Cổ đông và ‘nỗi trăn trở’ về giá cổ phiếu: Người mong muốn thị giá xứng đáng với vị thế VN30, người ‘bồn chồn’ vì giá ‘thờ ơ’ với xu hướng ngành

Đối với nhiều cổ đông “xuống tiền” trên thị trường chứng khoán nói chung và lựa chọn đầu tư vào nhóm cổ phiếu “vua” nói riêng, bên cạnh những “món quà” về cổ tức được trả đều đặn hàng năm với tỷ lệ cao, diễn biến tích cực của thị giá cổ phiếu trên thị trường cũng là những “phần thưởng” lớn.

Trước mong muốn đó, vấn đề về thị giá cổ phiếu đã được cổ đông chất vấn ban lãnh đạo tại Đại hội cổ đông thường niên của một số ngân hàng.

Điển hình, tại Đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), một cổ đông đã đề nghị ban lãnh đạo cần có biện pháp để đưa thị giá cổ phiếu SHB lên trên 12.000 đồng/cp và phấn đấu lên mức 15.000 đồng/cp trong tương lai để “xứng đáng” với vị thế của một cổ phiếu nhóm VN30 (30 cổ phiếu vốn hoá lớn nhất sàn HoSE).

Đáp lại câu hỏi của cổ đông, Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển cho rằng việc giá cổ phiếu thấp hay cao là do thị trường, do "khẩu vị", do sự lựa chọn của các nhà đầu tư. Khi các nhà đầu tư trên thị trường quan tâm đến mã cổ phiếu nào thường sẽ nghiên cứu đánh giá các chỉ số tài chính, giá trị của danh mục vừa ngắn hạn vừa trung hạn vừa dài hạn có bền vững hay không? Nội tại "sức khỏe" của doanh nghiệp sẽ quyết định đến thị giá cổ phiếu.

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông SHB năm 2024 với gần 1.400 cổ đông tham dự (Ảnh: SHB)

Chủ tịch SHB khẳng định thanh khoản của SHB trên thị trường luôn thuộc nhóm dẫn đầu và thu hút nhiều sự chú ý của nhà đầu tư: "SHB là một mã cổ phiếu có giá trị giao dịch liên tục dẫn đầu thị trường. Thanh khoản như vậy cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư là rất lớn" - ông Đỗ Quang Hiển nói.

Diễn biến giá cổ phiếu SHB

Trên thị trường, kết thúc phiên giao dịch ngày 26/4, giá cổ phiếu SHB đóng cửa ở mức 11.450 đồng/cp, tăng 3,15% so với tham chiếu. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu SHB chỉ giao dịch xung quanh mức giá này.

Trong quý I/2024, lợi nhuận SHB đạt khoảng 4.017 tỷ đồng. Ban lãnh đạo cho biết, Ngân hàng sẽ duy trì các con số tích cực trong các quý tới để đảm bảo tính khả thi kế hoạch đề ra. Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt trước thuế 11.286 tỷ đồng, tăng 22% so với thực hiện 2023. Tổng tài sản dự kiến 701.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 40.658 tỷ đồng, tăng gần 12%; kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Ngân hàng cũng dự kiến chia cổ tức năm 2024 là 18%.

Hay tại ĐHCĐ của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), cổ đông trong phiên hỏi đáp đã chất vấn lý do tại sao nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng mạnh, nhưng cổ phiếu EIB lại giảm giá.

Trả lời cổ đông, Chủ tịch Eximbank Đỗ Hà Phương nhấn mạnh, đây là câu hỏi cả thị trường quan tâm. Bà cho biết, cuối 2023 đầu năm 2024, một số cổ phiếu ngân hàng tăng điểm tốt. Song song với đó, nhiều cổ phiếu ngân hàng không tăng hoặc giảm, EIB thuộc nhóm này. Nguyên nhân dẫn tới giá cổ phiếu tăng, giảm phụ thuộc vào cung cầu và tâm lý nhà đầu tư.

Đại hội đồng cổ đông Eximbank năm 2024 (Ảnh: X.N)

Thứ hai, chỉ số P/B của EIB nhỉnh hơn trung bình ngành ngân hàng, lần lượt là 1,37 và 1,26 lần. Đồng thời, Chủ tịch Eximbank cho biết, chỉ số tài chính của EIB tăng trưởng đồng đều, chỉ số an toàn hoạt động đạt đúng theo quy định pháp luật. Hiệu quả của Ngân hàng cũng đang dần cải thiện. Chỉ số NIM đã tăng 40 điểm cơ bản.

Bà Phương nhấn mạnh, nhưng yếu tố này sẽ có tác động tích cực tới giá cổ phiếu. 626 con người của Eximbank sẽ cam kết hết mình vì sự phát triển của Ngân hàng, hy vọng lúc đó giá cổ phiếu sẽ phản ánh hết giá trị của Eximbank.

Diễn biến giá cổ phiếu EIB

Theo dữ liệu từ FiinTrade, trong quý 1/2024, trước diễn biến nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh mẽ, thị giá cổ phiếu EIB lại “đi ngang”. Tuy vậy, cổ phiếu EIB đã tăng giá 4 phiên liên tiếp trong số 5 phiên gần đây. Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/4, cổ phiếu EIB đóng cửa ở giá tham chiếu 17.950 đồng/cp. Hơn 6,3 triệu cổ phiếu EIB được sang tay, tương đương giá trị giao dịch là hơn 113 tỷ đồng. Như vậy, cổ phiếu EIB giảm 63% về khối lượng trong ngày diễn ra ĐHCĐ.

Năm 2024, ban lãnh đạo Eximbank đưa ra kế hoạch kinh doanh đầy “tham vọng”. Theo đó, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.180 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 90% so với kết quả thực hiện 2023. Đến cuối năm 2024, tổng tài sản kỳ vọng đạt 223.500 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm.

Mục tiêu huy động vốn và dư nợ tín dụng đạt lần lượt 175.000 tỷ đồng và 161.000 tỷ đồng, tương ứng với tăng trưởng 10,5% và 14,6%. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở dưới mức 1,8%.

Minh Nguyệt

https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/co-dong-va-noi-tran-tro-ve-gia-co-phieu-nguoi-mong-muon-thi-gia-xung-dang-voi-vi-the-vn30-nguoi-bon-chon-vi-gia-tho-o-voi-xu-huong-nganh-233110.html