Rút kinh nghiệm lần trước, cổ đông buộc phải trực tiếp tham dự hoặc gửi giấy ủy quyền về cho công ty để được nhận quà tri ân.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - một trong các dự án do CII làm chủ đầu tư.
Nội dung chính:
- CII sẽ gửi quà tri ân bằng tiền đến cổ đông trực tiếp tham dự hoặc ủy quyền tham dự ĐHĐCĐ bất thường dự kiến tổ chức vào ngày 19/9 tới đây.
- Động thái này của CII diễn ra sau khi ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 không đủ điều kiện tiến hành hôm 26/4 do không đủ tỷ lệ cổ phần được biểu quyết tối thiểu.
CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HoSE: CII) vừa thông báo sẽ gửi quà tri ân bằng tiền đến cổ đông trực tiếp tham dự hoặc ủy quyền (cho người khác hoặc cho Trưởng ban kiểm soát) tham dự ĐHĐCĐ bất thường dự kiến tổ chức vào ngày 19/9 tới đây.
Động thái này của CII diễn ra sau khi ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 không đủ điều kiện tiến hành hôm 26/4 khi cổ đông tham dự chỉ đủ 45,81% cổ phần. Trước đó, để khuyến khích nhà đầu tư tham gia ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, CII cũng đã công bố gửi quà tri ân bằng tiền (không nói số tiền cụ thể) nếu nhà đầu tư tham gia đại hội.
Theo tiết lộ từ một lãnh đạo CII, số tiền tri ân lần này “tương đương lần trước”.
Tuy nhiên, nếu như lần trước cổ đông ủy quyền tham dự cho Ban Kiểm soát chỉ cần gửi thông tin số tài khoản và xác nhận việc ủy quyền qua tin nhắn điện thoại (SMS) thì lần này, cổ đông phải điền thông tin tài khoản vào mặt sau thư mời và chụp ảnh gửi về cho Ban tổ chức. Việc xác nhận qua tin nhắn như lần trước trên thực tế là không hợp lệ, dẫn đến tỷ lệ tham dự ĐHĐCĐ thường niên lần 1 của công ty chưa đủ 50% dù các cổ đông đã nhận được tiền tri ân.
Theo Luật Doanh nghiệp 2020, việc ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản ủy quyền. Vì vậy, để đảm bảo đủ tỷ lệ cổ đông tham dự trong cuộc họp sắp tới, CII có thể yêu cầu các cổ đông nắm giữ nhiều cổ phiếu gửi trực tiếp giấy ủy quyền.
CII có cơ cấu cổ đông tương đối phân tán. Cổ đông lớn nhất của công ty là Công ty TNHH MTV Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) nắm giữ chưa đến 10% cổ phần. Các quỹ ngoại nắm giữ cổ phần CII với tỷ lệ dao động từ 1 - 4%, nhưng thường ít khi tham dự các cuộc họp ĐHĐCĐ.
Cổ đông “thờ ơ” với các cuộc họp
Năm nay, tình trạng doanh nghiệp tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, ĐHĐCĐ bất thường không thành công liên tục xảy ra với các doanh nghiệp có tỷ lệ cổ đông trôi nổi lớn, không riêng CII.
Hôm 30/6, CTCP Tập đoàn C.E.O (HNX: CEO) không thể tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên do số cổ đông tham dự và ủy quyền tham dự chỉ đại diện cho 35,42% tổng số cổ phần. Phải sau đó gần 1 tháng, doanh nghiệp mới đủ điều kiện tổ chức ĐHĐCĐ lần 2.
Với lý do tương tự, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của DIC Corp (HoSE: DIG) tổ chức vào ngày 28/6 cũng đã không thành công. Sau đó đến tháng 7, doanh nghiệp tổ chức đại hội lần 2 và đủ điều kiện tiến hành họp.
Phải đến lần tổ chức thứ 2, ĐHĐCĐ của DIC Corp mới đủ điều kiện tiến hành.
Một doanh nghiệp bất động sản khác đã 2 lần tổ chức bất thành ĐHĐCĐ 2023 là CTCP Đầu tư LDG (HoSE: LDG) đã thông qua việc gia hạn lần 3 để tổ chức Đại hội tới ngày 31/8/2023. Đại hội lần 1 được tổ chức chiều ngày 11/5 đã không thể tiến hành do chỉ có 22,5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự. Sau đó, chiều ngày 22/6, Đầu tư LDG đã tổ chức Đại hội lần thứ 2 nhưng cũng bất thành với lý do tương tự.
Hay ngày 26/8 mới đây, ĐHĐCĐ bất thường của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) cũng không diễn ra như kế hoạch vì không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự theo quy định. Tính đến 9h40 sáng 26/8, đại hội chỉ có sự tham dự của 458 cổ đông, đại diện cho 120,23 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 43,86% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Cuộc họp ĐHĐCĐ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
- Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành thì thông báo mời họp lần thứ hai phải được gửi trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất, nếu Điều lệ công ty không quy định khác. Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông lần thứ hai được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện từ 33% tổng số phiếu biểu quyết trở lên; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
- Trường hợp cuộc họp lần thứ hai không đủ điều kiện tiến hành thì thông báo mời họp lần thứ ba phải được gửi trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ hai, nếu Điều lệ công ty không quy định khác.
- Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông lần thứ ba được tiến hành không phụ thuộc vào tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp.