Thị giá AAH đã tăng trần một mạch từ ngày 8/5 đến 15/5. Diễn biến tăng giá cùng thanh khoản bùng nổ ghi nhận sau chuỗi trượt dài trước đó.
CTCP Hợp Nhất (Mã: AAH) đã gấp đôi thị giá từ 8/5 đến 15/5, với toàn bộ là 6 phiên trần. AAH kết phiên 15/5 tại 7.000 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa thị trường 825 tỷ đồng.
Khối lượng giao dịch bình quân 6 phiên qua của AAH đạt 7,6 triệu cp, gấp 3 lần so với bình quân năm, toàn bộ theo phương thức khớp lệnh. Đây cũng là mức thanh khoản cao nhất trong nhóm ngành khai thác than. Đơn cử, khối lượng giao dịch phiên cao nhất 12 tháng của TDN, NBC hay TC6 cũng chưa vượt 2 triệu cp.
Diễn biến tăng giá cùng thanh khoản bùng nổ ghi nhận sau chuỗi trượt dài trước đó.
117,9 triệu cổ phiếu AAH chỉ mới được đưa vào giao dịch tại UPCoM từ 11/1/2024, tức chưa đầy 4 tháng. Giá tham chiếu phiên đầu tiên là 9.900 đồng/cp.
Thị giá bứt tốc 4 phiên đạt đỉnh 20.800 đồng/cp vào 16/1. Sau đó, cổ phiếu này hạ nhiệt, không còn lực đỡ nào xuất hiện, và rơi dần về vùng 3.000 – 3.500 đồng/cp vào đầu tháng 5.
Nếu so với đỉnh từng đạt, thị giá hiện tại (7.000 đồng/cp kết phiên 15/5) đang thấp hơn 66%.
Tân binh ngành than với vốn điều lệ trên nghìn tỷ
Tân binh ngành than được thành lập năm 2007 với mức vốn điều lệ 15 tỷ đồng. Sau nhiều đợt tăng vốn, vốn điều lệ hiện đạt 1.179 tỷ đồng (gấp gần 79 lần so với ban đầu).
Điều khác biệt so với các doanh nghiệp cùng ngành trên sàn chứng khoán, Hợp Nhất là đơn vị thuộc sở hữu tư nhân, tức không phải do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) quản lý.
Doanh nghiệp đang sở hữu, khai thác ba mỏ than, đều nằm tại mỏ than Nước Vàng, tỉnh Bắc Giang, với sản lượng hàng năm đạt khoảng 180.000 tấn than thương phẩm, trữ lượng than địa chất được cấp phép đạt hơn 4,17 triệu tấn. Công ty cho biết chỉ có sản phẩm duy nhất là than. Việc sản xuất than theo từng chủng loại sản phẩm được thực hiện dựa trên nhu cầu sử dụng than của khách hàng.
Về cơ cấu cổ đông, tính đến cuối năm 2023, Hợp Nhất có cổ đông lớn duy nhất là ông Đặng Quốc Lịch, Chủ tịch Hội đồng quản trị sở hữu hơn 35,1 triệu cp, tương ứng với 29,8% vốn. Cùng với đó, em trai ông Lịch là ông Đặng Quốc Chính sở hữu hơn 3,5 triệu cp, tỷ lệ 3% vốn. Một cổ đông khác là ông Phạm Hữu Bão, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, sở hữu gần 4 triệu cp, tương ứng với 3,4% vốn.
Ông Đặng Quốc Lịch, Chủ tịch Hội đồng quản trị phát biểu tại cuộc họp cổ đông thường niên 2024. (Ảnh: CTCP Hợp Nhất).
Kế hoạch doanh thu kỷ lục 1.100 tỷ đồng
Theo công bố báo cáo tài chính của Hợp Nhất, công ty đã lỗ liên tiếp 3 năm 2019, 2020, 2021, với con số lần lượt 23 tỷ đồng, 53 tỷ đồng và 17 tỷ đồng.
Đến 2022, lãi sau thuế bất ngờ đạt 101 tỷ đồng nhờ cải thiện biên lãi gộp. Qua 2023, số lãi thu hẹp về dưới 12 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu giảm sâu.
Năm 2024, công ty đặt kế hoạch doanh thu 1.100 tỷ đồng, gấp 4,7 lần thực hiện 2023, đồng thời là mức cao nhất trong 5 năm. Lãi trước thuế dự kiến 55 tỷ đồng, gấp 3.6 lần năm trước. Sản lượng sản xuất than dự kiến 180.000 tấn, than sản xuất từ mỏ 260.000 tấn và than thương mại 350.000 tấn.
Để hoàn thành mục tiêu, AAH cho biết, sẽ tập trung vốn đầu tư xây lắp công trình phục vụ sản xuất than. Cụ thể, công ty sẽ xây dựng các đường lò chuẩn bị khai thác than và các hạng mục phục vụ phụ trợ; triển khai kế hoạch đầu tư điều chỉnh dự án khai thác hầm lò khu IV mỏ than Nước Vàng, thi công hạng mục xây dựng mặt bằng sân công nghiệp với tổng dự toán khoảng 200 tỷ đồng…
Hợp Nhất muốn triển khai đầu tư một số hạng mục gồm: đề án thăm dò nâng cấp trữ lượng đến đáy tầng than mỏ than Nước Vàng (100 tỷ đồng); hệ thống vận tải liên tục trong lò (200 tỷ đồng); nâng cấp thiết bị điện trong lò và ngoài mặt bằng.
Về triển vọng ngành than, ban lãnh đạo nhận định đến năm 2030, nhu cầu than của Việt Nam được dự báo tương đương khoảng 80,4 triệu TOE (tấn dầu tiêu chuẩn), bình quân đầu người khoảng 0,77 TOE/người. Nhu cầu đầu tư, hiện đại hóa trong ngành than rất lớn để bảo đảm sản lượng tiêu thụ than tăng.
Trong quý đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần gần 105 tỷ đồng, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước. Lãi trước thuế gần 3 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ gần 6 tỷ đồng. Kết quả này đã thực hiện 10% chỉ tiêu doanh thu và 5% chỉ tiêu lãi trước thuế cả năm.
Lãi sau thuế quý I chưa đến 0,8 tỷ đồng. Lãi sau thuế lũy kế đến 31/3 ghi nhận chỉ 1 tỷ đồng.
Theo giải trình kết quả quý I, công ty cho biết trong kỳ nhu cầu các nguyên vật liệu đầu vào đều thấp do ảnh hưởng khó khăn chung của nên kinh tế trong cũng như ngoài nước. Sản lượng khai thác của Hợp Nhất ghi nhận thấp, khai thác dưới công suất hoạt động dẫn đến lợi nhuận gộp thấp (dưới 17 tỷ đồng).