Chuyển giao ngân hàng yếu kém theo hướng nào?

Kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc (CGBB) ngân hàng yếu kém đã được các TCTD đặt ra trong các kỳ ĐHĐCĐ thường niên từ năm 2022 đến 2024.

Nhưng cho đến nay, vẫn chưa tổ chức nào công bố sắp hoàn thành.

Ngân hàng Xây dựng (CBBank) dự kiến được chuyển giao về Vietcombank theo mô hình ngân hàng mẹ - công ty con. Ảnh: Q.Hải

Theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” được ban hành theo Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ, một trong những nội dung quan trọng đối với các TCTD mua bắt buộc, là triển khai cơ cấu lại theo Phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy định của pháp luật.

Khó triển khai chủ trương

Tại thời điểm Quyết định được ban hành, có 3 TCTD thuộc nhóm mua bắt buộc là OceanBank; GPBank, CBBank. Ngoài ra, DongABank thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Đến cuối năm 2022, SCB cũng được NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt (gọi chung là ngân hàng yếu kém).

Cũng trong năm 2022, Vietcombank, MBBank, VPBank và HDBank đã trình ĐHCĐ thông qua chủ trương tham gia nhận CGBB ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, việc CGBB với 4 ngân hàng yếu kém nói trên vẫn diễn ra chậm.

Năm 2023, tại ĐHĐCĐ thường niên, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Vietcombank (nay là Phó Thống đốc NHNN), cho biết Vietcombank đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương, phương án nhận CGBB một NHTM yếu kém.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cũng chia sẻ với cổ đông, VPBank đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất cơ quan chức năng để nhận CGBB một ngân hàng. Còn Lãnh đạo MB cho biết đang tiến hành định giá một ngân hàng yếu kém được CGBB. Thậm chí, HDBank gần như đã lên kế hoạch hướng đến bổ sung tăng vốn cho ngân hàng dự kiến CGBB…

Lãnh đạo của các nhà băng nói trên hầu như cũng đều nhìn nhận việc tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là sự tin tưởng của NHNN, đánh giá cao về năng lực tài chính của ngân hàng, là sự chia sẻ trách nhiệm tái cơ cấu với hệ thống và quan trọng không kém là lợi ích, cơ hội để phát triển. Bên cạnh lợi ích rộng, là hạn mức tín dụng thấy được sẽ được phân bổ cao hơn so với hệ thống. Và cho dù tiến trình này chưa có những cột mốc về đích cụ thể, năng lực tài chính của 4 TCTD dự kiến nhận CGBB, cũng đã thể hiện qua tăng trưởng tín dụng rất tốt - mang về lợi nhuận cao (trừ trường hợp VPBank có thời điểm nặng gánh với Fe Credit).

Việc nhận CGBB ngân hàng có lợi ích, tăng vị thế, vậy tại sao kế hoạch không thể đẩy nhanh? Bên cạnh yếu tố chờ phê duyệt theo quy trình, từ phía ngân hàng yếu kém, có lãnh đạo hé lộ còn có một số điểm “chưa khớp nối” giữa các bên. Điều này cũng làm kéo dài thêm thời gian tìm kiếm tiếng nói đồng thuận, lập hạn định về “nhà mới” của các ngân hàng 0 đồng.

Thúc đẩy theo cách nào?

Để thúc đẩy kế hoạch CGBB ngân hàng yếu kém, ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, Chuyên gia tài chính cho rằng trên cơ sở chủ trương được Chính phủ phê duyệt, những vướng mắc, nếu có, rất cần được cơ quan quản lý hỗ trợ định hướng cụ thể theo hướng xác lập giao dịch, địa vị của bên nhận và bên sáp nhập, minh bạch quyền lợi và nghĩa vụ của các bên, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.

“Đối với kỳ vọng tìm kiếm nguồn lực phía đối tác ngoại, thời gian qua, Chính phủ đã xúc tiến và đặt vấn đề mời tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém với một số định chế quốc có tiềm lực lớn. Đây cũng là một hướng đi mà có thể nhà đầu tư ngoại sẽ rất quan tâm, trên cơ sở sự đánh giá về triển vọng của Việt Nam - điểm đến hấp dẫn dài hạn trong bối cảnh biến động toàn cầu. Song các rào cản về định giá, tìm hiểu về thông tin lẫn hạn chế về khả năng sở hữu 1 ngân hàng 100% vốn từ chuyển giao... sẽ khiến khối ngoại mất thời gian. Câu chuyện quá khứ như đồn đoán về 1 số định chế tìm hiểu GPBank là ví dụ. Do đó, với nguồn lực, cơ chế sẵn sẽ cho cơ hội lớn hơn, phù hợp hơn cho mục tiêu đẩy nhanh CGBB”, ông Hoàn nhấn mạnh.

Thông tin mới nhất từ NHNN cho biết, chủ trương CGBB 4 ngân hàng mua bắt buộc 0 đồng và 1 trong diện kiểm soát đặc biệt đã được trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết quyết định chủ trương CGBB đối với 2 ngân hàng. Các bước để phát chứng thư thẩm định giá 3 ngân hàng cũng đã được tiến hành. Riêng SCB, NHNN đang tìm kiếm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại ngân hàng này để trình Chính phủ xem xét quyết định.

Theo ghi nhận từ thông tin của các TCTD và thị trường, tâm điểm chú ý hiện đặt kỳ vọng trước hết ở thương vụ Vietcombank và CBBank. Đây là thương vụ đã được 2 bên có quan hệ kết nối từ sớm. Và sự sẵn sàng của các bên vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho hay với phương án trình về ngân hàng nhận chuyển giao là CBBank, tiến độ chuyển giao của Vietcombank còn tùy thuộc vào quyết định của Chính phủ, NHNN.

“Đầu xuôi thì đuôi lọt” - hy vọng đây sẽ là thương vụ CGBB mở đầu cho làn sóng thúc đẩy tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thực sự tới cao trào.

LÊ MỸ

Link gốc

https://diendandoanhnghiep.vn/chuyen-giao-ngan-hang-yeu-kem-theo-huong-nao-263427.html