Cổ phiếu ngành Dệt May cơ hội tăng tốc cuối năm khi Bangladesh bất ổn kéo dài

, , ,

Sản xuất ngành dệt và trang phục của Việt Nam tiếp tục phục hồi tốt. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 9/2024, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 0,1% so với tháng 8/2024 và tăng 11,2% so với tháng 9/2023.

Tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số ngành dệt tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Tháng 9/2024, chỉ số sản xuất trang phục của cả nước giảm 2,5% so với tháng 8/2024, nhưng tăng 19,7% so với tháng 9/2023. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất trang phục của cả nước tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn so với mức 8,4% trong 8 tháng và 6,2% trong 7 tháng…

Chỉ số sản xuất ngành dệt, may của Việt Nam tháng 9 năm 2024, Nguồn: Tổng cục Thống kê

Xuất khẩu dệt may cải thiện

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam đạt 2,98 tỷ USD, giảm 26,5% so với tháng 8/2024, nhưng tăng 16,0% so với tháng 9/2023.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 27,34 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023 cho thấy hoạt động xuất khẩu ngành dệt may đang cải thiện tích cực, khi tốc độ tăng trưởng ngày càng mở rộng so với những tháng đầu năm.

Trong đó, những thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng; thị trường ASEAN, Nga, Canada… đang là điểm sáng tiềm năng để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may; tuy nhiên xuất khẩu sang EU vẫn chậm.

Nhập khẩu nguyên liệu tăng nhanh

Trong tháng 9/2024, nhập khẩu nguyên phụ liệu của ngành dệt may Việt Nam đạt 2,34 tỷ USD, giảm 0,73% so với tháng 8/2024 song tăng tới 15,49% so với tháng 9/2023.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành dệt may ước đạt hơn 20,38 tỷ USD, tăng 14,71% so với 9 tháng đầu năm 2023 và tăng 13,25% so với cùng kỳ năm 2019.

Đây cũng là thời điểm, trị giá nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may các loại của cả nước tăng cao nhất trong nhiều tháng qua. Trong đó, nhập khẩu các nguyên phụ liệu đều tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái, riêng nhập khẩu bông tăng nhẹ 2,32%.

Nhập khẩu NPL dệt may của Việt Nam 9 tháng đầu năm 2024, Nguồn: Tổng cục Thống kê

Thời điểm hiện tại, tín hiệu đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may trong nước khá tích cực. Việt Nam là nước duy nhất trong bốn quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới có thị phần tăng trưởng ở các quốc gia.

Trong đó, thị trường Hoa Kỳ tăng từ 17,6% lên 18,3%; châu Âu tuy nhập khẩu dệt may giảm khoảng 5,5% nhưng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn giữ được thị phần ở thị trường này khoảng 4,4%, …

Dự báo, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam tiếp tục cải thiện trong những tháng cuối năm và đầu năm 2025, nhờ yếu tố chu kỳ, đơn hàng dồi dào.

Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đang hồi phục tốt, riêng EU vẫn còn yếu.

Bangladesh chưa thể ổn định ngay

Ngày 22/10, người biểu tình ở Bangladesh đã tiến hành bao vây Dinh Tổng thống tại thủ đô Dhaka yêu cầu Tổng thống Mohammed Shahabuddin từ chức.

Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng chính trị, an ninh tại quốc gia Nam Á bắt đầu từ hồi tháng 7, mà đỉnh điểm là việc cựu Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và rời khỏi đất nước.

Người biểu tình Bangladesh bao vây Dinh Tổng thống tại Dhaka chiều 22/10 đòi Tổng thống Mohammed Shahabuddin từ chức (The Hindu)

Những người biểu tình đã đứng bên ngoài khu dinh thự và bắt đầu hô vang khẩu hiệu yêu cầu Tổng thống Shahabuddin từ chức.

Người biểu tình cáo buộc Tổng thống hiện tại là bạn thân của chính phủ độc tài Hasina. Và vì thế, ông ta phải từ chức ngay lập tức.

Ngoài yêu cầu Tổng thống Shahabuddin từ chức, Phong trào Sinh viên Chống phân biệt đối xử còn đòi bãi bỏ Hiến pháp được viết vào năm 1972 và kêu gọi viết một bản Hiến pháp mới trong bối cảnh năm 2024.

Phong trào sinh viên còn kêu gọi cấm Tổ chức Sinh viên Bangladesh Chatra League của đảng Liên đoàn Awami của cựu Thủ tướng Hasina.

Những người biểu tình còn cho rằng các cuộc bầu cử được tổ chức vào năm 2014, 2018 và 2024 dưới thời chính quyền Hasina phải bị tuyên bố là bất hợp pháp và các thành viên Quốc hội giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử này phải bị loại bỏ.

Góc nhìn Simplize

Quá trình chuyển giao quyền lực tại Bangladesh có thể diễn ra không dễ dàng trước hàng hoạt yêu cầu mới của giới sinh viên nước này.

Chính phủ lâm thời tỏ ra chưa đủ sức dàn xếp bất ổn, tranh chấp của các đảng phái trong xã hội. Qua đó tạo cơ hội rất lớn với Việt Nam vươn lên chiếm lĩnh thị phần của ngành dệt may toàn cầu.

Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam liên tục báo lãi

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam 9 tháng 2024 ước đạt 32,2 tỷ USD, tăng 8,18% so cùng kỳ 2023.

Tính riêng trong quý III/2024, con số này đạt 12,6 tỷ USD cho thấy hoạt động xuất khẩu của ngành được cải thiện tích cực khi tốc độ tăng trưởng ngày càng mở rộng so với những tháng đầu năm.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực…

Theo báo cáo sơ bộ 9 tháng đầu năm 2024 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam – Vinatex (Mã: VGT), kết quả kinh doanh có dấu hiệu tích cực hơn so với năm trước.

Số liệu tài chính của cổ phiếu VGT – Nguồn: Simplize

Dù doanh thu hợp nhất chỉ tăng 2% so với cùng kỳ 2023, đạt 13.036 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế lại tăng tới 70%, đạt 490 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2024 của Vinatex đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong quý III/2024, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) ghi nhận 2.358 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu tài chính của cổ phiếu TNG – Nguồn: Simplize

Báo cáo của Công ty CP Chứng khoán BIDV cho biết, lãnh đạo TNG tự tin đạt 7.900 tỷ đồng đến 8.000 tỷ đồng doanh thu năm 2024, lợi nhuận sau thuế dự kiến ở mức 310 tỷ đồng.

Báo cáo cũng cho biết, lượng đơn hàng của TNG đã lấp đầy công suất sản xuất đến hết năm 2024 nhờ sự hợp tác với các khách hàng quen thuộc như Decathlon, Asmara, Haddad, Sportmaster…

Công ty Cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (Mã: TCM) vừa cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay, doanh thu công ty mẹ đạt gần 2.927 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 226 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 38% so với cùng kỳ. Qua đó, hoàn thành 76% kế hoạch doanh thu và 136% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.

Số liệu tài chính của cổ phiếu TCM – Nguồn: Simplize

Tính riêng trong quý 3/2024, công ty mẹ Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu đạt 1.179 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 89 tỷ đồng, lần lượt tăng 31% và 65% so với cùng kỳ năm trước.

Các doanh nghiệp dệt may đang đặt nhiều hy vọng giá đơn hàng sẽ được cải thiện, từ đó các doanh nghiệp này sẽ có hiệu quả tích cực hơn so với năm trước.

Năm 2024, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD. Với những tín hiệu tích cực của thị trường, mục tiêu nêu trên có thể đạt được.

Tôi cho rằng tình hình bất ổn chính trị tại các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn như Bangladesh (45 tỷ $) và Myanmar (5 tỷ $) có thể kéo dài hơn dự kiến, qua đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Tuy nhiên về cơ hội đầu tư trong ngành lại không nhiều, định giá của các doanh nghiệp dệt may lớn như TCM, MSH, TNG đều không hấp dẫn (P/B ~ 2 lần).

So sánh cổ phiếu – Nguồn: Simplize

Hơn nữa các doanh nghiệp lớn này vẫn đơn thuần gia công sản phẩm may mặc, chưa có doanh nghiệp nào thành công trong việc phát triển thương hiệu thời trang riêng (không xứng đáng để trả giá cao hơn).

Với các doanh nghiệp có định giá hấp dẫn hơn như VGG thì lại không có thanh khoản.

So sánh cổ phiếu – Nguồn: Simplize

Do đó tôi cho rằng ngành dệt may không phù hợp với số đông nhà đầu tư cá nhân.

Thay vào đó ngành này sẽ thích hợp cho những nhà đầu tư trading ngắn hạn theo sóng ngành tăng trưởng trong giai đoạn 2024 – 2025.