FPT: Cổ phiếu FPT và câu chuyện đầu tư tích sản
FPT là một cổ phiếu tích sản điển hình nhưng đáng chú ý hơn, câu chuyện về FPT gợi lại một vấn đề còn gây tranh cãi trong cộng đồng đầu tư tại Việt Nam: Đầu tư tích sản trên thị trường chứng khoán.
Từ hiện tượng FPT…
Cổ phiếu FPT của Công ty Cổ phần FPT đang trở thành hiện tượng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong vòng 1 tháng gần đây, thị giá FPT đã tăng tới 13,5%; trong vòng 3 tháng đã tăng 31%; trong khi xét trong 1 năm, mức tăng là gần gấp đôi. Đà tăng phi mã này đã đưa giá trị vốn hoá của FPT lọt nhóm 10 cổ phiếu có giá trị vốn hoá lớn nhất sàn HoSE và tính đến hết phiên giao dịch 23/5, FPT đứng ở vị trí thứ 6, xếp sau VCB, BID, CTG, GAS và VHM.
Thế nhưng vốn hoá của FPT cũng chẳng kém VHM, GAS và CTG là bao. Chỉ cần một phiên giao dịch thuận lợi, FPT có thể vượt lên để lọt nhóm 3 cổ phiếu giá trị vốn hoá lớn nhất sàn HoSE, chỉ xếp sau VCB và BID.
Để dễ hình dung, quy mô vốn hoá của Công ty Cổ phần FPT hiện nay còn lớn hơn cả Vingroup, Hòa Phát, Techcombank, VPBank và chẳng thua kém gì Vinhomes, PV GAS hay VietinBank. Về mặt cảm quan, có lẽ chưa mấy ai quen với điều này.
FPT xếp thứ 6 trong nhóm 10 cổ phiếu có giá trị vốn hoá lớn nhất sàn HoSE. Nguồn: hsx.vn
Để hiểu hơn về tiến trình tăng giá của FPT, có thể chia diễn biến giá của cổ phiếu này thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là khi FPT vẫn còn hợp nhất Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail – chủ chuỗi cửa hàng FPTShop) và giai đoạn 2 là khi FPT không còn hợp nhất FPT Retail.
Giới đầu tư vẫn thường lý giải rằng, sau khi bỏ hợp nhất FPT Retail, FPT chuyển từ một công ty đa ngành (công nghệ, bán buôn – bán lẻ) thành một công ty công nghệ, từ đó đánh giá của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài cũng thay đổi. Vốn dĩ các công ty công nghệ vài năm trở lại đây trở thành “hot trend” ở nước ngoài nhưng khi các quỹ đầu tư có yếu tố nước ngoài phân bổ vốn vào Việt Nam, nếu FPT được phân loại vào nhóm “công ty đa ngành” hay “công ty bán lẻ” thì lượng vốn được phân bổ sẽ ít hơn nhiều so với phân loại vào nhóm “công ty công nghệ”.
Dù cho lý giải trên hợp lý đến đâu thì khi nhìn vào diễn biến thực tế, đúng là giá cổ phiếu FPT có sự tăng trưởng vượt bậc sau khi bỏ hợp nhất FPT Retail. Cụ thể, tính từ đầu năm 2012 (năm thành lập FPT Retail) cho tới hết năm 2016, thị giá FPT (tính theo giá điều chỉnh) đã tăng từ khoảng 6.000 đồng/cổ phiếu lên khoảng 13.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tốc độ tăng trưởng luỹ kế khoảng 17%/năm.
Diễn biến giá cổ phiếu FPT giai đoạn 2012 - 2016. Nguồn đồ thị: TradingView
Sang đến giai đoạn 2017 – tháng 5/2023, thị giá FPT tăng từ khoảng 13.000 đồng/cổ phiếu lên khoảng 136.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tốc độ tăng trưởng luỹ kế khoảng 37%/năm. Nôm na là sau chưa đầy 8 năm, nhà đầu tư nắm giữ trọn vẹn cổ phiếu FPT đã nhân 10 lần tài khoản.
Diễn biến giá cổ phiếu FPT giai đoạn 2017 - tháng 5/2024. Nguồn đồ thị: TradingView
Hiện nay, nếu so về định giá, cổ phiếu FPT đang tỏ ra khá “đắt” so với các cổ phiếu khác trong nhóm 10 cổ phiếu giá trị vốn hoá lớn nhất sàn HoSE, khi hệ số P/E và hệ số P/B đều ở mức cao nhất. Cụ thể, trong khi P/E của FPT ở mức khoảng 25,7 lần thì các cổ phiếu còn lại trong nhóm dao động trong khoảng 7,9 - 19,1 lần; hệ số P/B của FPT lên đến 6,9 lần trong khi phần còn lại dao động trong khoảng 1 - 3 lần.
… đến chuyện đầu tư tích sản
Dù “đắt” hay “rẻ” thì FPT giờ đây đã nổi lên như là cổ phiếu tích sản điển hình nhất, sau những “huyền thoại” như MWG hay VNM trước đây. Tính chất “điển hình” này không hẳn chỉ đến từ việc giá cổ phiếu giữ xu hướng đi lên trong thời gian rất dài bất chấp thị trường chung trải qua nhiều thăng trầm, mà còn đến từ sự bền bỉ tới đáng ngạc nhiên trong hoạt động kinh doanh.
Từ sau khi bỏ sáp nhập FPT Retail, chu kỳ doanh thu thuần của FPT “đều như vắt chanh”, quý I thấp nhất, quý II cao hơn, quý III cao hơn nữa và quý IV cao nhất. Điều này phần nào thể hiện mức độ ổn định trong hoạt động kinh doanh của FPT. Thêm vào đó, doanh thu thuần hàng quý từ năm 2019 tới nay đều tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước đó, kể cả trong những giai đoạn cực kỳ đặc biệt như quý II/2020, quý III/2020 và quý IV/2020 (đại dịch Covid-19 bùng phát), cho thấy FPT không những kinh doanh ổn định mà còn ổn định theo hướng đi lên dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Nguồn dữ liệu: Các báo cáo tài chính hợp nhất của FPT
Xét theo năm, khi vẫn còn sáp nhập FPT Retail, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của FPT khá trồi sụt, có những năm kết quả kinh doanh đi lùi, cũng có những năm doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận gần như không tăng, hoặc doanh thu chỉ tăng nhẹ nhưng lợi nhuận lại tăng mạnh.
Tuy nhiên, từ sau khi bỏ sáp nhập FPT Retail, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận rất ổn định. Không kể năm 2018 - năm so sánh tăng trưởng không có nhiều ý nghĩa do chịu ảnh hưởng từ số liệu trước khi bỏ sáp nhập và sau khi bỏ sáp nhập FPT Retail, từ năm 2019 đến năm 2023, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của FPT duy trì quanh mốc 20%, ngoại trừ năm 2020 chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (lợi nhuận vẫn tăng hai chữ số). Trong quý I/2024, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của FPT so với cùng kỳ năm trước đó tiếp tục giữ ở quanh mốc 20%.
Nguồn dữ liệu: Tính toán từ các báo cáo tài chính hợp nhất của FPT
Sự bền bỉ của FPT còn được thể hiện ở việc duy trì ổn định biên lợi nhuận gộp. Cụ thể, kể từ sau khi bỏ sáp nhập FPT Retail, biên lợi nhuận gộp của FPT tăng vọt vào quý I/2018 và thường duy trì ổn định trong khoảng 35 - 40%.
Nguồn dữ liệu: Tính toán từ các báo cáo tài chính hợp nhất của FPT
Tóm lại, FPT là một cổ phiếu tích sản điển hình nhưng đáng chú ý hơn, câu chuyện về FPT gợi lại một vấn đề còn gây tranh cãi trong cộng đồng đầu tư tại Việt Nam: Đầu tư tích sản trên thị trường chứng khoán.
Rất nhiều nhà đầu tư Việt Nam chịu ảnh hưởng từ mẫu hình của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, một phần tất nhiên là bởi vị tỷ phú này là “bậc thầy của bậc thầy đầu tư”, nhưng cũng một phần là bởi thị trường chứng khoán Việt Nam đi sau các nước rất lâu, do đó các cuốn sách xuất bản tại Việt Nam dạy về phương pháp đầu tư chứng khoán cả một thời kỳ dài nghiêng về phương pháp đầu tư của Warren Buffett, phương pháp đó thường được cho là “đầu tư tích sản” - tập trung vào việc lựa chọn cổ phiếu tốt được định giá thấp, mua và nắm giữ chúng.
Sau này, khái niệm đầu tư tích sản được mở rộng hơn theo hướng “đặt cược” vào triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam, rằng về dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng tốt hơn các kênh khác (trong đó có gửi tiết kiệm ngân hàng) và chỉ cần lựa chọn một rổ cổ phiếu cơ bản hoặc mua chứng chỉ quỹ liên tục theo thời gian thì sẽ “chiến thắng” thị trường.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này lại bị một bộ phận nhà đầu từ “mỉa mai” rằng suốt bao nhiêu năm, chỉ số VN-Index vẫn loanh quanh mốc 1.200 điểm. Và rằng, việc “bê” mẫu hình thị trường chứng khoán của một cường quốc kinh tế số 1 thế giới về Việt Nam là… viển vông.
Nhìn nhận một cách nghiêm túc, những lập luận đầy “mỉa mai” trên không phải không có lý. “Đặt cược” vào triển vọng dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đúng, có thể sai nhưng có lẽ không thể gọi nó là “đầu tư tích sản”. Bởi đầu tư tích sản phải tiếp cận theo hướng “bottom-up”, nghĩa là tìm kiếm, mua và nắm giữ các cổ phiếu có tiềm năng tăng giá mạnh trong dài hạn với nền tảng doanh nghiệp vững vàng và bền bỉ giống như FPT, mà ít chú ý đến triển vọng dài hạn của thị trường chứng khoán nói chung; hoặc lựa chọn kỹ càng chứng chỉ quỹ có tiêu chí lựa chọn cổ phiếu như vậy để đầu tư tích sản.