Doanh nghiệp và người tiêu dùng đều cần công cụ để tự bảo vệ mình trước những hình thức gian lận mới của thanh toán số.
Ông Gareth Parrington, trưởng bộ phận giải pháp doanh nghiệp và thanh toán, Visa khu vực Đông Nam Á
Xu hướng số hóa tiếp tục tăng ở Việt Nam, cùng nhu cầu từ phía doanh nghiệp trong tăng cường năng lực cạnh tranh giữa bối cảnh mới, đang trở thành trợ lực thúc đẩy ứng dụng thanh toán số phát triển.
Báo cáo Thương mại điện tử và Gian lận toàn cầu năm 2024 do Visa thực hiện nhấn mạnh các lạm dụng chính sách/hoàn tiền và gian lận thân thiện (hay còn gọi là gian lận từ bên thứ nhất) là hai hình thức gian lận phổ biến nhất, ảnh hưởng đến gần một nửa số đơn vị kinh doanh bán lẻ trên toàn cầu.
Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, người dùng đang đòi hỏi cần có hình thức thanh toán an toàn cùng với chính sách quản lý tranh chấp và chống gian lận, hiệu quả hơn để đảm bảo niềm tin trong giao dịch.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Gareth Parrington - trưởng bộ phận giải pháp doanh nghiệp và thanh toán, Visa khu vực Đông Nam Á - cho rằng cách chống gian lận hiệu quả là phải có các biện pháp bảo mật như xác thực hai lần, đảm bảo mật khẩu không bị tiết lộ, người dùng hiểu cách quản lý mật khẩu. Hiện nay, việc sử dụng xác thực hai yếu tố một cách an toàn và bảo mật cũng được xem như biện pháp tăng cường.
"Có những vấn đề quan trọng mà không chỉ Visa mà cả ngành cần phải thực hiện.
Tuy nhiên, việc giáo dục mọi người về lừa đảo qua mạng (Phishing), ví dụ hình thức lừa đảo và cách nhận biết các trường hợp lừa đảo là rất quan trọng", ông Parrington nói.
Cũng theo chuyên gia của Visa, lừa đảo trong thanh toán số thành công khi người dùng để lộ mật khẩu của mình.
Do đó, cần tập trung thông tin và giáo dục người dùng về vấn đề bảo vệ các dữ liệu cá nhân, cùng với đó tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và an ninh an toàn.
Trong chống gian lận, lừa đảo, các đối tác trong hệ sinh thái thanh toán bao gồm cả quá trình làm việc trực tiếp cùng nhà bán hàng, phải hợp tác để tăng bảo mật, đảm bảo tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng.
"Một phần của đội ngũ của chúng tôi tập trung đưa ra các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách hiệu quả hơn.
Và chúng tôi làm điều đó thông qua những sản phẩm và dịch vụ truyền thống của chúng tôi như thẻ, nhưng cũng qua các khả năng mới về dòng tiền trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt thường xuyên tham gia hoạt động xuất nhập khẩu và họ cần phải thực hiện thanh toán, nhận thanh toán", ông Parrington nói thêm.
Theo Nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng 2023, ví điện tử và thanh toán trực tuyến ở Việt Nam đang nhanh chóng đuổi kịp giao dịch tiền mặt về mức độ phổ biến và tần suất sử dụng.
Nghiên cứu cũng thấy rằng giải pháp thanh toán thông minh (smart checkout) hay tài chính nhúng (embedded finance) cho phép giao dịch liền mạch trên các ứng dụng điện thoại, trang web cũng đang được đông đảo người dùng sử dụng.
NHƯ BÌNH