Chuyện gì đang xảy ra với Thế giới? - Chuyển động toàn cầu

Hội nghị các ngoại trưởng EU

Bộ trưởng ngoại giao của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu sẽ gặp nhau tại Brussels vào thứ Hai để thảo luận về xung đột trên lục địa già và các chủ đề khác. Tâm trạng có thể sẽ nhẹ nhàng hơn đáng kể so với khi các nhà lãnh đạo quốc gia của khối gặp nhau vào tuần trước, nhờ việc Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, với khoảng 2/3 được dành cho Ukraine. Động lực mới từ Washington có thể thúc đẩy những nỗ lực của chính châu Âu nhằm hỗ trợ Ukraine, chẳng hạn như bằng cách gửi các hệ thống phòng không rất cần thiết để chống lại tên lửa Nga.

EU cũng hứa mở rộng trừng phạt đối với Iran, sau cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của nước này vào Israel hôm 13/4. Châu Âu lo ngại một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông có thể dẫn đến dòng di cư lớn – như đã xảy ra sau cuộc chiến ở Syria một thập niên trước – chỉ vài tuần trước khi lục địa này bước vào cuộc bầu cử quốc hội châu Âu từ ngày 6-9/6.

Trung Quốc và thế khó với tình trạng giảm phát

Trong bộ công cụ của các ngân hàng trung ương, lãi suất là những cái búa – thẳng thừng, thô thiển, và quen thuộc. Nhưng ngân hàng trung ương Trung Quốc không sử dụng công cụ này thường xuyên. Lãi suất cho vay cơ bản 5 năm, vốn được dùng làm tham chiếu cho các khoản thế chấp, có thể sẽ duy trì ổn định sau thông báo vào thứ Hai. Nó chỉ bị cắt giảm hai lần trong năm qua bất chấp mối nguy giảm phát và tỉ lệ tăng trưởng trên đà tăng.

Ngân hàng trung ương không thể làm gì hơn để giải quyết giảm phát dai dẳng trong nước, một phần vì lạm phát dai dẳng ở nước ngoài. Giá tiêu dùng ở Mỹ tăng nhanh hơn dự kiến vào tháng trước. Do đó, Cục Dự trữ Liên bang có thể không cắt giảm lãi suất nhiều như kỳ vọng trong năm nay. Điều này khiến Trung Quốc khó nới lỏng chính sách tiền tệ hơn mà không gây áp lực giảm giá đối với đồng nhân dân tệ, vốn đã mất gần 2% giá trị so với đồng đô la trong năm nay. Ngân hàng trung ương Trung Quốc khẳng định họ có sẵn các công cụ khác. Nhưng nếu không có búa, việc đóng đinh vào chiếc hòm giảm phát sẽ rất khó khăn.

Tân thủ tướng Singapore nhậm chức hôm nay

Singapore chỉ có ba thủ tướng kể từ khi giành được độc lập vào năm 1965. Người đầu tiên là Lý Quang Diệu, người đã giữ chức vụ này trong hơn ba thập niên. Người thứ ba là con trai ông, Lý Hiển Long. Và tới đây Singapore sẽ có thủ tướng thứ tư, Hoàng Tuần Tài, người lên thay ông Lý vào thứ Tư tuần này. Ông Hoàng muốn tiếp tục “điều kỳ diệu.” Singapore có ít tài nguyên thiên nhiên nhưng đã trở thành một trong những nước giàu có nhất thế giới. Liệu thành công ngoạn mục của họ có thể tiếp tục không?

Thủ tướng mới phải đối mặt với nhiều thách thức. Singapore là “một hòn đảo nhỏ bé trong một thế giới rộng lớn và nguy hiểm, thậm chí ngày càng trở nên nguy hiểm hơn,” ông Hoàng nói với báo The Economist hôm 6/5. Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đe dọa chiến lược cân bằng ngoại giao mong manh của Singapore. Nước này cũng đang già đi nhanh chóng, điều sẽ gây căng thẳng cho hệ thống y tế và lực lượng lao động. Biến đổi khí hậu cũng là một mối đe dọa lớn. Điều hành hòn đảo nhỏ này không phải là một công việc dễ dàng gì.

Liệu lạm phát ở Mỹ có dứt khoát giảm?

Sau một loạt các chỉ số lạm phát cao đáng lo ngại, nền kinh tế Mỹ có thể sẽ hạ nhiệt phần nào. Khi số liệu tháng 4 được công bố vào thứ Tư, các nhà phân tích dự đoán chỉ số giá tiêu dùng lõi sẽ tăng 0,3% so với tháng trước (không tính chi phí năng lượng và thực phẩm), thấp hơn 0,4% của ba tháng trước đó. Ở một mức độ nào đó, thị trường đã dự đoán được trước bước phát triển tương đối khả quan này, thể hiện qua một đợt tăng nhẹ giá cổ phiếu và trái phiếu trong tuần qua.

Lạm phát hàng hóa đã giảm rõ rệt khi những căng thẳng trong chuỗi cung ứng được giải quyết. Trọng tâm bây giờ là liệu lạm phát dịch vụ và nhà ở (thể hiện bằng tiền thuê nhà) có bắt đầu giảm xuống một cách dứt khoát hơn hay không. Mức tăng lương chậm lại – một yếu tố quan trọng trong chi phí dịch vụ – và đà giảm của các thước đo trên thị trường tiền thuê nhà đã mang lại sự lạc quan. Nhưng nên nhớ những hy vọng như vậy đã nhiều lần tiêu tan trong năm qua.

Chiến tranh thương mại trở lại!

Chính quyền Biden tuyên bố áp mức thuế mới đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc . Mức thuế mới sẽ áp dụng cho số sản phẩm Trung Quốc trị giá 18 tỷ USD, bao gồm xe điện, thiết bị năng lượng mặt trời, và pin. Thuế suất đối với xe điện sẽ tăng gấp bốn lần lên tới 100%, và trong một số trường hợp thuế nhập khẩu thép và nhôm sẽ tăng gấp ba lần, chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử tổng thống. Lael Brainard, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, cho rằng động thái này nhằm đảm bảo làn sóng hàng Trung Quốc “được định giá thấp một cách bất công” không đe dọa việc làm của người Mỹ.