Trước khi có vài phiên hồi phục trong tuần qua, nhóm cổ phiếu chứng khoán có diễn biến kém tích cực khi thị giá hầu hết các cổ phiếu nhóm này sụt giảm khoảng 20 - 30% từ đỉnh. Mức P/B toàn ngành chứng khoán đang về vùng đáy của năm 2023, mở ra cơ hội đón đầu sóng phục hồi ở quý cuối năm cho nhà đầu tư.
So với năm 2023, cấu trúc lợi nhuận của ngành chứng khoán có chuyển biến tích cực hơn nhiều trong 6 tháng đầu năm 2024. Hoạt động chênh lệch giá tài sản tài chính đang giảm dần tỷ trọng đóng góp. Thay vào đó, tăng trưởng quy mô tài sản đang là yếu tố đóng vai trò quyết định với tăng trưởng lợi nhuận hàng quý.
Thống kê của FiinTrade từ báo cáo tài chính quý II/2024 của 62 công ty chứng khoán (đại diện 99% quy mô vốn chủ sở hữu của toàn ngành) cho thấy, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) đạt gần 218.900 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2024, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 11,5% so với cuối quý I/2024. Trong đó, 6 công ty chứng khoán, bao gồm TCBS, SSI, HSC, Mirae Asset Việt Nam, VPS, VNDIRECT đang có dư nợ cho vay margin lớn hơn 10.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, “cuộc chiến” giảm phí giao dịch dường như đã đến hồi kết, mức doanh thu môi giới hiện nay đã vượt xa mức chi phí cố định nên biên gộp mảng môi giới toàn ngành đang cải thiện. Mức định giá P/B của các cổ phiếu chứng khoán đang nằm trong khoảng trung bình 10 năm cộng 1 độ lệch chuẩn - mức hấp dẫn với những phân tích ở trên. Cụ thể, P/B ngành này đang ở mức 1,5 - 1,8 lần, trong khi mức P/B ở giai đoạn đỉnh của nhóm cổ phiếu chứng khoán có thể đạt tới 3,7 lần. Trước khi có vài phiên hồi phục trong tuần qua, nhóm cổ phiếu chứng khoán có diễn biến kém tích cực khi hầu hết các cổ phiếu trong nhóm này đều sụt giảm khoảng 20 - 30% từ đỉnh và đây là mức giảm lớn hơn nhiều so với mức giảm chung của toàn thị trường. Điều này được lý giải bởi thị trường chứng khoán kém tích cực và thanh khoản bình quân trong quý II/2024 đã sụt giảm khoảng 20% so với quý trước đó và cổ phiếu chứng khoán luôn là nhóm nhạy cảm nhất với xu hướng thị trường.