Chuyện gì zợ? Thông báo KQKD Q1/2023 không mấy tích cực, nhưng cổ phiếu FCN lại bất ngờ nổ vol tăng trần

## Trước kết quả kinh doanh không mấy tích cực trong Q1/2023, cổ phiếu FCN đột ngột tăng trần trong ngày VN-Index “xanh vỏ đỏ lòng”.

Kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 12/05, VN-Index tăng 3,72 điểm (+0,35%) lên 1.060,84 điểm với 169 mã tăng và 178 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch trên HSX đạt 344,05 triệu đơn vị, thanh khoản thị trường tăng nhẹ so với phiên ngày hôm qua. Nhóm VN30 tăng 4,79 điểm với 13 mã tăng, 4 mã tham chiếu và 13 mã giảm. Các trụ lớn là nhóm giữ được sắc xanh, tiêu biểu là HPG với mức tăng 3%. Các mã ngân hàng VCB, STB tăng nhẹ trên 1%… Ở chiều ngược lại, các mã PLX, BID, BCM giảm không đáng kể, chưa tới 1%.

Trong phiên sáng hôm nay, khối NĐT nước ngoài tiếp tục bán ròng với tổng gia trị đạt 36,48 tỷ đồng. Cụ thể, CTG tiếp tục bị bán ròng với giá trị 16,73 tỷ đồng và mua ròng 14,78 tỷ đồng với HPG. Khối tự doanh cũng có hành động tương tự khi họ bán ròng gần 40 tỷ đồng trong phiên sáng ngày hôm nay, chủ yếu bán STB và TCB nhưng lại mua chứng chỉ quỹ FUEVFVND.

Trên sàn giao dịch HNX, chỉ số chính tăng 0,05 điểm, tương đương 0,02%. Thanh khoản giao dịch đạt 56,77 triệu cổ phiếu với tổng giá trị 773,9 tỷ đồng.

Trên sàn giao dịch UPCOM, chỉ số chính tăng 0,39 điểm, tương đương 0,49%. Thanh khoản giao dịch đạt 37,1 triệu cổ phiếu với tổng giá trị lên tới 311 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý trong phiên giao dịch ngày hôm nay đến từ nhóm cổ phiếu xây dựng và vật liệu xây dựng với điểm nhấn là FCN. Cổ phiếu thuộc nhóm đầu tư công bất ngờ tăng trần lên 12.500 đồng với thanh khoản giao dịch tăng đột biến, đạt gần 7 triệu cổ phiếu. Các cổ phiếu cùng ngành khác như C4G, G36, PLC, LCG,… cũng diễn biên tương đối tích cực trong phiên giao dịch sáng ngày hôm nay.


Diễn biến giá cổ phiếu FCN phiên giao dịch 12/05.

Mặc dù giá cổ phiếu diễn biến tích cực trong thời gian gần đây, tuy nhiên kết quả kinh doanh của FCN trong quý I/2023 không mấy khả quan. Kết thúc quý I/2023, CTCP FECON ghi nhận lợi nhuận sau thuế công ty mẹ sụt giảm mạnh. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế TNDN của Công ty mẹ giảm 52,73% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động tài chính của Công ty mẹ trong kỳ giảm 27,62 tỷ đồng tương ứng với tỷ lệ giảm 80,78%. Theo FCN, nguyên nhân chủ yếu là do cùng kỳ Quý I/2022 Công ty mẹ ghi nhận khoản doanh thu từ việc bán cổ phần Công ty CP Khoáng sản FECON (FCM).

Ở chiều ngược lại, lợi nhuận sau thuế TNDN theo báo cáo tài chính hợp nhất của công ty lãi 2,81 tỷ. LNST tăng chủ yếu là do doanh thu thuần và Lợi nhuận gộp của hợp nhất trong kỳ tăng lần lượt là 107,42 tỷ đồng và 35 tỷ đồng, tương ứng mức tăng lần lượt là 21,41% và 39,81% so với cùng kỳ do đầu năm 2022. Giá vốn một số dự án tăng so với dự kiến ban đầu bởi giá nguyên vật liệu biến động bất thường và chi phí nhân công tăng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Năm nay, biến động của giá nguyên vật liệu và nhân công đã được Công ty phản ánh trong giá chào thầu, ký hết hợp đồng với chủ đầu tư/nhà thầu chính.


Báo cáo KQKD Q1/2023. Nguồn: CTCP FECON.

Cũng trong năm 2023, Fecon đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 3.800 tỷ đồng, tương đương tăng 25% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu từ mảng nền móng và xây dựng đạt 2.800 tỷ đồng, mảng hạ tầng và công trình ngầm 1.000 tỷ đồng. Doanh thu công ty mẹ đạt 2.100 tỷ đồng, tương đương tăng 19% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 125 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 140%. Như vậy, công ty mới chỉ hoàn thành hơn 2% kế hoạch đề ra.

Trong đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, Công ty CP FECON (HOSE: FCN) đã thông qua việc chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ tối đa 5% năm 2022 (tức mỗi một cổ đông nhận được 500 đồng/cổ phiếu). Với quyết định này, FECON dự kiến chi hơn 78,7 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Việc chia cổ tức là sự nỗ lực của FECON nhằm đảm bảo quyền lợi của cổ đông, trong bối cảnh thị trường xây dựng và bất động sản ảm đạm trong suốt thời gian dài qua.