Đáp ứng EUDR không chỉ giúp ngành cao su Việt Nam duy trì thị trường xuất khẩu quan trọng, mà còn là dịp để nâng cao năng lực quản trị, chuyển đổi theo hướng bền vững hơn.
Với các doanh nghiệp cao su lớn, việc tuân thủ quy định chống phá rừng của EU không gặp quá nhiều khó khăn - Ảnh: TRẦN MẠNH
Thách thức lớn từ yêu cầu truy xuất nguồn gốc
Hội thảo "Chuỗi cung ứng ngành cao su Việt Nam - Chuẩn bị để đáp ứng quy định chống phá rừng của châu Âu" do Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) và Tổ chức Forest Trends tổ chức tại TP.HCM ngày 17-5 ghi nhận nhiều ý kiến của các chuyên gia để ngành cao su vượt khó.
Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Quy định về các sản phẩm không gây phá rừng (EUDR) với mục tiêu ngăn chặn các sản phẩm liên quan đến phá rừng, suy thoái rừng trên thị trường EU. Quy định sẽ chính thức có hiệu lực từ 29-6-2023, áp dụng cho 7 nhóm hàng hóa nông lâm sản, trong đó có cao su thiên nhiên - một mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.
Đứng trước những yêu cầu nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc và tính hợp pháp của sản phẩm, ngành cao su Việt Nam đang quyết liệt triển khai các giải pháp phù hợp để thích ứng với EUDR, bảo vệ thị trường xuất khẩu và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Truy xuất nguồn gốc là những khó khăn lớn nhất khi tuân thủ các quy định chống phá rừng của EU với ngành cao su - Ảnh: TRẦN MẠNH
Theo nghiên cứu của các tác giả Nguyễn Vinh Quang, Trần Thị Thúy Hoa và Tô Xuân Phúc, với vai trò là một trong những nhà cung cấp cao su thiên nhiên hàng đầu thế giới, Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của EUDR về không gây mất rừng và bảo đảm tính hợp pháp.
Về nguồn cung trong nước, phần lớn có tính pháp lý rõ ràng nhưng gần 80% diện tích cao su chưa đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Hơn nữa, ở khu vực tiểu điền chiếm tới 60% sản lượng, việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu vẫn rất khó khăn do chuỗi cung ứng phức tạp với nhiều khâu trung gian và thiếu thông tin lưu trữ.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn phải nhập khẩu một lượng lớn cao su nguyên liệu từ Campuchia và Lào để phục vụ chế biến. Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc của nguồn nhập khẩu này vẫn chưa được giải quyết triệt để và khó có thể đáp ứng yêu cầu của EUDR về không gây mất rừng và tính hợp pháp.
Cộng đồng doanh nghiệp cao su chủ động thích ứng
Năm 2024, Liên minh công tư về cao su đã được thành lập nhằm chia sẻ thông tin, xây dựng hệ thống rừng và vùng sản xuất đáp ứng EUDR tại các địa phương trọng điểm về sản xuất cao su như Đắk Lắk, Lâm Đồng. Hoạt động của liên minh hứa hẹn sẽ mở rộng sang các tỉnh khác trong thời gian tới.
Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Chính phủ và Bộ NN&PTNT là rất cần thiết đối với ngành cao su để vượt qua quy định chống phá rừng của EU - Ảnh: TRẦN MẠNH
Song song đó, các doanh nghiệp cũng đang chủ động kêu gọi, huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án do EU và Đức đồng tài trợ như dự án "Nông nghiệp bền vững vì hệ sinh thái rừng (SAFE)" để triển khai các hoạt động chuẩn bị đáp ứng EUDR.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp đang tích cực đề xuất nhiều giải pháp phù hợp nhằm cải thiện tình trạng nguồn cung cao su nguyên liệu trong nước và nhập khẩu. Các khuyến nghị chính bao gồm đánh giá lại toàn bộ chuỗi cung ứng, hệ thống lưu thông, phân loại rõ ràng nguồn nguyên liệu đạt chứng chỉ với nguồn khác để đảm bảo dễ truy xuất.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT, cho biết bên cạnh những nỗ lực chủ động từ cộng đồng doanh nghiệp, sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam là vô cùng quan trọng để ngành cao su thích ứng thành công với EUDR. Chính phủ cần đóng vai trò dẫn dắt, ban hành các chính sách, quy định cụ thể thúc đẩy các doanh nghiệp nhanh chóng đáp ứng nghiêm ngặt các yêu cầu của quy định này.
Không chỉ vậy, các bộ ngành cần sớm xây dựng, cập nhật và công khai chia sẻ cơ sở dữ liệu về hiện trạng rừng, đất đai với các địa phương, doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý cũng cần rà soát toàn diện chuỗi cung ứng, đánh giá khả năng đáp ứng EUDR, nhận diện vấn đề tồn tại và đề xuất hỗ trợ phù hợp.
Đặc biệt, chính quyền địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực cho nông hộ về truy xuất nguồn gốc. Đồng thời cũng cần rà soát, đánh giá, hợp thức hóa tình trạng pháp lý của đất đai nông hộ đang sử dụng để đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp.
Cơ hội cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
Theo chia sẻ của Phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam, mặc dù EUDR mang đến nhiều khó khăn, thách thức trong giai đoạn đầu, nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc ngành cao su theo hướng minh bạch, bền vững và thân thiện với môi trường hơn.
Những nỗ lực thích ứng với quy định này không chỉ nhằm giữ vững thị trường xuất khẩu quan trọng mà còn đóng vai trò quyết định trong việc chuyển đổi nền sản xuất hướng tới "tăng trưởng xanh", phù hợp với xu thế quản trị toàn cầu mới về đảm bảo phát triển bền vững.
Hiện các nước nhập khẩu lớn khác như Mỹ, Trung Quốc cũng đang theo dõi sát sao tiến trình thực thi EUDR với khả năng sẽ ban hành các quy định tương tự. Nếu không nhanh chóng có hành động, ngành cao su Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ mất dần thị trường, thay vào đó là cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh từ các quốc gia đáp ứng được quy định.
TRẦN MẠNH
Link gốc