Ngành Thép một ngành đang có khá nhiều thông tin tích cực từ “Áp thuế chống bán phá giá” và sức mạnh tăng giá khá tốt thời gian vừa qua.
Tuy nhiên muốn chinh chiến cổ phiếu Thép, phải hiểu chuỗi giá trị ngành
1. Đầu vào ngành thép Việt Nam – Phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu
NVL đầu vào chiếm khoảng 70% - 80% giá thành sản xuất sản phẩm thép. Nguyên liệu chính gồm có quặng sắt, than cốc và thép phế:
- Quặng sắt & Than cốc – Chủ yếu nhập khẩu từ Úc, Trung Quốc, Brazil. Trong đó giá Úc và Brazil lần lượt là hai nhà cung cấp lớn nhất thế giới về than cốc và quặng sắt => Tác động đến giá cao nhất.
- Thép phế: có 50% tiêu thụ từ nhập khẩu. Trong đó Nhật Bản chiếm tỷ trọng nhập khẩu cao nhất 35 - 40%.
Do phụ thuộc vào nhập khẩu, các doanh nghiệp thép Việt Nam thường xuyên chịu áp lực tăng chi phí từ biến động giá nguyên vật liệu và chỉ phần nào giảm bớt nhờ chính sách tích trữ tồn kho nguyên liệu
2. Công nghệ sản xuất thép - Luyện gang lò cao & luyện thép lò thổi oxy là phổ biến nhất
Để sản xuất ra thép bán thành phẩm (hay còn gọi là phôi thép hoặc thép thô theo Hiệp hội thép Việt Nam - VSA) , các doanh nghiệp sản xuất trong nước sử dụng một trong ba công nghệ lò luyện gang thép là lò cao (BF & BOF) , lò điện hồ quang (EAF) và lò cảm ứng (IF)
Trong năm 2023, tổng sản lượng phôi thép sản xuất đạt 18,4 triệu tấn (-6,3% YoY) với tỷ trọng theo loại lò lần lượt là BF (49%), EAF (38%) và IF (13%).
=> Do đó, công nghệ luyện gang lò cao rồi sau đó luyện thép bằng lò thổi oxy là công nghệ phổ biến nhất
Hiện tại dựa theo loại hình sẽ chia ngành thép thành hai nhóm là doanh nghiệp thương mại và doanh nghiệp sản xuất .
Các doanh nghiệp thương mại đơn thuần là nhập khẩu hoặc mua các sản phẩm thép trong nước, sau đó phân phối tới khách hàng: SMC, TLH và TNA
Đối với nhóm sản xuất , các doanh nghiệp sản xuất thép có thể tiếp tục được chia thành nhóm sản xuất và nhóm gia công sau cán. Danh sách các doanh nghiệp thép niêm yết trong nhóm này gồm có:
- (1) nhóm sử dụng lò BOF gồm HPG, TIS và CBI;
- (2) nhóm sử dụng lò EAF gồm VIS và POM và
- (3) nhóm gia công sau cán gồm chủ yếu là các doanh nghiệp làm tôn mạ là HSG, NKG, GDA và DTL.
Các loại phôi thép của ngành thép Việt Nam gồm có:
- Phôi vuông để sản xuất thép xây dựng với các quy cách phôi 100x100mm, 125x125mm, 130x130mm, 150x150mm và chiều dài từ 6m đến 12m
- Phôi dẹt để sản xuất HRC, thép hình & thép hộp với tiết diện hình chữ nhật và thường dài hơn phôi vuông.
3. Đầu ra ngành thép Việt Nam – 70% sản lượng được tiêu thụ nội địa & 30% còn lại xuất khẩu
Đầu ra cho các sản phẩm thép của Việt Nam chủ yếu là nội địa với tỷ trọng 70% với mặt hàng chính là thép xây dựng. Xét thị phần tiêu thụ, HPG đứng đầu về thép xây dựng và ống thép. HSG đứng đầu về tôn mạ trong khi Formosa Hà Tĩnh đứng số 1 về thép HRC.
Đối với xuất khẩu, các dòng sản phẩm chủ lực gồm có HRC, tôn và phôi thép tới các thị trường chính là Ý (chủ yếu để vào Liên minh châu Âu (EU), Campuchia, Mỹ, Malaysia và Ấn Độ).
Trích nguồn bài viết của Alphastock: Chuỗi giá trị ngành Thép - by AlphaStock 📈