Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Nguyễn Hoàng An, Phó Chủ tịch HĐQT MSB cho biết: “Bản thân HĐQT cũng không rõ về phương án, kế hoạch sáp nhập MSB với một TCTD Việt Nam. Đây mới là ý tưởng, đang xin ý kiến cổ đông để thông qua”. Kết quả bỏ phiếu, cổ đông MSB đã không thông qua phương án sáp nhập.
Ngày 21/4, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023.
Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh cho biết tong năm 2023, MSB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.300 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022. Tổng tài sản dự kiến tăng 8% lên 230.000 tỷ; dư nợ tín dụng tăng 15%, đạt 141.700 tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 và trái phiếu huy động vốn tăng 10% đạt 142.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.
Kế hoạch 2023 được đặt ra trên cơ sở thận trọng, vừa duy trì tăng trưởng hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn vốn, giảm thiểu các rủi ro tín dụng, kiểm soát nợ xấu. Trong đó, ngân hàng cho biết sẽ đẩy mạnh tiến độ chiếm thị phần mảng khách hàng cá nhân của ngân hàng bán lẻ để mảng này trở thành động lực tăng trưởng chính của MSB.
Chưa có phương án sáp nhập chi tiết
HĐQT ngân hàng trình ĐHĐCĐ thông qua việc nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng là một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường ở Việt Nam với các tiêu chí về tổng tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường, có chất lượng tín dụng tốt.
Tờ trình ĐH của MSB cho biết mục đích của việc nhận sáp nhập nhằm tận dụng được hệ thống mạng lưới, nhân sự cũng như các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng nhận sáp nhập nhằm tăng quy mô hoạt động của MSB và triển khai thành công chiến lược số hoá ngân hàng.
HĐQT trình ĐHĐCĐ thông qua việc uỷ quyền cho HĐQT thực hiện toàn bộ công việc và nội dung liên quan đến việc triển khai và thực hiện nhập sáp nhập.
Đây là nội dung đáng chú ý nhất của MSB tại Đại hội. Tuy nhiên, trước câu hỏi chi tiết của cổ đông về ngân hàng và phương án sáp nhập, HĐQT MSB lại tỏ ra khá lúng túng.
Cụ thể, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, ngân hàng đã có kinh nghiệm sáp nhập một ngân hàng khác trước đó là MSB. Khi đưa ra phương án sáp nhập, Ban lãnh đạo ngân hàng có sự cân nhắc để khi sáp nhập hoạt động MSB sẽ không bị ảnh hưởng nhiều từ xử lý nợ hay kết quả kinh doanh của ngân hàng nhận sáp nhập. Đây là một phương án để cổ đông lựa chọn và sẽ còn nhiều vấn đề cần cân nhắc trước khi có phương án chính thức.
Làm rõ hơn câu trả lời của ông Linh, ông Nguyễn Hoàng An, Phó Chủ tịch HĐQT MSB cho biết, bản thân HĐQT ngân hàng MSB cũng chưa rõ về phương án sáp nhập nên mới đang xin ý kiến cổ đông. Việc có sáp nhập hay không còn dựa trên quyết định của ngân hàng nhà nước xem MSB có đủ khả năng để nhận sáp nhập một ngân hàng khác? Đây mới là tờ trình xin ý kiến, toàn quyền cổ đông sẽ quyết định xem có muốn sáp nhập hay không. Đây mới chỉ là phương án nhằm phù hợp vơi chủ trương giảm số lượng ngân hàng của ngân hàng nhà nước, chưa có kế hoạch nào chi tiết.
Kết quả đại hội, chỉ có hơn 56% thông qua phương án sáp nhập với một TCTD Việt Nam - không đạt tỷ lệ theo quy định là 65% nên phương án này không được thông qua.
Đề nghị chia cổ tức bằng tiền mặt 10%
Tại Đại hội MSB trình cổ đông phương án sẽ không chia cổ tức, cổ phiếu thưởng trong năm 2023. Trước đó ngân hàng đã thực hiện chi trả cổ tức và chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 30% trong hai năm 2021 và 2022.
HĐQT ngân hàng cho biết do tình hình thị trường cổ phiếu nhiều biến động, ảnh hưởng tiêu cực từ xu thế lãi suất, yêu cầu chú trọng quản trị rủi ro cao từ cơ quan quản lý, ngân hàng muốn giữ nguyên phần vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ như hiện tại để tạo nguồn vốn đệm vững chắc cho ngân hàng.
Khi tình hình thị trường diễn biến tích cực hơn, HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ phương án chia cổ tức/cổ phiếu thưởng phù hợp cho lợi nhuận tạo ra năm 2022. Hiện mức lợi nhuận còn lại, sau thuế và trích lập các quỹ trong năm 2022 là 3.922 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều cổ đông đưa mong muốn HĐQT xem xét chia cổ tức bằng tiền mặt 10% để giữ chân nhà đầu tư.
Cụ thể, theo cổ đông phân tích, với số lợi nhuận sau thuế ngân hàng khoảng 4.900 tỷ đồng, ngân hàng lại đang có vốn điều lệ lớn thì không có lý do gì để ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt 10%. Điều này giúp cổ vũ tinh thần cho nhà đầu tư trong bối cảnh giá cổ phiếu ngân hàng trên thị trường đang khá thấp.
Cổ đông cũng đề nghị, cần có phương án hoạt động hiệu quả hơn với MSB khi tỷ suất lợi nhuận/vốn điều lệ chỉ đạt 25%, trong khi các ngân hàng khác như ACB, MBB là 50%. Nếu không có chiến lược kinh doanh mang tính đột phá, rất khó thực hiện được các mục tiêu đề ra (năm 2022, 6/9 chỉ tiêu kinh doanh lớn của ngân hàng không đạt mục tiêu).
Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, ngân hàng đợi có thể hoàn thành thoái vốn FCCON, sau khi ghi nhận lợi nhuận sẽ chia cho các cổ đông.
Chia sẻ thêm về kết quả kinh doanh trong quý I/2023, Tổng giám đốc MSB cho biết, trong quý I, tổng tài sản của ngân hàng đạt 236.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2022; Tín dụng tăng 13,17%; Cho vay khách hàng đạt 136.800 tỷ đồng; Tiền gửi khách hàng đạt 126.000 tỷ đồng; TOI tăng 19%; Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.500 tỷ, tăng 2%; Lợi nhuận sau thuế đạt 1.200 tỷ đồng; CAR theo quy định là 11,5%; NIM đạt 5,1%.
Kết quả 89,43% cổ đông MSB tán thành phương án phân phối lợi nhuận năm 2022.