Chuyện dị thường 50 năm mới thấy và thời khốc liệt của cà phê: Giá càng tăng, doanh nghiệp phá sản càng nhiều

Nếu cơn bão tăng giá cà phê vẫn tiếp diễn, có thể một lúc nào đó, 60% nhà máy rang xay cà phê nhỏ và vừa trên thế giới sẽ phá sản.

Giá cà phê robusta liên tục tăng dựng đứng, thậm chí vượt cả arabica, điều mà trong hơn nửa thế kỷ mới xảy ra lần đầu. Trong khi người trồng cà phê vui mừng, thì nhiều nhà kinh doanh và rang xay cà phê lại đang khốn đốn.

Nghịch lý này được lý giải qua góc nhìn của “vua tiêu” Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group - doanh nghiệp xuất khẩu nông nghiệp lớn với doanh thu năm 2023 ước đạt 6.500 tỷ đồng.

Giá cà phê tăng mạnh gây ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều doanh nghiệp. Ảnh minh họa

6 tháng đầu năm, giá cà phê tăng nhanh như vũ bão, từ mốc 58 triệu đồng/tấn đã nhảy số gấp khoảng 3 lần, lên đến 136 triệu đồng/tấn. Giá cao, người hưởng lợi lớn là nông dân và các thương lái có hàng tích trong kho chưa bán. Số đông còn lại gồm người mua/ các công ty chưa lấy được hàng và các nhà máy đã bán cà phê Việt Nam giờ cần mua nguyên liệu để sản xuất, xuất khẩu… đều vướng phải khó khăn chưa từng thấy.

Trong nhiều năm qua, cà phê ổn định ở khoảng giá 1.200 USD (khoảng 30 triệu đổng) – 1.500 USD (khoảng 38 triệu đồng)/tấn. Nhưng cũng có lúc cà phê rớt còn 400 USD/tấn và đôi khi lại lên đến 2.600 USD/tấn.

Với giá bán trên 1.800 USD/ tấn, nông dân đảm bảo có lợi. Và với tình hình giá cả ổn định như vậy thì trong suốt 20 năm qua, các nhà máy rang xay cà phê bột và cà phê hòa tan cũng có lời rất tốt. Thế nhưng, cục diện ấy đã xoay chuyển kể từ khi giá cả biến động mạnh. Từ mức 1.500-1.800 USD/ tấn, giá cà phê đã vọt lên 3.500 USD - 5.000 USD/tấn, nghĩa là nguyên liệu thô đã tăng từ 250% đến 350%, chưa kể các chi phí khác thì các nhà máy chế biến, rang xay cà phê trên toàn thế giới sẽ xoay sở thế nào ngoài con đường phá sản(?)!

Thực tế, giá robusta Việt Nam tăng dữ dội đã kéo theo robusta conilon của Brazil cũng tăng mạnh theo. Nếu hiện tại, hạt robusta của Việt Nam có giá 5.600 USD/tấn thì conilon robusta cũng đạt mức 4.600 USD – 4.700 USD/ tấn và hơn hết là kéo theo arabica cũng tăng mạnh, từ 3.500 USD/tấn lên 5.200 USD/tấn. Hậu quả của chuỗi tăng giá liên hoàn này là người mua trên toàn thế giới đang phải bỏ nhiều tiền hơn để uống cà phê. Cụ thể tại Mỹ, ly cà phê bình thường từ giá 7-8 USD, giờ đây với tình hình tăng giá nguyên liệu như vậy, có lẽ sẽ lên khoảng 15 - 20 USD.

Đáng lý, giá càng đắt thì người bán càng vui, nhưng chuyện tăng giá “thất điên bát đảo” này có thể khiến 35% nhà máy rang xay nhỏ và vừa trên toàn thế giới phá sản. Và nếu cơn bão giá vẫn chưa qua, con số phá sản có lẽ sẽ còn tăng tới 60%!

Ảnh minh họa

Giá cà phê lên cao trong thời gian ngắn đã đẩy nhiều mối quan hệ tan vỡ. Một bạn hàng đã phá sản, mất gần hết tiền nói với chúng tôi: 45 nhà mua hàng của họ thì 42 nhà phá sản hoặc gần như phá sản và giờ họ không còn tin ai nữa.

Cũng có nhiều câu chuyện dở khóc dở cười khác. Ví dụ, quan hệ mua bán trong ngành cà phê xưa nay khá ổn định và dựa nhiều vào kinh nghiệm truyền thống, chỉ khi có sự cố xảy ra, người ta mới phải dùng đến hợp đồng. Và nhiều khi, bên bán/mua cứ nghĩ mình đúng, nhưng khi đọc kỹ lại hợp đồng mới té ngửa biết là mình đã sai.

Đang nói về cà phê nhưng tôi muốn chia sẻ câu chuyện tương tự với hợp đồng mua bán nguyên liệu hồ tiêu. Chúng tôi mua hạt tiêu từ một nhà cung cấp ở Indonesia để giao cho khách hàng Hong Kong vào tháng 2/2012. Hợp đồng có điều khoản FOB Lampong và hai bên ký bình thường. Lúc đó đang là tháng 1/2012. Tuy nhiên, khách Hong Kong có chút trục trặc và xin nhận hàng trễ hơn dự kiến. Chúng tôi cũng vì vậy mà gửi hướng dẫn giao hàng trễ hơn 1 ngày cho người bán ở Indonesia.

Khi đó giá hạt tiêu tăng mạnh. Đến ngày 31/1/2012, đối tác gửi cho chúng tôi đơn hủy hợp đồng khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Tuy nhiên, người bán không giải thích nhiều và nói rằng, chúng tôi đã ghi trên hợp đồng điều khoản trọng tài là IGPA London thì nếu có khiếu nại gì, hãy tìm Trung tâm trọng tài đó để giải quyết. Trung tâm này yêu cầu chúng tôi đóng hơn 2.000 Bảng Anh mới phân xử.

Với tâm thế nhất định mình sẽ thắng, chúng tôi nhanh chóng đóng tiền. Thế nhưng, điều bất ngờ là 1 tuần sau, kết quả trả về là chúng tôi thua. Trung tâm trọng tài ghi rõ việc chúng tôi không tuân thủ hợp đồng do chúng tôi không gửi hướng dẫn giao hàng đúng theo yêu cầu là trước 31/1/2012.

Chúng tôi đã thua cay đắng vì ngộ nhận.

Dù thu mua gặp nhiều khó khăn nhưng Phúc Sinh Group vẫn luôn cố gắng giao hàng đúng hẹn. Ảnh: NVCC

Câu chuyện tiếp theo là giờ đây, việc thu mua cà phê gặp vô vàn khó khăn nhưng Phúc Sinh vẫn cố gắng giao hàng đúng hẹn, có những hợp đồng hàng ngàn tấn, và chúng tôi đã hoàn thành gần hết. Tuy nhiên, sau khi nghe báo cáo thì tôi biết có một đơn vị của Hà Lan còn giữ số tiền hàng rất lớn, lên tới hàng triệu USD. Tôi cho rà soát lại thấy họ giữ tiền rất nhiều hợp đồng. Họ giải thích là họ giữ tiền để buộc chúng tôi giao hàng. Tôi đọc kỹ hợp đồng thì thấy điều khoản rằng sẽ phải thanh khoản sau 3 ngày nhận bộ chứng từ. Thế nhưng, chúng tôi kiểm tra có những lúc nhận tiền lên đến 30 ngày và nhiều hợp đồng từ 10 đến 20 ngày vẫn chưa được thanh toán. Như vậy, người mua đã vi phạm điều khoản hợp đồng.

Việc người mua giữ tiền gây ra hệ lụy lớn. Trong ngành cà phê nguyên liệu, khi mua hàng từ nhà cung cấp Việt Nam hay nông dân, nếu không trả tiền ngay là họ không bán, trễ 1 ngày nhiều khi nhà cung cấp cũng không bán mà lúc nóng sốt như năm 2023/2024 có lúc 1 tuần giá cả đã tăng nhanh chóng mặt, chênh nhau cả 20 triệu VND/tấn khiến thiệt hại của sự chậm trễ là không thể kể xiết.

Và hệ quả lớn nhất là niềm tin giữa người bán và người mua tan vỡ. Lúc giá cả biến thiên dữ dội như thế, chúng tôi vẫn giao hàng và đưa hết cả bộ chứng từ cho họ, vậy mà họ vừa giữ tiền, vừa giữ hàng rồi còn gây sức ép bắt giao tiếp, chẳng những một lần mà gần chục lần như vậy thì liệu tôi có thể tin tưởng?

Đôi khi nhiều chuyện người mua làm sai một lần thấy chấp nhận được, 2 lần rồi nhiều lần không thấy người bán phản ứng hay người bán không biết mà phản ứng khiến người mua cứ nghĩ là họ đúng. Đã sai họ còn la to lên trên thị trường là người bán sai. Đến khi xem kỹ hợp đồng mới thấy người mua quá sai luôn. Nếu người bán kiện ra Trọng tài, họ chắc chắn sẽ thắng.

Hiện tại, giá cà phê robusta tiếp tục biến động và không ai nghĩ nó lên cao như vậy, vượt cả arabica. Đây là lần đầu tiên sau 52 năm có chuyện như vậy. Người trồng cà phê thì hưởng lợi, nhưng những nhà sản xuất cà phê rang xay hòa tan đang và sẽ đối mặt với thời kỳ khắc nghiệt chưa từng có. Nhiều doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp, thậm chí phá sản, còn người tiêu dùng sẽ phải trả rất cao cho ly cà phê nguyên chất.

Điều ấy đòi hỏi ngành cà phê trong nước cần có nhiều thay đổi mạnh mẽ để thích ứng. Đối tác mua - bán cần kiên trì, nhẫn nại ngồi lại với nhau cùng tìm ra giải pháp. Để có kết quả tốt và duy trì quan hệ lâu dài, đôi khi mỗi bên phải chịu thiệt một chút, còn nếu vì ham lợi nhất thời, e là rất khó để phát triển bền vững.

Theo Phan Minh Thông

Đời sống pháp luật

https://cafef.vn/chuyen-di-thuong-50-nam-moi-thay-va-thoi-khoc-liet-cua-ca-phe-gia-cang-tang-doanh-nghiep-pha-san-cang-nhieu-18824051108253858.chn