Cổ phiếu đáng chú ý ngày 3/7: HPG, DHC, GMD

, ,

Chứng khoán Yuanta: Khuyến nghị mua HPG

Yuanta khuyến nghị mua cổ phiếu CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), giá mục tiêu 31.121 đồng/cp theo luận điểm đầu tư:

Giai đoạn khó khăn nhất đối với ngành thép và HPG đã đi qua. Công ty đang chuyển sang sản xuất thép chất lượng cao, trong quý I/2024 sản lượng thép HRC tăng lên 805.000 tấn (+67% svck), tỷ trọng thép HRC trong tổng sản lượng tăng lên mức 40%, cho thấy HPG đang chuyển dần lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị ngành thép.

Năm 2024, HPG đặt mục tiêu doanh thu là 140.000 tỷ đồng (+18% svck), lợi nhuận sau thuế là 10.000 tỷ đồng (+46% svck). Yuanta dự phóng kết quả kinh doanh năm 2024 cũng tương đương với kế hoạch này và quan điểm của nhóm phân tích là kịch bản này sẽ khá sát thực tế.

Câu chuyện vụ kiện chống bán phá đối với thép HRC Trung Quốc, nếu được Bộ Công thương chấp nhận sẽ tác động tích cực lên giá bán HRC trong nước và sẽ tác động tích cực với giá cổ phiếu.

Định giá cổ phiếu: P/E dự phóng lần lượt là 18,7x và mức P/B dự phóng 1,8 lần để chờ đợi triển vọng của Dung Quất 2 bắt đầu vận hành vào đầu năm 2025.

Chứng khoán Mirae Asset (MAS): Khuyến nghị mua DHC

Có vị thế vị thế là nhà sản xuất giấy công nghiệp lớn thứ 4 cả nước với khoảng 5,3% thị phần, CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC) được đánh giá là doanh nghiệp sản xuất có mức chi phí cạnh tranh hàng đầu trên thị trường.

Quý I/2024 kết quả chưa cải thiện nhưng đã có dấu hiệu tích cực từ thị trường. Cụ thể, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lần lượt đạt 811 tỷ đồng (-4,3% svck) và 56 tỷ đồng (-35% svck). Nguyên nhân suy giảm được ban lãnh đạo chia sẻ với 2 lý do chính là: (1) chi phí đầu vào tăng 10,3% nhưng giá bán tăng chậm hơn với chỉ 3,5%; (2) công ty phải dừng nhà máy GL1 trong 4 ngày và GL2 trong 2 ngày.

Tuy nhiên, MAS nhận thấy nhiều dấu hiệu khả quan đã xuất hiện khi giá giấy công nghiệp đã có mức tăng 15% trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 5. Hoạt động xuất khẩu đang trên đà hồi phục với các số liệu tăng trưởng dần đều của ngành thủy sản trong tháng 4 và 5. Nhu cầu tiêu thụ giấy công nghiệp hồi phục.

Triển vọng từ việc hạn chế sử dụng bao bì nhựa, túi nilong. Việc hạn chế rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon và gia tăng khuyến khích sử dụng bao bì giấy thay thế đang có dấu hiệu phát triển sâu rộng và mạnh tại Việt Nam. Dòng sản phẩm Testliner của DHC được dung thay thế bao bì nhựa. Công ty cũng lên kế hoạch đầu tư nhà máy Giao Long 3 tập trung vào dòng sản phẩm Kraftliner để nắm bắt xu hướng trên.

Năm 2024 DHC đưa kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 300 tỷ đồng, với giả định công ty sẽ hoàn thành kế hoạch năm, EPS công ty sẽ ở mức 3.727 đồng/cp, cùng với triển vọng hồi phục của ngành , DHC có có thể hướng đến mức P/E mục tiêu 13,8 lần, theo đó giá mục tiêu tương ứng là 47.300 đồng/cp.

Nhóm phân tích nhận thấy vùng giá hiện tại nhà đầu tư có thể cân nhắc tích lũy do: (1) mức cổ tức 2.000 đồng/cp có suất sinh lợi 5%/năm; (2) sản lương ổn định trong giai đoạn thị trường dư cung là điểm mà MAS kỳ vọng DHC sẽ thuộc nhóm doanh nghiệp hồi phục trước tiên khi ngành hồi phục.

MAS phân tích chỉ tiêu tài chính DHC

Chứng khoán FPT (FPTS): Khuyến nghị theo dõi GMD

FPTS khuyến nghị theo dõi cổ phiếu CTCP Gemadept (GMD), giá mục tiêu 78.100 đồng/cp theo luận điểm đầu tư:

Kỳ vọng sản lượng năm 2024 hồi phục nhờ nhu cầu tiêu dùng tại các nước đối tác thương mại của Việt Nam cải thiện, đạt hơn 3,7 triệu TEU, tăng mạnh +23,6% so với mức nền rất thấp năm 2023.

Sản lượng nhóm cảng Bình Dương và Phước Long ICD kỳ vọng đạt 1,1 triệu TEU (+20% svck).

Sản lượng Gemalink ước đạt 1,4 triệu TEU (+40% svck) nhờ nhu cầu từ thị trường Mỹ và EU cải thiện mạnh.

Sản lượng nhóm cảng miền Bắc ước đạt 1,18 triệu TEU (+11% svck) nhờ nhu cầu từ thị trường nội Á, đặc biệt là Trung Quốc hồi phục.

FPTS kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2024 của GMD đạt lần lượt 4.021 tỷ đồng (+4,6% svck) và 1.593 tỷ đồng (-37,1% svck) do không còn ghi nhận lợi nhuận bất thường từ việc bán cảng Nam Hải Đình Vũ. Nếu loại bỏ các khoản lợi nhuận bán cảng, lợi nhuận sau thuế năm 2024 ước tăng +24,8% svck.

Cảng nước sâu Gemalink là động lực tăng trưởng trong dài hạn nhờ (1) nhu cầu xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng bình quân 14,5%/năm giai đoạn năm 2023 – 2028 (theo Fitch Solutions), (2) nâng 40% công suất khi đưa giai đoạn 2A vào hoạt động năm 2026, (3) Thông tư 39/2023/TT–BGTVT giúp nâng 10% giá dịch vụ xếp dỡ. Lợi nhuận từ Gemalink ước tính sẽ chiếm 20,5% lợi nhuận trước thuế của GMD trong năm 2028, cải thiện từ mức 1,3% trong năm 2023, tương đương với tốc độ tăng trưởng bình quân 15,4%/năm giai đoạn năm 2024 – 2028.

Nguồn

7 Likes