Sản lượng hành khách trong lĩnh vực hàng không tiếp tục cải thiện với động lực chính từ quốc tế. Cùng với tăng giá vé máy bay, các hãng hàng không đã ghi nhận có lãi trở lại hoặc tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Lĩnh vực hàng không tiếp tục ghi nhận khởi sắc trong quý đầu năm. Nguồn: ACV
Tiếp nối đà phục hồi 2023, lĩnh vực hàng không đón nhận diễn biến tích cực trong quý đầu năm đến từ quốc tế. Theo số liệu từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã: ACV), sản lượng hành khách quý I đạt gần 28 triệu lượt, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hành khách quốc tế đạt gần 10,5 triệu lượt khác, tăng 47,2% so với cùng kỳ; khách quốc nội đạt 17,5 triệu lượt, giảm 15%.
Sản lượng hạ cất cánh đạt 172.638 lượt/chuyến, giảm gần 4%; bao gồm cất hạ cánh quốc tế 64.417 lượt/chuyến, tăng 37%; cất hạ cánh quốc nội 108.211 lượt/chuyến, giảm 19% so với quý I/2023. Sản lượng hàng hóa, bưu kiện trong kỳ đạt 349.631 tấn, tăng 22,6% so với cùng kỳ 2023.
Diễn biến này giúp hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không khởi sắc, ngay cả các hãng hàng không vốn chịu ảnh hưởng thêm tác động của các yếu tố giá nguyên liệu.
Hãng hàng không non trẻ Vietravel Airlines công bố doanh thu quý I tăng 42% lên 491,2 tỷ đồng, lãi ròng 10 tỷ đồng – quý đầu tiên có lãi sau 3 năm vận hành. Hãng đặt mục tiêu tham vọng cho quý II với doanh thu lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.
Hãng hàng không giá rẻ - Vietjet Air (mã: VJC) báo cáo doanh thu tăng 38% và lợi nhuận ròng 536 tỷ đồng, gấp 3,1 lần quý I/2023. Vietjet cho biết đã khai thác 34.500 chuyến bay và vận chuyển 6,3 lượt khách trong quý. Nhờ chiến lược tập trung mở rộng đường bay quốc tế, vận tải hành khách quốc tế đã tăng hơn 53% về chuyến bay và tăng 61% về số lượng chuyến.
Trong quý, hãng đã mở mới 15 đường bay quốc tế và quốc nội, nâng tổng số đường bay lên 140. Vietjet khẳng định đã vượt qua khó khăn chung của ngành hàng không trong việc thiếu hụt tàu bay, duy trì đà phát triển của năm 2023, tiên phong mở mới nhiều đường bay quốc tế, tạo sức bật cho hoạt động khai thác trong cả năm 2024. Mục tiêu của hãng là khai thác 142.000 chuyến và vận chuyển 27,4 triệu lượt khách năm nay.
Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (mã: HVN) có quý đầu tiên báo lãi trở lại sau khi dịch covid-19 bùng phát với 4.334 tỷ đồng. Doanh thu tăng 19% lên 27.964 tỷ đồng, lợi nhuận gộp gấp đôi lên 4.085 tỷ đồng. Đồng thời, hãng có thêm khoản lợi nhuận khác đột biến 3.628 tỷ đồng đến từ thu nhập xóa nợ 3.030 tỷ đồng, tiền phạt 569 tỷ đồng.
Tổng công ty cho biết thị trường vận tải phục hồi mạnh, công ty mẹ đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa và hầu hết các đường bay quốc tế đã được khai thác (so với giai đoạn trước covid) và mở thêm các đường bay mới. Thêm vào đó, các công ty con kinh doanh có lãi so với cùng kỳ năm trước.
Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (mã: ACV) báo lãi kỷ lục 2.921 tỷ đồng quý đầu năm. Doanh thu thuần tăng 19% lên 5.644 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 62% lên 64%. Hoạt động tài chính khởi sắc với doanh thu tăng 15%lên 479 tỷ đồng, chi phí giảm 98% xuống 19 tỷ nhờ không còn ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá.
Loạt doanh nghiệp dịch vụ hậu cần hàng không cũng có kết quả khả quan quý đầu năm như Công ty Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (mã: SCS) lãi tăng 30% lên 147 tỷ đồng, Công ty Suất ăn hàng không Nội Bài (mã: NCS) tăng 44%, Công ty Dịch vụ hàng khlong sân vay Đà Nẵng (mã: MAS) gấp 9,5 lần…
Trước bối cảnh ngành thuận lợi, cổ phiếu ngành hàng không “cất cánh” trong quý đầu năm. Cổ phiếu ACV chạy một mạch từ 62.200 đồng/cp lên 100.000 đồng/cp, tăng 61% trong 4 tháng. Mã chứng khoán HVN từ tháng 3 bắt đầu bứt phá từ vùng 12.800 đồng/cp lên 20.800 đồng/cp, tăng 62,5%. VJC đi ngang thời gian dài nhưng từ cuối tháng 4 bất ngờ tăng vọt từ 103.500 đồng/cp lên 117.900 đồng/cp. SCS và NCS tăng trên 25%.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận xét nhóm cổ phiếu dịch vụ hàng không có diễn biến tích cực hơn hẳn sau thông tin tăng trần vé máy bay nội địa từ 1/3 theo Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT. Việc này tạo điều kiện cho các hãng hàng không có dư địa điều chỉnh giá vé trên các đường bay nội địa, bù đắp các chi phí đầu vào, đặc biệt là giá nhiên liệu.
Mặt khác, nhu cầu du lịch và vận chuyển hàng hóa tiếp tục phục hồi. Lượng khách du lịch nội địa đã tăng 9% quý đầu năm và kỳ vọng tiếp tục tăng mạnh trong quý II, III trước khi hạ nhiệt vào dịp cuối năm nhờ nhu cầu du lịch mùa hè. Trong khi đó, du lịch quốc tế đang phục hồi mạnh, đặc biệt là sau khi chính sách thị thực mới có hiệu lực từ tháng 9/2023. Chứng khoán Yuanta Việt Nam kỳ vọng khách Trung Quốc sẽ phục hồi về mức trước dịch vào cuối 2024. Lượng khách Trung Quốc tăng lên đáng kể và chiếm 19,2% trong 3 tháng đầu năm.
Giá vé máy bay còn tiếp tục tăng
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, giá vé trung bình trong 4 tháng đầu năm của các hãng hàng không đều tăng trên 2 chữ số so với cùng kỳ năm trước. Như chuyến bay Hà Nội – TP.HCM, giá vé trung bình Vietnam Airlines tăng 14%, Vietjet Air tăng 25%, Bamboo Airways tăng 11%, Vietravel Airlines tăng 15%; chuyến bay Hà Nội/TP.HCM đến Đà Nẵng, Vietnam Airlines tăng 17% - 26%, Vietjet tăng 32% - 38%, Bamboo Airways tăng 13% - 29%, Vietravel Airlines tăng 14% - 20%.
Cục Hàng không Việt Nam lý giải giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam tăng nằm trong xu hướng chung trên thế giới. Theo những nghiên cứu và đánh giá của Hiệp hội các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA), giá vé máy bay trên thế giới hiện nay và trong thời gian tới đây sẽ có xu hướng tăng cao hơn so với thời điểm trước. Có 4 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, tình trạng thiếu hụt tàu bay trên diện rộng xảy ra với các hãng hàng không trên thế giới sẽ tiếp diễn trong bối cảnh việc thuê, mua để bù đắp lượng thiếu hụt chưa thể thực hiện tức thì. Khởi nguồn cho việc thiếu hụt này là từ các vấn đề xảy ra với hai nhà sản xuất tàu bay hàng đầu trên thế giới là Airbus và Boeing; trong khi các tàu bay của Airbus đang đối mặt với vấn đề triệu hồi để sửa chữa động cơ trên các dòng máy bay chủ lực A320, A321 của nhiều hãng hàng không trên thế giới, thì Boeing đang gặp phải những vấn đề sự cố kỹ thuật trong khai thác các dòng máy bay thế hệ mới 737, dẫn đến việc chậm chễ bàn giao tàu bay cho các hãng hàng không.
Thứ hai, chi phí nhiên liệu tàu bay cùng các yêu cầu về chuyển đổi nhiên liệu, cắt giảm khí thải, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường ngày càng cao và khắt khe tạo áp lực lên chi phí quản lý, vận hành của các hãng hàng không và tiếp tục đặt áp lực này lên giá vé.
Thứ ba, nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không đã ổn định và dần tăng trở lại, các hãng hàng không trên thế giới dần chuyển dịch chính sách giá vé từ việc chấp nhận thua lỗ để thu hút, khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ với nhiều mức giá rẻ sang việc bảo đảm, cân đối tài chính và tạo nguồn cho sự tăng trưởng, phát triển trở lại với các mức giá dần cao hơn, đủ bù đắp chi phí vận hành.
Thứ tư, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ trong ngành hàng không chưa được cải thiện do việc chuyển dịch lao động sang các khu vực khác xảy ra từ thời điểm hoạt động hàng không bị tạm ngưng, gián đoạn thời Covid-19.
Ngoài các nguyên nhân chính trên, việc giá vé máy bay được dự báo giữ xu hướng tăng lên còn xuất phát từ các vấn đề có tính chất toàn cầu hiện nay, như các áp lực do tăng tỷ giá đồng USD so với đồng nội tệ tại nhiều quốc gia trên thế giới ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không; xung đột vũ trang tại một số quốc gia và khu vực làm ảnh hưởng đên chuỗi cung ứng sản phẩm, vật tư, thiết bị ngành hàng không, đồng thời có thể làm thay đổi kéo dài lịch trình, đường bay của các chuyến bay…
https://nhadautu.vn/co-phieu-hang-khong-cat-canh-cung-loi-nhuan-d85692.html