Cơ hội bứt phá cho cổ phiếu xây dựng khi đầu tư công tăng tốc
6 giờ trước
Chia sẻ
- Newtecons của ông Nguyễn Bá Dương làm ăn ra sao?
- LCG: Cổ phiếu LCG “sáng giá” nhờ bức tranh triển vọng đầu tư công
- Ngày 19/07/2022: 10 cổ phiếu nóng dưới góc nhìn PTKT của Vietstock
Sau giai đoạn bị chiết khấu sâu, nhiều cổ phiếu ngành xây dựng như FCN, HHV, NBB, CII, HBC… đã hồi phục trở lại từ những phiên đầu quý 2. Với tiến độ triển khai các gói đầu tư công từ nay đến cuối năm, cổ phiếu nhóm này được kỳ vọng sẽ có sự bứt phá.
Trong 2 tuần đầu tháng 7, nhóm cổ phiếu xây dựng đã đồng loạt hồi phục. FCN của CTCP Fecon tăng 25% lên vùng giá 15.000 đồng, CII của CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM cũng tăng 25% lên vùng giá 20.000 đồng, HHV của CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả tăng 27% lên vùng giá 14.000 đồng;
NBB của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy tăng 20% lên gần 19.000 đồng, CTD của CTCP Xây dựng Conteccons tăng 15% lên vùng giá 62.000 đồng, HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tăng 17% lên gần 21.000 đồng… Trước đó, các cổ phiếu này đều giảm sâu cùng xu hướng nhóm bất động sản, trung bình giảm từ 30-50% giá trị từ vùng đỉnh, thậm chí có mã giảm hơn 70% như CII.
Cổ phiếu nhóm xây dựng rục rịch hồi phục trong bối cảnh các tỉnh thành đang đẩy mạnh tốc độ giải ngân đầu tư công theo yêu cầu từ Chính phủ. Theo Tổng cục Thống kê, vốn nhà nước thực hiện (đầu tư công) trong quý 2/2022 tăng 10% so với cùng kỳ (+52,6% so với quý trước) lên 116.100 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư công thực hiện tăng 10,1% so với cùng kỳ, đạt 192.200 tỷ đồng (thấp hơn mức tăng 11,9% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2021); tương đương 35,3% kế hoạch cả năm (cùng kỳ năm ngoái bằng 34,8% mục tiêu năm 2021).
Vốn đầu tư công thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 10,1% so với cùng kỳ.
Trong báo cáo vĩ mô mới đây, VNDirect kỳ vọng việc triển khai đầu tư công sẽ tăng tốc trong những tháng tới do gói đầu tư cơ sở hạ tầng trong gói kích thích kinh tế mới, trị giá khoảng 113.050 tỷ đồng, được giải ngân từ tháng 4/2022. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 2/5 thành lập 6 đoàn kiểm tra để giải quyết các vướng mắc liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công.
Đoàn kiểm tra sẽ làm việc với các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới mức bình quân chung của cả nước. Sau đó, đoàn kiểm tra sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh đầu tư công trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi hoàn thành quá trình thẩm tra.
Ngoài ra, việc thực hiện đầu tư công có thể được thúc đẩy khi giá của một số vật liệu xây dựng đã bắt đầu giảm như sắt thép. Cụ thể, sau khi đạt đỉnh vào tháng 4, giá thép trong nước đã giảm 11,7% so với cuối quý 1 (giảm 2% so với cùng kỳ) và chỉ cao hơn khoảng 2,7% so với hồi đầu năm 2022. Yếu tố này sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận của các nhà thầu xây dựng, từ đó đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công.
VNDirect giữ nguyên dự báo tổng vốn nhà nước thực hiện năm 2022 sẽ tăng 20-30% so với thực tế thực hiện năm 2021, do tăng trưởng trong nửa cuối năm 2022 có thể tăng cao so với mức nền thấp của cùng kỳ năm 2021. Lưu ý rằng, đầu tư công tăng trưởng âm trong 6 tháng cuối năm 2021 do đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 làm giãn cách xã hội diện rộng cũng như ảnh hưởng của việc giá vật liệu xây dựng tăng cao.
Triển vọng dài hạn
Trong dài hạn, các chuyên gia phân tích tại Chứng khoán Mirae Asset cũng kỳ vọng tích cực vào tăng trưởng của cổ phiếu ngành Xây dựng khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản dân cư tại Việt Nam vẫn rất lớn. Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự kiến cuối năm 2022 sẽ đưa vào sử dụng 4 đoạn cao tốc Bắc–Nam giai đoạn 1 với tổng chiều dài 361 km.
Như vậy, cùng với đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đã đưa vào sử dụng vào đầu năm 2022, dự kiến 5/11 đoạn cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trong năm nay. Theo tiến độ, 6 dự án còn lại dự kiến sẽ hoàn thành trong 2023.
Tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm giai đoạn 2021-2026.
Đối với 12 đoạn cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Quốc hội đã phê duyệt toàn bộ dự án theo hình thức đầu tư công. Chính phủ đang khẩn trương triển khai các thủ tục liên quan để các dự án có thể khởi công trong 2022 và dự kiến hoàn thành vào 2026.
Đặc biệt, Mirae Asset cho rằng điểm sáng cho ngành Xây dựng là Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư 5 dự án hạ tầng mới là Cao tốc Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, Cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu giai đoạn 1, Vành đai 3 TP HCM, Vành đai 4 TP Hà Nội.
Mirae Asset cho rằng trong ngắn hạn, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xây dựng đang chịu nhiều áp lực khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và lượng cung bất động sản trên thị trường nhà ở suy giảm, cũng như tác động lan tỏa từ đầu tư công chưa đạt kỳ vọng. Tuy nhiên trong dài hạn, nhóm này vẫn có triển vọng tích cực khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản dân cư tại Việt Nam vẫn rất lớn. Đặc biệt khi tiến độ đầu tư công đạt kế hoạch và các nút thắt của thị trường bất động sản được tháo gỡ, dư địa cho tăng trưởng của các công ty ngành xây dựng sẽ được rộng mở.
Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý 1/2022 & P/E của các doanh nghiệp xây dựng đầu ngành.
Mặc dù vậy, Mirae Asset cũng khuyến cáo các nhà đầu tư nên theo dõi đặc điểm tăng trưởng kinh doanh của các doanh nghiệp. Những cổ phiếu đáp ứng tiêu chí vốn hóa, thanh khoản, mang tính đặc trưng và đại diện cho từng phân khúc xây dựng sẽ có cơ hội hưởng lợi lớn.
Thực tế trong quý 1/2022, lợi nhuận sau thuế của nhóm cổ phiếu xây dựng có độ phân hóa lớn. Một số doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng đột biến như CII ghi nhận khoản thoái vốn tại công ty con, VCG báo lãi lớn từ giao dịch mua rẻ. Trái ngược, LCG, CTD đi lùi còn FCN báo lỗ.