Loạt thương hiệu mới nổi đang gây được chú ý của thị trường như La La Land, Yoyo trong mảng nhà hàng hay gần đây là Nova Dreams Cafe - cửa hàng cà phê chủ đề với các mô hình khủng long mô phỏng theo tỷ lệ thật.
Khác với vẻ đìu hiu giai đoạn 2022-2023, 'căn cứ điểm' Nova Gallery một thời đang dần nhộn nhịp trở lại. Chỉ sau 6 tháng bán đi thương hiệu Nova F&B cho đối tác ngoại trong cơn khủng hoảng, NovaGroup đã xây lại "cơ ngơi mới" trong làng "ăn chơi nhậu nhẹt" của Tp.Hồ Chí Minh.
Loạt thương hiệu mới nổi đang gây được chú ý của thị trường như La La Land, Yoyo trong mảng nhà hàng hay gần đây là Nova Dreams Cafe - cửa hàng cà phê chủ đề đầu tiên do Công ty Giải trí NovaDreams kết hợp cùng Công ty ẩm thực Global X phát triển - với mô hình khủng long làm dậy sóng TikTok.
Mô hình này tương tự Nova Dreams Safari Cafe tại Phan Thiết. Theo đó, trong NovaDreams, Dino Cafe có diện tích 1.500m², khách tham quan được chiêm ngưỡng nhiều mô hình khủng long mô phỏng theo tỷ lệ thật, có thể cử động và phát ra âm thanh.
Global X 'thế chỗ' Nova F&B
Điểm lại sự vụ, giữa năm 2023, NovaGroup chính thức bán đi thương hiệu Nova F&B cho một nhà đầu tư nước ngoài. Nova F&B trước khi "bán mình" đã có bước phát triển thực sự mạnh mẽ.
Sau 3 năm phát triển, Nova F&B sở hữu 46 cửa hàng với 18 thương hiệu. NovaGroup đã rất đầu tư chọn lọc các thương hiệu lớn, phổ biến ở mỗi vùng ẩm thực khác nhau để đánh diện rộng, gồm JUMBO Seafood, Sushi Tei, Crystal Jade Palace (Singapore), Gloria Jean’s Coffees (Úc), Pizza Maru (Hàn Quốc), Mango Tree (Thái Lan), Yakiniku BBQ (Nhật Bản)…
Cũng "rất nhanh rất nguy hiểm" như cách công ty mẹ làm bất động sản, các thương hiệu Nova F&B lần lượt xuất hiện tại các vị trí vàng, nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn với người tiêu dùng. Đơn cử, từng có quán Saigon Casa Café tại góc Nam Kỳ Khởi Nghĩa giao với Lý Chính Thắng hay hệ thống Saigon Casa Café – Phin Deli Café tại khu vực hồ Con Rùa (quận 1) rất hút khách, tuy nhiên sau sự cố lần lượt đóng cửa.
Những tưởng NovaGroup chấp nhận từ bỏ "cuộc chơi" F&B, song một cái tên khác đã được bổ sung vào hệ sinh thái hoạt động trong lĩnh vực F&B, đó là Global X - CTCP Trải nghiệm toàn cầu.
Trong tài liệu giới thiệu về Tập đoàn Novaland công bố hồi tháng 10/2023, Global X được giới thiệu là một mảnh ghép trong hệ sinh thái BĐS - Dịch vụ vui chơi giải trí - ẩm thực - Nghỉ dưỡng lưu trú - Du lịch thể thao.
Ảnh: Yo Yo tại 2bis Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, Tp.HCM.
Những chuyển động liên tục của Global X
Global X có tên ban đầu là CTCP ẩm thực Tokyo Sushi do bà Nguyễn Như Xuân Trang (Tổng Giám đốc của Nova Service) là người đại diện pháp luật.
Sau đó, Công ty đổi tên thành CTCP Ẩm thực châu Á và hiện tại là CTCP Trải nghiệm toàn cầu với người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Thảo Quân, Phó Tổng Giám đốc của Nova Service, đồng thời được giới thiệu là một trong những người có công trong sự thành công của hệ thống CityGym.
Vào ngày 4/12/2023, Công ty vừa tăng vốn điều lệ từ 1 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng.
GlobalX tiếp tục có chuyển động mới. Tháng 4/2024, Công ty thay đổi người đại diện sang ông Nguyễn Quốc Hiệu (SN 1990). Ông Hiệu đồng thời cũng là đại diện của đơn vị chủ quản chuỗi City Gym.
Theo giới thiệu, Global X hoạt động với 3 mảng chính: Nhà hàng và Café, Beer Garden và Nightlife.
Chỉ 2 tháng sau khi thành lập, Global X nhanh chóng "trình làng" các tên tuổi mới như Yoyo, Lalaland, Coco Thai, Dragon Hotpot…
Vị trí số 2Bis Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, Tp.HCM cũng đã "thay áo", đổi biển tên sang Nova Dreams Cafe cùng loạt thương hiệu của hệ thống mới.
Vẫn cách làm cũ, trong thời gian cực ngắn, Global X phát triển rất nhanh đến hơn 10 thương hiệu với hàng chục chi nhánh (chủ yếu là các mặt bằng cũ của Nova F&B). Trong đó, Global X có vẻ đang thiên về mảng Beer Garden và Nightlife. Đây được biết đến là "sân chơi" cực kỳ sôi động nhưng đã có người dẫn đầu – Golden Gate.
Thị trường F&B là một trong những thị trường vẫn chứng kiến sự tăng trưởng bất chấp kinh tế suy thoái. Golden Gate cũng lên kế hoạch đầy tự tin trong năm 2024. Thậm chí, CEO Golden Gate còn khẳng định năm 2024 thời điểm tốt để đầu tư dịch vụ ẩm thực và đồ uống.
Theo báo cáo của Ipos (Công ty nghiên cứu giải pháp quản lý bán hàng trong ngành F&B), hoạt động kinh doanh chuỗi nhà hàng mới chiếm khoảng 5% trong tổng thị phần toàn ngành. Do đó, dư địa phát triển chắc chắn còn rất lớn. Hơn nữa, Việt Nam là một đất nước đang phát triển với quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, điều này mở ra nhiều cơ hội cho hoạt động kinh doanh chuỗi bán lẻ (bao gồm cả nhà hàng). Tình hình hiện tại chỉ là khó khăn tạm thời.
Với phân tích đó, Ipos đánh giá thực tế đang có cơ hội để mở rộng đối với lĩnh vực kinh doanh theo chuỗi và tôi cũng cho rằng xu hướng này vẫn đang tiếp tục. Thị trường khó khăn chung và doanh nghiệp nào "khỏe" sẽ nắm được cơ hội trong đó.
Tri Túc
An ninh Tiền tệ