Chuyên gia: Tới năm 30 tuổi còn không một đồng tiết kiệm, bạn đã mất ngay 2 tỷ!

Đợi đến 30 tuổi mới bắt đầu tiết kiệm chính là đang phung phí tiền tỷ đấy, bạn tin không?

Hồi mới ra trường đi làm, có lẽ phần lớn chúng ta đều bắt đầu sự nghiệp kiếm tiền với mức lương cơ bản khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Với con số ấy, tiết kiệm trở thành việc bất khả thi, đặc biệt là với những bạn trẻ còn đang phải đi thuê nhà.

“Đợi mấy năm nữa cho lương khá khẩm hơn rồi bắt đầu dành dụm” trở thành tư duy phổ biến. Thoạt nghe, đây cũng không hẳn là điều sai trái. Nhưng đã bao giờ bạn thử suy nghĩ và tìm ra sự khác biệt giữa việc tiết kiệm từ năm 22-23 tuổi (lúc mới đi làm), với chuyện đợi đến 30 tuổi - khi lương cao mới dành dụm, hay chưa?

Anh Nguyễn Hữu Trí (hay còn được biết đến với nickname Thầy Quéo) - Nhà sáng lập Học viện kỹ năng Awake Your Power, top 3 sinh viên tốt nghiệp với thành tích cao nhất tại trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS), đã có những chia sẻ, phân tích về vấn đề này.

Anh Nguyễn Hữu Trí

Không tiết kiệm trước tuổi 30, bạn sẽ vô tình mất ngay 2 tỷ!

Trong một video đăng tải trên kênh TikTok cá nhân, anh Nguyễn Hữu Trí đã khẳng định nếu đợi đến năm 30 tuổi mới bắt đầu tiết kiệm, bạn đang vô tình phung phí khoảng 2 tỷ đồng.

Để làm rõ hơn lời khẳng định này, anh Nguyễn Hữu Trí phân tích như sau: Giả sử bạn bắt đầu đi làm từ năm 22 tuổi với mức lương khởi điểm là 6 triệu đồng/tháng. Hàng năm, lương của bạn được tăng 10%.

Trường hợp 1: Ngay từ khi nhận tháng lương đầu tiên, bạn đã tiết kiệm 10% thu nhập và duy trì tỷ lệ này cho tới năm 60 tuổi. Số tiền bạn dành dụm được sẽ là 4 tỷ 546 triệu đồng.

Trường hợp 2: Bạn không tiết kiệm trong suốt 8-9 năm đầu đi làm, đợi đến năm 31 tuổi mới bắt đầu dành dụm. Lúc này, số tiền bạn tiết kiệm được khi 60 tuổi là 2 tỷ 688 triệu đồng.

Không khó để nhận ra khoảng chênh lệch 2 tỷ đồng giữa 2 trường hợp trên. Lương không thay đổi, tỷ lệ tăng lương cũng như nhau, khác biệt duy nhất chỉ thời gian tích lũy.

Ví dụ mà anh Nguyễn Hữu Trí đưa ra có thể không hoàn toàn đúng với tình hình lãi suất tiết kiệm hay tỷ lệ lạm phát ở thời điểm hiện tại. Bản thân anh cũng khẳng định đây chỉ là một giả lập mà anh phân tích, để giúp các bạn trẻ hiểu được việc tiết kiệm từ sớm và duy trì thói quen tiết kiệm trong thời gian dài sẽ có ích đến mức nào.

“Bạn mất 2 tỷ đồng để đổi lấy sự sung sướng của việc được tiêu xài thêm khoảng 6-8 triệu/năm, liệu có đáng không?” - Anh Nguyễn Hữu Trí đặt ra một câu hỏi sau khi phân tích thói quen nói không với tiết kiệm trước tuổi 30.

Làm thế nào để hình thành và duy trì thói quen tiết kiệm?

Sau những chia sẻ của anh Nguyễn Hữu Trí, có lẽ chẳng ai còn nghi ngờ hay băn khoăn về việc có nên tiết kiệm từ sớm hay không nữa. Vấn đề đặt ra lúc này chính là làm sao để bắt đầu và duy trì được thói quen tiết kiệm khi cám dỗ chi tiêu quá lớn hoặc lương quá thấp?

Chia sẻ về vấn đề này, Shark Linh từng nói: “Việc tiết kiệm cũng giống như một cái cơ, bạn cần phải rèn luyện nó. Mới tiết kiệm, nếu không có nhiều tiền, không thành vấn đề. Điều quan trọng là bạn phải hình thành thói quen luôn trích ra một phần thu nhập, nhỏ thôi cũng được, để tiết kiệm. Dần dà, khi mình quen với việc đó rồi, mình có thể tiết kiệm nhiều hơn. Linh gọi đó là cơ bắp tiết kiệm” .

Shark Linh

Shark Linh khẳng định việc hình thành thói quen tiết kiệm quan trọng hơn việc bạn tiết kiệm được bao nhiêu tiền. Sau đó, vị “cá mập” cũng chỉ ra 2 cách đơn giản mà bạn có thể áp dụng để hình thành thói quen tiết kiệm.

1 - Tiết kiệm theo tuần

Shark Linh gợi ý bạn nên bắt đầu tiết kiệm với mốc thời gian là từng tuần, thay vì từng tháng. Tùy vào mức thu nhập của mỗi người mà số tiền tiết kiệm mỗi tuần có thể sẽ khác nhau. Con số bắt đầu không quan trọng, điều quan trọng là bạn phải làm mỗi tuần và nếu có thể tăng dần số tiền tiết kiệm mỗi tuần thì càng tốt.

Giờ thử ví dụ thế này: Một năm có 52 tuần, tuần đầu tiên bạn tiết kiệm 50.000đ và mỗi tuần tăng thêm 10.000đ, 20.000đ, 30.000đ, 40.000đ,... tùy theo khả năng, số tiền mà bạn để dành được sau 1 năm sẽ lớn bất ngờ đấy!

Trong trường hợp này, nếu so với 50.000đ ở tuần đầu tiên, con số bạn để dành được đã tăng 720 lần (Ảnh: Money Lover)

2 - Tiết kiệm tiền lẻ

Ngoài việc tiết kiệm theo tuần, Shark Linh cũng gợi ý bạn nên tiết kiệm tiền lẻ, mệnh giá dưới 20.000 đồng.

“Khi bạn đi mua trái cây ngoài đường, hay một cốc chè chẳng hạn, bạn được trả lại tiền mệnh giá dưới 20.000 đồng, bạn có thể bỏ chúng vào một cái hộp. Đến cuối tháng, bạn tổng kết lại và mang số tiền này gửi vào ngân hàng.

Số tiền này có thể không nhiều, cũng chỉ vài trăm ngàn thôi, nhưng Linh nghĩ đó cũng là một cách hay để mình không xài tiền linh tinh. Vì nếu không để riêng tiền lẻ vào một chỗ, mà để trong ví, kiểu gì mình cũng xài thôi à” - Shark Linh chia sẻ.

Ngọc Linh

Link gốc

https://markettimes.vn/chuyen-gia-toi-nam-30-tuoi-con-khong-mot-dong-tiet-kiem-ban-da-mat-ngay-2-ty-56075.html