0,5 triệu đơn vị.

Cổ phiếu SFN bị HNX đưa vào diện kiểm soát từ 7/3

## HNX đưa gần 2,9 triệu cổ phiếu SFN vào diện kiểm soát từ ngày 7/3/2023 do công ty này tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo.

Sơ đồ giá cổ phiếu SFN trên HNX thời gian qua.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo chuyển cổ phiếu SFN của CTCP Dệt lưới Sài Gòn sang diện bị kiểm soát.

Theo đó, HNX đưa gần 2,9 triệu cổ phiếu SFN vào diện kiểm soát từ ngày 7/3/2023 do công ty này tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo.

Cụ thể: công ty chậm nộp công bố thông tin thông báo doanh nghiệp kiểm toán đã ký hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 và trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày quyết định có hiệu lực công ty phải gửi HNX và công bố thông tin kèm theo biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên ngày 3/3, giá cổ phiếu này đóng cửa tại mức 19.600 đồng với thanh khoản thấp (nhiều phiên không xuất hiện thanh khoản). Hiện cổ phiếu SFN cũng đã bị HNX cắt margin trong quý 1/2023.

Trước đó, công ty này bị xử phạt hành chính do khai sai dẫn đến thiếu số thuế GTGT, thu TNDN phải nộp và giảm số thuế GTGT được khấu trừ trong kỳ tính theo quy định với mức phạt gần 134 triệu đồng và công ty bị truy thu hơn 637 triệu đồng và công ty được giảm khấu trừ gần 245 triệu đồng.

Về kết quả kinh doanh năm 2022 đã được kiểm toán, SFN ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 170 tỷ đồng- tăng 40 tỷ so với cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành kể hoạch năm (168,75 tỷ); lợi nhuận trước thuế đạt 10,7 tỷ đồng, đạt đạt chỉ tiêu (11,04 tỷ); lợi nhuận sau thuế đạt gần 8,5 tỷ đồng - giảm 55% so với năm trước đó (18,26 tỷ đồng) và công ty đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2022 bằng tiền với tỷ lệ 7% (1 cổ phiếu được nhận 700 đồng) vào ngày 18/10/2022.

Hòa Phát tăng giá thép 200.000 đồng/tấn

Giá thép trong nước thời gian gần đây liên tục điều chỉnh tăng do chi phí các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép tăng cao.

Ngày 6/3, Hòa Phát thông báo tăng giá thép thêm 200.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cây xây dựng.

Cụ thể, giá thép cây D10 CB300 Hòa Phát tại khu vực miền Bắc tăng từ 15,84 triệu đồng/tấn lên 16,04 triệu đồng/tấn. Giá thép ở miền Nam nâng lên 16,08 triệu đồng/tấn. Còn tại miền Trung, giá bán tăng từ 15,73 triệu đồng/tấn lên 15,93 triệu đồng/tấn.

Ở kì điều chỉnh gần nhất, Hòa Phát tăng 150.000-200.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240, tùy từng thị trường.

Tháng 2/2023, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm thép tại thị trường trong và ngoài nước của Hoà Phát đều giảm so với cùng kỳ. Điều này phản ánh hai trạng thái khác nhau của thị trường xây dựng đầu năm 2022 và 2023. Quý I/2022, thép xây dựng tiêu thụ cao kỷ lục nhờ nhu cầu thị trường tăng trưởng mạnh. Năm 2023, thị trường trầm lắng do sức cầu yếu, dẫn đến mức tiêu thụ thép không khả quan.

Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 416.000 tấn thép thô, bằng 60% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC) và phôi thép đạt 475.000 tấn, bằng gần 70% so với tháng 2/2022. Tuy nhiên, xuất hiện điểm sáng là sản lượng HRC cao gấp hơn 2 lần so với tháng 1.

Cụ thể, thép xây dựng đạt 282.000 tấn, giảm 37% so với tháng 2/2022. HRC của Hòa Phát ghi nhận 186.000 tấn, cao gấp hơn 2 lần so với tháng 1/2023 nhưng giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Với sản phẩm hạ nguồn HRC, ống thép Hòa Phát tiêu thụ 54.000 tấn, giảm 31%; tôn mạ các loại đạt gần 27.000 tấn, giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Năng lực sản xuất thép thô của Tập đoàn đạt 8,5 triệu tấn/năm, hiện vẫn là lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Hoà Phát cho biết, trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để điều tiết sản xuất cho phù hợp, bảo đảm việc làm cho người lao động.

Năng lực sản xuất thép thô của Tập đoàn đạt 8,5 triệu tấn/năm, hiện vẫn là lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, mức giá này tăng khoảng 7% so với cuối năm 2022 nhưng so với mức đỉnh điểm gần 21 triệu đồng/tấn hồi năm ngoái, vẫn thấp hơn khoảng 15%. Với mức giá trên được xuất bán tại các nhà máy, còn giá bán lẻ tại cửa hàng sẽ đội thêm vài triệu đồng/tấn, chủ yếu là phí vận chuyển từ nhà máy đến nơi tiêu thụ.

Về nguyên nhân tăng giá, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, giá thép liên tục tăng thời gian qua chủ yếu do giá nhập các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép như than, quặng sắt, thép phế, cuộn cán nóng… chưa có dấu hiệu dừng đà tăng.

Giá bán thép thành phẩm tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của nguyên liệu đầu vào nên hiệu quả kinh doanh của các công ty thép xây dựng vẫn thấp, khó khăn từ việc mua nguyên liệu đầu vào đến tiêu thụ thành phẩm đầu ra. Do vậy, hiệu quả kinh doanh của các công ty thép chưa cao.

VSA nhận định giá nguyên vật liệu tăng cao khiến các nhà máy trong nước tăng giá bán nhiều lần để bù lại giá thành sản xuất và giảm lỗ. Như vậy, giá sắt thép dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, khi nguồn cung quặng sắt eo hẹp, trong khi nhu cầu có xu hướng tăng cao hơn.

Dragon Capital bắt đầu bán ra cổ phiếu PVD

Nhóm quỹ liên quan Dragon Capital vừa thông báo bán ra 810.000 cổ phiếu PVD (PV Drilling, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan dầu khí) để giảm sở hữu từ 11,06% về còn 10,92% vốn điều lệ. Trong đó, quỹ thực hiện giao dịch bán là DC (Developing Markets Strategies Public Limited Company).

Như vậy, sau khi liên tục mua vào ở thời điểm cuối năm 2022, nhóm Dragon Capital đã bắt đầu bán ra cổ phiếu PVD.

Nhóm quỹ Dragon Capital có động thái bán ra trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài duy trì đà bán ròng trong thời gian gần đây.

Cụ thể, từ giữa tháng 2/2023, vận động dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán có sự chững lại và đảo chiều bán ròng. Động thái đảo chiều bán ròng là một tín hiệu không mấy tích cực khi khối ngoại từng đóng vai trò dẫn dắt thị trường trong nhịp hồi phục cuối năm 2022 và tháng đầu năm. Không nằm ngoài xu hướng, nhóm quỹ Dragon Capital nói chung và VEIL nói riêng đã có động thái bán ra khá mạnh tay trong thời gian gần đây.

Báo cáo cập nhật đến hết ngày 23/2 của Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ lớn nhất do Dragon Capital quản lý cho biết, tỷ trọng tiền mặt của quỹ được nâng lên 4,68%, tương ứng lượng tiền chờ giải ngân đạt 77,7 triệu USD (~1.843 tỷ đồng), tăng hơn 44 triệu USD (~1.050 tỷ đồng) trong tuần 16/2-23/2. Quy mô danh mục của VEIL đạt gần 1,66 tỷ USD, giảm hơn 131 triệu USD (~3.100 tỷ đồng) trong hơn 1 tháng.

Kể từ khi quỹ VEIL đạt trạng thái gần như “full” cổ phiếu hồi 19/1, quỹ này đã liên tục bán ròng nâng tỷ trọng tiền mặt từ mức thấp nhất là 0,54% lên 4,68% tại ngày 23/2. Lượng tiền nắm giữ tương ứng tăng thêm 68 triệu USD (~1.600 tỷ đồng). Tại thời điểm 23/2, giá trị tài sản ròng trên chứng chỉ quỹ (NAV/share) VEIL đạt 8,03 USD, giảm 0,99% so với tuần trước và tăng 2,29% so với đầu năm.

Về PV Drilling, năm 2022 là một năm đầy khó khăn với khi doanh nghiệp này lần đầu báo lỗ kể từ năm 2006. Được biết, năm 2022, công ty kỳ vọng doanh thu đạt 4.700 tỷ đồng và kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, dù vượt gần 16% mục tiêu doanh thu nhưng PVD Drilling vẫn không thể đạt được mục tiêu lợi nhuận năm.

Không chỉ vậy, do lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 6 tháng năm 2022 là số âm, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HoSE) đã đưa cổ phiếu PVD vào danh sách mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (vay margin) tính đến ngày 14/2/2023. Chốt phiên 6/3, cổ phiếu PVD đang dừng ở mức 21.600 đồng/cp (-0,23%).

Ở một diễn biến đáng chú ý khác, ngày 17/3/2023, PV Drilling sẽ chốt danh sách cổ đông tham gia Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, đại hội dự kiến tổ chức trong khoảng thời gian từ 20 đến 26/4 tại TP. HCM.

Fubon ETF được huy động thêm gần 4.000 tỷ đồng để mua cổ phiếu Việt Nam

Fubon FTSE Vietnam ETF đã được Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài chính thông qua đợt huy động vốn bổ sung lần thứ 5 với số vốn 5 tỷ TWD tương đương 160 triệu USD, 3.768 tỷ đồng…

Ảnh minh họa.

Fubon FTSE Vietnam ETF, quỹ đến từ Đài Loan (Trung Quốc) vừa thông báo đã được Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài chính thông qua đợt huy động vốn bổ sung lần thứ 5 với số vốn 5 tỷ TWD tương đương 160 triệu USD, 3.768 tỷ đồng.

Thông báo cho biết việc huy động vốn bổ sung này vẫn cần được sự chấp thuận của Ngân hàng Trung ương (NHTW) trước khi được thực hiện. Do đó, công ty sẽ đưa ra một thông báo riêng sau khi nhận được thư chấp thuận từ Ngân hàng Trung ương về ngày gây quỹ ban đầu.

Trong năm 2022 trước đó, Fubon ETF hút ròng gần 12.300 tỷ đồng vào chứng khoán Việt Nam. Sau khi giải ngân hết đợt huy động lần thứ 4 vào cuối năm ngoái, dòng tiền vào ETF này đã chững lại rõ rệt từ đầu năm 2023. Riêng trong ngày 06/03/2022, quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF vào ròng hơn 1 tỷ đồng

Ngày 17/03/2023 dự kiến là ngày hoàn tất việc cơ cấu toàn bộ danh mục của các ETF tham chiếu theo bộ chỉ số FTSE Vietnam 30 Index. Trên cơ sở dữ liệu tại ngày 17/02/2022, BSC dự báo danh mục cổ phiếu thành phần và số lượng cổ phiếu mua/bán đối với ETF tham chiếu theo chỉ số này.

Cụ thể, với FTSE Vietnam 30 Index dự kiến sẽ thêm mới cổ phiếu SSB, EIB, KDC; dự kiến loại các cổ phiếu: STB, PLX, HCM (do điều kiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài). Giá trị tính toán có thể thay đổi do hệ số tỷ lệ free-float, trọng số đầu tư, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài… mà FTSE áp dụng.

Trên cơ sở đó, danh mục Quỹ ETF Fubon FTSE tham chiếu theo bộ chỉ số FTSE Vietnam 30 Index dự kiến thay đổi đối với các cổ phiếu Việt Nam. Theo đó, quỹ này sẽ mua mới 12 triệu cổ phiếu SSB, 14,7 triệu cổ phiếu EIB, và 3,2 triệu cổ phiếu KDC.

Đồng thời, một số cổ phiếu khác cũng được mua thêm bổ sung như HDB mua thêm 8 triệu cổ phiếu; VHM được mua thêm 2 triệu cổ; KDH được mua thêm 3,2 triệu cổ; NVL được mua thêm 1,6 triệu cổ; GEX được mua 2 triệu cổ.

Ở chiều ngược lại, PLX dự kiến bị bán bỏ toàn bộ 8,3 triệu cổ phiếu; STB bị bán toàn bộ 18 triệu cổ; một số cổ phiếu khác cũng bị bán giảm tỷ trọng như SBT 6 triệu cổ phiếu; SSI 6,3 triệu cổ phiếu; SHB 1,88 triệu cổ; HPG 1,1 triệu cổ…

Fubon Vietnam theo dõi Chỉ số FTSE Vietnam 30. Sau khi xem xét tính thanh khoản và giới hạn trên của tỷ lệ sở hữu nước ngoài, quỹ này chọn ra 30 cổ phiếu hàng đầu theo vốn hóa thị trường, có cả mức tăng trưởng và giá trị, có giá trị lịch sử hình thành lâu nhất và doanh thu cao nhất. Mục tiêu đầu tư 100% là “cổ phiếu thuần Việt” và lựa chọn các ngành tiềm năng.

Ngoài việc nắm bắt được chiều sâu và bề rộng của ngành, quỹ lạc quan dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Nếu Việt Nam được nâng hạng vào danh sách thị trường mới nổi trong thời gian tới sẽ thu hút thêm dòng vốn ngoại.