Tâm lý làm giàu nhanh và quá dễ dàng
Một số người đang đặt kỳ vọng rằng giá cổ phiếu CEO là 200.000, thậm chí 500.000/cổ phiếu, còn giá của DIG là 1 triệu đồng/cổ phiếu. Trong khi người khác thì liệt kê các dự án để minh chứng rằng doanh nghiệp “đầy đất” trong dự án, hoặc “đếm tiền không xuể”, …
Nếu nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam, năm 2021 có mức tăng trưởng rất cao tính theo Vnindex, tới 136% (1) so với năm 2020, chỉ sau năm 2017, có mức tăng trưởng 145% so với năm 2016 (2):
Tương tự, nhiều loại cổ phiếu đã tăng bằng lần chỉ trong một năm dẫn đến tài khoản của nhà đầu tư có thể cũng tăng bằng lần. Từ đó đã dẫn đến tâm lý làm giàu trên thị trường chứng khoán nhanh và quá dễ dàng. Thậm chí có những câu chuyện vui về việc một nhà đầu tư vừa bước chân vào thị trường chứng khoán đã mơ về những chiếc xe Mẹc, Lexus hay biệt thự đắt tiền.
Như đã từng đề cập ở bài viết trước trên diễn đàn này (nhưng có bài bị xoá), bất động sản là lĩnh vực dễ thổi giá nhất. Bởi vì giá bất động sản tăng rất nóng trong thời gian qua. Hơn thế, người ta rất dễ dàng tạo ra ảo giác cho nhà đầu tư, rằng dự án lớn thì lợi nhuận sẽ tăng đột biến trong tương lai dẫn đến giá cổ phiếu tăng vọt.
Từ đỉnh lịch sử trượt xuống đáy biển
Đó là tiêu đề bài báo trên trang Vnexpress (3) khi nhìn nhận về thị trường chứng khoán năm 2018. Chỉ số Vnindex giảm 9,8%. Mặc dù các chỉ số phát triển kinh tế của Việt Nam khá ấn tượng, nhưng thị trường bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc.
Liệu lịch sử năm 2018 có lặp lại khi cuộc chiến tranh Nga-Ucraina vẫn tiềm ẩn những yếu tố bất thường?
Dự án bất động sản và những chiếc bánh vẽ thơm phức?
Như đã đề cập, một đại dự án bất động sản sẽ khiến người ta dễ hình dung ra “đống tiền”, lợi nhuận tương lai sẽ tăng vọt khiến giá cổ phiếu tiếp tục tăng bằng lần?
Những lời giới thiệu mỹ miều về xe Mẹc, Lexus, biệt thự sang trọng từ đầu tư cổ đất càng khiến nhà đầu tư hưng phấn và sẵn sàng đặt giá mua cao. Đó là thành công của lái thổi giá cổ đất!!!
Để nhà đầu tư mặc sức … tưởng bở
Có một đặc điểm mà các bài viết giới thiệu về dự án bất động sản của một công ty nào đó là họ không đưa ra lợi nhuận kỳ vọng của công ty đó. Chính xác hơn là họ không có khả năng. Nói cách khác, họ để nhà đầu tư mặc sức … tưởng bở!!! Họ không tính đến chính sách thiết chặt tín dụng đối với bất động sản khiến cho kỳ vọng lợi nhuận càng chỉ nên đặt ở mức nào đó chứ không thể tăng bằng lần.
Thậm chí, nhiều bài viết giới thiệu về dự án Phú Quốc của CEO cứ hiển nhiên xem đó như toàn bộ là biệt thự và chung cư để bán. Họ không biết hoặc cố tình lờ đi một phần lớn diện tích dự án là thuộc bất động sản du lịch, cần thời gian dài để thu hồi vốn và có lãi, thậm chí đang lỗ nặng những năm qua cũng như thời gian tới do dịch Covid.
Bay cao hay rơi xuống đáy?
Khi đầu tư nói chung và đầu tư chứng khoán nói riêng, không ít nhà đầu tư thường mắc sai lầm “chết người”. Chúng ta thường mơ về tài khoản tăng bằng lần, nhưng không đặt ra trường hợp cháy tài khoản và hậu quả của nó.
Giá có thể tăng bằng lần, nhưng nếu giảm và cháy tài khoản thì sao?
Nhìn về quá khứ và với diễn biến thế giới như hiện nay, không có điều gì là không thể?
Dường như cổ phiếu bất động sản là nhóm hiếm mà giá đỉnh ở đầu tháng 12/2021 còn xa mới phục hồi. Đó là chưa kể chúng liệu có đang ở giai đoạn thị trường gấu? Trong khi chiến tranh và lệnh trừng phạt chứa các yếu tố bất thường khiến thị trường có thể đi xuống giống như năm 2018 là hoàn toàn có thể. Thị trường chứng khoán đã đi xuống theo thị trường Mỹ và thế giới nói chung.
Trong khi đó, chỉ số DOW, S&P 500, NASDAD ngày hôm qua đã ghi nhận mức giảm kỷ lục của quý trong hai năm gần đây (4).
Không ai có thể chắc chắn giá sẽ tăng hay giảm. Nhưng nếu có tăng, mức kỳ vọng của nhà đầu tư cũng nên vừa phải? Hoặc nếu chúng ta kỳ vọng bay cao, thì có lẽ cũng nên sẵn sàng cho tình huống rơi xuống đáy?
Cuối cùng, nhiều ý kiến cho rằng giá cổ phiếu bất động sản quá cao dựa trên PE. Trong khi các ý kiến khác thì phản biện rằng cổ phiếu bất động sản không thể dựa vào PE.
PE là chỉ số đo lường và so sánh về giá cổ phiếu, nó được sử dụng phổ biến trên thế giới, cả ở Mỹ và Châu Âu. Chấp nhận ý kiến nào trong hai ý kiến trên là tuỳ vào nhà đầu tư. Nhưng trước khi chấp nhận ý kiến nào, chúng ta nên đặt câu hỏi: Nếu được lựa chọn học ở Mỹ, Châu Âu hay Việt Nam, lựa chọn của bạn là gì? Bạn sẽ trả lời được câu hỏi: Chọn ý kiến chuyên gia Mỹ, Châu Âu hay Việt Nam.
Ngoài ra, có một điều khá hài hước: Trong khi một số “chuyên gia” Việt Nam lập luận không thể dùng PE giống như Mỹ hay Châu Âu, họ vẫn lấy dẫn chứng từ chuyên gia nước ngoài để lập luận cho một quan điểm khác.
(1) Chứng khoán tăng gần 395 điểm chỉ trong năm 2021 - Tuổi Trẻ Online
(2) Thị trường chứng khoán 2017: Một năm “tràn ngập” kỷ lục | Thời báo Tài chính Việt Nam
(3) Chứng khoán 2018: Từ đỉnh lịch sử trượt sâu xuống đáy: Biến động lớn nhất 10 năm qua - VietNamNet