Chuyên gia: Trạng thái tỷ giá hiện rất mong manh, lãi suất thấp chưa chắc đã tốt cho nền kinh tế

Chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng tỷ giá có thể tăng nhanh trong những tháng tới nếu gặp phải áp lực nhập siêu. Theo ông, việc hạ lãi suất hiện nay chưa thúc đẩy được nền kinh tế, trong khi lại đang tạo ra rủi ro cho tỷ giá.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Chuyên gia kinh tế, sáng lập viên Think Future Consultancy. (Ảnh: Truyền hình Quốc hội ).

Tỷ giá vẫn đang mong manh

Tại tọa đàm Đối thoại chính sách, Chuyên gia kinh tế, sáng lập viên Think Future Consultancy, Nguyễn Đức Hùng Linh, đã cảnh báo nguy cơ tỷ giá biến động nhanh trong những tháng cuối năm nếu tình trạng nhập siêu trở lại.

Theo ông Linh, chúng ta đang tập trung quá nhiều vào vấn đề trước mắt khi nới lỏng tài khóa, tiền tệ và chấp nhận rủi ro cao hơn nhằm mục đích tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu nhìn lại năm 2023, khi áp dụng chính sách tương tự thì tăng trưởng vẫn chưa thấy đâu.

Do độ mở của nền kinh tế Việt Nam quá lớn nên kích thích thế nào thì cũng không thể thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đi xuống, ông Linh nhận định.

Hiện Việt Nam đang áp dụng chính sách tiền tệ ngược với xu hướng chung của thế giới. Trong khi các ngân hàng trung ương lớn thắt chặt chính sách tiền tệ thì Việt Nam lại nới lỏng và hạ lãi suất. Ngay cả trong khu vực Đông Nam Á, các quốc gia tương tự như Việt Nam là Thái Lan, Indonesia hay Philippines đều tăng lãi suất.

“Rõ ràng nhất về tác động của lãi suất thấp là tỷ giá”, ông Linh cho biết. Nhìn lại khứ, chuyên gia cho rằng tỷ giá đã chịu áp lực ngày từ năm 2022. Thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bán ngoại hối và tăng lãi suất ở mức vừa phải, giúp duy trì được tỷ giá.

Cuối năm 2022, NHNN đã phải bán khoảng 20 tỷ USD để duy trì tỷ giá. Tuy nhiên, ông Linh cho rằng động thái này như “gió vào nhà trống” và không giải quyết được vấn đề. Đến cuối cùng, nhà điều hành vẫn phải đảo ngược chính sách tiền tệ và nâng lãi suất.

Sang đến năm 2023, tỷ giá “may mắn” nhờ kinh tế tăng trưởng chậm, nhu cầu nhập khẩu xuống thấp, giúp có xuất siêu. Từ đó, Việt Nam dư ngoại tệ và giữ được tỷ giá, không phải tăng lãi suất. Nhưng sang năm 2024, khi nhu cầu nhập khẩu đi lên trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi, tạo áp lực lên tỷ giá.

Tỷ giá đã tăng nhanh chóng ngày từ đầu năm 2024. (Ảnh: WiChart ).

Đặc biệt, ông Linh cảnh báo tình trạng nhập siêu có thể quay trở lại khi xuất siêu hàng hóa tháng 4 chỉ còn 1,06 tỷ USD. Kết hợp với nhập siêu dịch vụ thì sẽ không còn thặng dư nữa, ảnh hưởng tới nguồn ngoại tệ. Đồng thời, xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn nếu nền kinh tế tiếp tục phục hồi.

Hiện nay, NHNN vẫn có thể duy trì tỷ giá sau khi bán hơn 1 tỷ USD dự trữ, phát hành tín phiếu giúp nâng lãi suất liên ngân hàng lên 4% và lãi suất thị trường 1 bắt đầu nhích lên. “Còn 8 tháng của năm 2024, chúng ta vẫn chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra với tỷ giá. Khi kinh tế ấm dần lên, chúng ta sẽ nhập siêu nhiều hơn, dẫn tới thiếu nguồn cung USD, tác động đến tỷ giá”, ông cảnh báo.

Công cụ cuối cùng của NHNN là lãi suất điều hành vẫn chưa được nâng lên. Tuy nhiên, “hiện tại trạng thái rất mong manh, chỉ cần một mồi lửa (trigger) nhập siêu thì áp lực tỷ giá sẽ tăng rất nhanh”, chuyên gia cho hay.

Thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam (xuất khẩu trừ nhập khẩu) đã thu hẹp trong tháng 4/2024. (Ảnh: WiChart ).

Trả lời bên lề sự kiện, ông Linh khuyến nghị: “Lãi suất huy động cần phải tăng lên để bảo vệ tiền đồng. Đầu năm đã thế này rồi thì không biết mấy tháng nữa còn có chuyện gì xảy ra [... ] Bảo vệ nội tệ ngoài việc là nhiệm vụ điều hành kinh tế thì còn là vấn đề an ninh quốc gia. Đồng tiền mất giá sẽ ảnh hưởng ngay tới giá vàng, hình thành bong bóng tài sản”, ông Linh nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này lấy ví dụ về đợt tăng giá BĐS, chứng khoán vào năm 2022 hay đợt tăng giá vàng, chung cư ngay đầu năm nay.

“Nền kinh lãi suất thấp dễ hình thành bong bóng. Tính đầu cơ ở Việt Nam rất cao, khi giá lên người dân sẽ nhào vào mua. Năm 2022 là ví dụ khi bà nội trợ cũng mở tài khoản chứng khoán, còn năm nay là xếp hàng mua vàng”, ông nói.

Hạ lãi suất chưa chắc đã tạo ra tăng trưởng

Theo chuyên gia Linh, việc duy trì lãi suất thấp phải phù hợp với bối cảnh kinh tế. “Đúng là muốn tăng trưởng kinh tế thì phải giữ lãi suất thấp. Tôi cũng từng là người ủng hộ việc giảm lãi suất”, ông nói.

Tuy nhiên, việc hạ lãi suất cũng tùy thuộc vào từng thời kỳ. Phải xem hạ lãi suất có tạo ra tăng trưởng hay không hay tạo ra rủi ro, ảnh hưởng cân đối vĩ mô, an ninh tiền tệ … , chuyên gia nhấn mạnh.

Theo ông, lãi suất thấp tác động vào cầu tiêu dùng, nhưng hiện nay cầu tiêu dùng vẫn chưa thấy đâu. Trong quý I, tiêu dùng tăng trưởng chủ yếu nhờ khách quốc tế, còn những mảng tiêu dùng khác vẫn chưa phục hồi. Do đó, dù có hạ lãi suất thì người dân cũng sẽ chẳng đi vay để tiêu.

Để kích thích tăng trưởng, ông Linh gợi ý các giải pháp tác động vào cung, gỡ khó cho doanh nghiệp hay giảm bớt các thủ tục, thu hút đầu tư, khách du lịch, chẳng hạn như chính sách visa.

Chuyên gia cho biết có mong muốn đến năm 2023, cả nước sẽ có “30 con sếu lớn” dẫn dắt nền kinh tế. Theo ông, những nền kinh tế như Hàn Quốc, Trung Quốc có được thành công là nhờ một vài doanh nghiệp kéo cả nền kinh tế đi lên.

Để Việt Nam có được “những con sếu” này thì lãi suất không phải là giải pháp hỗ trợ lớn nhất mà thủ tục hành chính, xúc tiến thương mại mới là yếu tố cần chú ý, chuyên gia cho hay. Ngoài việc tạo ra những con sếu lớn, để những doanh nghiệp này thắng được ở thị trường Việt Nam, chuyên gia còn kiến nghị hỗ trợ, bảo hộ theo một số ngành cụ thể.

Minh Quang

https://vietnambiz.vn/chuyen-gia-trang-thai-ty-gia-hien-rat-mong-manh-lai-suat-thap-chua-chac-da-tot-cho-nen-kinh-te-202451713534943.htm