GS. Lê Trọng Thụy, Trưởng khoa Kỹ thuật điện (Đại học San Jose State, Hoa Kỳ), người đang thực hiện kết nối doanh nghiệp Hoa Kỳ với TP.HCM để đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn cho rằng, với sự tích cực của Thành phố, việc đào tạo nhân lực bài bản, khả năng doanh nghiệp Hoa Kỳ chọn TP.HCM là điểm đến đầu tư sẽ khá cao.
GS. Lê Trọng Thụy, Trưởng khoa Kỹ thuật điện (Đại học San Jose State, Hoa Kỳ)
TP.HCM đã thay đổi chính sách thu hút đầu tư , trong đó ưu tiên thu hút các ngành công nghệ cao, đặc biệt là ngành vi mạch bán dẫn. Ông đánh giá thế nào về sự chuyển hướng này của Thành phố?
Theo tôi, đây là một quyết định đúng đắn và đúng thời điểm. Trong thập niên vừa qua và trong tương lai, nền kinh tế của một quốc gia lệ thuộc phần lớn vào công nghệ cao.
Hãy nhìn vào các nhà đại tỷ phú ngày nay, đa số thành công của họ liên quan đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần chú ý đến những công nghệ không thuộc về công nghệ cao, nhưng là cơ bản, cần thiết để hỗ trợ ngành công nghệ cao.
Nhiều nhà đầu tư đánh giá, TP.HCM có tiềm năng rất lớn để phát triển và thu hút đầu tư vào ngành vi mạch. Ông có nhận định như vậy?
Khi so sánh với các tỉnh, thành phố khác tại Việt Nam, tôi cũng có nhận định như vậy, bởi sự phát triển và đầu tư vào ngành vi mạch cần có các yếu tố chính như đội ngũ nhân lực với khả năng chuyên môn cao, tinh thần kỷ luật cao, kết cấu hạ tầng, giao thông, môi trường tốt...
Chúng ta nên hiểu rõ, ngành vi mạch mà Hoa Kỳ và các nước châu Âu đang đẩy mạnh là lĩnh vực sản xuất, chứ không hẳn chỉ là thiết kế hay lập trình.
Không phải chỉ TP.HCM được đánh giá là có tiềm năng lớn để phát triển và thu hút đầu tư vào ngành vi mạch, mà nhiều thành phố khác ở trong nước và ở các quốc gia khác cũng có tiềm năng.
Do Việt Nam chưa trực tiếp làm trong lĩnh vực sản xuất vi mạch, nên đa số trường đại học tại Việt Nam chưa thực sự nắm rõ khả năng chuyên môn mà đội ngũ chuyên viên trong lĩnh vực này cần đến, để có thể đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài trong sản xuất vi mạch. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, chính quyền TP.HCM nên làm việc cùng các trường đại học, các doanh nghiệp trong ngành vi mạch, cả trong và ngoài nước, để tìm hiểu và đưa tiềm năng của Thành phố thành hiện thực.
Ông nghĩ sao khi nhiều doanh nghiệp công nghệ cao của Hoa Kỳ nói rằng sẽ đầu tư vào Việt Nam như mong muốn của lãnh đạo hai nước trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden vào năm ngoái?
Đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Hoa Kỳ, mong muốn của lãnh đạo có nghĩa là lãnh đạo sẽ làm những việc cụ thể gì để giúp doanh nghiệp của họ phát triển khi đầu tư ra nước ngoài. Vì vậy, việc đầu tư vào Việt Nam sẽ tùy thuộc vào hành động của lãnh đạo hai nước.
Chính phủ Hoa Kỳ đã đưa ra những chương trình trợ giúp về tài chính, không phải chỉ riêng cho công nghệ sản xuất chip, mà toàn bộ dây chuyền để hỗ trợ công nghệ này, bao gồm cả các chương trình đào tạo và nghiên cứu. Vậy yếu tố còn lại là phía Chính phủ Việt Nam sẽ làm gì để doanh nghiệp Hoa Kỳ nhận thấy họ được trợ giúp để hướng tới thành công, từ đó họ mới quyết định đầu tư.
Qua tiếp xúc với doanh nghiệp Hoa Kỳ, họ mong muốn điều gì khi đầu tư vào ngành bán dẫn tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, thưa ông?
Về mong muốn của doanh nghiệp Hoa Kỳ khi đầu tư vào Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã có nhiều khảo sát, nhưng đó chỉ là những dữ kiện chung chung và đa số khảo sát dựa vào các công ty lớn đã hoặc đang hoạt động ở Việt Nam.
Hiện nay, khả năng cung cấp được nguồn nhân lực đúng tiêu chuẩn vẫn luôn là điều lo lắng của các công ty Hoa Kỳ khi đầu tư vào Việt Nam.
Ngoài các vấn đề chung mà doanh nghiệp mong muốn như chất lượng nguồn nhân lực, các ưu đãi về thuế…, tôi cho rằng, lãnh đạo TP.HCM phải gặp trực tiếp doanh nghiệp.
Được biết, ông đang kết nối các doanh nghiệp Hoa Kỳ đến TP.HCM để tìm hiểu cơ hội đầu tư vào ngành vi mạch, bán dẫn. Ông kỳ vọng gì vào các cuộc khảo sát sắp tới của doanh nghiệp Hoa Kỳ tại TP.HCM?
Tôi hy vọng, các doanh nghiệp tầm nhỏ hay tầm trung ở Hoa Kỳ sẽ tìm thấy cơ hội để hợp tác với các doanh nghiệp trong nước và cùng lớn mạnh ở Việt Nam.
Theo tôi, một doanh nghiệp lớn lên từ Việt Nam sẽ góp phần khá lớn vào nền kinh tế và công nghệ cao của Việt Nam.
Vậy khả năng doanh nghiệp Hoa Kỳ chọn TP.HCM làm điểm đến đầu tư ngành vi mạch bán dẫn sẽ rất cao, thưa ông?
Việc doanh nghiệp Hoa Kỳ có chọn TP.HCM làm điểm đến đầu tư ngành vi mạch bán dẫn hay không thì rất khó để có câu trả lời chính xác ở thời điểm này.
Tuy nhiên, với tiềm năng hiện có, tôi cho rằng, nếu TP.HCM và các doanh nghiệp Hoa Kỳ hiểu nhau hơn, cộng với sự tích cực của Thành phố, của người dân Việt Nam, cũng như sự đào tạo bài bản, chuyên nghiệp của các trường đại học để cung ứng được nguồn nhân lực, thì khả năng doanh nghiệp Hoa Kỳ chọn TP.HCM trở thành điểm đến đầu tư vào ngành vi mạch sẽ khá cao.