Tiết lộ 2 phương pháp phổ biến để đội lái làm giá cổ phiếu.
1. Phương pháp phân phối giá sàn
Đặc điểm của phiên phân phối sàn thường như sau:
Thứ nhất, xuất hiện một hoặc hai phiên trước cổ phiếu bị đạp sàn với mức thanh khoản ở mức trung bình hoặc cao hơn trung bình.
Thứ hai, phiên phân phối sàn luôn có hiện tượng lúc dư mua sàn, lúc dư bán sàn nhưng lượng dư mua dư bán sàn chỉ ở mức vài nghìn đến vài chục nghìn đơn vị.
Thứ ba, thanh khoản của phiên phân phối thường tăng đột biến so với các phiên trước đó, có thể sẽ gấp đôi hoặc hơn.
Cụ thể, đội lái (những người nhiều tiền/cổ phiếu muốn thao túng giá) sẽ tạo các phiên tăng trần ở vùng đỉnh để phân phối hàng (cổ phiếu). Tuy nhiên chiêu thức này khá tốn kém và hầu như nhỏ lẻ đều đã quá “thuộc bài”. Vì vậy họ đã áp dụng chiêu thức mới rất hiệu quả và đỡ tốn kém hơn là phân phối giá sàn.
Khi một cổ phiếu được “đánh lên” và đã phân phối vài phiên ở mức giá đỉnh, đội lái vẫn còn một lượng kha khá cổ phiếu giá rẻ. Khi đó họ sẽ buông để cổ phiếu rớt sàn vài ba phiên tùy độ lớn của sóng đã tạo ra. Họ áp dụng các mức giảm 38,2%; 50% và 61,8% của chỉ báo Fibonacci để lừa nhà đầu tư (NĐT) chuộng phân tích kỹ thuật. Khi đến phiên chạm những mức trên, đội lái tiến hành phân phối giá sàn trong phiên đó.
Đầu tiên, bằng một số tài khoản, đội lái sẽ đặt bán sàn một lượng rất lớn ngay trước khi bắt đầu phiên. Lệnh dư bán sàn lớn sẽ hiển thị ngay khi phiên bắt đầu. NĐT nhỏ lẻ thấy lệnh dư bán sàn quá lớn sẽ không buồn đặt lệnh bán nữa.
Sau khi nghe ngóng động tĩnh, đội lái tiếp tục dùng tài khoản đối ứng đặt vài lệnh mua giá sàn có khối lượng khá lớn và liên tục. Sau đó họ bồi thêm vài lệnh mua hàng trăm nghìn đơn vị. Như vậy, lái sẽ mua bán chính cổ phiếu của mình để “thả thính” NĐT nhỏ lẻ. Khi thấy lượng mua giá sàn sôi động, NĐT nhỏ lẻ tranh nhau nhảy vào bắt đáy và sẽ mua hết lượng cổ phiếu mà lái đã đặt bán từ đầu.
Giá cổ phiếu sau đó sẽ tăng lên và lệnh mua đuổi của NĐT bắt đáy lại càng được đẩy vào thêm. Sau khi cân đối, thấy lượng đặt dư mua ở các mức dưới đủ lớn, đội lái lại dùng các tài khoản ảo cùng lúc bán ra lượng lớn và cổ phiếu lại bị dư bán sàn.
Đội lái lại tiếp tục bài tay phải mua tay trái để dụ “gà”. Việc này cứ lặp đi lặp lại đến hết phiên. Tuy khối lượng giao dịch rất lớn nhưng đa số là giá không tăng mạnh, thậm chí vẫn dư bán sàn. Như vậy đội lái chỉ phải mua vào một lượng cổ phiếu vừa phải để “dụ gà” nhưng đã bán ra được lượng hàng kha khá.
2. Phương pháp phân phối giá trần
Đặc điểm của phiên phân phối trần thường như sau:
Thứ nhất, có một hoặc hai phiên trước cổ phiếu được đẩy tăng giá khá mạnh nhưng thanh khoản vẫn chỉ duy trì ở mức trung bình.
Thứ hai, phiên phân phối trần luôn có hiện tượng lúc dư mua trần, lúc dư bán trần nhưng lượng dư mua dư bán trần chỉ ở mức vài nghìn đến vài chục nghìn đơn vị.
Thứ ba, thanh khoản của phiên phân phối thường tăng đột biến so với các phiên trước nó, có thể sẽ gấp đôi hoặc hơn.
Cách thức của phương pháp phân phối giá trần cũng giống như phương pháp phân phối giá sàn nhưng ngược lại. Phương pháp này tốn kém hơn rất nhiều và kém hiệu quả hơn do hầu như nhỏ lẻ đều đã quá “thuộc bài” nên sẽ khó dụ được “gà” nhảy vào đua trần. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư nhỏ lẻ thiếu kinh nghiệm vẫn bị lừa và lao vào đua trần bất chấp rủi ro tiềm ẩn.
Cụ thể, đội lái sẽ đẩy lệnh mua dần vào để khớp hết các lệnh bán và đẩy mức giá cổ phiếu tăng kịch trần. Sau đó, họ sẽ trao tay, mua trần tay phải, bán trần tay trái nhằm tạo giao dịch sôi động.
Đội lái sẽ diễn sao cho lệnh mua luôn chủ động và chiếm ưu thế trước lệnh bán để thu hút sự chú ý của nhỏ lẻ. Đồng thời họ có thể đẩy vài lệnh kê mua to bên dưới mức giá trần nhằm tạo lực cầu lớn và cảm giác yên tâm cho nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Cứ thế, nhà đầu tư nhỏ lẻ thiếu kinh nghiệm sẽ nhảy vào đua lệnh mua trần. Đội lái có thể kiểm soát được lượng mua giá trần của nhà đầu tư nhỏ lẻ và sẽ cân đối bán ra từ từ đúng bằng lượng mua của nhỏ lẻ.
Nguồn: sưu tầm