CTCP Chứng khoán MB (HNX: MBS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2024 với những con số sơ lược ấn tượng như doanh thu hoạt động đạt gần 805 tỷ, tăng gần 50% so với cùng kỳ. Tuy nhiên sau khi ra BCTC cổ phiếu đã phản ứng ngay tức thì khi giảm với khối lượng cao nhất lịch sử với biên giảm hơn 5%. Vậy đằng sau BCTC của MBS mà nhà đầu tư phản ứng đến vậy? Hãy cùng mình phân tích trong bài viết bên dưới.
Doanh thu của một công ty chứng khoán chủ yếu đến từ 3 mảng: Tự doanh, môi giới và cho vay margin. MBS cũng không đứng ngoài xu hướng đó. Với tỷ trọng các mảng trên doanh thu đóng góp tỷ trọng lần lượt: Tự doanh 45%, môi giới 16%, cho vay margin 33%.
Nhìn vào xu thế của tỷ trọng chúng ta cũng có thể thấy được tự doanh và cho vay margin là hai mảng mà MBS chú tâm phát triển khi tỷ trọng của hai mảng đều chiếm một tỷ trọng cao trong cơ cấu doanh thu và đều đang có xu hướng tăng dần. Trong khi tỷ trọng doanh thu từ mảng môi giới đang ngày càng thu hẹp lại.
Chúng ta sẽ đi sâu phân tích vào 3 mảng trên để có cái nhìn tổng quan.
1.Mảng tự doanh
Đầu tiên là mảng tự doanh. Động lực chính của mảng tự doanh trong quý vừa qua đến từ các khoản lãi từ giấy tờ có giá là các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL đạt 286 tỷ đồng cao gấp 11 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên đây chỉ đơn thuần là những chứng chỉ tiền gửi của MB Bank. Cổ đông lớn nhất của MBS.
Nói về tự doanh chúng ta thường liên tưởng đến mua bán cổ phiếu. Nhưng thực tế MBS không nắm giữ cổ phiếu quá nhiều. Tỷ lệ cổ phiếu/tổng tài sản chưa đến 1%.
Tài sản tài chính của MBS nắm giữ đến hiện tại chủ yếu đến từ giấy tờ có giá và trái phiếu niêm yết những tài sản không quá rủi ro và mang đến dòng tiền đều. Cho nên để nói về sự đột biến từ mảng này hay kỳ vọng cho thời gian tới thì chắc chắn sẽ không mà chỉ là những khoản lợi tức đều đặn.
2. Mảng môi giới
MBS đã ghi nhận doanh thu từ mảng này đạt 133 tỷ đồng trong quý 3/2024, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí môi giới tăng mạnh lên tới 114 tỷ đồng, chiếm 85% doanh thu môi giới, làm cho biên lợi nhuận của mảng này sụt giảm đáng kể.
Thị phần của MBS liên tục sụt giảm từ năm 2023 cho đến nay từ 5% xuống còn 4.5%. Mặc dù con số không có sụt giảm mạnh như VPS hay VND. Xu thế thị phần đang ngày càng thu hẹp khi miếng bánh vẫn như vậy nhưng ngày càng có nhiều công ty chứng khoán khác thâm nhập thị trường với mức lãi suất cho vay và những chính khác rất hấp dẫn thu hút thị phần.
Tuy nhiên phải duy trì thị phần trong mảng môi giới này thì mới có dư địa để cho vay margin. Đây là mảng kinh doanh mang lại động lực tăng trưởng chính cho giá cổ phiếu của MBS trong thời gian vừa qua. Cho nên việc mất thị phần như vậy sẽ là vấn đề rất đáng lưu tâm.
3.Mảng margin
Hiện tại, MBS đã chạm mức dư nợ 9.800 tỷ đồng, gần đạt giới hạn 200% so với vốn chủ sở hữu hơn 5.408 tỷ đồng. Chứng tỏ dư địa cho vay Margin của MBS trong thời gian tới sẽ không còn nhiều room để duy trì tăng trưởng. Tăng trưởng dư nợ cho vay cũng đang có sự sụt giảm liên tục từ quý 1 cho đến nay.
Lợi suất cho vay margin của MBS vẫn đang duy trì khoảng 10-11% trong những quý gần đây, là lợi suất trung bình của các công ty chứng khoán.
Tổng kết lại ta có thể thấy rằng:
Với báo cáo kết quả kinh doanh vừa công bố của MBS thì có thể đánh giá số liệu chỉ ngang ở mức ổn, nhưng nó cho chúng ta những góc nhìn về sự khó khăn của doanh nghiệp phải đối mặt và áp lực duy trì sự tăng trưởng trong thời gian tới.
Mảng tự doanh chủ yếu là tự doanh chứng chỉ tiền gửi, an toàn ổn định.
Mảng môi giới thị phần về đúng khả năng của MBS, xu hướng gần đây vẫn giảm mặc dù không mạnh
Mảng cho vay margin vẫn đang dậm chân tại chổ. Dư nợ và lợi suất cho vay vẫn không tăng.
Và với những số liệu đó mình đánh giá rằng tương lai sẽ không còn nhiều sự kỳ vọng quá lớn đến từ MBS